1b- Trí hiểu rõ về
Thiện và căn bản của thiện.
Từ bỏ sát sanh là
thiện (pāṇātipātā veramaṇī kusalaṃ).
Chữ veramaṇī,
chữ vera có nghĩa là: sự thù nghịch, sự chống lại, veramaṇī nghĩa
đen của từ ngữ là “có ý chống lại”, nghĩa mở rộng là “kiêng cữ, tránh ra, từ
bỏ”, đồng nghĩa với veramaṇī là virati. .
Các Giáo thọ sư
có giải thích veramaṇī là “cố ý (cetanā) làm hư hoại tội lỗi, cố ý xua đuổi xấu
xa”, như:
Veraṃ manati
= viramaṇī: (cố ý ) xua đuổi tội lỗi, gọi là viramaṇī.
Hay: “Làm cho
không còn tội lỗi, gọi là viramaṇī”..
Theo văn phạm
Pāli thuộc ngôn ngữ xứ Magadha, thì viramaṇī biến đổi thành veramaṇī, có lẽ đây
là một hình thức đọc trại âm thường thấy.
Vì thế có người
tụng cả hai, tức là veramaṇī sikkhāpadaṃ hay viramaṇī sikkhāpadaṃ (nghĩa là:
Theo điều học là cố ý lánh xa).
Tóm lại, veramaṇī
(hay viramaṇī) là một từ khác chỉ chi cetanā.
Cetanā này được
đặt tên trên nền tảng tác ý (manasikāra), nếu tác ý đúng (yoni so manasikāra)
thì cetanā này sẽ lánh xa ác xấu, từ bỏ ác xấu, tiêu diệt ác xấu. Nếu tác ý
không đúng (ayoni so manasikāra) thì cetanā sẽ tạo ra ác xấu, tội lỗi.
Tác ý
đúng sinh khởi cetanā tốt, tác ý sai
sinh khởi cetanā xấu, tác ý đúng hay sai này nằm trong tâm Hướng ý môn
(manodvāravajjanacitta).
Chính tâm Hướng ý
môn làm duyên cho loại tâm đổng lực (javanacitta) thiện hoặc tâm đổng lực bất
thiện sinh lên [71]
(ở đây không đề cập đến những đổng lực duy tác của bậc Alahán).
Lại nữa, “cố ý
tránh xa tội lỗi, ác xấu” hàm ý dựa vào hai tâm sở “hổ thẹn tội lỗi (hiri) và
ghê sợ tội lỗi (ottappa)”. Chính hai pháp này giúp cho cetanā (cố ý) có nhiều
sức mạnh, không tạo ra bất thiện nghiệp, hay ác nghiệp.
Ba loại kiêng tránh (virati).
Bất cứ một loại
kiêng tránh nào, cũng phải đối điện với ác xấu, tội lỗi, ví như Thánh đạo phải
có Nípbàn làm đối tượng (cảnh) mới diệt trừ phiền não.
Đối diện với tội
lỗi, tâm không rơi vào tội lỗi mới gọi là kiêng tránh, còn không gặp tội lỗi
nên tâm không rơi vào ác xấu đó là lẽ đương nhiên.
Như “không gặp
vật quí nên không có tâm lấy trộm đó là lẽ đương nhiên, gặp vật quí của người
nhưng không có ý lấy trộm, đó là kiêng tránh”.
Không có cơ hội
gặp người khác, thì không thể rơi vào 4 ngữ ác là việc thường tình, khi gặp
người mà không nói nhãm, không nói dối... Đó là sự kiêng tránh.
Và từ điểm này
chúng ta mới thấy “lợi ích của sự sống nơi thanh vắng”, như lời Bậc Đạo
sư thường dạy.
a. Kiêng tránh do thói quen
(sampattavirati).
Chữ sampatta là
quá khứ phân từ của động từ sampāpuṇāti (saṃ + pa + ap + uṇā).
Động từ
sampāpuṇāti nghĩa là “đến nơi, gặp được”, nên sampatta nghĩa là “đã đến nơi, đã
gặp được”.
Từ ý nghĩa của
sampatta, có thể hiểu sự kiêng tránh này đã từng làm, đã từng thực hiện và đã
trở thành thói quen..
Một người có thói
quen không làm điều ác - bất thiện, khi đối diện với ác - bất thiện sẽ không vi
phạm vào ác - bất thiện.
Như Trưởng lão
MahāKassapa khi còn là thanh niên có tên Pippali không muốn lập gia đình, vì
trong tiền kiếp nhiều lần tu tập thiền tịnh, nên tâm thường hướng về ly dục,
nhưng cha mẹ ép nài chàng phải cưới vợ.
Để làm vui lòng
cha mẹ, chàng làm một tượng thiếu nữ rất xinh đẹp, cho tượng mặc áo đỏ và đeo
những vật trang sức, nói với cha mẹ rằng: “Nếu tìm được thiếu nữ nào như vầy,
con sẽ lấy nàng làm vợ”.
Mẹ chàng cho các
Bàlamôn mang pho tượng đi khắp nơi để tìm người giống như thế.
Ở Sāgala có nàng
Bhaddā giống hệt pho tượng mà thanh niên Pippali làm ra, các Bàlamôn đã tìm
thấy nàng Bhaddā.
Cũng như thanh
niên Pippali, nàng Bhaddā không muốn có chồng, cả hai viết thư cho nhau nói rõ
ý niệm của mình.
Hai người đưa
thư, gặp nhau giữa đường, đưa thư cho nhau coi, rồi đồng tình tráo thư với nội
dung ngược lại.
Do vậy, đám cưới
được cử hành, nhưng đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau một vòng hoa. Khi cha
mẹ mệnh chung, hai người quyết định xuất gia.
Sở dĩ có hiện
tượng trên là vì hai vị đã từng sống đời phạm hạnh bên nhau rất nhiều kiếp, nên
nay tuy phải làm đám cưới, nhưng hai vị vẫn giữ được sự trong sạch phạm hạnh.[72]
(Một ô nhiễm trong dục lạc như vầy
còn không có, thì nói gì đến sự vi phạm giới tà dâm nhỉ?) .
Bản Sớ giải kinh
Chánh tri kiến[73]
có nêu câu chuyện khác, tóm lược như sau:
Bồ tát Cakkana.
Bồ tát khi còn
lăn trôi trong luân hồi, có một kiếp Ngài có tên là Cakkana, mẹ của Ngài bịnh
nặng, thầy thuốc bảo phải tìm con thỏ còn sống, giết thỏ lấy máu hòa với thuốc
mới khỏi bịnh, anh của Cakkana bảo:
- Này Cakkana, em hãy đi ra rẩy, tìm
bắt thỏ mang về.
Vâng lời anh,
Cakkana đi ra rẩy, Cakkana bắt được con thỏ, nhìn thấy vẽ sợ hãi và van lơn của
thỏ. Bồtát suy nghĩ: “Thật không thích hợp cho ta khi phải giết một sinh mạng
để đổi lấy sự sống cho mẹ ta”. Và chàng đã thả con thỏ đi.
Khi trở về, người
anh hỏi: “Này Cakkana, em có tìm được thỏ không?”
Cakkana thuật lại
câu chuyện, người anh la mắng Cakkana, Cakkana đi vào nơi mẹ nằm, phát nguyện
rằng: “Từ khi tôi sinh ra đến giờ, tôi không từng giết hại một con vật nào, do
lời chân thật này xin cho mẹ tôi hết bịnh”.
Liền khi ấy, bịnh
của mẹ cậu thuyên giảm rồi dứt hẳn.
Lời phát nguyện trên
cho thấy “thói quen” của Cakkana là “không từng giết hại sinh vật nào”, nên
thấy thỏ run sợ chàng xúc động buông tha.
Cakkana là tiền
thân Bồ tát, Ngài thường có tâm từ bi với mọi chúng sinh, do thói quen này nên
Cakkana không từng sát hại sinh vật từ khi mới sinh ra cho đến lớn.
Lại nữa, một
người khi đối diện với điều ác xấu, do nghĩ đến danh dự cao quý của mình, hay
danh dự tốt đẹp của gia tộc nên không rơi vào ác, bất thiện.
Hoặc là, nghĩ đến
những hình phạt của vua quan, những quả báo đau khổ của ác, bất thiện nên khi
đối diện với ác, bất thiện sẽ tránh xa ác, bất thiện ấy.
Đây gọi là kiêng
tránh do thói quen.
b. Kiêng tránh do thọ trì (samādāna
virati).
Là sự kiêng tránh
do chấp nhận quy luật của một sinh hoạt tín ngưỡng, tương tự như sự chấp nhận
nội quy trường học của một học sinh hay sự chấp nhận quân luật của người binh
sĩ...
Sự chấp nhận
(samādāna) thọ trì học giới xuất phát từ tinh thần tự giác, đi chung với đức
tin.
Trong Phật giáo có bốn học giới như
sau:
- Học giới dành cho Tỳ khưu, gồm 227
điều. [74]
- Học giới dành cho Tỳ khưu ni, gồm
311 điều. [75]
- Học giới dành cho Sa di – Sa di ni
gồm mười giới và 75 Ưng học pháp.
Riêng học nữ (sikkhāmānā) là Sa di
ni muốn thọ giới Tỳkhưu ni, phải gìn giữ sáu giới (năm giới đầu của Sadi và
giới không ăn phi thời) trọn vẹn hai năm, không bị đứt đoạn.
Tức là ngoài Sa
di ni giới ra, sáu giới này không được vi phạm, giả như được một năm Sadi ni
này ăn phi thời, dĩ nhiên phải sám hối, nhưng một năm trôi qua kể như bỏ, phải
hành lại từ đầu.
- Học giới dành cho cận sự nam
- cận sự nữ, gồm 5 giới, 8 giới hay 10 giới.
Học giới trong
Phật giáo không chỉ đơn thuần là giới mà còn bao gồm cả định và tuệ.
“Sādhikamidaṃ, bhikkhave,
diyaḍḍhasikkhāpadasataṃ anvaddhamāsaṃ uddesaṃ āgacchati, yattha attakāmā
kulaputtā sikkhanti.
Tisso imā, bhikkhave, sikkhā
yatthetaṃ sabbaṃ samodhānaṃ gacchati. Katamā tisso?
Adhisīlasikkhā adhicittasikkhā
adhipaññāsikkhā. Imā kho, bhikkhave, tisso sikkhā, yatthetaṃ sabbaṃ samodhānaṃ
gacchati.
“Này các Tỳkhưu, bản đọc tụng này,
gồm hơn 150 học giới, cần phải đọc tụng nửa tháng một lần. Ở đây, các thiện nam
tử muốn được lợi ích, học tập bản đọc tụng ấy.
Này các Tỳkhưu, tất cả được thâu
nhiếp làm thành ba học giới. Thế nào là ba?
- Tăng thượng giới học, tăng thượng
tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học pháp này, này các Tỳkhưu thâu nhiếp
tất cả [76].
Và Đức Phật có
dạy:
Yampi, Pahārāda, mayā sāvakānaṃ
sikkhāpadaṃ paññattaṃ taṃ mama sāvakā jīvitahetupi nātikkamanti.
“- Này Pahārāda (Atula vương – Ns),
khi các học pháp được Như lai chế định cho các đệ tử, dù cho vì nhân mạng sống,
cũng không vượt qua” [77].
Sách Thanh tịnh
đạo có nêu ra 2 mẫu truyện như sau:
Trong rừng
Mahāvattani, có vị Trưởng lão bị bọn cướp bắt trói bằng dây leo màu đen rồi
chúng bỏ đi.
Sợi dây trói
không chắc lắm, nhưng vị Trưởng lão nằm đó trọn bảy ngày vì e ngại phạm vào
giới “làm hại thảo mộc” phạm vào Ưng đối trị (pācittiya là “làm hư hoại thiện
pháp”). Trong thời gian ấy, Ngài phát triển tuệ quán chứng quả Anahàm, mệnh
chung sinh về Phạm thiên giới.[78]
Bản sớ giải kinh
Chánh tri kiến có nêu ra câu truyện như sau:
Có một cận sự nam
thọ trì giới nơi Trưởng lão Piṅgala Buddharakkhita tại Tịnh xá Ambariya xong
rồi, ông ra đồng làm việc, đến trưa, ông tháo bò cho nó đi ăn và nghĩ trưa.
Khi thức giấc,
ông phát giác con bò của mình đã đi lạc, ông đi tìm bò. Do bất cẩn, ông bị con
trăn quấn quanh người, trên tay ông có cầm con dao bén, ông toan chém vào con
trăn nhưng chợt nhớ lại giới mình thọ trì, ông suy nghĩ “nếu ta cầm con dao
bén, khi bị trăn xiết mạnh, vì sợ chết ta có thể hạ sát con trăn”, rồi ông suy
nghĩ tiếp “nếu ta ném con dao ở gần, có thể ta sẽ nhặt lại để sát hại con trăn”.
Ông liền ném con
dao ra xa, rồi tưởng niệm đến giới mà mình đã thọ trì. Do sức mạnh của giới,
khiến con trăn tháo mình ra và ông được an lành.
c. Kiêng tránh do
đoạn trừ(samuccheda virati).
Là tuyệt đối
không còn vi phạm, do đã chứng đạt Nípbàn, nhổ lên tận gốc rễ (setughāta – phá
bỏ cây cầu), không có sự liên lạc với ác, bất thiện.
Như bậc Dự lưu
tuyệt đối không phạm vào ngũ giới, một tư tưởng sát hại chúng sinh, lấy của
không cho ... không hề khởi lên cho vị thánh Dự lưu.
Bậc Thánh Anahàm,
một tư tưởng hành dâm cũng không khởi lên, bậc Alhán một tư tưởng bất thiện
không hề có.
Trong ba loại
kiêng tránh, kiêng tránh do chấp nhận điều học (tức là giới tu tập) là quan
trọng nhất vì hiểu rõ lợi ích của giới.
Kiêng tránh do
đoạn trừ là giới thành tựu, giới thành tựu là kết quả của giới tu tập, vị ấy
không cần phí sức nhiều như giới tu tập.
Còn kiêng tránh
do thói quen có thể là loại tâm thiện không có trí, là bản năng tự nhiên, như
người xứ Bắc cưu lô châu (Uttarakurudīpa) gìn giữ giới một cách tự nhiên, nhưng
những người ở châu này không chứng đạo quả.
Chỉ có giới do
thọ trì, đưa bậc trí đến giải thoát khổ, vì hiểu rõ giới cùng lợi
ích của giới.
“Dussīlassa bhikkhave, sīlavipannassa hatūpaniso hoti
sammāsamādhi.
Sammāsamādhimhi asati sammāsamādhivipannassa hatūpanisaṃ
hoti yathābhūtañāṇadassanaṃ...
“Này các Tỳkhưu, với người ác giới,
với người phá giới (sīlavipannassa), chánh định nhân vậy bị phá hoại
(hatūpaniso).
Khi chánh định không có mặt, với
người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến nhân vậy bị phá hoại”...[79]
Lại nữa, sự thọ
trì giới được nghiêm túc là do nương vào đức tin, đức tin sung mãn thì giới sẽ
không hề bị vi phạm, trái lại đức tin yếu kém hay hạn hẹp, người này sẽ vi phạm
vào giới.
“...Saddhaṃ kulaputtaṃ nissāya
antojano pañcahi vaḍḍhīhi vaḍḍhati. Katamāhi pañcahi?
Saddhāya vaḍḍhati, sīlena vaḍḍhati,
sutena vaḍḍhati, cāgena vaḍḍhati, paññāya vaḍḍhati.
“...Dựa trên thiện nam tử có lòng
tin, các người trong gia đình lớn lên về 5 phương diện. Thế nào là năm?
Lớn lên về lòng tin, lớn lên về
giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về dứt bỏ, lớn lên về trí tuệ.” [80].
Đoạn kinh trên
cho thấy Đức Phật nêu lên lòng tin trước, khi lòng tin tăng trưởng thì giới
tăng trưởng.
Lại nữa, một
trong 5 tâm cứng rắn (cetokhila) là: “Nghi ngờ Học giới (sikkhāya kaṅkhati)”,
vị Tỳkhưu có tâm nghi ngờ Học giới sẽ không sẽ không trưởng thành, hưng thịnh
trong giáo pháp này [81].
Do đó, các Giáo
Thọ sư dạy rằng: “Sự thọ trì học giới do nương vào đức tin”.
2-Phân tích thiện nghiệp.
- Phân tích theo pháp (dhammato).
Ba thân thiện
nghiệp (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong dục lạc)
thuộc về thân, do tâm sở Tư điều sử dựa trên tác ý đúng.
Bốn ngữ thiện
nghiệp (không nói dối, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không nói nhãm
nhí) là ngữ, do tâm sở Tư điều sử dựa trên tác ý đúng.
Ba ý thiện nghiệp
(không đắm nhiễm, không sân và trí) thuộc về ý, do tâm sở Tư điều sử các tâm sở
phối hợp với nó, dựa trên tác ý đúng.
- Phân tích theo nhóm
(koṭṭhāsato).
Bảy thiện nghiệp
thuộc thân và ngữ là thiện, không phải là căn (mūla) thiện.
Ba ý thiện nghiệp
là pháp thiện lẫn căn thiện, ý không tham là căn vô tham (alobhamūlaṃ), ý không
sân là căn vô sân (adosamūlaṃ), chánh kiến là căn vô si (amohamūlaṃ).
- Phân tích theo đối tượng
(ārammaṇa).
Đối tượng của
thiện nghiệp tương tự như bất thiện nghiệp, chỉ khác là “không tạo ra ác, bất
thiện.
- Phân tích theo thọ (vedanāto).
Các thiện nghiệp này chỉ có hai thọ
là: lạc và xả, vì thiện nghiệp không có khổ thọ.
- Phân tích theo căn (mūlato).
Bảy thiện nghiệp
đầu: Nếu được làm bởi tâm thiện ly trí thì có hai căn là vô tham và vô sân.
Nếu làm với tâm
thiện có trí thì đủ ba căn là: Vô tham, vô sân và vô si.
Ý
không tham trong tâm thiện ly trí chỉ có một
căn là căn vô sân, trong tâm thiện có trí thì có hai căn là: vô sân và vô
si.
Vì “vô tham” nó
chính là căn, nó không thể đi chung với chính nó.
Ý
không sân trong tâm thiện ly trí, có một căn
là vô tham, trong tâm thiện có trí có hai căn: Vô tham và vô si.
Chánh
kiến có hai căn là: Vô tham – vô sân.
Ngoài ra, nếu
phân tích theo Tứ đế thì:
a- Bất thiện nghiệp.
Bảy bất thiện nghiệp đầu là khổ đế
trực tiếp.
Ý tham đắm (abhijjhā) là tập
đế trực tiếp.
Ý hiềm hận (byāpāda), ý tà kiến vừa
là khổ đế vừa là tập đế gián tiếp.
b- Thiện nghiệp.
Bảy thiện nghiệp đầu là khổ đế gián
tiếp.
Ý vô tham, ý vô sân vừa là khổ đế
gián tiếp vừa là tập đế gián tiếp.
Chánh kiến trong
tâm đạo là đạo đế, trong tâm hiệp thế vừa là khổ đế gián tiếp vừa là tập đế
gián tiếp.
Chánh kiến trong
tâm quả siêu thế là ngoại đế.
Diệt trừ ác, bất
thiện nghiệp là diệt đế (tạm thời).
Dứt
phần trí biết rõ về bất thiện và thiện.
-ooOoo-
[71]- Xem Quy Trình Tâm Pháp. (TK Chánh Minh biên soạn).
[72]- Thera, 94- Ngài MahāKassapa.
[73]- Đại Đức Thiện Phúc (d), Sớ giải kinh Chánh tri kiến.
[74]- Xem Luật phân tích Tỳkhưu.
[75]- Xem Luật phân tích Tỳkhưu ni- Đại Đức Giác Giới dịch.
[76]- HT. TMC (d), A.i, 232 , Pathamasikkhāsuttaṃ (Kinh Bản
đọc tụng thứ nhất).
[77]-HT. TMC (d), A.iv, 197. Pháp tám chi,
Pahārādasuttaṃ (Kinh Atula Pahārāda).
[78]- Vsm, 99.
[79]- HT. TMC (d), A.iii, 19. Pháp năm chi,
Dussīlasuttaṃ (Kinh Ác giới).
[80]- HT. TMC (d), A.iii, 44. Pháp năm chi,
Mahāsālaputtasuttaṃ (Kinh cây Sāla lớn).
[81]- M.i, kinh số 16- Cetokhilasuttaṃ ( kinh Tâm hoang vu).
TK Chánh Minh biên soạn
-ooOoo-