Tuesday, December 22, 2015

Tịnh chỉ

Để khai mở một cách hoàn toàn và không bị chướng ngại các tiềm năng trong tâm, cần phải có sự tác động của hai động lực bổ sung cho nhau là: kích hoạt và chế ngự. Hai động lực cần thiết này đã được công nhận bởi Đức Phật, người hiểu biết tâm vĩ đại. Ngài dạy rằng tấn căn (viriy’indriya-năng lực tinh tấn, cố gắng) và định căn (samādh’indriya-năng lực tập trung và ổn định tâm) cần phải giữ cân bằng và có sức mạnh tương đương với nhau. Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy, trong Thất giác chi (bojjhanga: bảy chi phần dẫn đến giác ngộ), có ba giác chi làm khuyến khích, phát khởi tâm (tinh tấn, trạch pháp và hỷ giác chi), và ba giác chi khác có tác dụng làm bình ổn, ổn định tâm (khinh an, định và xả giác chi). Trong cả hai trường hợp: trong Ngũ căn và trong Thất giác chi, chánh niệm không những chỉ theo dõi sự cân bằng giữa chúng mà còn kích hoạt những giác chi hay những căn lờ đờ, thụ động và kiềm chế bớt những căn hoạt động quá tích cực. 
Chánh niệm, mặc dù bản chất có vẻ như là thụ động, song thực ra lại là một động lực kích hoạt. Nó làm cho tâm trở nên tỉnh giác, và tỉnh giác là một điều không thể thiếu trong tất cả mọi hành động có chủ đích. Trong phần này, chúng ta chủ yếu chỉ đề cập đến sức mạnh chế ngự của chánh niệm. Chúng ta sẽ khảo sát cách thức chánh niệm tháo gỡ những nút mắc (trong tâm) và xả ly, và cách nó hỗ trợ một cách tích cực để phát triển các phẩm chất tâm cần thiết cho sự giác ngộ như thế nào.
Khi thực hành ghi nhận thuần túy, chúng ta trụ vững ở vị trí của người quan sát, ngay giữa những đòi hỏi ồn ào của thế giới bên ngoài và bên trong nội tâm. Chánh niệm có sức mạnh tịnh chỉ, có khả năng làm chậm lại hành động và sử dụng phanh hãm để chặn đứng sự can thiệp vội vàng, ngăn chặn sự đánh giá phán xét, tạm dừng để quan sát các sự kiện và suy xét về chúng một cách có trí tuệ. Nó cũng làm chậm lại sự bốc đồng, vội vàng của các suy nghĩ, lời nói và hành động. Tịnh chỉ và dừng chặn, tạm dừng và làm chậm – đó là những thuật ngữ chủ đạo của chúng ta khi nói về tác động tiết chế và thu thúc của ghi nhận thuần túy.

Trong lời dạy của Đức Phật, nơi “chấm dứt của vạn sự” thực sự là Niết Bàn, được gọi là “sự tịnh chỉ của các hành” (sankhārānam vūpasamo) – nghĩa là nơi chấm dứt cuối cùng. Nó cũng được gọi là “sự đoạn diệt” (nirodha). “Vạn sự” hay “các hành” ở đây có nghĩa là những hiện tượng vô ngã và bị tạo tác (do nhân duyên tạo thành) ăn sâu bén rễ từ vô minh và ái dục. Sự chấm dứt của các hành đạt được khi có sự chấm dứt của “sự tạo thành”, nghĩa là sự chấm dứt của mọi hành động tạo nghiệp, vốn tạo ra thế giới của chúng ta. Nó chính là “nơi chấm dứt của thế gian”, chấm dứt đau khổ, mà Đức Phật đã tuyên bố là không thể đạt đến bằng cách đi, bằng cách di chuyển, mà chỉ có thể tìm thấy ở trong chính bản thân chúng ta. 

Nơi thế gian chấm dứt đó được báo trước bởi mỗi hành động tịnh chỉ, chặn đứng và tạm dừng có chủ ý. “Tịnh chỉ” (giữ yên, làm yên lặng) theo nghĩa tột cùng là chặn đứng sự tích lũy của nghiệp, tránh xa sự dính mắc vô tận với những thứ phù du, chế ngự việc liên tục đắm mình thêm vào những mớ bong bong luân hồi – vòng sanh tử lặp đi lặp lại. Bằng con đường chánh niệm, rèn luyện chính mình để tịnh chỉ, giữ yên và tạm dừng với thái độ ghi nhận thuần túy, chúng ta nói không với sự thúc ép của thế gian luôn đòi hỏi chúng ta phải thuận chiều theo tham, sân. Chúng ta tự bảo vệ chính mình khỏi những đánh giá, phán xét mê mờ và vội vàng; chúng ta kiềm chế không lao mình vào vòng xoáy của những hành động can thiệp với tất cả mọi hiểm nguy cố hữu của nó.
Người giữ mình đừng can thiệp thì mọi chỗ đều an toàn.

                                     (Tăng Chi Bộ kinh Sn v.953).