Các thói quen gắn mình
vào một khuôn mẫu phản ứng nhất định, vào một chuỗi các hành động nhất định,
cách đánh giá nhất định về con người và sự việc… diễn ra nhờ các dòng suy
nghĩ liên tưởng. Từ những đối tượng, các quan điểm, hoàn cảnh và con người mà
chúng ta gặp, tâm chúng ta lựa chọn một số dấu hiệu nổi bật nhất định và gắn
liền dấu hiệu này với các phản ứng của mình với chúng. Khi gặp lại đối tượng
ấy, hoàn cảnh ấy, đầu tiên chúng sẽ liên kết với các dấu hiệu được lựa chọn
trước kia, và truy ra phản ứng đầu tiên hay phản ứng mạnh nhất của mình
từ những lần gặp gỡ trước. Vì vậy, những dấu hiệu này trở thành
tín hiệu để phóng thích ra một kiểu phản ứng cố định, có thể bao gồm
cả chuỗi dài các hành động và suy nghĩ liên quan quen thuộc qua những trải
nghiệm lặp lại nhiều lần trước kia.
Cách thức vận hành như thế này khiến chúng
ta không cần thiết phải có những cố gắng mới hay khó nhọc suy xét mỗi bước đi
trong cả chuỗi phản ứng ấy. Kết quả là một cuộc sống bị đơn giản hóa rất nhiều,
cho phép con người dành năng lượng cho những công việc khác. Thực ra, trong quá
trình tiến hóa của con người, suy nghĩ liên tưởng là một bước tiến hóa vô cùng
quan trọng. Nó cho phép chúng ta học hỏi từ những kinh nghiệm, từ đó dẫn
đến những phát hiện mới về các quy luật nhân quả, cũng như việc áp dụng
chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích này, suy
nghĩ liên tưởng cũng mang lại rất nhiều nguy hiểm nghiêm trọng nếu được áp dụng
sai lầm, bất cẩn và không được kiểm soát cẩn thận. Chúng ta hãy liệt kê một
phần danh sách những nguy hiểm của nó:
1. Suy nghĩ liên tưởng, tái
diễn lại nhiều lần trong những tình huống tương tự, có thể dễ dàng kéo dài vô
tận và củng cố thêm những quan sát sai trái hoặc không đầy đủ ban đầu, những
đánh giá sai lầm và định kiến cảm xúc như yêu, ghét, ngã mạn…
2. Sự quan sát không đầy đủ và
cách nhìn, đánh giá hạn hẹp đủ để xử lý một tình huống nhất định
nào đó, lại là không đủ và đưa đến những hệ lụy nghiêm trọng nếu áp dụng một
cách máy móc trong những tình huống khác.
3. Do suy nghĩ liên tưởng bị định
hướng sai, chúng ta có thể cảm thấy rất ghét một sự việc, một nơi chốn hay một
người nào đó đơn giản chỉ vì nó gợi lại một kinh nghiệm không thích thú mà trên
thực tế chẳng có liên quan gì đến kinh nghiệm đó cả.
Những trường hợp trên cho thấy một điều rất
quan trọng là thỉnh thoảng chúng ta phải suy xét kỹ những lối mòn suy nghĩ của
mình, xem lại những thói quen và những phản ứng rập khuôn xuất phát từ lối
mòn ấy. Nói cách khác, chúng ta phải bước ra khỏi lối mòn của mình, có lại cái
nhìn trực tiếp về sự việc và đánh giá lại những thói quen của mình
dưới cái nhìn đó.
Nếu nhìn lại danh sách những nguy hiểm tiềm
tàng do dòng suy nghĩ liên tưởng tự do mang lại, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn lời
Đức Phật thúc giục chúng ta tiếp cận đến ngọn nguồn của kinh nghiệm. Trong bài
kệ “Hang Đá” rất ngắn gọn và sâu sắc trong kinh tập Suttanipāta, Đức Phật nói:
“hiểu biết xuyên thấu những cảm nhận giác quan (phassa - xúc) sẽ
khiến con người giải thoát khỏi tham” và “hiểu biết về tưởng tri (saññā-quá
trình nhận thức kinh nghiệm), con người sẽ vượt qua được luân hồi” (vv.778ff.).
Bằng cách thiết lập chánh niệm như một người gác cửa ở ngay chỗ suy nghĩ xâm
nhập vào tâm, chúng ta sẽ kiểm soát được những kẻ xâm nhập một cách dễ dàng
hơn, và ngăn không cho những kẻ không có phận sự bước vào. Nhờ vậy,
sự thanh tịnh của “tâm sáng suốt” sẽ được duy trì để chống lại “những
phiền não ngẫu nhiên” xâm nhập tâm (AN1:51).
Kinh Tứ Niệm Xứ (satipatthāna
sutta) mang đến một phương pháp hệ thống để mang lại cái nhìn trực tiếp,
mới mẻ và trung thực. Phương pháp thực hành này làm việc với toàn bộ nhân cách
con người, về mọi phương diện tinh thần và thể chất, bao gồm toàn bộ thế giới
kinh nghiệm[9] của người đó.
Phương pháp quán chiếu với nhiều loại đề mục khác nhau trên chính bản thân mình
(ajjhattai-nội xứ) và trên người khác (bahiddhā- ngoại xứ), thay
đổi qua lại giữa nội xứ và ngoại xứ sẽ làm bộc lộ những quan niệm sai lầm do
định hướng sai dòng suy nghĩ liên tưởng và áp dụng sai những suy luận dựa trên
sự giống nhau.
Những loại suy nghĩ liên tưởng sai lầm,
theo thuật ngữ Phật học, là do bốn loại điên đảo tưởng (vipallāsa)
hay cách nhận thức sai lầm:
1. Thấy vô thường là thường
2. Thấy khổ là lạc
3. Thấy vô ngã là ngã
4. Thấy bất tịnh là tịnh
Những tà kiến này sanh khởi thông qua sự nhận
biết sai lầm về các đặc tướng của mọi sự việc. Dưới ảnh hưởng của các cảm xúc
và nhận thức sai lầm, chúng ta nhận biết sự việc một cách phiến diện, sai trái,
và sai lầm khi gắn liền chúng với những quan niệm khác. Bằng cách ghi nhận
thuần túy mọi sự nhận thức và các cảm nhận giác quan, dần dần chúng ta sẽ giải
thoát chúng khỏi những nhận thức sai lầm đó, và tiến bước vững chắc tới
sự nhận thức trực tiếp về mọi sự việc như chúng đang là.