Ba cách tăng cường năng lực tâm linh nêu
trên rõ ràng có tầm quan trọng hàng đầu cho sự phát triển tuệ giác.
Khi tâm đã được tăng cường sức mạnh, phạm vi của đề mục và cấu trúc quan
hệ nhân duyên đã được làm rõ, sân chơi đã được dọn sẵn để “nhìn mọi
sự việc như chúng đang là”. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động trực tiếp,
tiến trình theo ba cách này còn có tác động gián tiếp không kém phần quan trọng
và mạnh mẽ: nó tăng cường và mài sắc trí nhớ, trực giác và khả năng sắp
xếp-tổ chức trong tiềm thức.
Điều này lại nuôi dưỡng và thúc đẩy quá trình
tăng trưởng tuệ giải thoát (tăng thượng tuệ). Cũng giống như ví dụ cái hồ trong
núi mà Đức Phật nói trong kinh: không những được làm đầy bởi nước suối chảy
vào, mà còn được làm đầy bởi những mạch nước ngầm dưới đáy hồ. Tuệ giác được
nuôi dưỡng “ngầm bên dưới” từ trong tiềm thức này có gốc rễ rất sâu. Những
thành quả thiền tập do nó mang lại không dễ dàng mất đi, ngay cả đối với
những con người phàm phu chưa đắc đạo – những người có khả năng còn bị rơi
trở lại.
1. Những sự nhận thức hoặc suy nghĩ là
đối tượng chú ý liên tục sẽ có tác động mạnh mẽ hơn lên tâm và bộc lộ
những đặc tính của chúng một cách rõ nét hơn. Do đó, sau khi chìm xuống vô
thức, chúng sẽ chiếm giữ một vị trí đặc biệt ở đó. Điều này
đúng đối với cả ba cách tăng cường sức mạnh của tâm khi nhận thức một đối
tượng.
.
a. Trong một tiến trình
tâm, nếu sự chú ý trong giai đoạn cuối cũng mạnh như ở giai đoạn đầu, thì
khi tiến trình kết thúc và tâm chìm lại vào vô thức, nó sẽ dễ dàng
thuận theo sự kiểm soát của hữu thức hơn.
b. Nếu một ấn tượng giác quan
hay một ý tưởng được đánh dấu bởi nhiều đặc tính rõ nét, thì sau khi khuất bóng
khỏi quá trình nhận thức hiện tại, nó sẽ không dễ dàng mất đi
trong kho vô thức mờ tối hoặc bị lôi kéo theo các định kiến cảm xúc để tạo nên
những liên tưởng sai lầm trong vô thức.
c. Tương tự, sự nhận thức
đúng đắn các quan hệ nhân duyên của đối tượng sẽ bảo vệ không để nó tan lẫn với
những chất liệu mơ hồ trong vô thức. Các suy nghĩ và nhận thức với cường độ
mạnh và rõ nét, sau khi chìm vào vô thức, vẫn rõ nét hơn và dễ tiếp cận hơn
những ấn tượng giác quan mờ nhạt và “còi cọc”. Nó sẽ dễ dàng được
chuyển đổi thành hữu thức đầy đủ và sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với tâm,
từ sâu đằng sau hậu trường. Nếu, thông qua sự tiến bộ về chất lượng và
phạm vi của chánh niệm, số lượng những ấn tượng giác quan đủ độ chín
như vậy được tăng lên, kết quả sẽ là sự thay đổi vi tế ở trong chính cấu trúc
của vô thức.
2. Xét theo những gì chúng ta đã trình
bày ở trên, rõ ràng là những ấn tượng giác quan mà chúng ta gọi là “đủ độ
chín” hay “dễ tiếp cận và chuyển đổi” ấy sẽ được nhớ lại một cách dễ dàng và
chính xác hơn. Dễ dàng bởi vì các ấn tượng giác quan ấy có cường độ mạnh, chính
xác bởi vì những đặc tính bộc lộ rõ nét bảo vệ chúng khỏi bị những
suy tưởng và những hình ảnh liên tưởng bóp méo. Ghi nhớ chúng trong hoàn cảnh
và các mối quan hệ nhân duyên cụ thể sẽ phát huy tác dụng theo cả hai cách: làm
tăng cường khả năng nhớ lại một cách chính xác hơn và dễ dàng hơn. Do đó, chức
năng chú ý, ghi nhận của chánh niệm (sati) sẽ giúp tăng cường chức năng
thứ hai của nó là ghi nhớ.
3. Ảnh hưởng của sự chú ý liên tục lên
tiềm thức và trí nhớ sẽ làm sâu sắc và củng cố thêm khả năng trực giác của
thiền sinh, đặc biệt là trí tuệ trực giác – điều chúng ta quan tâm chính ở đây.
Trực giác không phải là một món quà cho không, biếu không. Cũng như các khả
năng tâm linh khác, nó sanh khởi lên từ những nhân duyên, điều kiện nhất định.
Trong trường hợp này, nhân duyên chủ yếu là bộ nhớ lưu trữ những suy nghĩ và nhận
thức trong tiềm thức. Hiển nhiên, những ký ức là mảnh đất màu mỡ để trưởng
dưỡng trực giác phải là những ký ức có cường độ mạnh, rõ nét và có nhiều đặc
tính khác biệt; bởi vì đó là những ký ức dễ tiếp cận nhất. Ở đây cũng vậy,
mối quan hệ nhân duyên của đối tượng nhận thức được lưu trữ trong ký ức có đóng
góp rất lớn.
Những hồi ức loại này có tính liên kết lớn hơn những sự kiện riêng
rẽ, rời rạc và mơ hồ; và chúng sẽ tham gia tạo dựng những hình thái ý nghĩa mới
một cách dễ dàng hơn. Những hình ảnh hồi ức rõ ràng này sẽ là những
nhân tố kích thích và trợ giúp mạnh mẽ cho trực giác. Trong
những tầng sâu kín của vô thức, công việc thu thập và tổ chức vật liệu: bao gồm
tri thức và kinh nghiệm nhận thức, vẫn tiếp tục diễn ra một cách thầm lặng cho
đến khi nó chín muồi và nổi lên thành trực giác. Sự bùng nổ trực
giác ấy đôi khi bắt nguồn từ những sự kiện hết sức thường tình. Tuy nhiên, mặc
dù có vẻ là thường tình, song những sự kiện đó lại có khả năng liên
tưởng, kết nối mạnh nếu trước đó chúng đã là đối tượng của sự chú ý liên tục.
Công năng làm chậm và tạm dừng của ghi nhận thuần túy sẽ làm bộc lộ những chiều
kích sâu sắc của những sự việc đơn giản trong cuộc sống đời thường, và do đó
cung cấp tác nhân kích thích cho trực giác phát triển.
Điều này cũng được áp dụng với trí tuệ trực
giác chứng nghiệm chân lý Tứ Thánh Đế (bốn sự thật cao thượng:
khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ, và sự đoạn diệt khổ), mà đỉnh cao
là sự giải thoát hoàn toàn (arahatta). Trong kinh điển ghi lại nhiều
trường hợp các vị Tăng và Ni không thể đạt được trí tuệ trực giác khi thực hành
thiền. Tia chớp trực giác đôi khi chợt đến với họ trong những hoàn cảnh rất
khác nhau: khi vấp chân phải hòn đá hay lúc nhìn thấy một đám cháy rừng, khi
bắt gặp hình ảnh một đám bọt trên sông. Ở đây chúng ta thấy lại một điều khẳng
định câu nói dường như rất mâu thuẫn là: “với chủ ý, đạt đến trạng thái
không còn chủ ý”. Với chủ ý đưa toàn bộ ánh sáng chánh niệm soi chiếu
từng hành động và sự việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, cuối cùng trí tuệ
giải thoát sẽ sanh khởi.
Sự chú ý liên tục không chỉ cung
cấp mảnh đất màu mỡ cho trực giác phát triển, mà còn giúp chúng ta tận
dụng tốt hơn và thậm chí có thể tái lặp lại những khoảnh khắc trực giác
ấy. Nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo khác nhau đều phàn nàn
giống nhau về một kinh nghiệm là: tia chớp trực giác xuất hiện quá đột
ngột và biến mất quá nhanh đến nỗi phản ứng chậm chạp của tâm không kịp nắm bắt
được nó. Nhưng khi tâm đã được huấn luyện tạm dừng để quan sát, làm chậm lại và
chú ý liên tục, và nếu vô thức được tác động như đã nói ở trên, thì khoảnh
khắc trực giác sẽ trở nên hoàn chỉnh hơn, chậm rãi và mạnh
mẽ hơn. Trong trường hợp đó, tác động của nó sẽ đủ mạnh và rõ ràng, cho
phép chúng ta tận dụng đầy đủ khoảnh khắc trí tuệ trực giác ấy. Thậm
chí có thể kéo những xung động đang trên đà đi xuống lên tới đỉnh cao mới,
tương tự như những giai điệu nhạc trong một bài hát, khi đi xuống lại được hòa
âm lên cao, tiếp nối từ những nốt nhạc cuối cùng của giai điệu trước.
Tận dụng đầy đủ những khoảnh khắc trí
tuệ trực giác là điều quan trọng mang tính quyết định đối với sự tiến bộ
của thiền sinh trên đường tới đạo quả giác ngộ. Nếu như sự nắm bắt của thiền
sinh quá yếu, để những khoảnh khắc trí tuệ trực giác thoáng qua ấy trôi qua mà
không tận dụng triệt để cho công việc giải thoát, thì chúng có
thể sẽ không đến lại cho đến nhiều năm sau đó, hoặc có thể không
còn đến lại trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, khả năng duy trì
sự chú ý liên tục sẽ cho phép chúng ta tận dụng triệt để những cơ hội
như thế, và việc tạm dừng và làm chậm (mọi phản ứng-để quan sát) trong thiền
tập là công cụ quan trọng để đạt được khả năng ấy.
Qua sự phân tích về sự tạm dừng, làm chậm
và giữ yên, một trong những định nghĩa truyền thống về chánh niệm trong kinh
điển Pali sẽ trở nên dễ hiểu hơn, ý nghĩa sâu xa của nó trở nên rõ ràng
hơn: đó là chức năng anapilāpanatā, nghĩa đen là “không nổi trên
bề mặt, không trượt đi”, “Giống như một cái vò đất trên mặt nước”, như chú
giải nói. “Chánh niệm thể nhập sâu vào đề mục, thay vì lướt đi vội vàng,
qua loa trên bề mặt của nó”. Do đó, “không hời hợt, nông cạn” là một cách hiểu
đúng đắn về thuật ngữ đó, và đó cũng là một đặc tính thiết yếu của chánh niệm.