1. Phương
pháp chánh niệm: Ý thức rõ cơn giận đang có mặt trong tâm. Việc nhận biết
sự hiện diện của cơn giận giúp chúng ta kiểm soát nó trước khi nó chế ngự tâm
trí chúng ta. Nếu hướng tâm chú ý đến đối tượng làm cho chúng ta tức giận thì
cơn giận trong ta càng thêm lớn. Nhưng nếu hướng tâm vào bên trong, quán sát,
theo dõi cơn giận, cảm xúc giận dữ của mình thì cơn giận trong ta sẽ dần dần
lắng xuống. Trong pháp quán Tứ Niệm Xứ, đức Phật đã dạy các thầy Tỳ kheo quán
tâm ở nơi tâm bằng cách thức đó. Hành giả theo dõi tâm mình, biết rằng tâm có
tham khi tham khởi lên, biết rằng tâm có sân khi sân khởi lên, biết rằng tâm có
si khi si khởi lên. Hành giả luôn chánh niệm tỉnh giác.
Phương pháp quán niệm hơi thở cũng
giúp chúng ta làm chủ cơn giận. Mỗi khi tức giận, nên hít thở sâu, hơi thở
chậm, đều, êm, nhẹ, để tâm ý tập trung theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra. Biện
pháp này giúp tâm lý ổn định, chúng ta có được sự bình tĩnh, có bình tĩnh mới
đủ sáng suốt để xem xét sự việc và có cách giải quyết, ứng xử phù hợp.
2. Phương
pháp chuyển hóa cơn giận: Sau khi nhận biết rõ sân đang khởi lên trong tâm,
bằng phương pháp chánh niệm hơi thở chúng ta làm cho cơn giận lắng dịu. Sau đó
chúng ta tiếp tục dùng ý niệm chuyển hóa cơn giận để cơn giận hoàn toàn biến mất
khỏi tâm. Đây là phương pháp triệt tiêu cơn giận nếu như phương pháp chánh niệm
chưa làm cho cơn giận mất hẳn.
Trong kinh Pháp
Cú, đức Phật dạy: “Người kia không hiểu rằng: Tất cả mọi người đều sẽ bị hủy
diệt bởi luật vô thường, cho nên mới phí sức tranh luận hơn thua. Nếu họ hiểu
rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa”. Khi quán niệm lời Phật dạy, thấy rằng
ai rồi cũng sẽ chết, mọi sự hơn thua chẳng có nghĩa lý gì. Tức giận để làm gì?
Hơn thì sao? Thua thì sao? Tại sao không để cho lòng thanh thản, sống vui vẻ mà
lại gây thêm phiền phức, làm cho cuộc sống bị xáo trộn, bất an. Hãy để dành
thời gian, hơi sức làm những việc có ích cho bản thân và cuộc đời.
Việc quán nhân
duyên, nghiệp báo cũng giúp chúng ta dứt trừ sân hận. Khi nghĩ rằng tất cả
những gì xảy đến với chúng ta đều có nhân duyên cả, từ đó dễ dàng chấp nhận
những điều không như ý. Chúng ta biết rằng thái độ buông xả, chấp nhận trả
nghiệp báo và không tiếp tục tạo nhân bất thiện là một thái độ sáng suốt. Trong
kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy rất nhiều về điều đó: “Nó lăng mạ tôi, đánh đập
tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt của tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy thì sự oán hận
không thể dứt.” (kệ thứ 3), “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp
đoạt của tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy thì sự oán hận tự dứt”(PC.4), “Ở thế gian
này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù. Đó là
định luật ngàn thu”(kệ thứ 5)
3. Tu tập Tứ
vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả là phương pháp tối ưu giúp chúng ta chuyển hóa
hoàn toàn hạt giống sân hận trong tâm, cởi bỏ oán kết, trải rộng tình thương,
làm lan tỏa năng lượng từ bi đến với mọi người dù đó là đối tượng làm cho ta
sân hận.