Friday, November 13, 2015

Thật cảm hứng xiết bao với Lời dạy của Đức Phật !

Cảm Hứng Ngữ

Thật cảm hứng xiết bao với Lời dạy của Đức Phật !
Những lời này của Đức Phật đã tạo cảm hứng cho chúng ta có được những hành động thánh thiện để phát triển tâm linh trong cuộc sống hàng ngày. Nó tạo thêm sức mạnh và nâng cao tinh thần của chúng ta trên con đường đến tự do và an lạc nếu chúng ta biết thực hành những lời dạy này trong các hành động thực tế.

Đức Phật giáo huấn rằng hãy tu dưỡng tâm ta như bản chất của đất, nước, lửa, gió, hư không, Ngài mong muốn một mức độ mạnh mẽ của đức kham nhẫn và sức chịu đựng được phát triển trong tâm ta mà trong tiếng Pāli gọi là phẩm chất Tādi.

Tādi, Một Phẩm Chất Đặc Biệt Của Tâm Giác Ngộ

Tādi là gì?
Iṭṭhāniṭṭhesu Hi Arajjanto Adussanto Tādī Nāma Hoti. 
(Chú giải Trung bộ kinh, q III, tr 98)

Lời dịch: Không để cho tham ái hoặc ghét bỏ khởi lên khi tiếp xúc với những điều ưa thích hoặc không ưa thích, đó gọi là Tādi
Đó là phẩm chất của tâm có thể vẫn không bị ảnh hưởng bởi đối tượng yêu thích, hoặc không yêu thích. Nó còn làm cho tâm thăng bằng, không phản ứng lại tham ái hoặc ghét bỏ ngay cả trên tám bản chất đời sống của thế gian (bát phong) là: được, mất, nổi tiếng, ô nhục, khen, chê, hạnh phúc và bất hạnh. Bản chất nội tâm mạnh mẽ này được gọi là phẩm chất Tādi. Đức Phật đã thúc giục ta phát triển phẩm chất tâm đại thiện này.

Hoàn Thành Trọn Vẹn Tādi

Thực ra, phẩm chất Tādi được thực hiện một cách hoàn hảo chỉ ở trong tâm của các bậc A-la-hán hoàn toàn giác ngộ. Đại Đức Rāhula, người được Đức Phật chỉ dạy, lúc đó mới được mười tám tuổi, còn là một phàm nhân (Puthujjana), là người chưa giác ngộ khi được dạy bài Pháp này. Đức Phật đã dạy Đại Đức Rāhula, mặc dù Ngài Rāhula vẫn còn là một phàm nhân (Puthujjana), đang cố gắng phát triển kỹ năng hành thiền và thái độ mạnh mẽ như bản chất vững vàng của đất, nước, lửa, gió, hư không, vì thế Ngài có thể đạt được một vài mức độ của Tādi.

Phương Thức Và Cách Thức Phát Triển Tādi

Lời dạy của Đức Thế Tôn phù hợp cho mọi người học và làm theo.
Câu hỏi: Làm thế nào để phát triển phẩm chất Tādi?
Trả lời: Thực hành theo Bát Chánh Đạo như đề cập ở trên.
Một khi quý vị thực hành Bát Chánh Đạo đạt được đà tiến triển vững chắc chút ít, cuối cùng là các tiến bộ, sẽ khởi lên một khả năng kỳ diệu là không bị hề hấn trước những cơn bão của cuộc đời, ví dụ như thăng trầm của cuộc đời. Khi một người thành tựu giai đoạn như vậy, tất cả những ngủ ngầm tiêu cực như nóng nảy, tự phụ sẽ giảm đi…. Những loại phiền não này sẽ hoàn toàn bị diệt trừ khi người đó chứng đắc giai đoạn giác ngộ thứ tư, cũng là giai đoạn giác ngộ cuối cùng. Phẩm chất Tādi cũng từ đó được viên mãn.

Người Cung Kính Vâng Lời

Cho đến nay, trong bài Pháp Kinh Đoạn Giảm, Đức Phật đã đưa ra một thông điệp kỳ diệu về cải hóa tâm thức liên quan đến một chủ đề hết sức quan trọng là dẹp bỏ sân hận và ngã mạn. Bây giờ, Ngài tiếp tục giảng xa hơn.

1.               “Những kẻ khác có thể khó nói (nan thuyết), chúng ta ở đây sẽ dễ tiếp thu”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta
2.               “Những kẻ khác có thể là ác hữu, chúng ta ở đây sẽ là thiện bạn hữu”, ví dụ như cha mẹ tốt, thầy tốt và bạn tốt có thể dẫn dắt trên con đường phát triển tâm linh, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta.

3.               “Những kẻ khác có thể dễ duôi trong việc tạo nghiệp thiện, chúng ta ở đây sẽ tích cực tạo thiện nghiệp”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta. Ghi chú: thiện nghiệp là các hành động như Bố thí (Dāna) , Trì Giới (sīla), Tham thiền (Bhāvanā).
4.               “Những kẻ khác có thể là bất tín, chúng ta ở đây sẽ có uy tín”, một thái độ thiện như thế chúng ta cần phải trưởng dưỡng
5.               “Những kẻ khác có thể không xấu hổ (vô tàm) đối với nghiệp bất thiện, chúng ta ở đây sẽ có xấu hổ (tàm) đối với nghiệp bất thiện”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta.

6.               “Những kẻ khác có thể không sợ hãi (vô quý) đối với bất thiện nghiệp, chúng ta ở đây sẽ có sợ hãi đối với bất thiện nghiệp”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta
7.               “Những kẻ khác có thể ít học, chúng ta ở đây sẽ học tốt cả Pháp học và Pháp hành”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta.

Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng có hai loại Trí Tuệ gọi là Trí Pháp học (Āgama sutta) và Trí Pháp hành (Adhigama Sutta). Trí Pháp học (Āgama Sutta) là Trí Tuệ và sự hiểu biết có được từ sự học hỏi và ghi nhớ kinh điển. Trí Pháp hành (Adhigama Sutta) là sự chứng ngộ thâm sâu bởi Chánh kiến (Sammā Diṭṭhi), đạt được sau khi thực hành thiền miên mật và rốt ráo trong một thời gian dài trên con đường tiến hóa tâm linh. Ở đây, nó liên hệ tới hai loại Tuệ Minh Sát, Tuệ Phân định Danh Sắc (Nāmarūpa Pariccheda Ñāna), và Tuệ Phân biệt nhân duyên (Paccaya Pariggaha Ñāna), là Tuệ phân biệt được nhân duyên sanh ra Danh Sắc.

1.               “Những kẻ khác có thể biếng nhác đối với việc thiện, chúng ta ở đây sẽ siêng năng với việc thiện”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta
2.               “Những kẻ khác có thể thất niệm, chúng ta ở đây sẽ chánh niệm trên tất cả các pháp hữu vi”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta
3.               “Những kẻ khác có thể liệt tuệ (minh sát), chúng ta ở đây thành tựu tuệ (minh sát)”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta
4.               “Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tà kiến, tánh dễ hành xả”, thái độ thiện này cần phải được trưởng dưỡng trong chúng ta.

Tất cả bốn mươi bốn nguyên tắc hay quy tắc trên được xây dựng nhằm phát triển và hoàn thiện tâm linh dành cho những ai chọn đời sống xuất gia, được đề cập rất rõ trong Kinh Đoạn Giảm (Salleka sutta) do Đức Phật thuyết giảng (Trung Bộ Kinh, I, tr 52-53).

Bây giờ càng rõ rệt hơn rằng vị Tỷ-kheo bước vào đời sống tu viện phải dẹp bỏ cách cư xử và dáng dấp của người cư sĩ trước đây. Vị ấy phải cải hóa mình và thích nghi với các nguyên tắc và quy tắc cần thiết để phát triển tâm linh của mình.

Để thực sự cải hóa những gì cần thiết cho đời sống xuất gia, Đức Phật dạy trong Kinh bậc xuất gia thường quán xét (Pabbajita Abhiṇha Sutta).

"Añño me ākappo karanīyo"ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekhittabbaṃ.”
Lời dịch: “Này Tỷ-kheo, ta phải có tất cả thân hành, khẩu hành và ý hành thích hợp với đời sống xuất gia, đó là sự khác biệt và phân biệt với đời thường của một cư sĩ”, vì thế, vị Tỷ-kheo phải luôn quán tưởng điều đó. Đức Thế Tôn đã thúc giục mạnh mẽ.



Quán Tưởng Đạo Đức Cá Nhân


Bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục với bài Kinh bậc xuất gia thường quán xét (Pabbajita Abhiṇha Sutta). Đức Phật giảng thêm như sau:
Kacci nu kho me attā sīlato na upavadatī"ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.”

Lời dịch: Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Giới hạnh ta có hoàn toàn trong sạch với mọi giới luật xuất gia không?”.
Một Tỷ-kheo bước vào đời sống xuất gia phải thường xuyên tự kiểm giới hạnh mình có trong sáng, không một chút tội lỗi có thể khiến cho bị kết tội liên quan đến Phạm Hạnh theo tạng Luật, tạng kinh nói về giới luật xuất gia. Tại sao vậy?

Kiểm tra Giới hạnh (Sīla) bản thân thường xuyên giúp cho giới hạnh không bị hoen ố và trong sạch, bằng cách này cho phép một người có thể thấy hiện trạng Giới của mình là không bị hoen ố hay hoen ố, trong sạch hay không sạch.