Thursday, November 5, 2015

Sự Sanh và Diệt Theo Từng Sát-na (Uppāda Nirodha)

Bây giờ chúng ta hãy giải thích về Uppāda Nirodha. Khi nói về tất cả các pháp hữu vi thì chúng ta đều liên hệ đến Thánh đế về Khổ và Thánh đế về nguyên nhân của Khổ với bản chất sanh và diệt. Tiến trình ngắn ngủi của sự sanh và diệt liên tục gọi bằng tiếng Pāli là “Khaya Virāga” hoặc “Khaṇa Nirodha” (Thanh Tịnh Đạo, II, tr 282).

Chừng nào còn chuỗi các nhân hỗ trợ, chuỗi vô tận các pháp hữu vi (Saṅkhāra Dhamma) mới được sanh ra như là kết quả của các nhân sanh. Quá trình tái diễn sự sanh và diệt ấy gọi là “Uppāda Nirodha”, nghĩa là sự sanh và diệt lặp đi lặp lại nhiều lần. Hành giả cần cố gắng dùng Tuệ minh sát để thấy rõ quá trình sanh và diệt theo từng sát-na của các pháp hữu vi sau khi quán sát tam tướng Vô thường, Khổ, Vô Ngã. Thấy rõ Sự sanh và diệt từng sát-na (Uppāda Nirodha) và Sự diệt tận hoàn toàn (sự vô sanh) (Anuppāda Nirodha) của pháp hữu vi được gọi là Chánh kiến Thiền Tuệ (Vipassanā Sammā Diṭṭhi).


Thánh Đạo (Magga Sacca) Hiệp Thế

Hơn nữa, một hành giả, khi hành thiền Vipassanā, được mô tả trong Quán bảy pháp vô sắc (Arūpasattaka Vipassanā) (Thanh Tịnh Đạo, q II, tr 261-264), Quán sự sanh và diệt (Udayavayānupassanā) (Thanh Tịnh Đạo, q II, tr 268), Quán sự tan hoại (Bhaṅganupassanā) (Thanh Tịnh Đạo, q II, tr 288) cần phải quán các lộ trình tâm (như tốc hành tâm của lộ ý môn, Vipassanā Manodvarika Javana Vithi) đồng sanh với tuệ minh sát.

Khi quán điều này, vị ấy sẽ thấy rõ các yếu tố của các chi Bát Chánh Đạo như là Chánh Tư duy (Sammā Saṅkappa), Chánh Tinh tấn (Sammā Vāyāma), Chánh Niệm (Sammā Sati) và Chánh Định (Sammā Samādhi) đã cùng sanh khởi lên trong suốt thời gian hành thiền Minh Sát. Hành giả sẽ thấy rõ các chi phần của Thánh Đạo cùng khởi lên với Minh Sát trí. Thánh Đạo có khả năng diệt trừ tạm thời các phiền não. Đó là lý do tại sao các yếu tố của Bát Chánh Đạo được gọi là Đạo đế. Vì vậy, khả năng liễu tri mỗi chi phần trong Bát Chánh Đạo bằng Tuệ Minh Sát được gọi là Chánh kiến Vipassanā (Vipassanā Sammā Diṭṭhi).


Liễu tri Tứ Thánh Đế trong tiến trình hành thiền Vipassanā

Tôi đã đề cập một vài cấp độ của Tuệ Minh Sát qua Chánh Kiến về Thiền tuệ (Vipassanā Sammā Diṭṭhi), chứng ngộ Tứ Thánh Đế trong tiến trình thực hành thiền Vipassanā. Bây giờ tôi sẽ giải thích cho quý vị hiểu rõ hơn như sau.
Trong quá trình hành thiền Vipassanā, có Chánh kiến về Khổ đế khi hành giả tiến hành quán sát một cách khách quan về ngũ thủ uẩn (Upādānakkhandha) với mười một khía cạnh như: hiện tại, quá khứ, tương lai, trong, ngoài…

Có một quá trình tự nhiên hướng tâm nhận thức về Khổ đế (Dukkha Sacca) (hay là ngũ thủ uẩn) được gọi là Chánh Tư Duy (Sammā Saṅkappa). Mỗi nỗ lực của hành giả trong việc hành thiền là Chánh Tinh Tấn (Sammā Vāyāma). Sự không quên lãng trong tâm về Khổ đế được gọi là Chánh Niệm (Sammā Sāti). Khi hành giả định tâm trên Khổ đế được gọi là Chánh Định (Sammā Samādhi). Năm chi phần của Bát Chánh Đạo này kết hợp với ba chi Giới, tổng cộng có tám chi đạo cần phải được tiến hành tu tập.

Ghi chú: chữ Khổ đế (Dukkha Sacca) ở đây được dùng cho toàn bộ “ngũ uẩn mà tâm người hành giả cần phải liên tục chú tâm trong suốt quá trình hành thiền. 

Một khi hành giả tuệ tri được làm thế nào mà tất cả các đạo của Bát Chánh Đạo kết hợp với nhau trong tuệ minh sát về Khổ đế (Dukkha Sacca), thì hành giả cũng sẽ dễ dàng tuệ tri được làm thế nào mà tất cả các đạo của Bát Chánh Đạo kết hợp với nhau trong tuệ minh sát về Tập đế (Samudaya Sacca).

Chỉ khi nào hành giả bắt đầu quán sát đặc tính tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã của Danh Sắc của Khổ đế (Dukkha Sacca) và Tập đế (Samudaya Sacca) trong khi thực hành thiền Vipassanā thì khi đó Tuệ Minh Sát của cả Diệt đế (Nirodha Sacca) và Đạo đế (Magga Sacca) sẽ hiển lộ.

Các pháp hữu vi trong đó có Khổ đế và Tập đế có bản chất sanh diệt liên tục. Hành giả phải tập trung quán chiếu bản chất tiến trình sanh diệt không ngừng của danh và sắc. Khi hành thiền Vipassanā hành giả phải xen kẽ sự chú tâm trên ba đặc tính Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha), Vô ngã (Anatta). Điều này có nghĩa là phải chú tâm xen kẽ trên tam tướng là

1.               Anicca, vô thường là một tiến trình rõ ràng của danh sắc rằng ngay sau khi sanh lên thì diệt ngay lập tức.
2.               Dukkha, khổ là một tiến trình của sự đau khổ liên tục vì sự sanh và diệt triền miên.
3.               Anatta, vô ngã là tiến trình các pháp diễn ra theo đường lối riêng của nó mà không theo ý muốn của bất kỳ một thực thể nào. Nó được gọi là Khaṇato Udayavaya Dassana, nghĩa là thấy tiến trình sanh và diệt theo từng sát-na.


Đồng thời, hành giả cần phải quán chiếu Khổ đế là quả bởi nhân là Tập đế. Đó làPaccayato Udayadassana Ñāna – là Tuệ biết rõ về Khổ (dukkha) được sanh khởi bởi các nhân sanh khổ (samudaya). Một khi các nhân bị diệt tận hoàn toàn, bằng Tuệ Minh Sát vị ấy cũng thấy rõ sự diệt tận hoàn toàn của ngũ uẩn. Đây chính là Paccayato Vayadassana Ñāna, tuệ biết rõ tiến trình diệt của các pháp do không còn nhân sanh khởi. Cả hai dạng Tuệ minh sát gọi là Paccayato Udaya-vaya-dassana Ñāna, nghĩa là Tuệ thấy rõ sự sanh và diệt do nhân. Một hành giả phải quán chiếu bằng Tuệ Minh Sát để liễu tri tam tướng với nhân là Tập Đế (Samudaya Sacca), và quả là Khổ Đế (Dukkha Sacca) cùng với ngũ thủ uẩn.