Quảng Tâm
Trong giáo lý của đạo Phật, có một pháp môn tu tập khá
quen thuộc, có thể làm giúp lắng sạch nội tâm và điều trị được các chứng bệnh
khác nhau của tâm thức như căng thẳng bất an hoặc phiền muộn khổ não, khiến cho
tâm trở nên trong sáng, hân hoan, thanh thản, an lạc. Đó là pháp môn niệm Phật
hay phương pháp nghĩ nhớ về Phật: “Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Phật:
“Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Do
vị ấy niệm Phật, tâm được tịnh tín, hân hoan khởi lên, các phiền não của tâm được
đoạn tận” (1).
Niệm (sati/anussati/anussarana) tức là nghĩ nhớ, ức niệm,
suy tưởng, chú tâm quan sát hay hướng tâm đến một đối tượng nào đó thuộc tâm thức
và giữ cho đối tượng đó luôn luôn sinh động ở trong tâm, theo đó tâm được an
trú, định tĩng và sáng suốt. Đây là phép luyện tâm trong đạo Phật, có khả năng
chuyển đổi tâm thức từ tán loạn sang định tĩnh, từ cấu uế sang thanh tịnh, từ
xáu ác sang hiền thiện, hoặc có khả năng chuyển hóa cái nhìn từ u ám đến sáng
suốt, từ mê lầm sang giác ngộ.Thông thường, niệm hay chú tâm trên đối tượng có
hai tác dụng. Thứ nhất, giữ cho tâm định tĩnh, an trú, chuyên nhất trên đối tượng,
không để tâm dao động tán loạn, nhảy từ đối tượng này sang đối tượng khác.
Thuật
ngữ đạo Phật gọi trạng thái như vậy là tịnh chỉ (samatha), có khả năng đem lại
cho người thực hành các kinh nghiệm hỷ lạc sâu lắng và nội tâm an tịnh. Thứ
hai, khiến cho tâm trở nên tỉnh giác sáng suốt, nhận biết rõ ràng và sâu sắc bản
chất của đối tượng. Phật học gọi trạng thái như vậy là tuệ quán (vipassanà), có
khả năng giúp cho hành giả thành tựu tuệ giác, hướng đến mục tiêu giải thoát khổ
đau. Từ định nghĩa trên về phép quán niệm, đạo Phật đề xuất nhiều đối tượng
quán niệm khác nhau, cốt yếu giúp cho người thực hành tìm thấy phương pháp
thích hợp để luyện tập tâm trí trở nên định tĩnh, trong sáng và thanh tịnh. Niệm
Phật hay chú tâm trên các đức tính của Phật là một trong số các phương pháp
quán niệm mang ý nghĩa luyện tâm như vậy.
Thông thường, chúng ta sống hàng ngày với cái tâm đổ đầy
ký ức và dự tính, không còn chỗ trống cho một niệm nghỉ ngơi. Chúng ta hết truy
tìm quá khứ lại mơ tưởng tương lai và do vậy chúng ta luôn cảm thấy căng thẳng
bất an hoặc lo âu phiền muộn, không có được một giây phút thật sự an lạc. Chúng
ta không được an lạc vì tâm chúng ta không đứng yên một chỗ. Nó hết bị ám ảnh bởi
ký ức quá khứ lại bị thôi thúc bởi ý tưởng tương lai và do vậy nó không an trú
trong hiện tại. Nó đang bị dục vọng lôi cuốn, làm cho quay cuồng, căng thẳng và
mệt mỏi ở trong thế giới của những cảm xúc bấn loạn hoặc vui buồn hoặc yêu
ghét. Nói cách khác, tâm của chúng ta đang bị uế nhiễm bởi các tạp niệm, tức
các ký ức hay vọng tưởng không ngừng xâm chiếm khiến cho tâm trở nên dao động
quay cuồng, rơi vào vòng xoáy của tư duy nhị nguyên phân biệt, tạo nên các phản
ứng tâm lý hoặc vui buồn hoặc yêu ghét. Vui hay buồn, yêu hay ghét là các trạg
thái dao động ô nhiễm của tâm thức, phát sinh cơ bản do tạp niệm hay bởi tâm
phân biệt vọng tưởng. Niệm Phật hay nghĩ nhớ về Phật, do đó, là phương cách đưa
tâm về với hiện tại, khiến cho tâm an trú trên các đức tính cao quý của Phật
hay khiến cho toàn bộ tâm thức được đổ đầy và thấm nhuần Phật chất, không có chỗ
trống cho các tạp niệm hay vọng tưởng xen vào làm cho tâm trở nên quay cuồng
hay ô nhiễm.
Như vậy, niệm Phật có công năng làm lắng sạch tâm cấu uế
nhờ chuyên tâm nghĩ nhớ về Phật hay nhờ an trú trên các đức tính thánh thiện của
Phật. Nói khác đi, do tâm không rời Phật mà các vọng tưởng hay tạp niệm không
có cơ hội xâm nhập làm cho tâm ô uế. Đây là phương pháp giữ cho tâm định tĩnh,
trong sáng, thanh tịnh, không để cho các tạp niệm hay vọng tưởng sinh khởi, xâm
nhập làm ô uế tâm thức. Theo cách như vậy, hành giả tu học Phật pháp cũng có thể
chọn một đối tượng hiền thiện khác để quán niệm chẳng hạn, niệm Pháp, niệm
Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm chư Thiên… Nhờ chuyên tâm, chú tâm trên các đối
tượng hiền thiện như vậy mà tâm được an trú, định tĩnh, trong sáng, không còn bị
ô nhiễm bởi các tạp niệm hay niệm bất thiện. Nói cách khác, nhờ chuyên tâm nghĩ
nhớ hay suy nghĩ về điều lành thiện mà các niệm ác hay các ý tưởng điên đảo được
đẩy lùi; hành giả cảm thấy lòng mình được tịnh tín, hân hoan, không còn lo âu
phiền não. Kinh văn truyền thống gọi pháp môn tu tập như vậy là “sự gột sạch
tâm uế nhiễm bằng phương pháp thích nghi” (2), nghĩa là nỗ lực dùng niệm thiện
đánh bật niệm bất thiện hay các ý tưởng điên đảo ra khỏi tâm thức, khiến cho
tâm không còn phiền não nhiễm ô, tựa như người thợ mộc dùng cái nêm nhỏ đánh bật
ra, đánh văng ra một cái nêm khác vậy. Trong bài thuyết giảng cho vị tín nữ
Visàkhà, Đức Phật nêu rõ một số phương pháp giúp gột sạch tâm uế nhiễm và xác
nhận kết quả lợi lạc của pháp môn niệm Phật hay phương pháp vận dụng niệm thiện
để đối trị và loại bỏ niệm bất thiện:
“Này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với
phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Phật: “Đây là Thế
Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn ”. Do vị ấy niệm
Phật, tâm được tịnh tín, hân hoan khởi lên, các phiền não của tâm được đoạn tận”.
Như vậy, này Visàkhà, là tân uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với
phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Pháp: “Pháp được Thế
Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy,
có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Do vị ấy niệm
Pháp, tâm được tịnh tín, hân hoan khởi lên, các phiền não của tâm được đoạn tận.
Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với
phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Tăng: “Diệu hạnh là
chúng đệ tử Thế Tôn; trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; ứng lý hạnh là chúng đệ
tử Thế Tôn; chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng.
Chúng đệ tử Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được
chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”. Do vị ấy niệm Tăng, tâm được tịnh
tín, hân hoan khởi lên, các phiền não của tâm được đoạn tận.
Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với
phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Giới: “Giới không bị
phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải
thoát, được người trí tán thánh, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định”. vị ấy
niệm Giới, tâm được tịnh tín, hân hoan khởi lên, các phiền não của tâm được đoạn
tận.
Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với
phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Thiên: “Có chư
Thiên bốn Thiên Vương; có chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba; có chư Thiên Yàmà; có
chư Thiên Tusita (Đâu suất); có chư Thiên Hóa lạc; có chư Thiên Tha hóa tự tại;
có chư Thiên Phạm chúng; có chư Thiên cao hơn nữa. Đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau
khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi
ta. Đầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại
chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với nghe pháp như vậy, chư
Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với thí
như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy
cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ
này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Khi vị ấy niệm
tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và của chư Thiên ấy, tâm được tịnh
tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận” (3).
Nhìn chung, niệm Phật, niệm Pháp, hay niệm Tăng…là pháp
môn tu tâm tương đối dễ hành trì đối với mọi người. Nó đơn giản là dùng một đối
tượng hiền thiện để quán niệm, để nhiếp tâm, an trú tâm, khiến cho tâm trở nên
chuyên chú, định tĩnh, trong sáng, không tán loạn, không còn bị quay cuồng hay
uế nhiễm bởi dục vọng, bởi các niệm bất thiện hay bởi tạp niệm. Kinh Pháp Cú
nói rằng:
Tâm hoảng hốt, dao động,
Theo các dục quay cuồng;
Lành thay điều phục tâm,
Tâm điều, an lạc đến (4).
Quán niệm là một cách điều tâm, khiến cho tâm được tịnh
tín, an trú, định tĩnh, trong sáng, không còn hoảng hốt, dao động, mê loạn,
quay cuồng theo các dục. Do đó, quán niệm được an lạc là vậy.
Chú Thích
1. Kinh Các Lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ
2. Kinh An Trú Tầm, Trung Bộ
3. Kinh Các Lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ
4.Pháp Cú, kệ số 35