Tuesday, June 9, 2015

Rừng thiền Pa-Auk



Rừng thiền Pa-Auk là một trung tâm thiền (chính) nằm rãi rác trong một khu rừng mát mẻ của Bang Mon, cách thành phố Yangon 6  giờ đồng hồ, thuộc tỉnh Mawlamyine, Miến Điện.
 
Tọa lạc trên một vùng đồi núi phủ đầy cây xanh mát mẻ, rừng thiền được tổ chức quy mô với ba khu vực thượng, trung và hạ. Một khu dành cho chư tăng,  khu vực còn lại là phòng hành chánh, tu nữ và cư sĩ, một bệnh xá nhỏ và thư viện, trường học cũng được bố trí để phục vụ cho Thiền Sinh.

 Con đường trải nhựa rợp mát dưới hai hàng cây dẫn tới Khu Trung Tâm Rừng Thiền Quốc tế Pa-Auk, vào những ngày thường, nơi đây tập trung hàng ngàn thiền sinh từ nhiều nước trên thế giới đến đây tu tập như Đức, Úc, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Tích Lan, Trung Quốc, CH Séc, Indonesia, Singapore,… trong đó, thiền sinh  người Việt chiếm tỷ lệ đông nhất. Có nhiều thiền sinh ngoại quốc đã có mặt ở đây tu tập từ nhiều năm trước dưới sự hướng dẫn của Ngài Viện trưởng Thiền sư Pa-Auk.

Là một đất nước có truyền thống Phật giáo nguyên thủy lâu đời, với niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo, người dân hầu hết quy hướng về công đức thiện nghiệp Bố thí, Trì giới, Tham thiền. Vì vậy vào các dịp lễ, tết hay ngày nghỉ, trường thiền còn là nơi để lui tới hành thiền hoặc xuất gia gieo duyên của người dân Miến, có lúc lên đến trên 2,000 người, thể hiện sự quan tâm gieo trồng ruộng phước theo Lời Dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tạo nên nền tảng đạo lý xã hội với sự phát triển tâm linh của một đất nước còn mang đậm truyền thống  nguyên thủy mà chúng ta hiếm thấy ở những nơi khác.

Vậy Thiền là gì?  Thiền là sự phát triển và hoàn thiện của Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Hay nói khác hơn cả Thiền Định và Thiền Quán, đều phải dựa trên giới hạnh của thân khẩu và ý.

Với Ba-la-mật của mỗi người, việc tu tập Bát Thánh Đạo phải từng bước theo trình tự Giới, Định và Tuệ. Nghĩa là sau khi thanh tịnh giới xong, hành giả tu tập định để phát triển thiền tuệ. Có 40 đề mục Thiền định mà hành giả có thể hành bất cứ đề mục nào để phát triển định lực. Đối với người không thể quyết định chọn đề mục nào để tu tập, thì nên khởi đầu với đề mục niệm hơi thở (ānāpānasati). Phần lớn thành công trong thiền đều nhờ đề mục Hơi thở, hoặc Phân tích tứ đại.  Trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, trong Giáo pháp này, vị Tỳ kheo sau khi đã đi vào khu rừng, hoặc đến một gốc cây, hay căn nhà trống, ngồi kiết già, giữ lưng thật thẳng và thiết lập niệm trên đối tượng thiền (đặt niệm vào đề mục). Chánh niệm vị ấy thở vào, chánh niệm vị ấy thở ra.
  • ·Thở vào dài, vị ấy biết“ta đang thở vào dài”; hoặc thở ra dài, vị ấy biết  “ta đang thở ra dài”
  • ·Khi thở vào ngắn, vị ấy biết: “ta đang thở vào ngắn,”; hoặc khi thở ra  ngắn, vị ấy biết:“ta đang thở ra ngắn”.
  • ·“Cảm giác toàn thân hơi thở, ta sẽ thở vào”. Vị ấy tập như vầy; và “cảm giác toàn thân hơi thở, ta sẽ thở ra”, vị ấy tập như vậy.
  • ·“An tịnh thân hơi thở, ta sẽ thở vào”, vị ấy tập như vầy; và “an tịnh thân hơi thở, ta sẽ thở ra”, vị ấy tập như vậy.
Pháp niệm hơi thở là một trong những đề mục hành thiền lợi ích nhất có thể thích hợp với tất cả mọi người. Chính nhờ đối tượng này mà  định được phát triển. Trong Thanh Tịnh Đạo cũng đề cập đến việc đếm hơi thở một cách chi tiết. Hành giả nên đếm sau cuối của mỗi hơi thở như “vô ra một, vô-ra hai…”, và được khuyên đếm từ năm đến tám. Qua tiến trình thực hành, hơi thở sẽ dần trở nên an tịnh với  sự liên tục tỉnh giác, lúc ấy tướng hơi thở (đối tượng sơ khởi, thô tướng  –uggaha nimitta) có thể xuất hiện. Hành giả nên quyết định giữ cho tâm an định trên tướng ấy trong một, hai, ba giờ đồng hồ hoặc hơn nữa. Tướng ấy sẽ trở nên trong sáng và rực rỡ hơn. Đây gọi là tợ tướng (hình ảnh khái niệm –Pāṭibhāga nimitta). Cũng như trước, hành giả giữ cho tâm dán trên tợ tướng trong một, hai, hoặc ba giờ và thực hành cho đến khi thành công. Ở giai đoạn này, hành giả sẽ đạt đến cận định (upacāra) hoặc  an chỉ định (appana-áp đặt tâm nhất điểm vào đối tượng, an trụ tâm). Cận định nghĩa là gần kề, vì nó đến cận bên trạng thái nhập định hay đi trước bậc thiền (jhāna). Cả hai loại định này đều có cùng một đối tượng là tợ tướng. Khác nhau duy nhất giữa chúng là trong cận định các thiền chi chưa được phát triển đầy đủ.

Vì lý do này các tâm hữu phần (Bhāvaṇga-tiềm thức)[1] vẫn khởi lên, và hành giả có thể rơi trở lại hữu phần hay dòng tâm duy trì kiếp sống này. Khi rơi vào dòng hữu phần, có thể hành giả sẽ cho rằng mọi thứ đều dừng lại, thậm chí còn nghĩ đó là Niết Bàn. Để tránh rơi vào hữu phần và để phát triển thêm, hành giả cần đến trợ sức  của ngũ lực  (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) thông qua ngũ căn, nhằm nhấn tâm vào và quấn chặt nó trên tợ tướng. Tức là năm sức mạnh kiểm soát tâm, giữ cho nó khỏi lang thang ra ngoài con đường thiền định và thiền quán để đưa đến Niết bàn.Việc quân bình tín với tuệ, và định với tấn được bậc trí ca ngợi và kết quả hiển lộ như sau :
  • Nếu tín mạnh và tuệ yếu, người này sẽ tin kính vào những đối tượng được xem là vô ích và vô căn cứ, những đối tượng ngoại đạo (những tôn giáo ngoài Phật giáo) như thần linh hoặc chư thiên bảo hộ. Ngược lại nếu tuệ mạnh, tín yếu thì có thể trở thành một người xảo trá hay ngụy biện, không hành thiền, chỉ phí thời gian vào việc phán đoán.
  •  
  • Nếu tín và tuệ quân bình thì người ấy đặt niềm tin vào Tam bảo, nơi nghiệp và quả của nghiệp. Người ấy tin rằng nếu hành thiền đúng theo chỉ dẫn của Đức Phật thì họ có thể sẽ thấy tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và đắc thiền (jhāna).
  •  
  • Nhưng nếu tấn mạnh, định yếu thì tâm hành giả có thể trở nên dao động. Tuy nhiên, khi định và tấn quân bình, hành giả sẽ không rơi vào lười biếng cũng không dao động, và có thể đắc thiền. Chỉ khi định và tuệ quân bình thiền hiệp thế mới có thể phát sanh.
Đức Phật dạy rằng điều này cũng áp dụng cho các thiền siêu thế (lokuttara jhāna) vốn đòi hỏi thêm là định và tuệ phải được quân bình với tấn và tín. Riêng niệm là cần thiết cho mọi trường hợp, bởi niệm bảo vệ tâm khỏi dao động do tín, tấn hoặc tuệ thái quá, và bảo vệ tâm khỏi lười biếng do định thái quá. Niệm quân bình tín với tuệ, định với tấn, và định với tuệ. Do đó, niệm luôn luôn cần thiết như muối cần cho các món canh. “Niệm luôn luôn cần thiết cho bất kỳ đề mục thiền nào. Vì nó là nơi nương tựa và bảo vệ tâm thiền” Không có niệm, hành giả không thể nâng tâm lên hoặc chế ngự tâm được. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói niệm (đề mục hơi thở) là cần thiết trong mọi trường hợp. 

Khi ngũ căn – ngũ lực đã được tu tập đầy đủ, tâm định thì sẽ dẫn đến cận định để nhập vào thiền (jhāna) hay an chỉ định. Khi hành giả đạt đến thiền, tâm hành giả sẽ biết tợ tướng  không gián đoạn. Sự kiện này có thể liên tục trong vài giờ, thậm chí cả đêm hay có khi suốt cả ngày. Khi tâm đã duy trì định trên tợ tướng liên tục trong một, hai giờ, hành giả nên cố gắng phân biệt (nhận thức rõ) vùng trong trái tim nơi đây tâm hữu phần  (bhāvaṇga) trú, đó là sắc trái tim hay sắc ý vật. Tâm hữu phần vốn sáng trong, và được các nhà chú giải giải thích rằng đó chính là ý môn (manodvāra). Nếu hành giả cố gắng làm đi, làm lại nhiều lần, thì cuối cùng sẽ phân biệt được cả hai tợ tướng Ý môn và tợ tướng khi nó xuất hiện ở đó. Kế tiếp hành giả phân biệt năm thiền chi, mỗi lần một chi. Với việc thực hành liên tục, có thể hành giả sẽ phân biệt được cả năm thiền chi một lần. Trong trường hợp của niệm hơi thở (ānāpānasati) có năm thiền chi là:
  • · Tầm (vitakka) hướng và đặt tâm trên tợ tướng hơi thở .
  • · Tứ (vicāra) duy trì tâm trên tợ tướng.
  • · Hỷ (pīti) thích thú đối với tợ tướng.
  • · Lạc (sukha) an vui với tợ tướng.
  • · Nhất tâm (ekaggata) sự nhất tâm trên tợ tướng.
­
Các thiền chi này khi đứng riêng thì gọi là thiền chi, song khi kết hợp lại thì gọi là bậc thiền. Sau đó phải hành cho thuần thục và có thể nhập thiền bất cứ lúc nào hành giả muốn:
  • · Quyết định (adhiṭṭhāna) trú trong thiền trong một thời hạn đã định và thực hiện quyết định ấy
  • · xuất thiền vào giờ ấn định
  • · Tác ý đến các thiền chi
  • · Kiểm nghiệm lại các thiền chi
Khi đã thuần thục sơ thiền, hành giả có thể cố gắng để tiến lên nhị thiền… theo trình tự rồi vào tam thiền, tứ thiền (trải qua một quá trình tu tập với công phu bền bỉ).

Bốn bậc thiền này cũng còn gọi là bốn thiền Sắc giới (rūpā vacara jhāna), vì chúng chỉ có thể cho quả tái sanh cõi Sắc giới. Nhưng ở đây không khuyến khích hành giả tu thiền để được tái sanh cõi Sắc giới, mà chỉ dùng chúng làm nền tảng để phát triển thiền Minh sát (vipassanā). Khi hành giả đã đạt đến tứ thiền bằng cách dùng niệm hơi thở, và đã tu tập năm pháp thuần thục, ánh sáng của định sẽ sáng chói, rực rỡ và tỏa chiếu, và nếu muốn, vị ấy có thể chuyển sang tu tập thiền Minh sát hay ngược lại. Hành giả cũng có thể tiếp tục tu tập tịnh chỉ (samatha) với các đề mục khác là 10 Kasina (đất, nước, lửa, không khí, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, không gian, và ánh sáng) với đề mục này có thể tu đến bốn tầng thiền Vô sắc giới, 32 thể trược, bốn thiền Phòng Hộ, Phân tích Tứ Đại.

Trong kinh “Samādhi sutta” Đức Phật giải thích “Này các Tỳ kheo, hãy tu tập định. Sau khi đắc định vị Tỳ kheo sẽ tuệ tri các Pháp (Dhamma) như chúng thực sự là (yathā bhutaṃ pajānati). Và vị ấy tuệ tri các Pháp như chúng thực sự là như thế nào?
  • · Tập khởi và sự đoạn diệt của sắc
  • · Tập khởi và sự đoạn diệt của thọ
  • · Tập khởi và sự đoạn diệt của tưởng
  • · Tập khởi và sự đoạn diệt của hành
  • · Tập khởi và sự đoạn diệt của thức
Biết và thấy duyên khởi: Hào quang, ánh sáng rực rỡ, sáng chói của trí tuệ mà hành giả đã phát triển sẽ cho hành giả khả năng đi ngược về dòng danh sắc nối tiếp từ hiện tại cho đến giây phút tái sanh trong kiếp này của hành giả, rồi cho đến sát na tử trong kiếp trước của hành giả, và theo cách ấy, đi ngược trở lại nhiều đời bao nhiêu tùy khả năng phân biệt của hành giả, sau đó cũng nhìn vào tương lai, cho đến thời điểm Vô Dư Niết Bàn (parinibbāna) của hành giả. Nhờ nhìn vào các phần tử riêng lẻ của danh sắc, hành giả có thể nhận ra các nhân và quả. Vào thời điểm thực hành một cách tinh cần và với một cái tâm đã được tịnh hóa bằng năng lực định mạnh mẽ, chuyên chú vào pháp hành thâm sâu phân tích Danh Sắc Chơn Đế, hành giả sẽ thấy được việc chứng diệt tối hậu – Niết Bàn – trong tương lai. Nhưng nếu hành giả ngưng thiền vv… những điều kiện ấy cũng sẽ thay đổi, và tất nhiên những kết quả trong tương lai cũng sẽ thay đổi theo.

Trên đây là một vài nét sơ lược tóm tắt về những gì các hành giả tu tập tại Rừng Thiền Pa-Auk, Mawlamyine, Miến Điện. Có những điều chưa thể trình bày hết trong mấy trang giấy này. Nếu hành giả nào thật sự quan tâm đến con đường sanh tử của mình thì nên sắp xếp thời gian đến đó tu tập sẽ hiểu rõ hơn những gì đang được thực hành theo Lời Dạy của Đức Thế Tôn!
Cầu chúc cho Quý vị thân tâm thường an lạc!



[1] Khi tâm thức không bị kích thích bởi ngoại cảnh, tức là có Bhavangatiềm thức. Sau mỗi diễn tiến của tâm thức lại có bhavanga. Không khởi ngang qua căn nào như mắt v.v… Bhavanga chính là ý môn.


V Hương

http://goo.gl/QiEqR   
  Google blogger  Sư Giới Tịnh đọc thêm nhiều tài liệu.