Thursday, December 24, 2015

Tính tự động

Thói quen tạm dừng một cách chánh niệm trước khi hành động không loại bỏ các phản ứng tự động theo thiện pháp. Ngược lại, thông qua luyện tập, việc thực hành tạm dừng, chặn đứng và giữ yên để ghi nhận thuần túy sẽ trở thành tự động. Nó sẽ tiến triển thành một cơ chế chọn lựa của tâm, mà khi các phản ứng trở nên ngày càng chắc chắn và nhanh lẹ hơn, sẽ có thể ngăn chặn sự bộc phát của các động lực bất thiện và thiếu trí tuệ. Nếu không có những kỹ năng như thế, thì mặc dù về mặt tri thức chúng ta có thể nhận ra những động lực đó là bất thiện, nhưng vẫn phải chịu thua trước sức mạnh của thói quen. Do đó, thực hành tạm dừng một cách chánh niệm sẽ thay thế các thói quen bất thiện bằng những thói quen thiện, đặt nền tảng trên sự hiểu biết trí tuệ và những tác ý cao thượng.

Cơ thể con người có một số phản xạ tự động để tự bảo vệ, cũng như thế tâm cũng cần có một cơ chế tự động để tự bảo vệ về mặt tinh thần và đạo đức. Sự thực hành ghi nhận thuần túy sẽ cung cấp chức năng sống còn này. Một người có tiêu chuẩn đạo đức trung bình thì theo bản năng, anh ta sẽ tránh những suy nghĩ trộm cắp và giết người. Với sự trợ giúp của phương pháp ghi nhận thuần túy, phạm vi tự động kiềm chế ấy sẽ được mở rộng ra rất nhiều và nền tảng đạo đức của chúng ta được nâng cao đáng kể.

Trong một cái tâm không tu tập, các xu hướng tâm cao thượng và những suy nghĩ đúng đắn thường bị tấn công bởi những cơn bột phát bất ngờ của cảm xúc và thành kiến. Hoặc là chúng ta sẽ đầu hàng, hoặc là ra quyết định một cách khó khăn sau khi đã đấu tranh quyết liệt trong tâm. Song nếu các hành động bất thiện tự động được kiểm soát hoặc bị suy giảm đáng kể, thì các động lực tốt và suy nghĩ trí tuệ (như lý tác ý) sẽ có cơ hội để xuất hiện và tự thể hiện một cách tự do và tự động. Dòng chảy tự nhiên của nó sẽ khiến chúng ta tự tin hơn về sức mạnh của cái tốt trong mình; và cũng có sức thuyết phục hơn đối với người khác. 

Cái tốt tự động này không phải là thất thường, bởi nó đó đã có gốc rễ sâu chắc từ sự tu tập trước đó. Đây chính là phương pháp tu tập để từ đó những tâm thiện hữu trợ (sasankhārika-kusala-citta: tâm thiện cần có sự thúc đẩy của bên ngoài để khởi lên) được chuyển đổi thành các tâm thiện vô trợ (asankhārika-kusala-citta: tâm thiện khởi lên không cần thúc đẩy từ bên ngoài). Theo Vi Diệu Pháp, những suy nghĩ như vậy, nếu có trí tuệ đi kèm, sẽ đứng đầu trong thang giá trị đạo đức. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu bằng thực tế câu nói trong cuốn Bí mật Hoa Vàng“Khi một người với chủ ý đạt đến được trạng thái không còn chủ ý, người đó đã có sự hiểu biết”. Câu này tương tự như câu Pali: sasankhārena asankhārikam pattabbam, “Với sự tinh tấn hữu trợ có chủ ý, sự tự động (trong thiện pháp) sẽ đạt được”.


Ngay cả khi rất nhiều phương pháp trợ giúp con đường phát triển tâm linh và giải thoát trong kinh điển được đem ra áp dụng một cách khôn khéo, cũng không có phương pháp nào thực sự so sánh được với thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna); và thiền Tứ Niệm Xứ này bắt đầu một cách đơn giản bằng sự thực hành giữ yên và dừng chặn để ghi nhận thuần túy.