Các thói quen gắn mình
vào một khuôn mẫu phản ứng nhất định, vào một chuỗi các hành động nhất định,
cách đánh giá nhất định về con người và sự việc… diễn ra nhờ các dòng suy
nghĩ liên tưởng. Từ những đối tượng, các quan điểm, hoàn cảnh và con người mà
chúng ta gặp, tâm chúng ta lựa chọn một số dấu hiệu nổi bật nhất định và gắn
liền dấu hiệu này với các phản ứng của mình với chúng. Khi gặp lại đối tượng
ấy, hoàn cảnh ấy, đầu tiên chúng sẽ liên kết với các dấu hiệu được lựa chọn
trước kia, và truy ra phản ứng đầu tiên hay phản ứng mạnh nhất của mình
từ những lần gặp gỡ trước. Vì vậy, những dấu hiệu này trở thành
tín hiệu để phóng thích ra một kiểu phản ứng cố định, có thể bao gồm
cả chuỗi dài các hành động và suy nghĩ liên quan quen thuộc qua những trải
nghiệm lập lại nhiều lần trước kia.
Cách thức vận hành như thế này khiến chúng
ta không cần thiết phải có những cố gắng mới hay khó nhọc suy xét mỗi bước đi
trong cả chuỗi phản ứng ấy. Kết quả là một cuộc sống bị đơn giản hóa rất nhiều,
cho phép con người dành năng lượng cho những công việc khác. Thực ra, trong quá
trình tiến hóa của con người, suy nghĩ liên tưởng là một bước tiến hóa vô cùng
quan trọng. Nó cho phép chúng ta học hỏi từ những kinh nghiệm, từ đó dẫn
đến những phát hiện mới về các quy luật nhân quả, cũng như việc áp dụng
chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích này, suy
nghĩ liên tưởng cũng mang lại rất nhiều nguy hiểm nghiêm trọng nếu được áp dụng
sai lầm, bất cẩn và không được kiểm soát cẩn thận. Chúng ta hãy liệt kê một
phần danh sách những nguy hiểm của nó:
1. Suy nghĩ liên tưởng, tái
diễn lại nhiều lần trong những tình huống tương tự, có thể dễ dàng kéo dài vô
tận và củng cố thêm những quan sát sai trái hoặc không đầy đủ ban đầu, những
đánh giá sai lầm và định kiến cảm xúc như yêu, ghét, ngã mạn…
2. Sự quan sát không đầy đủ và
cách nhìn, đánh giá hạn hẹp đủ để xử lý một tình huống nhất định
nào đó, lại là không đủ và đưa đến những hệ lụy nghiêm trọng nếu áp dụng một
cách máy móc trong những tình huống khác.
3. Do suy nghĩ liên tưởng bị định
hướng sai, chúng ta có thể cảm thấy rất ghét một sự việc, một nơi chốn hay một
người nào đó đơn giản chỉ vì nó gợi lại một kinh nghiệm không thích thú mà trên
thực tế chẳng có liên quan gì đến kinh nghiệm đó cả.
Những trường hợp trên cho thấy một điều rất
quan trọng là thỉnh thoảng chúng ta phải suy xét kỹ những lối mòn suy nghĩ của
mình, xem lại những thói quen và những phản ứng rập khuôn xuất phát từ lối
mòn ấy. Nói cách khác, chúng ta phải bước ra khỏi lối mòn của mình, có lại cái
nhìn trực tiếp về sự việc và đánh giá lại những thói quen của mình
dưới cái nhìn đó.
Nếu nhìn lại danh sách những nguy hiểm tiềm
tàng do dòng suy nghĩ liên tưởng tự do mang lại, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn lời
Đức Phật thúc giục chúng ta tiếp cận đến ngọn nguồn của kinh nghiệm. Trong bài
kệ “Hang Đá” rất ngắn gọn và sâu sắc trong kinh tập Suttanipāta, Đức Phật nói:
“hiểu biết xuyên thấu những cảm nhận giác quan (phassa - xúc) sẽ
khiến con người giải thoát khỏi tham” và “hiểu biết về tưởng tri (saññā-quá
trình nhận thức kinh nghiệm), con người sẽ vượt qua được luân hồi” (vv.778ff.).
Bằng cách thiết lập chánh niệm như một người gác cửa ở ngay chỗ suy nghĩ xâm
nhập vào tâm, chúng ta sẽ kiểm soát được những kẻ xâm nhập một cách dễ dàng
hơn, và ngăn không cho những kẻ không có phận sự bước vào. Nhờ vậy,
sự thanh tịnh của “tâm sáng suốt” sẽ được duy trì để chống lại “những
phiền não ngẫu nhiên” xâm nhập tâm (AN1:51).
Kinh Tứ Niệm Xứ (satipatthāna
sutta) mang đến một phương pháp hệ thống để mang lại cái nhìn trực tiếp,
mới mẻ và trung thực. Phương pháp thực hành này làm việc với toàn bộ nhân cách
con người, về mọi phương diện tinh thần và thể chất, bao gồm toàn bộ thế giới
kinh nghiệm[9] của người đó.
Phương pháp quán chiếu với nhiều loại đề mục khác nhau trên chính bản thân mình
(ajjhattai-nội xứ) và trên người khác (bahiddhā- ngoại xứ), thay
đổi qua lại giữa nội xứ và ngoại xứ sẽ làm bộc lộ những quan niệm sai lầm do
định hướng sai dòng suy nghĩ liên tưởng và áp dụng sai những suy luận dựa trên
sự giống nhau.
Những loại suy nghĩ liên tưởng sai lầm,
theo thuật ngữ Phật học, là do bốn loại điên đảo tưởng (vipallāsa)
hay cách nhận thức sai lầm:
1. Thấy vô thường là thường
2. Thấy khổ là lạc
3. Thấy vô ngã là ngã
4. Thấy bất tịnh là tịnh
Những tà kiến này sanh khởi thông qua sự nhận
biết sai lầm về các đặc tướng của mọi sự việc. Dưới ảnh hưởng của các cảm xúc
và nhận thức sai lầm, chúng ta nhận biết sự việc một cách phiến diện, sai trái,
và sai lầm khi gắn liền chúng với những quan niệm khác. Bằng cách ghi nhận
thuần túy mọi sự nhận thức và các cảm nhận giác quan, dần dần chúng ta sẽ giải
thoát chúng khỏi những nhận thức sai lầm đó, và tiến bước vững chắc tới sự nhận
thức trực tiếp về mọi sự việc như chúng đang là.
Động
tâm – cảm giác về sự khẩn cấp
Người có nhận thức trực tiếp và trong sáng,
khi khởi lên cảm giác khẩn cấp (động tâm) từ những sự việc gây xúc động sâu
sắc, sẽ kinh nghiệm một sự giải phóng năng lượng và lòng can đảm, giúp anh ta
vượt qua được sự do dự, e dè và những thông lệ cứng nhắc trong cuộc sống
và suy nghĩ. Nếu cảm giác động tâm về sự khẩn cấp ấy được duy trì, nó
sẽ đem đến nhiệt tâm và lòng kiên trì, bền bỉ cần phải có cho công
việc giải thoát. Do đó các vị trưởng lão thời xưa đã nói:
Chính
thế gian này là trú xứ của các hành động của chúng ta.
Đạo
lộ cao thượng sẽ được mở ra từ nơi đó,
Cùng
bao nhiêu thứ để phá vỡ lòng tự mãn.
Hãy
động tâm với những gì đáng động tâm,
Khi
đã động tâm, hãy gắng sức một cách trí tuệ và chiến ðấu!
Môi trường xung quanh chúng ta đầy rẫy
những điều để khởi lên động tâm. Nếu chúng ta không nhận ra được điều đó, là
bởi vì thói quen đã làm cho cái nhìn của chúng ta mê mờ, si muội và trái tim ta
chai lì, không còn nhạy cảm nữa.
Ngay cả đối với những lời dạy của Đức Phật, điều như vậy cũng xảy ra với
chúng ta. Lần đầu gặp Phật Pháp, về cảm xúc và tri thức chúng ta cảm thấy vô
cùng hoan hỷ và nhiệt tâm; nhưng dần dần niềm hoan hỷ đó mất dần động lực và sự
mới mẻ ban đầu. Giải pháp là chúng ta phải thường xuyên làm mới nhiệt tâm ấy
bằng cách quay lại với cuộc sống tràn đầy xung quanh mình, cuộc sống ấy đang
khắc họa Bốn Chân lý cao thượng với những biến tấu đầy mới mẻ. Một sự
nhận thức trực tiếp sẽ mang đến dòng máu mới cho thậm chí đến cả những
kinh nghiệm thường tình nhất trong cuộc sống hàng ngày, để bản chất thực của
chúng hiện lên xuyên qua màn sương mờ ảo của thói quen và nói cho chúng ta bằng
một giọng nói mới mẻ. Nó có thể là hình ảnh một người ăn mày quen thuộc ở
góc phố mỗi ngày, một đứa trẻ đang khóc hay một người bạn ốm đau. Những
hình ảnh đó làm cho chúng ta giật mình tỉnh thức, khiến chúng ta phải suy nghĩ
và khởi lên cảm giác khẩn cấp phải quyết tâm bước đi trên đạo lộ giải thoát khổ
đau.
Chúng ta đều đã biết câu chuyện thái tử Siddhattha (Tất-Đạt-Đa) lần đầu
nhìn thấy cảnh đau, già, bệnh, chết trên đường ra ngoài thành du ngoạn, sau một
thời gian dài trong cuộc sống nhung lụa cách xa thực tế khổ đau. Câu chuyện này
có thể hoàn toàn có thật, bởi chúng ta biết rằng trong cuộc sống của rất
nhiều con người vĩ đại, một sự việc thường tình có thể mang một ý nghĩa
quan trọng và dẫn đến những hệ quả to lớn vượt ra khỏi hình ảnh tầm thường của
sự việc. Những tâm hồn vĩ đại tìm thấy ý nghĩa ở những việc tưởng chừng
như rất tầm thường và từ những phút giây thoáng qua ấy đem đến những tác động
lớn lao.
Song dù không đặt vấn đề hoài nghi sự thật đằng sau câu chuyện
cổ ấy, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng thái tử trẻ tuổi đã
từng chính mắt thực sự nhìn thấy cảnh người già, bệnh, chết trước đó. Tuy
nhiên, trong tất cả những dịp trước, ngài không cảm thấy động tâm sâu sắc trước
những hình ảnh đó - cũng giống như hầu hết chúng ta, trong mọi lúc cũng vậy. Sự
thiếu nhạy cảm đó có thể là do cuộc sống được bao bọc quá cẩn thận, đầy vui thú
dục lạc của hoàng cung, một cuộc sống tách biệt khỏi thế giới thực tế bên ngoài
mà vua cha đã sắp đặt. Chỉ khi thoát ra khỏi chiếc lồng vàng của các thói quen
dễ dãi đó thì thực tế khổ đau mới có thể khiến ngài động tâm đến mức
như thể được nhìn thấy lần đầu tiên trong đời. Chỉ khi đó trong tâm ngài mới
khởi lên cảm giác về sự khẩn cấp, đưa ngài rời bỏ cuộc sống gia đình và dấn
bước trên con đường tìm cầu giác ngộ.
Khi tâm thức và trái tim chúng ta đáp ứng lại sự thật của khổ hiện diện trong
những sự kiện bình thường của kiếp sống càng rõ ràng và sâu
sắc bao nhiêu, thì chúng ta càng đỡ phải học lại những bài học giác
ngộ của mình và hành trình luân hồi càng ngắn lại bấy nhiêu. Sự rõ ràng của
nhận thức kích hoạt hành động đáp ứng của chúng ta đến từ sự nhận thức trực
tiếp không bị chệch hướng, có được từ ghi nhận thuần túy (sati-chánh
niệm); và chiều sâu của kinh nghiệm đến từ sự suy xét trí tuệ
hay là sự tỉnh giác (sampajañña).
Con
đường tới trí tuệ
Nhận thức trực tiếp cũng là một đặc tính chủ yếu của phương pháp thực hành
thiền tuệ. Nó được định nghĩa là tu tuệ - trí tuệ trực tiếp hay trí tuệ dựa
trên kinh nghiệm thực tế thu được từ thiền tập – để phân biệt với trí tuệ thu
được từ tư duy (tư tuệ) và kiến thức (văn tuệ). Trong khi thực hành thiền tuệ,
các tiến trình thân-tâm của thiền sinh được quán sát một cách trực tiếp, không
có sự can thiệp của các khái niệm trừu tượng hay thông qua lăng kính đánh giá
sai lầm của các cảm xúc. Bởi vì trong trường hợp này, chúng chỉ che mờ hoặc
ngụy trang các sự việc thực tế, làm giảm bớt tác động trực tiếp của thực
tế. Việc sử dụng khái niệm (gồm cả ngôn ngữ) để khái quát hóa các kinh
nghiệm thì rất ích lợi nếu dùng đúng chỗ; nhưng nếu chúng làm gián đoạn việc
thực hành ghi nhận thuần túy, chúng sẽ có xu hướng “gạt qua một bên” hoặc loại
bỏ những dữ kiện thực tế, bằng cách nói: “Ôi dào,
chỉ thế thôi mà, chẳng có gì cả”. Các suy nghĩ khái quát hóa như vậy
thường rất thiếu kiên nhẫn với những sự việc lập đi lập lại, sau khi đã
phân loại sự việc đó, nó sẽ cảm thấy rất nhanh chán.
Ghi nhận thuần túy, tuy nhiên lại là công cụ chủ chốt của thiền tuệ,
bám chắc vào các dữ kiện thực tế. Nó theo sát sự sanh diệt của các
tiến trình thân tâm tiếp nối nhau. Mặc dù tất cả các sự kiện trong
cả một chuỗi có thể cùng một thể loại như nhau (chẳng hạn hơi thở
vào-ra), song ghi nhận thuần túy coi mỗi sự kiện như là một sự kiện riêng rẽ,
khác biệt và cẩn thận ghi nhận sự sanh và diệt riêng rẽ của chúng. Nếu chánh
niệm được duy trì tỉnh thức, sự quán sát lập đi lập lại này được nhân lên
và gây ra tác động mạnh lên tâm chúng ta. Ba đặc tướng – vô thường, khổ, vô ngã
– của các tiến trình thân tâm đang được quan sát sẽ hiển lộ ra ngày một rõ nét
hơn. Chúng sẽ xuất hiện ngay chính trong ánh sáng chiếu rọi từ bản thân các
tiến trình ấy, chứ không phải là thứ ánh sáng vay mượn;
thậm chí cũng không phải là ánh sáng vay mượn từ Đức Phật, bậc đạo sư vô thượng
soi đường chỉ lối của chúng ta.
Những tiến trình thân tâm này, với “ánh sáng
tự thân” của chúng, sẽ đem đến một cảm giác khẩn cấp ngày càng tăng
cho thiền sinh: nỗi khiếp sợ luân hồi, sự nhàm chán (đối với các hành đang sanh
diệt) và sự ý thức về nguy hiểm (của sự sanh diệt thân tâm, của luân
hồi), theo sau đó là sự xả ly, xuất ly – mặc dù tất nhiên đi kèm theo đó, những
cảm giác hỷ lạc, hạnh phúc và bình an sẽ có mặt trong lúc thực hành.
Khi tất cả mọi nhân duyên, điều kiện trưởng thành trong nội tâm đã được đầy đủ,
nhận thức trực tiếp đầu tiên của giác ngộ giải thoát sẽ đến với bậc thánh Tu Đà
Hoàn (sotāpanna)[10] với hiểu biết rõ
ràng, không chút hồ nghi: “Bất cứ cái gì sanh lên, sẽ phải diệt
mất”.
Như vậy, trong sự khai mở sức mạnh của chánh niệm, thiền Tứ Niệm
Xứ đã tự khẳng định mình là hiện thân đích thực của Pháp Bảo,
một trong ba ngôi quý báu trên thế gian mà đã được tuyên bố:
“Pháp Bảo do Đức Thế Tôn khéo thuyết là pháp thiết thực hiện tiền, vượt
khỏi thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ những người có
trí mới tự mình giác hiểu”.