Friday, June 12, 2015

Tuệ trong đạo Phật



Mục đích của đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và chỉ có trí tuệ (Pannà) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.

Do vậy vai trò của người có trí và vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Đức Bổn Sư chúng ta. Và chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo của người có trí, là đạo của tuệ giác để tìm cho được một định nghĩa thỏa đáng cho đạo Phật.

Trước hết chúng ta nên phân biệt giữa người có trí thức như thông thường được hiểu và người có trí tuệ như đạo Phật thường định nghĩa. Người có trí thức là người có thể có một trí thức uyên bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để, nhưng người ấy là người chỉ có biết chớ không có hành, và người ấy đối với vấn đề ấy vẫn có thể bị chi phối, không được tự tại. Ví như một người có thể hiểu biết rất nhiều về vấn đề rượu, hiểu rượu gồm có những chất liệu gì, tác động của rượu đến với cơ thể như thế nào. Người ấy gọi là người có trí thức về rượu, nhưng người ấy vẫn uống rượu, vẫn bị say rượu, vẫn bị rượu chi phối. Như vậy người ấy chưa có trí tuệ về rượu. Trái lại, một người hiểu rõ được rượu là gì, biết rõ được sự nguy hại của rượu, lại có khả năng không bị rượu chi phối, không uống rượu, không nghiện rượu, không say rượu, vượt ra khỏi sự chi phối của rượu. 

Như vậy người ấy được xem là người có trí tuệ về rượu.
Có người hỏi, nếu có người không có trí thức về rượu, nhưng không uống rượu, người ấy được xem là có trí tuệ không? Lẽ dĩ nhiên là không. Người ấy vẫn hưởng được những lợi ích do không uống rượu đưa đến, như không say rượu, không nghiện rượu do cử chỉ không uống rượu của mình. Nhưng rất có thể, trong một trường hợp đặc biệt nào đó, vì thiếu khả năng đối trị với sự cám dỗ của rượu, vị ấy bắt đầu uống rượu, đi đến say rượu và nghiện rượu. Với sự phân biệt này chúng ta mới hiểu được định nghĩa người có trí như đã được Đức Phật định nghĩa rất rộng rãi trong những lời dạy của Ngài. Sự phân biệt này giúp chúng ta nhận định hai dạng người thường có trong những người Phật tử. Một hạng người rất uyên bác trong đạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng vẫn không được xem là người có trí tuệ. 

Hạng người này hiện có khá nhiều trong những học giả, thuần túy nghiên cứu đạo Phật, uyên thâm ba Tạng giáo điển, cả ba Tạng nguyên thủy lẫn ba Tạng phát triển, nhưng chỉ có nghiên cứu, không có hành trì. Chỉ nói hành thiền giỏi nhưng không hành thiền, trình bày hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí tuệ, như vậy cũng chưa được gọi là có trí tuệ. Một hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong đạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, nên cũng không thể xem là người có trí tuệ được, vì người ấy vẫn có khả năng bị tham, sân, si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ.

Tuy vậy, người có trí tuệ được đề cập rất nhiều trong những lời dạy của Ngài, và người có trí ở đây được diễn tả như một thứ lương tri, giúp chúng ta phân biệt chánh tà, thiện ác, tịnh uế, lạc khổ, thắng liệt. Điều quan trọng là trí tuệ ở nơi đây không còn là một đặc tánh hy hữu, có một không hai, mà trở thành một thứ lương tri luôn luôn có mặt trong chúng ta, tác động như một ngọn đèn soi sáng chúng ta biết phân biệt chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chánh với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta có thể tự hướng dẫn mình tiến đến an lạc và giải thoát. Diệu dụng này được Đức Bổn Sư chúng ta khéo léo diễn tả đặc tánh, những thái độ, những việc làm của hai hạng người, được gọi là kẻ ngu, người trí. Khi đọc qua những đoạn kinh diễn tả người ngu và người trí, chính lương tri chúng ta trở thành sinh động, giúp chúng ta nhận hiểu một cách rõ ràng những gì là tốt đẹp và những gì là không tốt đẹp cho mình và cho người.

Tăng Chi I, trang 113, nêu rõ sự sai khác một trời một vực giữa người ngu và kẻ trí: “Thành tựu ba pháp, người ngu được biết đến. Thế nào là ba?
Thân làm ác, miệng làm ác, ý nghĩ ác. Thành tựu ba pháp, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện.”

Cũng theo ý nghĩa này, Đức Phật nói thêm: “Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí… Như vậy người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi; người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm; người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí.” Thật là một sự xác chứng quá rõ rệt về sự sai biệt giữa người ngu và người hiền trí, dưới cái nhìn của một bậc đã giác ngộ.

Một sự sai khác rõ rệt nữa giữa người ngu và kẻ trí là đối với các cảm thọ. Người ngu khi gặp khổ thọ về thân thường sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh. Đức Phật ví dụ như người rơi vào vực thẳm, không đứng trên bờ, không đạt chỗ chân đứng an toàn. Còn bậc trí, đối với khổ thọ về thân, thời “không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh”. Như vậy Đức Phật dạy, vị ấy được gọi là: “Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều đã đứng trên bờ vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng an toàn” (Tương Ưng IV, 212). Bậc Đạo sư lại nói thêm: Người ngu si nghe ít, khi cảm xúc khổ thọ, thời sầu muộn, than van, … đi đến bất tỉnh. Như vậy cảm thọ có hai loại, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người bị bắn trúng hai mũi tên, vừa đau khổ về thân, vừa đau khổ về tâm. Lại nữa, người ngu si nghe ít, khi cảm xúc khổ thọ, cảm thấy sân hận nên sân tùy miên tồn tại và tăng trưởng. Vị ấy tìm sự xuất ly khỏi khổ thọ bằng cách hoan hỷ dục lạc, do không tìm được một xuất ly nào khác. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại và tùy tăng.

Vị ấy không như thật biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Như vậy, nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm giác như người bị trói buộc. Ở đây, Đức Phật dạy: “Người ngu si nghe ít, bị trói buộc bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ.” (Tương Ưng IV, tr. 213-214).

Còn đối với bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không có sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, vị ấy chỉ cảm giác một cảm thọ, tức cảm thọ về thân, không cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người ấy bị bắn bởi một mũi tên, chỉ đau khổ về thân, không đau khổ về tâm. Lại nữa vị Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không cảm thấy sân hận nên sân tùy miên không tồn tại và tăng trưởng. Vị ấy tìm được sự xuất ly ra khỏi khổ thọ, ngoài dục lạc. Vị ấy, không hoan hỷ dục lạc, nên tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại, không có tùy tăng. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ không tồn tại, không có tùy tăng. Như vậy, vị Thánh đệ tử nghe nhiều ấy cảm giác khổ thọ, cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, không có như người bị trói buộc. Ở đây, Đức Phật dạy: “Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, không bị trói buộc bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói người ấy không bị trói buộc bởi đau khổ.” (Trang 214-215).

Được hỏi sự sai khác giữa người ngu và bậc hiền trí, đối với các thân do vô minh che đậy, do ác phược ràng buộc khởi lên quan điểm có thân này, có danh sắc ở ngoài, do duyên thân này, có sáu xúc xứ và có cảm thọ lạc khổ, vậy có sự sai khác gì giữa bậc hiền trí và kẻ ngu? Đức Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, người ngu sống phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn tận khổ đau. Do vậy, người ngu khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, vị ấy không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy không thoát khổ đau.” (Tương Ưng II, 28-29).

“Và này các Tỷ kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân người hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy, người hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người hiền trí tận trừ. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, người hiền trí sống phạm hạnh, vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy, người hiền trí khi thân hoại mạng chung, không đi đến một thân khác. Do không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng: “Vị ấy thoát khỏi đau khổ.” (Tương Ưng II, 28-29).
Một phân biệt tế nhị nữa là người có trí ưa thích im lặng như biển lớn, như cái gì đầy tràn, như ao đầy nước, còn kẻ ngu thì ồn ào như khe núi, như cái gì trống rỗng, như ghè với nước.

“Hãy học các dòng nước
Nước khe núi chảy ồn,
Từ khe núi vực sâu,
Biển lớn đầy, im lặng.
Cái gì trống, kêu to,
Ngu như ghè với nước,
Cái gì đầy im lặng.
Bậc trí như ao đầy.”
(Tiểu Bộ I, 106)

Có người hỏi, vì sao bậc có trí sống phạm hạnh rừng sâu, ăn một ngày một bữa, lại có dung sắc thù diệu, còn kẻ ngu lại héo mòn, như lau xanh rời cành. Đức Phật trả lời với bài kệ:
“Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống phạm hạnh
Một ngày ăn một bữa,
Sao sắc chúng thù diệu?
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp đến,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.”
(Tương Ưng I, 6)

Một số sự sai biệt nữa giữa người ngu, kẻ trí được khéo diễn tả trong một số bài kệ sau đây:
Về hạnh không phóng dật:
“Người ngu si thiếu trí,
Chuyên đời sống phóng dật.
Người trí không phóng dật,
Như giữ tài sản quý.”
(Pháp Cú 26)

“Người trí dẹp buông lung,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ.
Bậc trí không âu lo,
Nhìn chúng sanh sầu muộn,
Chẳng khác đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu đất bằng!”
(Pháp Cú 28)

Đối với đời, người ngu, kẻ trí có thái độ thật sai khác:
“Hãy đến nhìn đời này
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Bậc trí nào đắm say. ”
(Pháp Cú 7)

Nhiều sự sai biệt giữa người trí, kẻ ngu, sai biệt chỉ bằng gang tấc, tiến tới thành ngu, dừng lại là trí:
“Người ngu nghĩ mình ngu,
Như vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.”
(Pháp Cú 63)

Một sự sai biệt khác, khá rõ rệt là thái độ người ngu, kẻ trí đối với Chánh pháp:
“Người ngu dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp
Như muỗng với vị canh.
Người trí dầu một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh.”
(Pháp Cú 64-65)
Hòa thượng Thích Minh Châu
Pháp Bảo