Tịnh chỉ
Để khai mở một cách hoàn toàn và không bị
chướng ngại các tiềm năng trong tâm, cần phải có sự tác động của hai động
lực bổ sung cho nhau là: kích hoạt và chế ngự.
Hai động lực cần thiết này đã được công nhận bởi Đức Phật, người hiểu biết tâm
vĩ đại. Ngài dạy rằng tấn căn (viriy’indriya-năng lực tinh tấn, cố gắng)
và định căn (samādh’indriya-năng lực tập trung và ổn định tâm) cần phải
giữ cân bằng và có sức mạnh tương đương với nhau. Ngoài ra, Đức Phật cũng
dạy, trong Thất giác chi (bojjhanga: bảy chi phần dẫn đến giác ngộ), có
ba giác chi làm khuyến khích, phát khởi tâm (tinh tấn, trạch pháp và
hỷ giác chi), và ba giác chi khác có tác dụng làm bình ổn, ổn định tâm
(khinh an, định và xả giác chi). Trong cả hai trường hợp: trong Ngũ căn và
trong Thất giác chi, chánh niệm không những chỉ theo dõi sự cân bằng
giữa chúng mà còn kích hoạt những giác chi hay những căn lờ đờ, thụ động và
kiềm chế bớt những căn hoạt động quá tích cực.
Chánh niệm, mặc dù bản chất có vẻ như là thụ
động, song thực ra lại là một động lực kích hoạt. Nó làm cho tâm trở nên tỉnh
giác, và tỉnh giác là một điều không thể thiếu trong tất cả mọi hành động có
chủ đích. Trong phần này, chúng ta chủ yếu chỉ đề cập đến sức mạnh chế
ngự của chánh niệm. Chúng ta sẽ khảo sát cách thức chánh niệm tháo gỡ
những nút mắc (trong tâm) và xả ly, và cách nó hỗ trợ một cách tích cực để phát
triển các phẩm chất tâm cần thiết cho sự giác ngộ như thế nào.
Khi thực hành ghi nhận thuần túy, chúng ta trụ vững ở vị trí
của người quan sát, ngay giữa những đòi hỏi ồn ào của thế giới bên ngoài
và bên trong nội tâm. Chánh niệm có sức mạnh tịnh chỉ, có khả năng làm
chậm lại hành động và sử dụng phanh hãm để chặn đứng sự
can thiệp vội vàng, ngăn chặn sự đánh giá phán xét, tạm dừng để quan sát các sự
kiện và suy xét về chúng một cách có trí tuệ. Nó cũng làm chậm lại
sự bốc đồng, vội vàng của các suy nghĩ, lời nói và hành động. Tịnh chỉ và dừng
chặn, tạm dừng và làm chậm – đó là những thuật ngữ chủ đạo của chúng ta khi nói
về tác động tiết chế và thu thúc của ghi nhận thuần túy.
Một cuốn sách cổ Trung Hoa có nói:
“Trong sự diệt của vạn sự, trong
sự sinh của vạn sự, không gì hơn là giữ yên, tịnh chỉ”.
Trong lời dạy của Đức Phật, nơi “chấm dứt
của vạn sự” thực sự là Niết Bàn, được gọi là “sự tịnh chỉ của
các hành” (sankhārānam vūpasamo) – nghĩa là nơi chấm dứt cuối cùng. Nó
cũng được gọi là “sự đoạn diệt” (nirodha). “Vạn sự” hay “các hành” ở đây
có nghĩa là những hiện tượng vô ngã và bị tạo tác (do nhân duyên tạo
thành) ăn sâu bén rễ từ vô minh và ái dục. Sự chấm dứt của các hành
đạt được khi có sự chấm dứt của “sự tạo thành”, nghĩa là sự chấm dứt của mọi
hành động tạo nghiệp, vốn tạo ra thế giới của chúng ta. Nó chính là “nơi chấm
dứt của thế gian”, chấm dứt đau khổ, mà Đức Phật đã tuyên bố là không
thể đạt đến bằng cách đi, bằng cách di chuyển, mà chỉ có thể tìm thấy
ở trong chính bản thân chúng ta. Nơi thế gian chấm dứt đó được báo trước
bởi mỗi hành động tịnh chỉ, chặn đứng và tạm dừng có
chủ ý. “Tịnh chỉ” (giữ yên, làm yên lặng) theo nghĩa
tột cùng là chặn đứng sự tích lũy của nghiệp, tránh xa sự dính mắc vô tận với
những thứ phù du, chế ngự việc liên tục đắm mình thêm vào những mớ bong
bong luân hồi – vòng sanh tử lặp đi lặp lại. Bằng con đường chánh niệm,
rèn luyện chính mình để tịnh chỉ, giữ yên và tạm dừng với thái độ ghi nhận
thuần túy, chúng ta nói không với sự thúc ép của thế gian luôn đòi hỏi chúng ta
phải thuận chiều theo tham, sân. Chúng ta tự bảo vệ chính mình khỏi
những đánh giá, phán xét mê mờ và vội vàng; chúng ta kiềm chế không
lao mình vào vòng xoáy của những hành động can thiệp với tất cả mọi hiểm
nguy cố hữu của nó.
Người giữ mình đừng can thiệp thì mọi
chỗ đều an toàn.
(Tăng Chi Bộ kinh Sn v.953).
Người giữ tĩnh lặng và biết điểm dừng thì
sẽ không gặp hiểm nguy.
(Đạo Đức Kinh, chương 44)
Đoạn thứ hai của câu này trong Đạo Đức Kinh
nói rằng: làm cho vạn sự bắt đầu, không gì tốt hơn là giữ gìn tĩnh lặng (tịnh
chỉ). Giải thích theo Phật Pháp, những sự việc được khởi đầu tốt đẹp bằng
giữ gìn tĩnh lặng là “những thứ (phẩm chất) làm giảm bớt sự tích
lũy nghiệp”. Để khảo sát, chúng ta sẽ dựa theo cách phân chia
lộ trình tu tập truyền thống là giới (hành vi, đạo đức), định (sự ổn định,
tĩnh lặng nội tâm) và tuệ (tuệ giác). Cả ba chi phần này đều được trợ giúp một
cách quyết định bởi thái độ giữ yên (tịnh chỉ) được phát
triển nhờ ghi nhận thuần túy.
1. Giới: làm
thế nào để cải thiện hành vi, giới hạnh và khả năng ra quyết định đúng?
Nếu chúng ta thực sự chân thành mong muốn tăng thượng giới, thì khôn ngoan nhất
là chọn con đường nào ít đối kháng nhất. Nếu chúng ta quay ngoắt chống đối lại
những khiếm khuyết ăn sâu từ thói quen cũ hay những động lực rất mạnh
trong tâm một cách quá nhanh chóng, chúng ta có thể sẽ phải chịu thất
bại và nản lòng. Trước hết chúng ta hãy chú ý đến những lỗi lầm, thiếu sót
về lời nói, hành động và những đánh giá, phán xét sai lầm gây ra bởi sự
vội vàng, vô tâm, thiếu suy nghĩ. Những lỗi loại này có rất nhiều. Trong cuộc
sống có rất nhiều trường hợp chỉ cần một khoảnh khắc suy xét ngắn ngủi cũng đủ
để ngăn chặn một bước đi sai lầm, và từ đó tránh được cả một chuỗi dài đau khổ
và tội lỗi, khởi đầu chỉ từ một giây phút thiếu suy nghĩ. Nhưng làm
thế nào để kiềm chế được những phản ứng vội vàng, hấp tấp và thay thế bằng
những khoảnh khắc chánh niệm và suy xét? Làm được điều đó lại còn
phụ thuộc vào khả năng chặn đứng và tạm dừng, hãm
phanh lại đúng lúc – và điều này chúng ta có thể học được bằng cách thực hành
ghi nhận thuần túy. Trong pháp hành đó, chúng ta tự luyện tập mình “nhìn và
chờ đợi”, chặn dừng lại các phản ứng của mình hoặc làm chậm chúng lại.
Trước hết chúng ta phải học theo cách dễ nhất, ở những hoàn cảnh do
mình lựa chọn, gói gọn trong một số kinh nghiệm hạn chế trong thiền.
Khi đối diện nhiều lần với những tác động giác quan ngẫu nhiên, các cảm xúc hay
suy nghĩ lan man làm gián đoạn định tâm; khi kiềm chế nhiều lần mong muốn phản
ứng lại chúng bằng cách này hay cách khác; nhiều lần trụ vững tâm khi đối diện
với chúng – chúng ta sẽ có đủ khả năng để duy trì sự tĩnh lặng nội tâm
trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vì cuộc sống ấy vốn rộng mở hơn và không được
che chắn. Tâm quan sát sẽ luôn có mặt, giúp chúng ta tạm dừng và chặn
đứng, ngay cả khi bị bất ngờ, khi bị lôi cuốn, cám dỗ hay cáu giận đột
ngột.
Những điều chúng ta nói ở trên đề cập đến
những lỗi hành vi xuất phát từ sự vội vàng, thiếu suy nghĩ, song ít nhiều
dễ kiểm soát bằng chánh niệm. Sự khéo léo khi xử lý chúng cũng
có tác động đến những hành vi phạm giới cứng đầu khác, vốn bắt nguồn từ những
động lực cảm xúc mạnh hoặc những thói quen xấu thâm căn cố đế trong ta. Sự tĩnh
lặng nội tâm đạt được trong quá trình tịnh chỉ để ghi nhận thuần túy cũng
kiềm chế được sự bốc đồng của các cảm xúc. Thói quen chặn đứng và tạm dừng đóng
vai trò như một cái phanh hãm đối với những thói quen dễ duôi, đắm chìm
trong các hành vi bất thiện đã ăn sâu bén rễ trong tâm.
Nhờ khả năng tịnh chỉ để ghi nhận thuần
túy, hay dừng lại để suy xét một cách trí tuệ, thường là sự lôi cuốn, cám dỗ
đầu tiên của tham dục, làn sóng cáu giận đầu tiên, màn sương mê mờ đầu tiên của
tâm si sẽ biến mất ngay mà không gây ra rắc rối nghiêm trọng nào. Dòng những
tiến trình tâm bất thiện bị chặn đứng lại ở thời điểm nào là phụ thuộc vào
mức độ chánh niệm của chúng ta. Nếu chánh niệm sắc bén, nó sẽ chặn được một
loạt những suy nghĩ hay hành động bất thiện từ rất sớm, trước khi chúng lôi
mình đi quá xa. Phiền não sẽ không lớn mạnh vượt quá mức độ ban đầu,
do đó sẽ bớt cần đến nhiều nỗ lực để kiểm soát chúng, nghiệp tạo ra
sẽ ít hơn, hoặc là không có.
Lấy ví dụ một hình ảnh thích ý nào đó
làm sanh khởi sự thích thú trong tâm. Đầu tiên thì sự thích thú đó
không mạnh mẽ và không dai dẳng lắm. Ở thời điểm này, tâm đã sẵn sàng
giữ yên (tịnh chỉ) để quan sát hoặc suy xét một cách khách quan, hình
ảnh đó sẽ dễ dàng bị tước bỏ phần tham dục xâm nhập vào từ khi nó mới
rất nhẹ. Đối tượng đó sẽ được ghi nhận là “chỉ là một cái gì đó gây cảm giác
thích”, hoặc sự thu hút chúng ta cảm nhận ấy sẽ được thăng hoa lên thành
một niềm vui tĩnh lặng. Song nếu đánh mất cơ hội đầu tiên ấy, sự thích thú sẽ
lớn mạnh lên thành dính mắc và khao khát sở hữu. Nếu lúc này có sự dừng chặn,
suy nghĩ khát khao ấy sẽ dần dần mất sức mạnh; nó sẽ không dễ biến thành tham
muốn dai dẳng, và sẽ không có cố gắng thực sự để chiếm hữu đối tượng ham muốn
nữa. Song nếu tham dục không được kiểm soát, suy nghĩ ham muốn sẽ
tự thể hiện ra bằng lời nói đòi hỏi đối tượng, thậm chí với những lời
lẽ mạnh bạo, bốc đồng.
Nghĩa là, khẩu nghiệp bất thiện tiếp nối theo sau ý
nghiệp bất thiện. Khi bị từ chối, dòng phiền não dục ban đầu sẽ phân
nhánh ra thành các phiền não phụ trội khác: có thể là buồn phiền, hoặc
giận dữ. Nhưng ngay cả khi đã muộn như vậy, chúng ta vẫn có thể dừng lại để
lặng yên suy xét hay ghi nhận thuần túy, chấp nhận sự từ chối và từ bỏ ham muốn,
thì có thể tránh được những rắc rối tiếp theo. Tuy nhiên, nếu theo sau
những lời từ chối là thân nghiệp bất thiện, và nếu, bị thúc đẩy bởi tham dục,
chúng ta cố gắng chiếm đoạt đối tượng ưa thích bằng vũ lực hay bằng trộm cắp,
thì khi đó nghiệp đã hoàn thành và quả báo của nó sẽ phải
trả đủ. Song nếu, ngay cả khi đã làm xong một việc bất thiện, chúng
ta dừng lại để suy xét, thì việc đó cũng không vô ích. Bởi vì chánh niệm
sanh khởi dưới hình thức quán xét lại, ăn năn hối lỗi, sẽ ngăn ngừa
sự xơ cứng hóa nhân cách và có thể ngăn chặn sự lặp lại của hành động đó
trong tương lai. Đức Phật đã dạy Rāhula[1] rằng:
“Bất
cứ hành động thân, khẩu, ý nào con dự định làm, con hãy suy xét
kỹ hành động ấy… Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng: “Hành động tôi dự
định làm này là có hại cho chính mình, hoặc có hại cho người, hoặc có hại cho
cả hai; thì đó là hành động bất thiện, mang lại đau khổ, có kết quả là đau
khổ” – thời con không nên làm hành động ấy.
Lại
nữa, trong khi làm bất cứ hành động thân, khẩu, ý nào, con hãy
suy xét kỹ hành động ấy… Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng: “Hành động
tôi đang làm này là có hại cho chính mình, hoặc có hại cho người, hoặc có hại
cho cả hai; thì đó là hành động bất thiện, mang lại đau khổ, có kết quả là
đau khổ” – thời con hãy từ bỏ hành động ấy.
Lại
nữa, sau khi làm bất cứ hành động thân, khẩu, ý nào, con hãy
suy xét kỹ hành động ấy… Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng: “Hành động
tôi đã làm là có hại cho chính mình, hoặc có hại cho người, hoặc có hại cho
cả hai; thì đó là hành động bất thiện, mang lại đau khổ, có kết quả là đau
khổ” – thời con hãy tự chế không nên làm hành động ấy trong tương lai”. (MN61)
2.
Định. Bây giờ chúng ta hãy xem xét cách ghi nhận thuần
túy giúp thiền sinh đạt được và củng cố định tâm (samatha) với hai
nghĩa: sự bình an tổng thể của nội tâm và sức tập trung trong thiền.
Bằng cách phát triển thói quen tạm dừng để
ghi nhận thuần túy, thiền sinh sẽ ngày càng dễ dàng rút lui vào sự tĩnh lặng
bên trong tâm mình, khi thân không thể tránh khỏi những tiếng động ồn ào
không ngớt của thế giới bên ngoài. Chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua
những phản ứng vô ích đối với những lời nói và hành động ngu ngốc của người
khác. Mỗi khi hứng chịu những đòn đánh nghiệt ngã và không ngớt của
số phận, một cái tâm đã được rèn luyện bởi pháp hành ghi nhận thuần túy sẽ
tìm chỗ trú ngụ ở trạng thái thụ động hay tình trạng
chỉ-quan-sát mà không–hành-động, từ vị trí đó nó có thể kiên nhẫn chờ đợi cho
cơn bão đi qua. Có những hoàn cảnh trong cuộc đời mà tốt nhất là hãy để cho mọi
việc tự đi đến chỗ kết thúc tự nhiên của nó. Người có thể giữ yên, tịnh chỉ và
chờ đợi thường sẽ thành công, trong khi những hành động bận rộn và hung hăng
thường là thất bại. Không những chỉ trong những trường hợp nguy cấp, mà ngay cả
trong cuộc sống thường ngày, kinh nghiệm từ sự giữ yên và quan sát khiến chúng
ta tin rằng không cần phải đáp ứng lại ngay mọi tác động mà chúng ta nhận được,
không cần phải coi tất cả mọi người, mọi việc chúng ta gặp phải như là những
đối tượng cho hành động can thiệp của mình.
Bằng cách tự hạn chế không
để mình bận rộn một cách không cần thiết, sự va chạm với bên ngoài
cũng giảm bớt và sự căng thẳng bên trong do chúng mang lại cũng được nới lỏng
dần. Sự bình an và hài hòa sẽ bao trùm cuộc sống mỗi ngày, thu hẹp dần
khoảng cách giữa cuộc sống đời thường và sự tĩnh lặng trong thiền tập. Khi đó,
những âm hưởng dội vào nội tâm của cuộc sống đời thường xáo động, dù dưới dạng
thô rõ hay vi tế, vốn tràn ngập trong những giờ thiền tập và mang lại
sự bất an cho thân và tâm sẽ ngày càng giảm bớt. Kết quả là loại
chướng ngại trạo cử, xáo động, một loại chướng ngại chính đối với thiền, sẽ
xuất hiện ngày một ít hơn và khi nó sanh khởi, cũng dễ dàng vượt qua hơn.
Bằng cách tu tập thái độ ghi nhận thuần túy
thường xuyên mỗi khi có cơ hội, lực ly tâm - thủ phạm của các xáo động-bất
an, sẽ đuối sức dần; xu hướng hướng tâm – quay tâm vào bên trong và tạo cơ sở
cho định tâm, sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Tham muốn (ái dục) sẽ không còn chi
phối, bắt chúng ta phải đuổi theo những đối tượng đa dạng đang liên tục thay
đổi nữa.
Thực hành thường xuyên việc duy trì chú ý
liên tục trên một loạt đối tượng quan sát sẽ chuẩn bị tâm cho việc tập trung
liên tục trên một đề mục, hoặc một số đề mục hạn chế, trong khi hành thiền miên
mật. Sự vững vàng và ổn định của nội tâm, một nhân tố quan trọng của định, cũng
được tu tập.
Do đó, thực hành giữ yên, tạm dừng và
chặn đứng để ghi nhận thuần túy sẽ tăng cường nhiều thành tố chính của
thiền định: sự tĩnh lặng, bình an, sức tập trung, sự vững vàng của
nội tâm và giảm bớt sự đa dạng của đề mục. Nó nâng tầm bình quân của
mức tâm bình thường và đưa lên gần đến mức tâm thiền. Đây là điểm quan trọng,
bởi vì sự cách biệt quá lớn giữa hai tầm mức tâm ấy sẽ phá hoại các
cố gắng định tâm và sự liên tục của thiền tập.
Theo thứ tự sắp xếp của bảy giác
chi (bảy chi phần dẫn đến giác ngộ), an tịnh giác chi (passaddhi-sambojjhanga)
đi trước định giác chi (samādhi-sambojjhanga). Đức Phật cũng nói rằng: “Nếu
bên trong được an tịnh, tâm sẽ có định”. Giờ đây, theo tinh thần của
những điều diễn giải ở trên, chúng ta có thể hiểu được lời dạy này của ngài một
cách rõ ràng hơn.
3. Tuệ. Đức
Phật nói rằng: “Người có định sẽ thấy mọi thứ như chúng đang là” (như
đúng bản chất nó như vậy). Do đó, tất cả mọi cách thức mà ghi nhận thuần túy
củng cố định tâm cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển tuệ giác. Bên cạnh
đó, sự tịnh chỉ của ghi nhận thuần túy cũng có thể mang lại
những hỗ trợ cụ thể và trực tiếp hơn cho tuệ giác.
Nói chung, chúng ta thường quan tâm đến
việc nắm bắt và sử dụng mọi thứ hơn là hiểu biết đúng về bản chất thực
sự của chúng. Chính vì vậy, chúng ta thường nắm bắt vội vàng một số ít tín
hiệu đầu tiên mà tưởng (chức năng nhận biết và xác định sự vật, sự việc của
tâm) chuyển đến cho chúng ta. Sau đó, thông qua những thói quen ăn sâu trong
tâm, những tín hiệu này kích hoạt một phản ứng quy chuẩn bằng các đánh giá,
phán xét như: tốt-xấu, thích thú-khó chịu, có lợi-có hại, đúng-sai. Những đánh
giá này, mà nhờ nó chúng ta xác định đối tượng trong mối quan hệ với bản
thân mình, dẫn đến những phản ứng tương ứng bằng lời nói và hành động. Rất hiếm
khi chúng ta chú ý tới những đối tượng thông thường hoặc quen thuộc, lâu hơn
thời gian cần thiết để thu nhận một số ít tín hiệu ban đầu. Chúng ta
hầu như chỉ nhận biết mọi việc một cách rời rạc, và do vậy thường nhận
biết sai về chúng. Hơn nữa, chỉ giai đoạn đầu của “thời gian sống” của đối
tượng, hoặc hơn một tý, là đến được sự tập trung chú ý của chúng ta. Thậm chí
chúng ta còn chẳng ý thức được rằng đối tượng đó là một tiến trình kéo dài
trong một khoảng thời gian – có sự khởi đầu và kết thúc; và có nhiều khía
cạnh, nhiều mối quan hệ bên ngoài những gì chúng ta nhận thức được trong tình
huống hạn chế ấy. Nói ngắn gọn, nghĩa là tự thân nó là một loại thực
thể phù du, chóng tàn.
Thế giới được nhận thức một cách hời hợt
như vậy chỉ là một mớ những kinh nghiệm kỳ dị, được biểu thị bằng một vài ký
hiệu hay biểu tượng do chủ quan lựa chọn. Những biểu tượng được lựa chọn đó
được quyết định chủ yếu bởi sự ưa thích cá nhân, thậm chí đôi khi còn không
được sử dụng đúng nữa. Cái thế giới mờ ảo như cái bóng ấy không chỉ bao gồm môi
trường bên ngoài và những người khác, mà còn cả phần lớn các tiến trình
thân và tâm của chính chúng ta. Những tiến trình này cũng là đối tượng để khái
niệm hoá một cách hời hợt y như vậy.
Đức Phật đã chỉ ra bốn loại điên đảo
tưởng (nhận thức sai lầm) do nhận thức bị bóp méo và sự chú ý không chân chánh
(phi như lý tác ý): coi bất tịnh là tịnh, vô thường là thường, khổ là lạc, vô
ngã là ngã. Khi dấu ấn của hệ quy chiếu cá nhân ấy được đóng đi đóng lại
nhiều lần vào thế giới nhận thức hàng ngày, sự nhận thức sai lầm căn bản “Cái
này là của tôi” (attaniya) sẽ ăn sâu bén rễ trong mọi hành động thân-tâm
của chúng ta. Giống như những rễ cây, tuy nhỏ nhưng lan rộng và bám rất chắc –
đến mức, nếu chỉ có kiến thức lý luận về vô ngã (anattā)
sẽ không thể làm lung lay nổi cái ý niệm “tôi” và “của tôi” ấy.
Những hệ lụy nghiêm trọng này bắt
nguồn từ tình trạng nhận thức cơ bản: chúng ta quá vội vàng phản ứng một
cách hấp tấp và theo thói quen, ngay khi nhận được một số ít thông tin đầu tiên
của nhận thức. Song nếu chúng ta sử dụng được sức mạnh kiềm chế của chánh
niệm và tạm dừng để ghi nhận thuần túy, thì những tiến trình thân-tâm hình
thành nên đối tượng nhận thức ấy sẽ tự thể hiện ra một cách đầy đủ và đúng đắn
hơn. Không còn ngay lập tức bị lôi vào vòng xoáy của tư kiến (những suy
nghĩ, đánh giá chủ quan của chính mình)[2], và được tự do bộc lộ bản thân trước con
mắt quan sát của chánh niệm, chúng sẽ hé mở mọi khía cạnh đa dạng của chúng và
cả một mạng lưới rộng lớn các mối tương quan và quan hệ qua lại lẫn nhau. Tư
kiến, vốn hẹp hòi và thường là sai lạc, sẽ rút lui về phía sau và bị lấn át bởi
tầm nhìn rộng mở hơn vừa có được. Tiến trình được chúng ta quan sát đó thể
hiện sự sanh và diệt không ngừng thông qua sự diễn tiến liên tục và bên trong
các thành phần cấu tạo nên nó. Bằng cách ấy, chân lý vô thường in dấu ấn lên
tâm thiền sinh ngày một rõ nét hơn.
Sự phân biện sanh và diệt đó cũng sẽ
phá vỡ ảo tưởng sai lầm về một thực thể thống nhất (của các tiến trình
thân-tâm) hình thành dưới ảnh hưởng của bản ngã. Tư kiến gạt bỏ sự đa dạng; nó
gộp tất cả mọi thứ lại trong ảo tưởng về cái“tôi” hay của
tôi. Tuy nhiên, ghi nhận thuần túy bóc trần những thực thể này để thấy rằng
chúng chẳng là gì khác ngoài những hiện tượng bị điều kiện hóa[3] và không thuộc
về một ai cả. Nhiều lần đối diện với bản chất phù du, bị phụ thuộc (vào
nhân duyên) và vô ngã của các tiến trình sống bên trong và bên ngoài, chúng ta
sẽ phát hiện ra sự đơn điệu và bản chất bất toại nguyện của chúng:
hay còn gọi là sự thật về khổ. Như vậy, bằng phương pháp đơn giản là
làm chậm, tạm dừng và giữ yên để ghi nhận thuần túy, cả ba đặc tướng - vô
thường, khổ, vô ngã – sẽ tự hiển lộ ra trước tuệ giácvipassanā.
Tính
tự động
Thói quen tạm dừng một cách chánh niệm
trước khi hành động không loại bỏ các phản ứng tự động theo thiện pháp.
Ngược lại, thông qua luyện tập, việc thực hành tạm dừng, chặn đứng và giữ yên
để ghi nhận thuần túy sẽ trở thành tự động. Nó sẽ tiến triển thành một cơ chế
chọn lựa của tâm, mà khi các phản ứng trở nên ngày càng chắc chắn và nhanh
lẹ hơn, sẽ có thể ngăn chặn sự bộc phát của các động lực bất thiện và
thiếu trí tuệ. Nếu không có những kỹ năng như thế, thì mặc dù về mặt tri
thức chúng ta có thể nhận ra những động lực đó là bất thiện, nhưng vẫn
phải chịu thua trước sức mạnh của thói quen. Do đó, thực hành tạm dừng một cách
chánh niệm sẽ thay thế các thói quen bất thiện bằng những thói quen thiện, đặt
nền tảng trên sự hiểu biết trí tuệ và những tác ý cao thượng.
Cơ thể con người có một số phản xạ tự động
để tự bảo vệ, cũng như thế tâm cũng cần có một cơ chế tự động để tự bảo vệ về
mặt tinh thần và đạo đức. Sự thực hành ghi nhận thuần túy sẽ cung cấp chức năng
sống còn này. Một người có tiêu chuẩn đạo đức trung bình thì theo bản năng, anh
ta sẽ tránh những suy nghĩ trộm cắp và giết người. Với sự trợ giúp của phương
pháp ghi nhận thuần túy, phạm vi tự động kiềm chế ấy sẽ được mở rộng
ra rất nhiều và nền tảng đạo đức của chúng ta được nâng cao đáng kể.
Trong một cái tâm không tu tập, các xu
hướng tâm cao thượng và những suy nghĩ đúng đắn thường bị tấn công bởi những
cơn bột phát bất ngờ của cảm xúc và thành kiến. Hoặc là chúng ta sẽ đầu hàng,
hoặc là ra quyết định một cách khó khăn sau khi đã đấu tranh quyết liệt trong
tâm. Song nếu các hành động bất thiện tự động được kiểm soát hoặc bị suy giảm
đáng kể, thì các động lực tốt và suy nghĩ trí tuệ (như lý tác ý) sẽ có
cơ hội để xuất hiện và tự thể hiện một cách tự do và tự động. Dòng chảy
tự nhiên của nó sẽ khiến chúng ta tự tin hơn về sức mạnh của cái tốt
trong mình; và cũng có sức thuyết phục hơn đối với người khác. Cái tốt tự động
này không phải là thất thường, bởi nó đó đã có gốc rễ sâu chắc
từ sự tu tập trước đó. Đây chính là phương pháp tu tập để từ đó những
tâm thiện hữu trợ (sasankhārika-kusala-citta: tâm thiện cần có sự thúc
đẩy của bên ngoài để khởi lên) được chuyển đổi thành các tâm thiện vô
trợ (asankhārika-kusala-citta: tâm thiện khởi lên không cần thúc đẩy từ bên
ngoài). Theo Vi Diệu Pháp, những suy nghĩ như vậy, nếu có trí tuệ đi kèm,
sẽ đứng đầu trong thang giá trị đạo đức. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu
bằng thực tế câu nói trong cuốn Bí mật Hoa Vàng[4]: “Khi một người với chủ ý
đạt đến được trạng thái không còn chủ ý, người đó đã có sự hiểu
biết”. Câu này tương tự như câu Pali: sasankhārena asankhārikam
pattabbam, “Với sự tinh tấn hữu trợ có chủ ý,
sự tự động (trong thiện pháp) sẽ đạt được”.
Ngay cả khi rất nhiều phương pháp trợ giúp
con đường phát triển tâm linh và giải thoát trong kinh điển được đem ra áp dụng
một cách khôn khéo, cũng không có phương pháp nào thực sự so sánh được với
thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna); và thiền Tứ Niệm Xứ này bắt đầu một
cách đơn giản bằng sự thực hành giữ yên và dừng chặn để ghi nhận
thuần túy.
Làm
chậm lại
Để kiềm chế sự bốc đồng, cẩu thả
và phóng dật của một cái tâm thiếu tu tập, pháp hành tạm dừng và dừng chặn
cố ý tập làm chậm lại mọi việc. Tuy nhiên, do yêu cầu thúc bách của cuộc
sống hiện đại, việc làm chậm lại các hoạt động trong công việc hàng ngày rất
khó áp dụng trong thực tế. Nhưng bởi vì đây là cách đối trị những hệ lụy
có hại từ tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại, nên việc áp dụng
nó trong những lúc rảnh rỗi, nhất là trong những giai đoạn thực hành thiền Tứ
Niệm Xứ miên mật, là điều rất quan trọng. Thực hành như vậy cũng đem lại nhiều
lợi ích trong cuộc sống như sự bình an, tĩnh lặng của tâm, nâng cao hiệu
quả và kỹ năng trong công việc.
Đối với mục đích phát triển thiền tập, tập
làm chậm rất hiệu quả để luyện tập sự không dễ duôi, thu
thúc lục căn[5] và định lực[6]. Nhưng ngoài những điều
đó, nó còn có một ý nghĩa cụ thể hơn đối với thiền tập. Chú giải kinh Tứ Niệm
Xứ nói, việc làm chậm lại các cử động có thể giúp lấy lại được định tâm đã mất
(trên một đề mục). Trong chú giải có chuyện, một vị sư trong lúc quên chánh
niệm đã co tay lại hơi nhanh, không đúng với nguyên tắc thực hành. Khi ý thức
được điều đó, vị ấy đã đưa tay trở lại vị trí cũ và làm lại cử động ấy một cách
chánh niệm. Đề mục chánh niệm của vị ấy là “giữ chánh niệm tỉnh giác trong mọi
hành động”, như đã nêu trong kinh Tứ Niệm Xứ: “Khi co tay, duỗi tay,
vị ấy làm một cách tỉnh giác”.
Làm chậm lại một số động tác trong thời
gian hành thiền miên mật đặc biệt hữu ích để đạt tới các tuệ minh sát (vipassanā-ñāna),
nhất là trực nhận về đặc tướng vô thường và vô ngã. Trong phần lớn các trường
hợp, chính các cử động nhanh đã làm tăng cường ảo tưởng về tính nguyên khối, và
ảo tưởng về một thực thể trong cái thực ra chỉ là một tiến trình phức tạp và
tạm bợ. Do đó, trong khi thực hành miên mật, làm chậm lại các hành động như đi
lại, co, duỗi (tay chân) để phân biệt được nhiều giai đoạn trong mỗi cử động,
sẽ trợ giúp mạnh mẽ cho tuệ giác trực nhận ba đặc tướng của tất cả mọi sự vật,
hiện tượng. Sự quán chiếu của thiền sinh sẽ ngày càng mạnh mẽ nếu
vị ấy có thể quan sát rõ ràng mỗi đoạn nhỏ của cả tiến
trình tự nó sanh lên và diệt mất, không có cái gì chuyển dịch hay “di dời”
sang đoạn tiếp theo.
Dưới ảnh hưởng của việc tạm dừng để ghi
nhận thuần túy, nhịp độ các hành động, lời nói và việc làm bình thường mỗi ngày
cũng trở nên tĩnh lặng và bình an hơn. Làm chậm lại nhịp điệu hối hả của cuộc
sống nghĩa là các suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức có thể hoàn thành đủ thời gian
sống tự nhiên của chúng. Chánh niệm được mở rộng đến tận lúc chót: đến những
xung động và âm hưởng cuối cùng. Giai đoạn cuối này rất thường xuyên bị cắt bỏ
do sự vội vã tóm bắt những ấn tượng mới, hoặc vội vàng bắt nối sang giai đoạn
suy nghĩ tiếp theo trước khi nắm bắt và hiểu rõ giai đoạn hiện tại. Đây là một
trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn trong tâm một con
người bình thường, bị chất nặng bởi một số lượng lớn những nhận thức rời rạc,
mơ hồ, những cảm xúc còi cọc và những ý tưởng chưa tiêu hóa. Làm chậm lại là
một phương pháp hiệu quả để phục hồi sự sáng suốt và trọn vẹn của tâm. Một ví
dụ thực tế là quy trình thực hành niệm hơi thở (ānāpānasati):
chánh niệm trọn vẹn toàn bộ hơi thở, từ lúc bắt đầu, đến đoạn giữa và điểm kết
thúc. Đó là ý nghĩa của đoạn kinh: “Biết rõ toàn thân hơi thở, vị ấy thở vào,
thở ra”. Cũng như thế, toàn bộ “hơi thở” hay nhịp điệu cuộc sống của chúng ta
sẽ trở nên sâu sắc và trọn vẹn hơn nếu chúng ta có thói quen duy trì
sự chú ý nhờ thực hành làm chậm lại mọi việc.
Thói quen cắt đứt sớm các tiến trình suy
nghĩ hoặc bỏ qua chúng chi phối phần lớn tâm những con người thành phố hiện
đại. Họ không ngừng đòi hỏi những sự kích thích mới mẻ, ngày càng liên tục
hơn, cũng như họ mong muốn mua những chiếc xe mới có tốc độ cao hơn, chạy nhanh
hơn. Những tác động dồn dập, gấp gáp của các ấn tượng giác quan sẽ làm cùn dần
sự nhạy cảm của họ, và vì vậy họ luôn luôn cần tới sự kích thích mới,
ồn ào hơn, thô tháo hơn và đa dạng hơn nữa. Một tiến trình như vậy, nếu không
được kiểm soát, sẽ chỉ đem lại tai họa mà thôi. Chúng ta đã chứng kiến con
người ngày càng xuống cấp về thị hiếu thẩm mỹ và mất dần khả
năng hưởng thụ niềm vui tự nhiên. Thay thế vào đó là những sự phấn khích cuồng
nhiệt và chóng tàn, chẳng thể đem lại sự mãn nguyện thực sự về cảm
xúc hay thẩm mỹ.
“Cuộc sống tinh thần nông cạn” là thủ phạm chính gây nên sự
hời hợt, nông cạn ngày càng gia tăng của những “con người hiện đại”, cũng như
sự lan truyền đáng sợ của căn bệnh rối loạn tâm thần trong xã hội phương
Tây. Nó có thể sẽ khởi đầu cho sự suy đồi về tâm thức của
con người, cả về chất lượng, phạm vi và năng lực. Mối nguy hiểm này đang đe dọa
tất cả mọi người, ở phương Đông cũng như phương Tây, những người thiếu sự bảo
vệ cho tâm mình trước tác động của kỹ thuật hóa, hiện đại hóa. Thiền Tứ Niệm Xứ
có thể đóng góp quan trọng để cải thiện hoàn cảnh này, theo cách chúng ta đã
trình bày ngắn gọn ở trên. Vì vậy, phương pháp thiền này cũng đem lại cả
lợi ích đời thường cho mọi người.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta chủ yếu chỉ quan
tâm đến khía cạnh tâm lý của chánh niệm và ý nghĩa của nó đối với sự phát
triển thiền tập. Sự chú ý được duy trì liên tục, nhờ thực hành
làm-chậm-lại, sẽ tác động đến chất lượng tâm chúng ta theo ba cách:
1. Củng cố và tăng cường sức
mạnh cho tâm.
2. Làm hiện rõ các đặc tướng
của đối tượng chú ý (đề mục).
3. Làm bộc lộ các mối quan
hệ nhân duyên của đối tượng.
1. Một đối tượng được chú ý liên tục
sẽ có tác động đặc biệt mạnh và kéo dài lên
tâm chúng ta. Ảnh hưởng của nó không chỉ được cảm nhận qua một loạt những suy
nghĩ kế tiếp sau đó, mà còn có thể lan tỏa xa đến tương lai. Chính hiệu
quả trợ duyên này là thước đo sức mạnh của tâm.
2. Sự chú ý liên tục đem đến một
bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về đối tượng trên tất cả các góc độ.
Nói chung, ấn tượng đầu tiên chúng ta cảm nhận được từ bất cứ đối tượng giác
quan hay một ý tưởng nào đó đều chỉ là đặc điểm nổi bật nhất của nó; chính điểm
này thu hút sự chú ý của chúng ta tới khi sức tác động của nó đạt đến đỉnh
điểm. Song đối tượng cũng thể hiện những khía cạnh, đặc tính cùng những chức
năng khác, ngoài những điều chúng ta cảm nhận được đầu tiên. Những điều này có
thể không rõ nét hoặc không thú vị đối với chúng ta; nhưng có thể lại quan
trọng hơn. Có rất nhiều trường hợp, ấn tượng đầu tiên của chúng ta hoàn toàn là
sai lầm. Chỉ khi chúng ta tiếp tục duy trì sự chú ý xa hơn cảm nhận
ban đầu đó thì đối tượng mới tự thể hiện ra đầy đủ hơn. Khi làn sóng nhận thức
đầu tiên thoái lui, thì sức mạnh của thành kiến/tư kiến (đánh giá, suy nghĩ chủ
quan) cũng giảm dần; và chỉ khi đó, trong giai đoạn kết thúc, đối tượng mới thể
hiện được nhiều chi tiết mở rộng, một bức tranh hoàn chỉnh hơn về chính nó.
Chính vì vậy, chỉ nhờ sự chú ý liên tục chúng ta mới đạt tới
được sự hiểu biết rõ ràng hơn về các thuộc tính của đối tượng.
3. Trong số các thuộc tính của đối tượng, dù
là của thân hay tâm, có một loại mà chúng ta thường bỏ qua do sự chú ý hời hợt
và vội vàng; nó cần được xem xét riêng biệt ở đây. Đó chính là các mối
quan hệ nhân duyên của đối tượng. Các quan hệ nhân duyên của nó
trải dài đến quá khứ - nguồn gốc, nguyên nhân, các tiền lệ về lý trí
và logic; nó cũng trải rộng ra bên ngoài hoàn cảnh tổng thể - bối cảnh,
môi trường và những lực tác động đang có mặt. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu
được hoàn toàn sự việc nếu chỉ nhìn nó một cách tách biệt, do chủ quan áp
đặt. Chúng ta phải nhìn đối tượng với tầm nhìn rộng hơn, trong tình trạng nó
bị điều kiện và đang tạo điều kiện; và điều này chỉ có thể làm được nhờ sự
chú ý liên tục.