Thursday, October 15, 2015

Nhận thức về Khổ đế

Khổ đế là một trong bốn sự thật cao quý, chắc thật và đứng đắn nhất mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phát hiện về bản chất của đời sống. Khổ đế xác định rằng cuộc đời là khổ, một sự thật mà không ai có thể chối cãi. Sự khổ trong thế gian là vô cùng, nhưng căn cứ vào kinh điển, có thể thấy khổ được nhìn theo hai cách. Xét về tác động của khổ lên toàn bộ thế gian, mà ta có thể nói là nhìn theo vũ trụ quan, sự khổ có mặt dưới ba hình thức là hoại khổ, hành khổ và khổ khổ. Về tác động của khổ lên từng chúng sinh một, cụ thế là chúng sinh thuộc loài người, điều mà từ đó giúp ta có thể nói là nhìn theo nhân sinh quan, khổ được thể hiện ở tám hình thức khác nhau, từ những khổ vì sinh lão bệnh tử đến nỗi khổ vì sự hoạt động của năm ấm. Dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về sự khổ theo vũ trụ quan và sự khổ theo nhân sinh quan.

I. Sự khổ nhìn theo vũ trụ quan

Toàn bộ thế gian đều chịu sự biến hoại theo thời gian, là một nguyên nhân chắc thật của sự khổ, gọi là hoại khổ. Toàn bộ thế gian đều biến chuyển không ngừng nghỉ, cũng là một nguyên nhân chắc thật khác của khổ, gọi là hành khổ. Trong toàn bộ thế gian, không tìm được phương nào để tránh được sự khổ, cũng không chờ đến lúc nào thoát được sự khổ, nỗi khổ chồng chất lên nhau, gọi là khổ khổ. Toàn bộ thế gian, nghĩa là hết thảy chúng sinh ở mọi phương thời luôn luôn chịu tác động của sự khổ. Vũ trụ vận hành thần tốc theo trùng trùng duyên khởi tác động lên vô lượng chúng sanh, gom gọn thành 15 hạng khác nhau, mỗi hạng có cách nhìn về sự khổ khác nhau, tạm chia thành bốn cách nhìn:

1. Theo nghiệp cảm duyên khởi: tác động đến mọ chúng sanh trong ba cõi: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

a. Ở cõi Dục có sáu hạng chúng sanh chấp có các pháp, luôn khao khát chiếm hữu ngoại sắc vun bồi cho thân căn phù trần.

Chúng sanh thuộc các tầng Đia ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh và Atula (bốn đường ác) có tâm thức quá si mê, chấp “các pháp có mà thật”. Khi thân căn sinh lý khởi dục vọng, các chúng sanh này sanh tâm chiếm hữu ngoại sắc theo bản năng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn hạ tiện, thô tháo. Khi chiếm được các chúng sanh này có cảm giác sung sướng, nhưng cảm giác đó không giữ được lâu. Nếu không chiếm được, chúng sanh cảm thấy khổ. Trong mọi hoàn cảnh, các chúng sanh này luôn buông xuôi chấp nhận hoàn cảnh không biết cải  sửa, vì thế khổ chồng thêm khổ.

Chúng sanh thuộc tầng Người và trời cõi Dục (hai đường thiện) có tâm thức tiến hóa hơn, hiểu được các pháp luôn biến đổi và không cố định nên có mà không thật. Khi thân căn sinh lý có nhu cầu, các chúng sanh này biết tìm mọi biện pháp tập trung một căn phù trần vào một đối tượng ngoại sắc rồi dùng ý chí, kinh nghiệm chiếm hữu sự vật một cách vi tế. Biết chuyển đổi hoàn cảnh khổ thành lạc, thay đổi cách chiếm hữu để tận hưởng niềm hỷ lạc dài lâu, do đó nhẹ được khổ khổ.

Tóm lại, ở cõi Dục, đối với những chúng sanh ở bốn đường ác, do tâm thức quá u tối, chỉ biết hành động chiếm hữu theo bản năng và chấp nhận hoàn cảnh nên khổ khổ là chính; trong khi đó, chúng sanh ở hai đường thiện nhờ có ý chí và kinh nghiệm, biết cải sửa cách chiếm hữu tế nhị, mang lại nhiều hạnh phúc trong cuộc sống, giảm được khổ khổ.

b. Ở cõi Sắc: Đến các cảnh giới sơ thiền, nhị thiền và tam thiền, hành giả có tâm thức tiến hóa, biết duyên hợp của các pháp, biết chiếm hữu nội sắc vun bồi cho thân căn tịnh sắc

Theo thời gian, chúng sanh ở cõi Sắc nhàm chán cảnh tranh giành chiếm hữu để mưu cầu hạnh phúc, đi tìm cách chiếm hữu thanh cao hơn. Do được học tập thiền định từ kinh sách, các chúng sanh này, nay được coi là hành giả, biết chiếm hữu nội sắc tiếp xúc với thân căn tịnh sắc để phát sinh hỷ-lạc do mình tự tạo. Ở bậc sơ thiền, hành giả tuy chưa đạt định, nhưng đã từng bước buông bỏ ngoại sắc trở về nội tâm để có hỷ-lạc; đến nhị thiền, hành giả đạt “nội tỉnh nhất tâm”, khi gặp nghịch duyên lập tức nhập định an trú trong hỷ-lạc; vào được tam thiền, hành giả đạt “ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác” và an trú tron diệu lạc, do đó dường như dứt khổ khổ.

Như vậy, ở cõi Sắc, hành giả tu tập thiền định từ sơ thiền thăng hoa dần đến tam thiền đạt chánh niệm tỉnh giác, tập trung an trú trong định, bỏ chiếm hữu bên ngoài, do đó không bị ngoại cảnh chi phối, dường như dứt khổ khổ, nhưng còn chịu hoại khổ chi phối…

c. Ở cõi Vô Sắc: Vào đến tứ thiền của sắc giới là hành giả đã hân hưởng sự thanh tịnh của cõi vô sắc. Tại đấy và ở tứ Không, hành giả có tâm thức thăng hoa rất vi tế, dường như dứt được hoại khổ và hành khổ.

An trú lâu trong tam thiền, hành giả khởi lên tư tưởng nhàm chán, dùng sức định đè nén “xả niệm lạc, tâm thanh tịnh”, thăng hoa lên Tứ thiền thuần tư tưởng, nương thân căn tịnh sắc vi tế phát sinh niệm nhớ nghĩ, thấy được duyên khởi của các pháp; từ đó, hành giả sống an nhàn tự tại trong “hiện tại lạc trú” không dính mắc vào nội – ngoại sắc, do đó dường như chấm dứt hoại khổ.

Có tư tưởng nhàm chán, hành giả tập trung định lực tiêu dung thân căn tịnh sắc vi tế và niệm nhớ nghĩ thăng hoa lên Không vô biên xứ có thân-tâm-cảnh đều là không gian chuyển biến chu kỳ; nơi đây, hành giả nhận thức rõ hơn về hoại khổ. Lại có tư tưởng nhàm chán, hành giả tập trung định mạnh hơn, kỹ hơn để thấy được hoại khổ của sắc, thọ, tưởng và thăng hoa lên Thức vô biên xứ có thân-tâm-cảnh đều chuyển biến sát na, nơi đây, dường như hành giả chấm dứt hoại khổ và nhận thức rõ hơn về hành khổ. Với tư tưởng tập trung định lực mạnh hơn nữa, hành giả thấy được chuyển biến sát-na của các pháp, thăng hoa lên Vô sở hữu xứ có thân-tâm-cảnh là Chân không, bất biến đứng lặng, dường như chấm dứt hành khổ. Lại nhàm chán, hành giả tiếp tục tập trung định mạnh, kỹ, lâu, và sâu thăng hoa lên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, khi bặt niệm thì vũ trụ là Chân không, lúc khởi niệm thì pháp giới hiện bày hành giả tự tại trong pháp giới, tất cả không còn gì để dính mắc, dường như chấm dứt hoàn toàn hành khổ.

Vậy, ở cõi Vô Sắc, hành giả thăng hoa thiền định, có tâm thức tiến hóa vi tế; tại Tứ thiền ở “hiện tại lạc trú” và tại Tứ không ở “tịch tịch trú”, hành giả không còn bị nội, ngoại sắc chi phối, dường như dứt hoại khổ và hành khổ.

2. Theo Alaya duyên khởi: đây là thế giới chuyển biến sát-na của ba bậc Thánh hữu học đã nhận lại Phật tánh, tùy cấp độ chứng đắc lăng lẽ chiếu kiến thấy rõ từng phần tiến trình chuyển biến chu kỳ trong hai cõi: cõi Dục và cõi Sắc.

. Thánh Nhập lưu nhận lại 1/4 Phật tánh. Lặng lẽ thấy rõ tiến trình sinh khởi dục vọng dẫn đến hành động chiếm hữu ngoại sắc theo bản năng nên khổ khổ. Sống tự tại trong bốn đường ác mà không dính mắc, chấm dứt khổ khổ của bốn đường ác.

. Thánh Nhất lai nhận lại 2/4 Phật tánh. Lặng lẽ thấy rõ tiến trình ý chí, kinh nghiệm của người và trời cõi Dục, cải sửa hành động chiếm hữu bản năng làm nhẹ khổ khổ. Sống thật tự tại trong cõi Dục mà không dính mắc vào cảm giác do chiếm hữu ngoại sắc, chấm dứt khổ khổ cõi Dục tức chấm dứt hoại khổ về sắc.

. Thánh Bất lai nhận lại 3/4 Phật tánh. Lặng lẽ thấy rõ tiến trình ý chí, kinh nghiệm của cõi Sắc bỏ chiếm hữu ngoại sắc sang chiếm hữu nội sắc, chuyển khổ thọ thành lạc thọ. Sống thật tự tại trong cõi Sắc mà không dính mắc vào cảm giác do chiếm hữu nội sắc, chấm dứt lạc thọ-khổ thọ của cõi Sắc tức chấm dứt hoại khổ về thọ.

3. Theo Chân như duyên khởi: đây là thế giới bất biến đứng lặng của bậc Thánh vô học đã nhận lại trọn vẹn Phật tánh.

Thánh A-la-hán nhận lại trọn vẹn Phật tánh. Lặng lẽ thấy rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly ra khỏi các cảm thọ và lặng lẽ thấy rõ dòng chuyển biến sát-na làm nền tảng duyên khởi cho sự chuyển biến chu kỳ hình thành ba cõi. Chấm dứt vô minh về nhân sinh quan, sống tự tại trong ba cõi mà không dính mắc, tức chấm dứt hoàn toàn hoại khổ.

4. Theo Pháp giới duyên khởi: đây là thế giới chuyển biến thần tốc mà bất biến đứng lặng, bất biến đứng lặng mà chuyển biến thần tốc, thế giới bất khả tư nghì của chư đại Bồ-tát và chư Như Lai.

Từ Chân tâm, bậc Duyên giác và các vị Bồ-tát Thánh nhìn vào pháp giới, thấy chúng sanh ngụp lặn trong biển khổ, với từ tâm và bi mẫn,các Ngài thị hiện ứng hóa thân một đến nhiều chúng sanh trong một cõi đến nhiều cõi để từng bước tự tại đi vào pháp giới cứu độ chúng sanh, chấm dứt từng phần hành khổ. Đến khi nhờ tự tại lực mà lập tức ứng hiện vô lượng chúng sanh trong toàn thể pháp giới thành Như Lai thì hoàn toàn chấm dứt hành khổ.



II. Sự khổ nhìn theo nhân sinh quan

Nếu toàn bộ thế gian đã luôn luôn chịu tác động của sự khổ thì từng chúng sanh một trong toàn thế gian ấy cũng không thể nào tránh được sự khổ. Được gọi là chúng sanh gồm có tất cả những đối tượng có thân và có tâm cùng sống trong thế gian, cũng có thể hiểu chúng sanh là mọi dạng thức của sự sống tồn tại trong vũ trụ. Kinh điển ghi nhận 15 dạng chúng sanh, chia làm bốn bậc:

A. Bậc Tam Tôn: gồm 1. Như Lai; 2. Bồ-tát; 3. Bích chi và Duyên giác.

B. Tiểu Thánh: gồm 4. A-la-hán, 5. Bất lai; 6. Nhất lai; 7. Nhập lưu.

C. Bốn đường Thiện: gồm 8. cõi Vô sắc; 9. cõi Sắc; 10. Trời cõi Dục; 11. Người.

D. Bốn đường Ác: gồm 12. A-tu-la; 13. Súc sanh; 14. Ngạ quỷ, 15. Địa ngục.

Đặc điểm của chúng sanh là chịu tác động của sự khổ trên ba phương diện, Thân, Tâm và Cảnh.

Thân: mọi chúng sanh đều có xác thân hợp thành bởi tứ đại, thuộc sinh lý, với ba thành phần: Phù trần căn gồm năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, da và các cơ quan khác như tim, phổi, ruột già, ruột non, gan, thận, mật…nơi duyên khởi ra dục vọng bản năng; Tịnh sắc căn gồm hệ thống dây thần kinh của năm giác quan,…nơi duyên khởi ra cảm giác vui, buồn, không vui không buồn; và Tịnh sắc căn vi tế là trung khu thần kinh não, nơi duyên khởi ra tư tưởng phân biệt.

Tâm chính là sự hiểu biết, thuộc tâm lý.

Cảnh: chính là hoàn cảnh, là môi trường nơi các chúng sanh cùng chung sống, thuộc vật lý.

Trong cuộc sống, chúng sanh lệ thuộc vào nhu cầu sinh lý của thân căn nên luôn bám víu trần cảnh để chiếm hữu, vì vậy tâm lăng xăng so đo phân biệt mãi mà sinh đau khổ. Tạm chia thành tám hình thức khổ có ảnh hưởng trực tiếp đến từng chúng sanh như sau:

Bốn nỗi khổ về thân: Sinh; già; bệnh; chết.

Ba nỗi khổ về hoàn cảnh: Thương yêu xa lìa; thù oán gặp gỡ; ham muốn không được.

Một nỗi khổ về tâm: gọi là Ngũ ấm sí thạnh khổ. Ngũ ấm hay năm uẩn gồm sắc uẩn chưa có cái biết; thọ uẩn là cái biết chưa phân biệt; tưởng uẩn là cái biết phân biệt; hành uẩn là cái biết có đắn đo, lựa chọn, quyết định hành động tạo nghiệp; và thức uẩn là hành động chứa kinh nghiệm, kiến thức, ký ức, tội, phước,… Có thể coi đây là năm trường hợp phản ứng khi chúng sanh tiếp xúc với ngoại sắc, chúng bừng bừng như lửa hừng (sí thạnh) cho nên là mấu chốt phát sinh bảy sự khổ trên.

Khi thân căn sinh lý đủ duyên tiếp xúc với trần cảnh vật lý thì đương nhiên xảy ra tiến trình năm uẩn và phát hiện tâm thức trải dài qua 15 hạng chúng sanh. Tâm thức dừng lại ở đâu thì tương ứng với hạng chúng sanh ỏ đó và sinh khởi cái khổ.

Tâm thức dừng ở thế giới chuyển biến xao động:

Ở cõi Dục:

Với hàng chúng sanh ở Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh và A-tu-la, vì tâm thức quá si mê, khi thân căn tiếp xúc trần cảnh, chỉ có cái nhìn, cái thấy lờ mờ, cái phân biệt lờ mờ, chỉ có cảm giác tư tưởng đơn thuần xúi giục thân hành động theo bản năng sinh tồn của thân phù trần.Bất lạc bất khổ thọ (cảm thọ ở trạng thái trơ lì) trước mọi hoàn cảnh, nên chẳng màng tới sinh, già, bệnh, chết,…

Với chúng sanh mang thân người: Tâm thức có ý chí, biết cải sửa bất lạc bất khổ thọ thành lạc thọ hoặc khổ thọ. Khi thân căn tiếp xúc trần cảnh, các cảm giác vui, buồn hoặc không vui không buồn sinh khởi, dùng ý chí cải sửa hành động bản năng hoặc thay đổi môi trường nhằm kéo dài niềm vui và biết tìm cách đè nén, chạy trốn chấm dứt cái khổ. Tuy nhiên vì chưa có kinh nghiệm nên thường thất bại, do đó thấy vui chóng tàn mà khổ thì dai dẳng.

Với chúng sanh là Trời cõi Dục: Khi đối cảnh, dùng ý chí và kinh nghiệm đẩy lùi cái khổ, tạo nhiều niềm vui bằng cách lao vào công việc qua nhiều hình thức: rộng rãi bố thí, ủy lạo, phóng sanh,… hoặc say sưa nghiên cứu các đề tài khoa học sáng tạo ra của cải vật chất,…sáng tác văn, thơ, ca nhạc,… phục vụ nhân loại về thể xác lẫn tinh thần nhằm lưu danh cho đời biết đến mình và tôn vinh mình. Nhờ cuốn hút vào công việc dường như tám khổ không chi phối.

Ở cõi Sắc (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền): Tâm thức tiến hóa, có kinh nghiệm, kiến thức,… dồi dào, thông qua giáo lý, chọn tịnh sắc làm thân, trở về nội tâm chỉ còn “ta với ta”. Tu thiền định “ly ngũ dục, nội tỉnh nhất tâm, chánh niệm tỉnh giác” phát sinh hỷ-lạc xóa tan khổ. Khi đối cảnh, an trú trong hỷ lạc, tâm khởi tình thương, cảm thông, an ủi, san sẻ nỗi khổ đau mong đem lại sự an vui cho mọi người.

Ở cõi Vô sắc (Tứ thiền cõi Sắc và Tứ không: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ): Tứ thiền, có kinh nghiệm,… tuyệt chiêu, chọn tịnh sắc vi tế làm thân, vào định kỹ lâu sau “xả niệm thanh tịnh” còn thuần tưởng, biết được tiến trình năm uẩn tập khởi, đoạn diệt, vin ngọt,… Tứ không dùng định lực siêu xuất tiêu dung thân căn  hòa vào hư không. Tứ thiền an trú trong “hiện tại lạc thú”, Tứ không an trú trong “tịch tịnh trú”, sống an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh, 8 khổ không còn chi phối.

Cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô sắc đều là thế giới của tư tưởng phân biệt chấp thủ nên luôn bị khổ hoành hành. Chúng sanh các cõi này trừ khổ bằng cách thanh lọc thăng hoa tư tưởng, từng bước buon xã tình nhiễm xấu ác sang thiện đến khi chỉ còn thuần tư tưởng, nhưng tư tưởng vốn nhàm chán nên trở lại dính mắc vào tình, do đó lẩn quẩn mãi không thoát được khổ.

Tâm thức dừng ở thế giới chuyển biến đứng lặng:

Ray rứt trước cảnh khổ, da diết tìm con đường đoạn diệt khổ đau!!! Cơ duyên gặp Phật pháp, y  chỉ “Tứ Diệu Đế”, hiểu rõ nguyên nhân đưa đến khổ và  cách tu tập chấm dứt khổ.

- Thánh Nhập lưu: quá trình tu tập tâm thức sáng suốt có thiện tri thức hướng dẫn “ngay trong sanh tử nhận lại cái vô sanh, Bất tử”, rồi lặng lẽ nhìn thấy rõ biết ngay chính trong xác thân tiến trình năm uẩn của Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc Sanh, A-tu-la diễn biến như thế nào nhận như thế nấy không cải sửa, vì rõ biết không dính mắc hành động bản năng của bốn đường ác

- Thánh Nhất lai: tiếp tục với cái Bất tử, lặng lẽ thấy biết rõ ngay trong xác thân tiến trình năm uẩn của Người và trời cõi Dục diễn biến như thế nào nhận như thế nấy, không đặt vấn đề so đo phân biệt vì rõ biết nên không dính mắc vào cải sửa hành động của Người và trời cõi Dục

- Thánh Bất lai: tiếp tục với cái Bất tử, lặng lẽ thấy biết rõ ngay trong xác thân tiến trình năm uẩn của Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền diễn biến như thế nào nhận như thế nấy, vì rõ biết nên không dính mắc vào cảm giác hỷ lạc của cõi Sắc.

Ba bậc thánh trên đã trở về nhận lại cái bất tử, tùy mức độ chứng đắc mà thoát khổ về thân, tâm, cảnh của bảy hạng chúng sanh trong cõi Dục và cõi Sắc.

Tâm thức dừng ở bản thể chân tâm:

Thánh A-la-hán: tiếp tục với cái Bất tử, lặng lẽ như thật biết tiến trình năm uẩn tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt và sự xuất ly ra khỏi cảm thọ của Tứ thiền sắc giới, Tứ không như thế nào nhận như thế này và tiến trình tu tập trở về của ba bậc thánh đầu tức biết rõ duyên khởi của các pháp, niệm-niệm sinh diệt của ý chí chi mạt vô minh của chính mình. Trong mọi hoàn cảnh luôn luôn trực nhận về Bản thể Chân tâm, Bất tử, vì vậy sống trong sự tự tại tong cuộc đời mà không dính mắc chấm dứt hoàn toàn khổ theo nhân sinh quan tức chấm dứt tám khổ.

Chân tâm hòa vào tâm thức từng chúng sanh:

- Bích-chi Duyên giác hòa nhập vào cuộc đời làm quen dần với loài người mà không rời Chân tâm, Bất tử.

- Bồ tát Thánh, phát tâm đại từ bi, huyễn hiện thân căn, trầm mình trong đau khổ để độ từ một chúng sanh trong một cõi đến nhiều chúng sanh trong nhiều cõi nhưng không rời Chân tâm, Bất tử.

- Như lai với tâm bình đẳng, tự tại lập tức ứng hóa vô lượng thân trong vô biên cõi để độ chúng sanh khăp vũ trụ mà tâm như bất động. Pháp Thân Như Lai chính là toàn thể thân chúng sanh trong vũ trụ và cũng chính là Chân tâm, Bất tử.

Vậy chỉ có Như Lai mới thật sự là Chân lạc hay Cực lạc.

Tóm lại, xác thân năm uẩn của con người là một tiểu vũ trụ. Và năm uẩn vận hành theo tiến trình tự nhiên hình thành ra 15 hạng chúng sanh trong vũ trụ, nhưng vì chúng sanh mê muội tự dừng chân chấp thủ năm uẩn này làm “Ta, của Ta, tự ngã của Ta” mà sinh đau khổ. Thương chúng sanh mê muội luân hồi trong biển khổ, Phật ra đời truyền pháp “Tứ Diệu Đế” chỉ dạy chúng sanh nguyên nhân dẫn đến khổ, thực hành Thánh Giới – Thánh Định – Thánh Tuệ thoát khổ hưởng chân lạc.

VẦNG ĐÔNG +++