Thursday, October 8, 2015

Trí hiểu rõ về Ái (Taṅhā) Tỳ kheo Chánh Minh

Chánh kinh.

“Chư Hiền, thế nào là ái thế nào là tập khởi của ái, thế nào là đoạn diệt của ái, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của ái?
Chư Hiền, có sáu loại ái này: sắc ái, thinh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Từ tập khởi của thọ, có tập khởi của ái, từ đoạn diệt của thọ có đoạn diệt của ái và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt ái”
Giải.

1- Ý nghĩa  của ái.
Taṅhā là ham muốn, yêu thương, tham luyến, vui thích, khao khát.
Pāli có giải thích:
Vatthu kāmaṃ paritassa tīti = taṅhā
“Thích thú với vật dục gọi là ái."
Hay là:
Vatthukāmaṃ tassanti paritassati sattā etāyāti = taṅhā:
“Điều nào khiến chúng sinh ham thích, mê đắm trong vật dục, điều đó gọi là ái”.
Bốn khía cạnh thực tính của ái.

- Trạng thái: Là nhân (sinh khổ) (hetulakkhaṇa).
- Phận sự: Thỏa thích cao độ trong sáu cảnh (abhinandanarasā).
- Thành tựu: Khao khát hơn thực trạng (atittabhāva paccupaṭṭhānā).
- Nhân cần thiết: Có thọ (vedanāpabbaṭṭhānā).
Chữ atittabhāva = ati (quá, hơn nhiều, vượt qua)+ ta (điều đó) + bhāva.
Atittabhāva là “muốn có được hơn  điều đang có”.

Chính sự “mong mỏi hơn thực trạng đang có”, nên (ái) còn được hiểu “sự khao khát”, sự khao khát này không hề thỏa mãn, ví như người khát nước lại uống phải nước mặn, sự khát càng tăng thêm.
Lại nữa, chính vì sự thành tựu của ái là “khao khát” nên các Luận sư bảo rằng: “Chi pháp của ái là tâm sở tham hợp trong tám tâm tham”.
“Tisso imā bhikkhave, taṅhā. Katamā tisso?
Kāmataṅhā, bhavataṅhā, vibhavataṅhā.
“Này các Tỳkhưu, có ba khát ái (taṅhā) này. Thế nào là ba?
Dục khát ái, hữu khát ái, phi hữu khát ái” [71]. (tasinā đồng nghĩa với taṅhā).
Nên hiểu rằng: Khát ái chỉ cho ái tăng thịnh quá mức trở thành gốc rễ tham (lobhamūlaṃ) dẫn đến khổ cảnh, vì quả của tâm tham khi làm việc tái sinh sẽ dẫn chúng sinh rơi vào khổ cảnh, trái lại ái có thể làm duyên cho sinh về thiên giới. Như một người ưa thích các cảnh trời, nên tạo phước lành, khi mệnh chung được sinh về cõi trời.

Tuy nhiên, xét cho cùng, khi còn thích thú bất cứ cảnh giới tái sinh nào thì còn “dính mắc khổ” (cái khổ sinh tử), cho nên chi pháp của ái liệt kê vào thành phần tham (nhân tham – lobhahetu), nói rõ hơn:  Chính là dục tham (chandarāga), vì “các pháp lấy dục (chanda) làm căn bản[72].
“Yo, bhikkhave, rūpasmiṃ chandarāgo taṃ pajahatha.
Evaṃ taṃ rūpaṃ pahinaṃ bhavissati ucchinnamūlaṃ tālāvatthukataṃ anabhāvaṃkataṃ āyatiṃ anuppādadhammaṃ
“Này các Tỳkhưu, hãy từ bỏ dục tham (chandarāga) đối với sắc.
Như vậy sắc ấy sẽ được đoạn trừ, nhỗ tận gốc rễ, làm cho như thân cây Tālā, làm cho không thể tái sinh, không thể sinh khởi trong tương lai”.

Yo vedanāya chandarāgo taṃ pajahattha ....
Yo saññāya chandarāgo taṃ pajahattha ....
Yo saṅkhāresu chandarāgo taṃ pajahattha ....
Yo viññāṇasmiṃ chandarāgo taṃ pajahattha.
Evaṃ taṃ viññāṇaṃ pahinaṃ bhavissati ucchinnamūlaṃ tālāvatthukataṃ anabhāvaṃkataṃ āyatiṃ anuppādadhammaṃ.

Này các Tỳkhưu, hãy từ bỏ dục tham đối với thọ.... đối với tưởng... đối với hành... [73]
Này các Tỳkhưu, hãy từ bỏ dục tham đối với thức.
Như vậy thức ấy sẽ được đoạn trừ, nhỗ tận gốc rễ, làm cho như thân cây Tālā, làm cho không thể tái sinh, không thể sinh khởi trong tương lai”.
Một thiên nhân bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:
“Kenassu  nīyati loko, kenassu parikassati.
Kissassu ekadhammassa, sabbeva vasamanvagū’ti.

“Vật gì dẫn dắt đời, vật gì tự não hại.
Và có một pháp nào, mọi vật đều tùy thuộc?”.
Đức Thế Tôn đáp rằng:
“Taṇhāya nīyati loko, taṇhāya parikassati.
Taṇhāya ekadhammassa, sabbeva vasamanvagū’ti.

“Chính ái dẫn dắt đời, chính ái tự não hại.
Chính ái là một pháp, mọi vật đều tùy thuộc.[74]

Một khi ái sinh lên rồi thì điều chưa có muốn có, có rồi lại muốn có thêm, vì những cảnh dục là đối tượng hấp dẫn của ái, nên sự khao khát không hề thỏa mãn, khao khát nối tiếp khao khát.
Một người chưa có lợi lộc muốn có lợi lộc, có lợi lộc rồi lại muốn có danh, có danh lại muốn có quyền lực, muốn có chức vị cao sang trong xã hội ... Đó là bản chất của khát ái.

Và hai hình ảnh: người nghèo ước muốn cái chưa có (ví như ái), người giàu muốn điều đang có được tăng thịnh (ví như khát ái). Xét ra khát ái tệ hại hơn ái.
Luận sư Buddhaghosa ví “ái như người sờ soạng trong bóng tối để tìm vật, khát ái là tìm được vật, nắm giữ chặt là thủ”.

Nên dục thủ và ái đều có chi pháp là tâm sở tham (lobha cetasika)
Bà Thánh nữ Sumedhā khi chưa xuất gia Tỳkhưu ni, còn công chúa con vua Konca, ở thành Mantāvati. khi vua Anikaratta muốn cưới nàng làm vợ, nàng từ chối vì có chí nguyện xuất gia. Đức vua Anikaratta ngỏ ý  “nếu nàng bằng lòng sẽ giao nàng trọn vẹn tài sản cả vương quốc để nàng làm phước sự và thọ dụng dục lạc tuổi thanh xuân”, nhưng nàng trả lời rằng:

Cātuddīpo rājā Mandhātā, āsi kāmabhogina maggo,
Atitto kālaṅkato, na cassa paripūritā icchā. (Therī, 488).

“Mandhātu là vua,
Chúa bốn châu hưởng dục,
Dục lạc ấy tối thượng.
Tuy vậy, khi vua chết.
Cũng chưa được thỏa mãn.

Satta ratanāni vasseyya, vuṭṭhimā dasadisā samantena,
Na catthi titti kāmānaṃ, atittāva maranti narā. (Therī, 489).

Ước vọng chưa đầy đủ.
Dầu có mưa bảy báu.
Khắp mười phương tràn đầy.
Không có dục thỏa mãn.

Người chết chưa thỏa mãn” [75].