Tuesday, October 20, 2015

Chúng ta sống cứ mãi mê chạy theo, bám víu công danh sự nghiệp, tiền bạc, vật chất tiện nghi

 Mà quên đi phần tinh thần, tức con người tâm linh, nên dễ dẫn đến quẫn trí và tuyệt vọng. Không có gì đau khổ, cùng cực bằng tâm mờ mịt đi trong đêm tối ba mươi. Còn có sự sống là còn có hy vọng, nhưng hy vọng của chúng ta không phải là mộng mơ, không phải vu vơ, huyền hoặc. Nếu chúng ta hy vọng mà không có đích đến rõ ràng thì thật nguy hiểm; như trường hợp của kẻ xấu chỉ muốn làm sao tìm cách chiếm đoạt của người khác mà nhẫn tâm cướp của giết người, hy vọng kiểu đó chỉ gây thêm tội lỗi và khổ đau cho nhân loại.

Con người là loài có hai chân, đầu đội trời, chân đạp đất, có văn hóa, có văn minh, có hiểu biết, có yêu thương nhờ biết suy nghĩ, nhận thức tốt và biết cách thăng hoa trong cuộc sống nên gọi là có tình người. Nhờ có suy nghĩ và biết vận dụng đi theo chiều hướng tốt đẹp nên con người mở rộng tấm lòng nhân ái, biết san sẻ và giúp đỡ nhân loại; ngược lại, nếu vận dụng đi theo chiều hướng xấu thì làm tổn hại cho tất cả chúng sinh. Khi loài người đã sai lầm thì vô cùng cực ác, có thể tàn sát, giết hại một cách dã man và hủy diệt môi trường, sự sống không thương tiếc vì lợi ích cho riêng mình, nhất là những ông vua thời phong kiến.

Thế gian này theo lời Phật dạy có năm loài cùng chung ở, từ loài người nhìn lên trên thì có thần Atula và chư Thiên là loài có phước báu hơn người. Từ loài người nhìn trở xuống thì có súc sinh, ngạ quỷ là loài kém phước báu hơn người. Con người và các loài súc sinh chúng ta thấy biết rõ ràng, còn thần Atula và chư Thiên, ngạ quỷ và địa ngục chúng ta không thể nhìn thấy trực tiếp. Năm loài cùng chung ở hay sáu đường sinh tử luân hồi có đầy đủ trong loài người, nhưng loài người có ưu điểm hơn năm loài kia vì biết suy nghĩ, nhận thức được mọi sự việc tốt xấu, đúng sai, vui buồn lẫn lộn và thường xuyên nếm trải hương vị ngọt ngào hay đắng cay của cuộc sống. 

Chính vì vậy, đức Phật mới xuất hiện nơi loài người vì loài người có đủ điều kiện để tu thành bậc Chánh đẳng giác. Năm loài còn lại không đủ khả năng tu hành thành Phật. Đạo Phật ra đời đã trên 2600 năm, trải qua các cuộc thịnh suy, thăng trầm của thời đại nhưng không bao giờ có đổ máu, hận thù, tàn phá, giết hại, mà đạo Phật chỉ giúp cho con người sống có hiểu biết và yêu thương hơn bằng tất cả tấm lòng từ bi và trí tuệ với tinh thần vô ngã, vị tha. Đó là ưu điểm của nhân loại biết vận dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày nên biết cách làm chủ bản thân, không lệ thuộc vào đấng thần linh hay thượng đế. Do đó, sống có tình người, tình nhân loại, tình chúng sinh nên không làm tổn hại cho nhau.

Trong sáu đường sinh tử luân hồi, mỗi loài đều có hoàn cảnh và sự sống khác nhau. Loài súc sinh chúng ta thấy rất rõ là loại có cánh bay lượn trên không, chúng sống thành từng đàn, từng nhóm và tồn tại nhờ thức ăn của núi rừng thiên nhiên bao la theo kiểu hoang dã. Nhóm thứ hai có cách sống nhờ sự trồng trọt của loài người, hầu như mạng sống của chúng ảnh hưởng theo sự phát triển của nhân loại. Nếu con người tồn tại và phát triển ngày càng đông thì có nguy cơ tiêu diệt các chủng loại khác và phá hủy thiên nhiên để phục vụ cho nhân sinh. Loài sống trên mặt đất cũng vậy, có loài sống nhờ rừng núi thiên nhiên và chúng có thể ăn nuốt lẫn nhau theo kiểu lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Ngoài ra, các loài súc sinh sống gần con người, chịu sự nuôi dưỡng của con người và tùy theo khả năng mà chịu sự sai khiến làm việc, phục vụ cho con người, và có những loài được nuôi để cung cấp thức ăn cho nhân loại. Các loài sinh vật dưới nước cũng thế, chúng cũng bị con người bắt và nuôi dưỡng cũng để làm thức ăn phục vụ cho nhân loại. 

Chư thiên là loài có phước báu hơn loài người nhờ biết tu thập thiện, tu tập các tầng bậc thiền định, do đó được hưởng phước báu mọi nhu cầu cần thiết theo ý muốn của mình nên rất khó tu. Cụ thể hóa như những người quá giàu ở thế gian này rất khó tu vì họ phải bận rộn đa đoan các thứ quyền lực, danh vọng, tiền bạc nên không có thời gian để tu hành. Đến khi phước hết vẫn bị đọa lạc trở lại như thường. Thần Atula có phước hơn người nhưng vì nóng giận quá mức nên hay tranh đấu dẫn đến hiềm khích, gây ra chiến tranh tạo sự oan gia, ân oán, hận thù cho nhau. Chính vì thế, hai loài này tuy có phước hơn người nhưng một bên hưởng thụ quá đầy đủ, một bên nóng giận quá độ nên rất khó tu tập. Còn địa ngục thì quá khổ đau cùng cực, không có chút tự do, chúng sinh rơi vào cảnh giới này chịu khổ triền miên không có ngày thôi dứt, chính vì vậy nên không có thời gian suy xét và quán chiếu, do đó cũng không tu được.

Nhìn từ góc độ thực tế, chúng ta thấy cũng có địa ngục trần gian, ai phạm tội giết người thì bị xích lại nhốt vào ngục tối, nặng nhất là án tử hình. Tội nhân bị án này sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm cứ phập phồng lo sợ không biết thần chết đến lúc nào để rước mình đi, khi nghe tiếng mở cửa là sợ điếng cả hồn vì ai cũng tham sống, sợ chết. Một ngày trôi qua là họ mừng một ngày vì vẫn nuôi hy vọng được sống để làm lại cuộc đời. Còn những án khác từ án chung thân đến án khổ sai từ một tháng cho đến hai chục năm và nhẹ nhất là hưởng án treo. Nhìn từ góc độ triết lý học Phật giáo, chúng ta thấy vô vàn, vô số địa ngục khác như các bệnh viện phòng cấp cứu, các nhà bếp của mỗi gia đình, các quán nhậu, các lò sát sanh, các chợ bán thịt cá, heo, bò, gà, vịt, các loài hải sản và cuối cùng là các nhà lưới bẫy đánh bắt. Mỗi một ngày, vô số các loài bị phanh da xẻ thịt để cung cấp phục vụ cho loài người. Nhìn ở góc độ địa ngục trần gian, chúng ta còn có thể hình dung địa ngục trong tâm thức mỗi người, đó là tâm toan tính hại người, hại vật hoặc bị phiền não chi phối gọi là địangục tâm thức. Người tu nếu đạt đến giác ngộ giải thoát thì tâm sẽ an nhiên, tự tại dù thân có bị hành hạ, đau nhức chi phối.

Loài ngạ quỷ là loài quỷ đói thấy thức ăn mà ăn không được bởi nghiệp tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn chiêu cảm. Nhìn từ góc độ cuộc đời, ta thấy ngạ quỷ cũng có trong loài người thiếu ăn, nghèo đói, thèm khát, ham muốn quá đáng mà không được nên khổ đau bức bách. Quỷ đói không phải có trong người nghèo khổ mà cả người giàu có vì tham vọng quá lớn, không được như ý muốn cũng vẫn phải chịu khổ như thường.

Loài súc sinh của thời kỳ cổ đại được sống tự do, thoải mái trên những núi đồi thiên nhiên bạt ngàn, xanh tươi, màu mỡ, ít bị loài người sát hại. Một số loài súc sinh phải chịu ảnh hưởng phước báu của con người nên con vật nào được người thương thì cuộc sống có phần thoải mái, ngược lại thì bị người giết hại. Con người thuần hóa các loài vật để phục vụ cho mình như lạc đà, lừa, ngựa, trâu, bò để chuyên chở và cày bừa. Việc săn bắn, đánh bắt, giăng bẫy các loài thú tuy có nhưng không đáng kể và việc nuôi thú để làm thực phẩm cho con người cũng không có nhiều. Tuy nhiên, thế giới con người ngày nay quá đông nên nhu cầu đánh bắt loài vật không đủ sức cung phụng cho loài người, do đó con người phải tự nuôi thêm các loài gia cầm, súc vật theo công nghệ hiện đại để đủ đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Ngoài ra, các loài vật cũng chịu sự ăn nuốt lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ nên luôn sống trong khổ đau, lầm lạc.

Năm loài cùng nêu trên có hai loài là chư Thiên va thần Atula có phước sung mãn hơn người nhưng lo thụ hưởng nên không có điều kiện tu tập; ba loài dưới ngườithuộc đẳng cấp thấp hèn nên không có văn hóa, không có tình người; loài người do biết suy nghĩ, cảm nhận được sự khổ đau và hạnh phúc nên có điều kiện tư duy, quán chiếu, soi sáng mọi việc bằng nhận thức sáng suốt, có học hỏi, có tu tập, có văn minh, có hiểu biết, có yêu thương, có cảm thông, có bao dung, có độ lượng, có tha thứ và cùng san sẻ cho nhau nên loài người có đủ khả năng tu hành thành Phật. Đó là ưu điểm của loài người, năm loài kia không thể thành tựu Phật đạo, chính vì vậy đức Phật mới giáng sinh nơi loài người. Theo lời Phật dạy, thế gian này có năm loài cùng chung ở, hay gọi là sáu đường sống chết-luân hồi, có hai loài chúng ta thấy biết dễ dàng nhất là thế giới của loài người và súc sinh, bốn loài còn lại chúng ta có thể nhìn bằng trực giác hay tuệ giác của Phật mới biết rõ sự hiện hữu ngay nơi cuộc sống của mình.

Loài người từ khi còn sống hoang dã cho đến ngày hôm nay đạt được tiện nghi văn minh vật chất, nhưng vẫn phải đau đầu vì cái ác luôn chiếm ưu thế bởi các học thuyết vu vơ, huyền hoặc. Cùng với sự tác động của nhiều phim ảnh đã gieo rắc vào tâm tư con người những tư tưởng bạo động, hận thù, tàn sát, giết hại lẫn nhau. Khi xưa, con người chưa văn minh tiến bộ nên đa số chịu ảnh hưởng sự cai quản của thần linh, thượng đế, phải chấp nhận số phận đã an bài, hạnh phúc hay khổ đau đều do đấng tối cao sắp đặt. Con người khi sinh ra ai cũng khát khao được tự do và hạnh phúc, nhưng đa số không biết làm cách nào để được hạnh phúc chân thật. Nhiều người cho rằng, hạnh phúc là có cơm ăn, áo mặc, nhà ở tiện nghi. Một số người cho rằng, hạnh phúc là có quyền cao chức trọng. Nhiều người cho rằng, hạnh phúc là có nhiều tài sản và vợ đẹp, con ngoan. Một số người cho rằng, hạnh phúc là nội tâm thanh tịnh, không còn ham muốn dục vọng và các khoái lạc trần gian. Các vị Bồ tát thì lấy hạnh phúc của nhiều người làm niềm vui cho chính mình nên dấn thân đi vào đời làm việc không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán để phụng sự nhân loại.

Làm người trong thế gian ai cũng muốn hưởng được hương vị ngọt ngào của cuộc sống, vì thế chúng ta cần đủ nghị lực chọn một hướng đi rõ ràng và trong sáng. Nếu chúng ta do thấy biết sai lầm nên sống cuộc đời lầm lỗi và hay thất chí, nản lòng thì ta sẽ gặp nhiều bất hạnh, khổ đau trong cuộc sống. Ta đừng tự hạ thấp giá trị của mình khi so sánh với mọi người, mỗi chúng ta là một viên gạch xây nên căn nhà tình thương tuy giá trị của mỗi viên gạch lớn nhỏ khác nhau. Chúng ta hãy nên không ngừng trau dồi học hỏi, quán chiếu cuộc đời để chuyển hóa kiến thức từ sự học hỏi của thế gian thông qua lời Phật dạy; chúng ta tu tập để phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật nên không bị phiền não, khổ đau chi phối và luôn sống trong an lạc, hạnh phúc. 

Người có nhiều kiến thức thường thấy mình là trung tâm của vũ trụ, vì sự chấp ngã của cái tôi này quá lớn, do đó họ sinh tâm tham muốn quá độ nên có thể làm tổn hại nhiều cho nhân loại. Người có trí tuệ sáng suốt luôn  biết rõ chân lý cuộc đời là một dòng chuyển biến đổi thay, cho nên bản chất của nó là vô thường, tuy biết vô thường nhưng vẫn dấn thân phục vụ và làm việc không biết mệt mỏi vì lợi ích chúng sinh mà không tham đắm, mê mờ. Trí tuệ là tài sản vô giá, luôn giúp chúng ta vượt qua cạm bẫy cuộc đời để có cơ hội nối kết yêu thương đồng hành cùng nhân loại. Mỗi một con người là quà tặng cho cuộc sống, khi nhân loại đến với nhau có hiểu biết và thương yêu thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.

Chúng ta muốn có một nhân cách sống đạo đức tốt đẹp thì phải học theo gương hạnh của các bậc thoát trần thượng sĩ ngày xưa. Thời Phật còn tại thế, một hôm Ngài đến thăm ba vị đệ tử của mình đang tu tập tại một làng quê xa xôi, hẻo lánh. Được Phật thân hành đến, ba vị đệ tử cùng nhau cung kính đảnh lễ và ngồi sang một bên chờ sự chỉ dạy của Ngài. Phật ân cần thăm hỏi, “này các đệ tử, tụi con sống ở đây có được an lạc và hòa hợp hay không?” Ba tôn giả đồng thưa, “chúng con sống với nhau rất hòa hợp và hạnh phúc”. Phật hỏi, “các con sống như thế nào mà được an lạc và hạnh phúc?”. Ba tôn giả trả lời, “kính bạch Đức Thế tôn, chúng con sở dĩ sống hòa hợp, an lạc là nhờ biết gìn giữ thọ trì giới cấm miên mật; biết mở rộng tấm lòng từ-bi-hỷ-xả; biết khiêm cung, tôn trọng, lễ phép với nhau; luôn vui vẻ, hòa nhã; biết cảm thông và độ lượng; luôn nhẫn nhịn và nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau trong mọi trường hợp”. Phật từ bi nói, “lành thay, các con về sau rất xứng đáng làm hương thơm cho đời”.

Đôi lời tâm sự chân thành với lòng biết ơn vô hạn, kính mong chư huynh đệ pháp lữ gần xa hãy nhín chút thời gian để cùng chúng tôi kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống trên tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết.

Kính ghi

Phong Trần Cuồng Nhân