Sự trải nghiệm trong suốt quá trình
tụ tập của biết bao nhiêu bậc hiền Thánh đã đi trước, để lại cho chúng ta những
lời chỉ dạy rất bổ ích, chúng tôi xin chân thành trình bày ra đây bằng tất cả
tấm lòng với trái tim yêu thương và hiểu biết.
Sự
sống của con người là luôn tìm kiếm hạnh phúc cho thể xác lẫn tinh thần, ai
muốn tìm về cội nguồn của an lạc hạnh phúc thì phải tìm hiểu lại lịch sử, xem
đức Phật là gì? Là ai? Chúng ta muốn học hỏi và bắt chước đi theo con đường
giác ngộ, giải thoát, thì ta phải biết đức Phật là ai trước khi tin Phật. Tin
như như vậy là niềm tin chân chính vì có tìm hiểu, học hỏi và tu tập. Phật có
phải là con người lịch sử, hay là một đấng thần linh thượng đế như người cổ xưa
đã gán cho Ngài, hoặc Ngài là một nhân vật huyền thoại không có thật.
Phật
là danh từ chung, nói cho đủ là Phật-đà, nói gọn lại là Phật. Phật là người
giác ngộ, là người tỉnh thức, là người vì lợi ích tha nhân, vì sự sống của con
người, giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân, tin sâu nhân quả, tin
chính mình chủ của bao điều họa phúc.
Trước
khi thành Phật, Ngài là hoàng thái tử chuẩn bị kế thừa ngôi vua ở đất nước Ấn
Độ. Ý thức được sự khổ đau của nhân loại vì bị sinh – già – bệnh – chết, Ngài
chấp nhận từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ, để ra
đi tìm cầu chân lý, giúp cho mọi người thoát khỏi sinh - già – bệnh – chết.
Sau
5 năm học và tu với hai vị đạo sư nổi tiếng thời bấy giờ. Ngài vẫn không hết
được phiền muộn, khổ đau do tham – sân – si chi phối. Nghe nói lối tu khổ hạnh
ép xác, hành hạ thân thể sẽ thành tựu đạo quả, nên Ngài kiên trì, bền bỉ thực
hành liên tục sáu năm, cho đến khi thân thể chỉ còn lại da bọc xương, và cuối
cùng Ngài ngất xỉu.
Nhờ
một cô thôn nữ cúng dường bát sữa, Ngài tỉnh lại và tìm ra lối tu trung đạo, ăn
uống vừa đủ để nuôi sống thân này, và dùng trí tuệ để phá tan vô minh phiền
não. Cuối cùng, Ngài đã biết cách làm chủ bản thân, an nhiên, tự tại giải
thoát, không còn bị mọi dục vọng trên cõi đời này làm lung lạc, và thành Phật.
Điểm
đặc biệt ở đây là, Ngài là một con người bằng xương bằng thịt, giống như tất cả
mọi người chúng ta. Ngài cũng được sinh ra từ bụng mẹ, lớn lên Ngài vẫn có vợ,
có con như tất cả mọi người. Ngài là một con người đi tu, và cuối cùng thành
Phật để cứu độ chúng sinh. Chúng ta cũng là con người, nếu ai chịu tu theo lời
Ngài chỉ dạy, thì cũng sẽ thành Phật trong tương lai.
Trong
các bản kinh Ngài thường nói rằng “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ
thành”. Ai trong chúng ta đều có khả năng thành Phật như Ngài, bởi vì Phật là tánh
biết sáng suốt ngay nơi thân mỗi người, chỉ vì chúng ta chẳng chịu thừa nhận,
nên đời đời kiếp kiếp sống trong đau khổ, lầm mê. Phật là con người như tất cả
mọi người, vẫn sống làm việc, phục vụ vì lợi ích chúng sinh, không tham lam,
sân hận, si mê, dính mắc như người đời.
Thực
tế cho chúng ta thấy, đức Phật là người dám buông xả hết tất cả những gì thế
gian mong muốn, để dấn thân đóng góp, phục vụ, giúp đỡ, sẻ chia không biết mệt
mỏi, nhàm chán bằng trái tim yêu thương, hiểu biết, giúp con người biết cách
làm chủ bản thân, cùng nhau chia vui sớt khổ bằng tình người trong cuộc sống.
Về
khía cạnh tâm linh. Phật giúp cho ta nhận ra tính biết sáng suốt đang tiềm ẩn
nơi mỗi người, nương nơi mắt thì thấy rõ ràng không lầm lẫn, thấy tức là biết,
biết mà không dính mắc, không bị dòng đời cuốn trôi, vậy không phải Phật tính
là gì? Tai - mũi – lưỡi – thân – ý cũng lại như thế, ai nhận ra và trở về sống
với chân tâm của mình thì đời đời kiếp kiếp sẽ thoát khỏi kiếp sống trong đau
khổ lầm mê.
ÁP
DỤNG LỜI PHẬT DẠY ĐỂ HOÀN THIỆN CHÍNH MÌNH.
Làm
phước, bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ, niệm Phật, tụng kinh, thiền quán,
hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh, đó là những tiêu chí đầu tiên Phật
dạy chúng ta. Nhờ vào công đức của những việc làm trên, ta sẽ giảm bớt lòng
tham, ích kỷ, nhỏ nhoi, ti tiện.
Thấy
rõ sự sống của mình không thể tách rời nhau mà phải nương vào nhau, nên mọi
người cần có trách nhiệm thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người
trong cuộc sống với tinh thần chia vui, sớt khổ.
Tụng
kinh nhằm mục đích hiểu lời Phật dạy, để ta biết được điều này, nhằm chuyển hóa
nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Tụng
kinh để thấm nhuần lời Phật dạy, có ích thiết thực trong việc hành trì, gội rửa
thân tâm chúng ta ngày càng trong sạch hơn. Tụng kinh là cơ hội tốt nhất
để ta học hỏi, tìm hiểu, tư duy, quán chiếu, soi xét lại chính mình. Nhờ thường
xuyên nghiệm xét lời Phật dạy, chúng ta thấy biết rõ ràng chỗ si mê chấp ngã,
làm tổn hại cho người và vật.
Chúng
ta tụng kinh không phải để cầu nguyện, van xin Phật hay Bồ Tát giúp tai qua nạn
khỏi, gia đình được hạnh phúc, làm ăn được khấm khá.
Mình
tụng kinh để ba nghiệp thân-miệng-ý hằng thanh tịnh, nhờ thân ngồi ngay ngắn,
miệng tụng lời Phật dạy, ý nhiếp tâm vào lời kinh, nhờ vậy ta cảm thấy bình
yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Niệm
Phật giúp ta nhớ nghĩ chân chính, không nhớ nghĩ lăng xăng, có hại cho mình và
người. Niệm Phật tức nhớ Phật. Tâm Phật được được thanh tịnh, sáng suốt, thấy
biết đúng như thật.
Niệm
Phật là quá trình chuyển hóa ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện, có công năng
dừng lắng được điều ác chưa sinh, không cho phát sinh, điều ác đã sinh, không
cho tái phát. Niệm Phật để nhớ nghĩ việc làm tốt của Ngài để chúng ta cố gắng
thực hành theo, nhằm soi sáng muôn loài vật.
Thiền
quán để chúng ta thấy rõ sự sai biệt trong cuộc đời đều do con người tạo lấy,
giàu nghèo, tốt xấu, nên hư, phải quấy, thành bại, được mất, hơn thua, thông
minh, dốt nát, sống thọ, chết yểu đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Người Phật
tử chân chính ngoài việc học hỏi còn phải dùng thiền quán để soi sáng muôn loài
vật.
Nhờ
quán chiếu sâu xa lời Phật dạy, giúp chúng ta dễ dàng cảm thông và tha thứ, bao
dung và độ lượng, giúp đỡ và sẻ chia, an ủi và nâng đỡ bằng trái tim yêu thương
và hiểu biết, trong tinh thần đoàn kết hòa hợp với tấm lòng vô ngã, vị tha,
không thấy ai là kẻ thù của mình, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.
Nhờ
hiểu và quán chiếu lời Phật dạy, chúng ta biết cách buông xả mọi chấp trước do
bám víu vào xác thân này, mà có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, và cuối cùng là
phát nguyện hồi hướng.
Thích
Đạt Ma Phổ Giác