Monday, December 7, 2015

GIẢI VỀ PHÁP BỐ THÍ

Dānaṃ nāma iti lakkhaṇāni cāgacetanānañca viratidānañca deyyadhamma dānañcātīti.

Giải rằng: Sự bố thí có ba tướng là:
1.- Tác ý dứt bỏ đem cho (Cāgacetanādāna).
2.- Lấy của ra, đem cho (Viratidāna).
3.- Vật cho (Deyyadhammadāna).

- Tác ý dứt bỏ đem cho là nói về những người có đức tín trong sạch, tính đem của ra cho.
- Lấy của đem cho chỉ về người có đức tin trong sạch, có sự Hổ thẹn (Hiri), và Ghê sợ tội lỗi (Ottappa), tránh xa 5 điều oan trái (Pañca vera), tức là không sát sanh, không trộm cắp, vân vân...
- Vật cho, là nói về cơm, nước, y phục, v.v...

Cả 3 phép Cho ấy phát sanh trong tâm người, đều nuơng theo Trí tuệ chân chánh và tâm không tham lam (Alobha).

GIẢI RẰNG:
Người có Trí tuệ xét thấy tội phước, lợi ích, vô ích, nghĩa là hiểu rằng: Bố thí, Trì giới, Tham thiền, vân vân... được phước hằng đem sự yên vui đến cho, như thế gọi là trí tuệ chân chánh. Người rõ rằng có tội, nghĩa là: sát sanh, trộm cướp, vân vân..., thì phải mang quả khổ, như vậy, gọi là trí tuệ chánh kiến. Nhờ có trí tuệ chánh kiến và tác ý không tham lam (Alobhacetanā), đều đủ cả 2 nhân đó rồi mới tính bỏ của ra, đem cho.

 Cho mà được phước nhiều là do 3 tác ý, là:
1.- Tác ý trong sạch đầu tiên, tính cho các vật dụng, nhất là cơm, nước (Pubbacetanā).
2.- Tác ý trong sạch trong khi đương cho (Muñcanacetanā).
3.- Tác ý trong sạch sau khi đã cho rồi (Aparāparacetanā), tâm thường vui thích.
Cả ba tác ý đó gọi là đều đủ Tác ý (Cetanā sampadā). Đều đủ vật dụng (Vatthusampadā) là nói về cơm, nước, thuốc men, chỗ ngủ mà thí chủ đã tìm được theo lẽ đạo, nghĩa là: không vì sát sanh, không vì trộm cắp được mà cho.

Thí chủ, người cho, có 2 chi:
1.- Đều đủ tác ý
2.- Đều đủ vật dụng.
Thọ chủ, người lãnh, có 2 chi:
1.- Quả đều đủ (Phalasampadā), tức là bậc A-la-hán.
2.- Đức đều đủ (Guṇātirekasampadā), tức là bậc mới xuất định.
Sự cho đều đủ cả 4 chi là: người cho hai chi, người thọ hai chi, thì được quả phước trong 7 ngày.
Lại nữa, sự cho đều đủ theo 6 chi, sẽ được nhiều phước là: tác ý cho về cá thể (Puggalika: riêng một thể) có 3 chi, tác ý cho về đoàn thể (Saṅgha: nhiều người kết hợp thành đoàn) có 3 chi.
Cá thể thí là (Paṭipuggalikadāna) cho theo ý muốn mình. Đoàn thể thí (Saṅghadāna) là dâng cúng đến Tăng.

Cá Thể Thí (Puggalikadāna), có 14 cách:
1.- Cho đến loài cầm thú.
2.- Cho đến người không có giới hoặc phá giới.
3.- Cho đến người có giới (Cư sĩ ).
4.- Cho đến Đạo sĩ
[2] (vì chán nản cuộc đời giả tạm mà tu).
5.- Dâng cúng đến 10 bậc Thánh nhân (từ bậc Tu-đà-hườn đạo, đến Đức Phật toàn giác).
Cá thể thí được nhiều phước, cần phải có đủ 6 chi, là: thí chủ, người cho có đủ ba tác ý. Thọ chủ, người lãnh, có tâm không tham, không sân, không si, hoặc có sự tinh tấn tu hành để dứt tham, sân, si.

Đoàn Thể Thí là dâng cúng đến 7 bậc Tăng:
1.- Dâng cúng đến Tỳ-khưu Tăng, Tỳ-khưu-Ni Tăng, có Đức Phật tọa chủ.
2.- Dâng cúng đến Tỳ-khưu-Ni Tăng có Phật tọa chủ.
3.- Dâng cúng đến Tỳ-khưu Tăng.
4.- Dâng cúng đến Tỳ-khưu-Ni Tăng.
5.- Xin thỉnh 1, 2, 3 vị Tỳ-khưu Tăng và Tỳ-Khưu-Ni Tăng.
6.- Xin thỉnh 1, 2, 3 vị Tỳ-khưu Tăng.
7.- Xin thỉnh 1, 2, 3 vị Tỳ-khưu-Ni Tăng.

Lại nữa người dâng đến Tăng đó, cần phải chú tâm hướng ngay về bậc Thánh Nhân, đừng tưởng đến phàm Tỳ-khưu. Khi đã thỉnh Tăng rồi, dầu được vị cao hạ hoặc thấp hạ hoặc Sa-di, cũng đừng bất bình buồn trách, phải giữ tâm bình đẳng, bực trung. Nếu bất bình buồn trách thì không gọi là Tăng thí.
Đoàn thể thí là phép Tăng thí được nhiều phước báu hơn.

Đức Phật có giảng thuyết đến Đại Đức Ānanda trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, trong dịp bà Gotamī, có tâm trong sạch, đem một cặp y dâng đến Đức Phật. Ngài không thọ lãnh, mà có tâm thương xót dạy bảo dâng cúng đến Tăng. Bà Gotamī, than khóc, đi tìm Đại Đức Ānanda. Ānanda mới vào bạch cầu xin Phật thọ cặp y. Đức Phật bèn giải rằng:
Này Ānanda! Tăng thí có phước nhiều hơn các sự thí, dầu là đến thời mạt pháp, chỉ còn có Gotrabhū Tăng, là Tăng chỉ có mang y theo tay hoặc buộc cổ, làm nghề ruộng rẫy, mua bán, có vợ con. Song các thí chủ có đức tin làm việc Tăng thí, đến thỉnh Tăng từ bốn vị trở lên, chủ tâm hướng đến Thánh Tăng, thì cũng gọi là Tăng thí, được nhiều phước báu, kể A-tăng-kỳ khó tưởng tượng được.

Này Ānanda! Ngươi cho 100 lần đến loài cầm thú cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến người phá giới.

Cho 100 lần đến người phá giới, cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến người có giới.
Cho 100 lần đến người có giới cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến bậc xuất gia trong sạch.
Cho 100 lần đến bậc xuất gia trong sạch cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc Tu-Đà-Hườn (Sotāpanna).
Cúng 100 lần đến bậc Tu-Đà-Hườn, cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc Tư-Đà-Hàm (Sakadāgāmi).
Cúng 100 lần đến bậc Tư-Đà-Hàm cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc A-Na-Hàm (Anāgāmi).
Cúng 100 lần đến bậc A-Na-Hàm, cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc A-La-Hán (Arahanta).
Cúng 100 lần đến bậc A-La-Hán cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến bậc Độc Giác Phật (Paccekabuddha).
Cúng 100 lần đến bậc Độc Giác Phật cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến đức Phật Toàn Giác (Sabbaññūbuddha).
Cúng 100 lần đến Đức Phật Toàn Giác, cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến Chư Tăng. Tăng thì có rất nhiều phước báu, như thế ấy.
Có lời hỏi rằng: Vì sao Tăng thí được phước nhiều hơn hết?
ĐÁP: Đức Thế Tôn xét thấy rằng, Tăng học hành tiếp nối nhau thọ trì Phật Pháp đến 5000 năm. Cớ ấy, Ngài mới giảng Tăng thí có nhiều phước báu.
Lại nữa, dâng đến Tăng thì hằng phổ thông đến tất cả Tỳ-khưu Tăng, từ đức Phật cho đến vị Tỳ-khưu và Sa-di mới xuất gia.

Phép thí lại chia có nhiều cách nữa là:
1.- Tài thí (āmisadāna): là cho của cải.
2.- Pháp thí (dhammadāna): là nói pháp cho người nghe.
3.- Thí theo Thời (kāladāna): là dâng y tắm mưa, y ca sa sau khi Chư Tăng ra hạ; thí của trong cơn đói kém; thí cơm gạo, trái cây mới có đầu mùa; thí thực phẩm đến người từ nơi xa mới đến, hoặc người sắp đi đường xa; đến Tỳ-khưu, Sa-di bịnh.
Về người thí, có chia ra làm ba hạng.

1.- Nô bộc thí (dānadāso), là hạng người tự mình dùng vật quí, đẹp mà đem những vật hèn mọn ra cho, cũng như cho kẻ tôi tớ. (Nô bộc thí thì kiếp sau được vật hèn mọn).

2.- Bằng hữu thí (dānasahāyo), là hạng người tự mình dùng vật thể nào, thì đem vật thể ấy ra cho. (Bằng hữu thí thì kiếp sau được vật bậc trung).

3.- Chủ thí (dānapati, dānasāmi, dānajeṭṭhaka) là hạng người tự mình dùng vật hèn mà đem vật quí ra cho. (Chủ thí thì kiếp sau được vật quí trọng).

Vấn: Cho được phước nhiều do cái chi?
Đáp: Do có Giới trong sạch, thí chủ là người cho có giới trong sạch, thọ chủ là người lãnh cũng có Giới trong sạch. Sự thí mà được phước nhiều, là nhờ thế lực của quả báu, nghĩa là: dâng cúng đến Tăng, cần phải chủ tâm tưởng đến 8 bậc Thánh.
Chư Phật thường giảng giải về phép Bố thí, Trì giới, Tham thiền vì sự Bố thí là nhân dứt lòng tham, Trì giới là nhân trừ giận, Tham thiền là nhân diệt si mê. Lại nữa, người Bố thí, Trì giới, Tham thiền, hãy nên mong mỏi thiêu hủy cái lòng tham, sân, si để chứng Niết-Bàn dập tắt đều thống khổ, nếu cầu được làm người, hoặc Trời thì hằng bị cái khổ sanh, già, đau, chết, trong vòng luân hồi, hết kiếp nầy sang kiếp khác, vô cùng vô tận.

Sự bố thí hằng đem quả vui trong cõi người là:
1.- Được làm bậc Chuyển Luân Vương (Cakkavattirāja) có 7 vật báu: voi báu, ngựa báu, xe báu, ngọc báu, nữ báu, tướng soái báu và tổng tài chánh báu.
2.- Được làm vị Hoàng Đế.
3.- Được làm bậc triệu phú gia.
4.- Được làm bậc nhà giàu.
5.- Được làm người no đủ.

Đức Giáo Chủ có giải về 5 quả báo của sự bố thí cho quan Thủ Tướng Sīha nghe rằng, thí chủ:
1.- Thường được quần chúng thương yêu.
2.- Thường được nhiều người thân cận.
3.- Thường được người và Chư thiên khen ngợi.
4.- Thường được quyền thế và nhiều kẻ tùy tùng.
5.- Thường không e sợ, có sự dạn dĩ trong chỗ hội họp.

Năm quả báo trên đây, hằng được thành tựu đến thí chủ trong đời nầy, do dứt lòng bỏn xẻn đem của ra cho.
Lại nữa, những người mong tìm đều yên vui trong cõi người, trời và Niết-Bàn, hãy nên làm việc Bố thí, sau khi mạng chung sẽ được thọ sanh trong nhàn cảnh.