Tuesday, November 3, 2015

Chánh Giải Thoát (Sammā Vimutti)

Ở đây cần phải giải thích thế nào là Chánh Giải Thoát (Sammā Vimutti). Đó là trạng thái phát triển của một tâm hoàn thiện chứng đạt được qua sự giác ngộ và diệt tận hoàn toàn mọi phiền não theo Bát Chánh Đạo. Một khi một vị Thánh chứng đắc giai đoạn cuối cùng của sự Giác Ngộ, vị ấy hoàn toàn chiến thắng và giải thoát khỏi sự khổ đau vô tận trong vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra). 

Đấy là Chánh Giải Thoát. Tà Giải thoát (Micchā Vimutti) là khái niệm và lòng tin của những người đã chọn con đường giải thoát tâm linh sai lầm như thực hành theo kiểu bò và kiểu chó vào thời Đức Phật thuở xưa. Họ cho rằng việc thực hành tâm linh bằng cách sống tự nhiên như bò hay chó là phương cách có thể giải thoát con người khỏi vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra). Theo bản chất của chân lý tối thượng, tà giải thoát liên hệ đến ngũ thủ uẩn bất thiện (akusala khandhās).

Trong khi chánh giải thoát mang nghĩa là Danh uẩn thiện đồng sanh với Thánh Quả Tuệ (Thánh Quả Tâm) (Ariya Phala Citta).

“Để tránh tà giải thoát (Micchā Vimutti), ta sẽ cố gắng đạt Chánh Giải Thoát bằng cách chứng đắc Thánh Quả Tuệ (Ariya Phala)”, thái độ và quyết tâm này cần được phát triển ở vị Tỷ-kheo. Làm thế nào để đạt được điều ấy?
Bằng việc thực hành viên mãn Bát Chánh Đạo.
Do đó, bắt buộc vị Tỷ-kheo phải phát triển một thái độ chân chánh thực hành viên mãn Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh Đạo
Ở đây, ta sẽ bàn về lợi ích của việc thực hành Bát Chánh Đạo.
Về cơ bản, Bát Chánh Đạo được chia làm hai loại: Hiệp Thế và Siêu Thế. Lại nữa, Bát Chánh Đạo Hiệp Thế được chia làm hai: Bát Chánh Đạo thiền Định và Bát Chánh Đạo thiền Tuệ.
Ghi chú: Bát Chánh Đạo được hoàn thành trước và trong khi thực hành thiền Định là Bát Chánh Đạo thiền Định, trong khi các đạo này được thực hành trong quá trình thiền Vipassanā là Bát Chánh Đạo thiền Vipassanā.

Bát Chánh Đạo Thiền Định Và Làm Thế Nào Chúng Xảy Ra

Chúng ta hãy nói về Bát Chánh Đạo thiền Định. Đầu tiên một hành giả có triển vọng (yogāvacara) phải hoàn mãn ba chi phần của Giới học: chánh ngữ bằng cách ngăn ngừa bốn loại tà ngữ, chánh nghiệp bằng cách ngăn ngừa ba loại hành bất thiện và chánh mạng bằng cách ngăn ngừa nuôi mạng bất chính.

Sau khi thiết lập vững chắc ba chi đạo của Giới học, vị ấy phải tiến hành ba chi đạo về Định. Đầu tiên, phải thực hành Chánh Tinh Tấn (Sammā Vāyama), Chánh Niệm(Sammā Sati) và Chánh Định (Sammā Samādhi). Ví dụ một thiền sinh chọn hành thiền theo đề mục Kasiṇa, thiết lập nỗ lực cần thiết vào việc thực hành bằng cách tập trung trên đối tượng Kasiṇa và nỗ lực liên tục thực hành tiến bộ gọi là Chánh Tinh Tấn. Giữ tâm và tác ý vững chắc trên đối tượng Kasiṇa là Chánh Niệm. Khi giữ tâm hoàn toàn định sâu vào đối tượng Nimitta của Kasiṇa, nó có thể được gọi là Chánh Định. Theo cách này ba chi về Định đã hoàn thành.

Trạng thái tâm của thiền sinh lúc đó hoàn toàn thấy rõ và thể nhập vào đối tượng Nimitta Kasiṇa được hiểu là Chánh Kiến trong chi Thiền (Jhāna Sammā Diṭṭhi). Việc hướng tâm đến đối tượng Kasiṇa là Chánh Tư Duy (Sammā Saṅkappa). Cả hai Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là hai chi đạo về Tuệ. Vì vậy ba chi đạo về Giới (Sīla Maggaṅga), ba chi đạo về Định (Samādhi Maggaṅga) và hai chi đạo về Tuệ (Pañña Maggaṅga) kết hợp với nhau thành Bát Chánh Đạo của thiền Định (Samādhi).

Nếu một thiền sinh chọn đề mục thiền Tứ Đại (Dhātu Kammaṭṭhāna) ở đó Bát Chánh Đạo được thực hành như sau.
Đầu tiên thực hành ba chi đạo về Giới (Sīla Maggaṅga) chính là giai đoạn khởi đầu của việc thực hành. Đặt chân vững chắc trên đất Giới, vị ấy phải an thân trên nền “đá (định)” vững chắc của ba chi đạo về Định nơi mà hành giả sau đó sẽ mài bén con dao tuệ tức chi Đạo về Tuệ (Pañña Maggaṅga).

Một lần nữa, tôi sẽ giải thích rõ làm thế nào một số Thánh Đạo được tự động kết hợp trong thực hành thiền Định.

1.               Thể nhập và hiểu thấu đáo đối tượng Tứ đại bao gồm sự thấu hiểu các đặc tính của mỗi đại được gọi là Chánh Kiến chi Đạo (Sammā Diṭṭhi Maggaṅga).

2.               Duy trì sự hướng tâm nhận thức đặc tính của đối tượng Tứ Đại được gọi là Chánh Tư Duy chi Đạo (Sammā Saṅkappa Maggaṅga).

3.               Nỗ lực thực hành liên tục để phát triển nội lực quán xét về bản chất tối hậu của Tứ Đại chính là Chánh Tinh Tấn chi Đạo (Sammā Vāyāma Maggaṅga).

4.               An trú trên đối tượng Tứ Đại gọi là Chánh Niệm chi Đạo (Sammā SatiMaggaṅga).

5.               Có thể giữ định tâm vững chắc trên Tứ Đại và phát triển định tâm một cách vững vàng là Chánh Định chi Đạo (Sammā Samādhi Maggaṅga).


Tất cả năm chi Đạo đề cập trên cùng với ba chi Đạo ban đầu về Giới tạo thành Bát Chánh Đạo của thiền Định.