Friday, October 16, 2015

SỰ QUÁN TƯỞNG VỀ GIÂY PHÚT HẤP HỐI TRÊN GIƯỜNG BỆNH

 Tác giả: Ngài Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw U Āciṇṇa 
Một quyển sách mang thông điệp khẩn cấp của Đức Phật
Cho những ai tầm cầu an lạc, hạnh phúc và tự do trên con đường tâm linh


Lời Nói Đầu
"Này các Tỳ-kheo, hãy luôn tinh tấn hành trì. Bởi khó khăn lắm mới có cơ hội gặp Phật ra đời trên thế gian, hiếm hoi lắm mới có cơ hội được sanh ra làm người, được gặp Giáo pháp, được làm người lành lặn có đầy đủ các căn, có niềm tin nơi Phật Bảo, Pháp Bảo, được xuất gia Tỳ-kheo và được cơ hội nghe giảng Pháp của các bậc Thánh, tất cả những điều này là các cơ hội độc nhất."

Đức Thế Tôn đã nói những lời vô giá này, vào mỗi buổi sáng sau bữa điểm tâm trước tất cả hội chúng trong tinh xá, và toàn thể cận sự nam, cận sự nữ. Thông điệp của Đức Thế Tôn mang đầy tính cấp bách và nhấn mạnh đòi hỏi phải hành động ngay tức khắc. Nó cũng là lời nhắc nhở đầy lòng từ bi rằng chúng ta phải nắm bắt các cơ hội này và đánh giá đúng giá trị cuộc đời và các món quà kèm theo mà đối với nhiều người dường như xem đó là điều tầm thường. Ngoài ra, nó làm thấm nhuần trong chúng ta một ý thức sâu xa việc đánh giá cao sự hướng đến những cơ hội hiếm có mà chúng ta có trong tay. Nó đơn giản và mạnh mẽ truyền cảm hứng cho chúng ta để hành động.

Đức Phật đã thường nhắc nhở ngắn gọn những điều này hàng ngày chỉ với mục đích và ý định làm tăng trưởng và làm thánh thiện đời sống và tâm của các vị đệ tử Tỳ-kheo và các cận sự nam, cận sự nữ, bằng cách đó, dẫn dắt họ đi trên con đường Giác ngộ, giải thoát và hạnh phúc. Ngài mong muốn các đệ tử của mình sẽ trở thành những tấm gương sáng với nỗ lực hành trì trên con đường phát triển tâm linh. Bài thuyết giảng với mục đích và tác ý rõ ràng của Ngài thể hiện qua những lời lẽ như sau:


Phẩm A-tu-la
(Bài thuyết giảng về Ngạ Quỷ Sứ)
A-tu-la (Asura) tiếng Pāli nghĩa là ngạ quỷ sứ. Trong bài giảng này, được dùng phép ẩn dụ để ám chỉ hạng người ác giới đáng sợ chẳng khác nào loài A-tu-la. Ngược với A-tu-la là Devā (loài chư thiên có thần thông sống ở cõi cao hơn). Trong bài này, nó được liên hệ theo cách ẩn dụ tới hạng người có giới và theo pháp lành.

Này Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
1) Hạng thứ nhất: A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la
2) Hạng thứ hai: A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên
3) Hạng thứ ba: chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la
4) Hạng thứ tư: chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên
.
1.            Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la? 
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng của người ấy cũng ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la.
.
1.               Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, nhưng hội chúng của người ấy có giới, theo pháp lành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên
.
1.               Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la? 
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, theo pháp lành, còn hội chúng của người ấy ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la.
.
1.               Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên? 
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo pháp lành, còn hội chúng của người ấy cũng có giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên.

.
Trong các loại người trên, Đức Phật hầu như ưa chọn hạng người thứ tư là hạng mà chính anh ta như chư Thiên và có nhiều thiện bằng hữu xung quanh. Trong bài thuyết giảng này, cho ta thấy phải có trách nhiệm đối với bản thân và những người chung quanh ta. Đức Phật còn nhấn mạnh trách nhiệm rèn luyện phẩm hạnh giới đức và pháp hành là nhiệm vụ cấp bách của mỗi người chúng ta trong đời sống hàng ngày. Hơn nữa, chúng ta hãy học Phẩm Định thứ hai (bài thuyết giảng thứ hai về phát triển định) được trích ra từ Tăng Chi Kinh, kinh điển Pāli.