Hiện tượng bông
cải xanh là một ví dụ rất tiêu biểu về đức tính mềm dẻo của tâm, mà trong khóa
tu nào tôi cũng được nghe báo cáo đều đặn. Có lẽ là đa số thiền sinh tham dự
khoá tu đều không ưa gì món bông cải xanh Bạn có thể là một trong những số
người ấy. Món súp dọn cho bữa ăn chiều đầu tiên lợn cợn đầy những hạt bông cải.
Bạn có thể nghĩ: “Không chắc là mình sẽ cảm thấy hạnh phúc ở đây. Hy vọng đây
là món bông cải cuối cùng mà họ cho ăn.” Rồi bạn bắt đầu thực tập chánh niệm,
ngồi yên trong một khoảng thời gian, và những thời gian khác bạn đi chậm rãi.
Khi ngồi bạn chú ý đến hơi thở, và khi đi bạn chú ý đến bàn chân.
Tâm bạn bắt
đầu lắng yên xuống. Bữa ăn sáng không có vấn đề gì. Không có trứng chiên, không
có bánh ngọt, không có món gì thú vị cả, nhưng cũng không sao. Rồi tới bữa ăn
trưa. Một nồi súp hầm thật to hiện ra, đủ mọi thứ rau, kể cả bông cải xanh. Và
dọn chung với cơm. “Thôi rồi, phải làm sao đây? Không lẽ lại ăn cơm không. Như
vậy thì đói chết. Hay là mình chan súp lên cơm rồi ngồi lựa bông cải xanh bỏ
sang một bên? Cầu trời cho họ đừng làm vậy nữa!”
Nhưng họ lại
làm vậy nữa! Và tâm bạn trong khoá tu dành hết thì giờ cho vấn đề bông cải
xanh:
“Họ tìm những
người nấu bếp này ở đâu ra vậy?”
“Khi về nhà
tôi sẽ mua tặng họ một số sách dạy nấu ăn ngon!”
“Rủi như có
người nào bị dị ứng với bông cải xanh thì sao?
“Có lẽ mình
phải viết thư cho người nấu bếp, có lẽ là họ không biết...”
“Tôi dám cuộc
là trong hóa đơn đi chợ của nhà bếp chỉ có món bông cải xanh là món chánh!”
“Nếu như họ
nhất định phải dọn món bông cải xanh, thì tại sao họ không nấu thành một món
riêng, tại sao lại trộn chung tất cả như vậy!”
Ngày qua,
những bữa ăn đi qua, và giữa những cơn dông tố nổi lên trong vấn đề bếp núc ấy,
bạn tiếp tục thực tập. Rồi tâm bạn cũng dần dần được chút tĩnh lặng hơn. Ngồi
thiền, kinh hành, theo dõi hơi thở, bước chân - giờ này sang giờ kia, dần dần,
trong khi bạn bận rộn tập trung, tâm bạn tự nó trở nên phẳng lặng hơn. Điều đó
xảy ra một cách đều đặn, không nổi bật, nên nhiều khi bạn không ngờ là nó đang
xảy ra.
Nhưng nếu thực
tập chánh niệm mà chỉ để giải quyết vấn đề bông cải xanh thôi thì đâu có giá
trị gì mấy. Thực tập chánh niệm còn giúp ta đối phó với những “bông cải xanh”
của cuộc đời, những nỗi đau không tránh được ở thân và những sự tuyệt vọng
trong tâm, chúng luôn là nền tảng những kinh nghiệm của chúng ta.
Mục đích của
sự thực tập không phải để ta cuối cùng sẽ vĩnh viễn tránh được những nỗi đau
đớn trong cuộc đời. Chuyện đó không thể xảy ra. Và cũng không phải để ta không
còn biết thương ghét nữa, vì chúng chỉ là những phản ứng tự nhiên đối với cuộc
sống. Chánh niệm sẽ giúp tâm ta được an tĩnh, để ta có thể nhìn thấy sự việc
sáng suốt và đáp ứng một cách minh triết với cuộc đời.
Đối với tôi
thì dường như có những ngày tôi có nhiều tuệ giác hơn những ngày khác. Mức độ
tuệ giác của tôi là một phản ảnh của năng lượng chánh niệm, hơn là tùy thuộc
vào hoàn cảnh chung quanh. Tâm ta khi được an tĩnh sẽ có những quyết định sáng
suốt hơn.
Uyên Chi là
người đầu bếp trong những khóa thiền mà tôi hướng dẫn, kể cho tôi nghe về lời
khuyên chị ta học được từ cô giáo dạy lớp ba của chị. Chị ta rất ghét môn toán,
và cô giáo bảo: “Em nghe đây, em sẽ phải sử dụng môn toán này vào mọi việc
trong đời sống hằng ngày, cho đến trọn đời. Em không thể tránh nó. Vậy thì tại
sao lại không vui thích mà làm có hơn không!”
Tôi cũng muốn
tiếp theo lời của cô ta: “Và chúng ta cũng sẽ phải kinh nghiệm một vài thứ
“bông cải xanh” nào đó trong cuộc sống hằng ngày, cho đến trọn đời.” Có những
cái nhỏ nhoi, không đáng kể, nhưng cũng có những cái vô cùng khó khăn.
Chị Uyên Chi
không dùng nhiều bông cải xanh trong các món ăn. Mà cho dù có đi chăng nữa, tôi
cũng không có vấn đề nào hết. Tôi thích bông cải xanh. Món cần tây mới là vấn
đề của tôi!
Bữa ăn chiều
Sau đây là
những lời hướng dẫn thêm về thiền tập trong khi ăn. Bạn đã biết về những cách
thực tập như là: nhìn vào món ăn, ngửi nó, nếm nó, và ăn thật chậm rãi. Bài tập
trong bữa ăn trưa có việc chú ý đến những cảm thọ khi ăn (dễ chịu, khó chịu hay
trung hòa), và ý thức về những phản ứng trong tâm thức (ngon quá... chà... ghê
quá...). Và bữa ăn chiều này, chúng ta hãy thực tập đem ý thức bao gồm luôn
lãnh vực thứ tư của chánh niệm: ý thức về tự tánh của kinh nghiệm, tức về pháp.
Bạn hãy đọc
qua những hướng dẫn này trước, rồi thực tập theo. Ngồi yên trước món ăn của
mình trong vòng đôi ba phút trước khi ăn. Ghi nhận cho thật chính xác cái gì
xảy ra khiến ta khởi sự ăn. Đó là một hành động có chủ ý, vì vậy phải có một
điều gì xảy ra trước đó. Điều đó là gì? Điều gì đã xảy ra ngay trước giây phút
đó? Và điều gì xảy ra ngay sau đó? Ghi nhận rằng bạn nhai một lúc rồi mới nuốt.
Điều gì quyết định việc khi nào bạn sẽ nuốt? Đó là một tư tưởng chăng? Một cảm
giác ở thân chăng? Việc nuốt thức ăn xảy ra như thế nào?
Điều gì quyết
định việc khi nào bạn sẽ múc một muỗng, hay gắp một đũa thức ăn kế tiếp? Gắp
thức ăn là một hành động có chủ ý, vì vậy phải có một điều gì đó xảy ra
trước.Điều đó là gì? Việc gì xảy ra nếu bạn đang gắp món ăn, sắp đưa vào miệng
thì dừng lại, và để lại trên đĩa?
Bạn có thể ghi
nhận được chính xác giây phút mà bạn cảm thấy hết đói không? Cái đói ấy đi đâu?
Bạn có thất vọng không? Hãy ghi nhận, nếu thức ăn hết trước khi cơn đói hết,
bạn có thất vọng không?
Đây chỉ là
những hướng dẫn tổng quát. Và nếu bạn thật sự quán chiếu trong bữa ăn của mình
cho thật sâu sắc, bạn có thể khám phá chân lý ngay trong bữa ăn chiều, cũng như
ở bất cứ một nơi nào khác.