Ta phải lắng nghe lời khen hay
tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi.
Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan
buồn, khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng
khen đó nhằm vào mục đích gì.
Có một Phật tử nhân ngày đầu năm đến
Thiền Viện thăm Thiền sư và sau đó yêu cầu Thiền sư chúc phúc. Thiền sư liền
chúc như sau: “Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết, và chít
chết.” Vị Phật tử nghe xong quá kinh hoàng, hoảng sợ nói: “Kính bạch thầy, hôm
nay là ngày đầu năm sao thầy chúc con toàn sự chết chóc, thật là xui xẻo và bất
hạnh cho gia đình chúng con.
Con muốn gia đình, người thân được
sống an vui, hạnh phúc lâu dài chớ con đâu muốn gia đình con chết chóc, đau
thương như thế. Kiểu chết hàng loạt như vậy thật khủng khiếp, hãi hùng.” Thiền
sư từ tốn trả lời: “Ta chúc phúc như vậy là mong cho gia đình anh được đại
phước đức. Vì sao? Vì gia đình nào mà được chết theo thứ tự từ lớn đến nhỏ quả
là có phước báo to lớn.
Nếu trong một gia đình ông bà còn
sống mà con cháu cứ chết dần, chết mòn thì thử hỏi gia đình đó có hạnh phúc
được không? Hay là cành già không đổ mà lại đổ cành non. Có ai muốn như vậy
không?”
Thế gian này thật hạnh phúc là nhờ
chết có trật tự, tức là ông già rồi thì ông chết, cha già rồi thì cha chết, con
già rồi thì con chết, rồi đến cháu-chắt-chít đều theo thứ tự mà ra đi có trật
tự. Chết có logic thì được gọi là hạnh phúc trọn vẹn, gia đình nào khi ông bà
cha mẹ còn sống sờ sờ mà con cháu, chắt chít đều chết trước quả là một bất hạnh
lớn lao. Như vậy, chúng ta thấy theo cách nhìn của thế gian khi được thì vui,
khi mất thì buồn; “được” cho là an vui, hạnh phúc; “mất” cho là bất hạnh, khổ
đau.
Với cái nhìn của các vị Thiền sư thì
được hay mất là lẽ đương nhiên của cuộc đời, do đó không có gì để ta đáng phải
bận tâm buồn phiền, lo lắng. Cho nên, “Sanh như đắp chăn Đông, Tử như cởi áo
Hạ”. Sinh ra hay mất đi là việc bình thường của thế gian, ai rồi cũng phải đến
lúc như thế. Cũng như hoàn cảnh ta đang nghèo khó mà bỗng dưng trúng số 10 tờ
độc đắc, đêm đó ta có chắc mình ngủ được hay phải thức trọn cả đêm?Vì từ xưa
nay mình chưa bao giờ được như thế, nay khi được lại quá sức tưởng tượng nên
không tài nào chợp mắt.Và cũng như thế khi có việc mất mát, đau thương, mọi thứ
vất vả gầy dựng đều đội nón ra đi, ta bị sốc, bị buồn rầu, đau khổ mà tiếc nuối
mãi.
Trong cuộc đời này có những việc
thuận buồm xuôi gió nên ta được may mắn, tốt đẹp, hay còn gọi là “hên”. Ngược
lại, những chuyện không may, xui rủi cứ đến với ta liên tục hết chuyện này đến
chuyện khác. Chính vì những cái được-mất này mà làm ta dễ bị hụt hẫng, chới
với, chơi vơi giữa dòng đời vô tận.
Ta cảm thấy đau lòng vì sự sống này
luôn tràn ngập khổ đau, để rồi chịu chết trong si cuồng, khờ dại khi không đủ
năng lực làm chủ bản thân, do đó trên oán trời, dưới trách đất, đổ thừa cho xã
hội sao quá bất công. Người Phật tử chân chính khi đã tin sâu nhân quả rồi thì
không còn phải bận bịu, lo toan những cái được hay mất mà chỉ biết làm sao
trong hiện tại điều phục được từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động luôn hướng
về đạo đức mà làm các việc thiện lành, tốt đẹp.
NGƯỜI ĐỜI ĐƯỢC THÌ VUI MẤT LẠI BUỒN
Có một người họ Tái nên người ta
thường gọi là Tái ông.Một hôm, con ngựa yêu quý và tốt nhất trong nhà đi đâu
mất biệt không thấy trở về. Nghe tin hàng xóm mới đến chia buồn và nói lời an
ủi: “Tội nghiệp cho cụ quá, cụ là người nhân từ, phúc hậu từ xưa nay, vậy mà có
con ngựa quý lại bị mất.”
Lúc đó, Tái ông mỉm cười nói: “Cũng
chưa chắc như thế đâu, nhiều khi trong cái rủi lại có cái may.” Vài ngày sau
con ngựa đi mất trở về và còn dắt theo con ngựa khác đẹp đẽ hơn, khi đó hàng
xóm mới đến chia mừng cùng ông: “Ðúng thật cụ là người có phước, tưởng đâu mất
con ngựa quý, không ngờ lại còn được thêm một con ngựa đẹp khác nữa.”
Lúc này, Tái ông cũng cười và nói:
“Cũng chưa hẳn như vậy, biết đâu trong cái may lại có cái rủi thì sao.” Và đúng
là rủi thiệt, con trai duy nhất của ông từ ngày có con ngựa mới đến nhà nó vui
vẻ, thích thú quá nên cưỡi ngựa suốt ngày, do đó bị té gẫy chân phải bó bột.
Thấy vậy, hàng xóm mới đến chia
buồn: “Tội nghiệp cho cụ, cụ chỉ có đứa con trai duy nhất mà bây giờ lại bị gẫy
chân, chịu tàn tật suốt đời. Như vậy là trong cái may mắn lại có cái xui xẻo
phải không thưa ông cụ?”
Tái ông không vì thế mà buồn phiền,
ông nói: “Cũng chưa chắc đâu, biết đâu trong cái rủi lại có cái may thì sao.”
Chừng vài tháng sau vì có giặc giã khắp nơi nên nhà vua bắt thanh niên đi lính
thú, cậu con trai đó nhờ bị gẫy chân nên được ở nhà sống với cha già trọn
vẹn.
Chuyện được mất là lẽ đương nhiên
trong cuộc đời, ai có đầy đủ phước duyên lắm nên mới ít gặp chuyện rủi ro, xui
xẻo.Người đời khi được thì sinh vui mừng, khi mất thì sinh phiền muộn, khổ đau.
Chúng ta thử làm một bài toán nhân quả xem sao, nếu kiếp trước ta tạo ít phước
báo mà gây nhiều nghiệp ác thì cuộc sống hiện tại ta gặp nhiều gian nan, trắc
trở, chẳng được gì.
Ta muốn cuộc sống được nhiều hơn mất
thì ngay bây giờ phải biết gầy dựng từ lòng tin sâu nhân quả, phải tích cực tu
tâm dưỡng tánh, làm nhiều việc phước thiện. Chúng ta sống bằng tất cả tấm lòng
phát xuất từ ý nghĩ cho đến lời nói mà thể hiện ra hành động chân chính để cùng
mọi người sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Ai đã từng có mặt trong cuộc đời mà
không một lần gặp hoạn nạn hay vấp ngã, làm việc gì cũng thành công dễ dàng thì
thường sinh tâm cống cao ngã mạn, khinh khi mọi người, làm cho thế nhân chán
ghét, muốn lánh xa. Khi gặp hoạn nạn, mất mát, đau thương ta mới biết cảm thông
cho hai đấng sinh thành đã vì ta mà chịu khổ nhọc trăm bề.
Tái ông khi lần đầu tiên mất ngựa ai
cũng nghĩ ông sẽ đau khổ, buồn rầu nên đến để an ủi và chia buồn cùng ông. Vậy
mà ông vẫn bình thản, an nhiên, chẳng tỏ ra thái độ gì có vẻ buồn phiền nên mới
nói “biết đâu trong cái rủi lại có cái may”.
Ông sống lạc quan, yêu đời như thế
nên không bị hai ngọn gió được-mất làm lay động tinh thần, do đó luôn sống vui
vẻ, thoải mái. Tương tự như thế, khi có thêm con ngựa đẹp do con ngựa mất dắt
về ông cũng không vì thế mà hân hoan, vui mừng.
Chúng ta khi được thì vui, khi mất
thì buồn nên niềm vui, nỗi buồn lúc nào cũng xâm chiếm tâm hồn.Có khi chúng làm
cho ta thất điên bát đảo, có khi làm ta cảm thấy vui mừng, thích thú.Cứ như thế
ta luôn bị hai ngọn gió được-mất này làm cho vui buồn lẫn lộn. Trong cuộc sống
ai cũng thích được đầy đủ tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều nên
khi được thì mọi người thích thú, vui vẻ, phấn khởi, hả hê, cho đó là niềm an
vui, hạnh phúc. Chính vì vậy mà ai cũng mong kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ
lạc thú dù chúng ngắn ngủi, qua mau.
Khi gặp cảnh làm ăn thua lỗ, mất
mát, suy sụp thì phiền não, khổ đau cứ thế chất chồng theo ngày tháng. Có những
trường hợp thua lỗ mà tán gia bại sản, tan nhà nát cửa, thân bại danh liệt, sự
nghiệp chẳng còn, bao nhiêu công lao gầy dựng gần cả đời người, nhất là những
nhà triệu phú thường hay tự tử vì không đủ sức chấp nhận, chịu đựng.
PHẬT AN NHIÊN TỰ TẠI TRƯỚC MỌI KHEN
CHÊ
Nói đến khen chê ta hãy xem đức Phật
khi bị như vậy Ngài xử trí thế nào? Một hôm, đức Phật đi trước và một nhóm
sa môn ngoại đạo theo sau. Các vị sa môn trẻ hết lời khen ngợi đức Phật là
vị tu hành chân chính, có trí tuệ và khả năng biện tài vô ngại, dám bỏ cung
vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để đi tu và là vị thầy dẫn
đường xứng đáng nhất thời đó.
Khi nghe như vậy các vị tỳ kheo cùng
đi với Phật rất hân hoan, khoái chí vì thầy của mình được mọi người khen tặng
nên bản thân cũng được thơm lây. Đi được một đỗi lại gặp đám đông khác nói:
“Ông sa môn Cồ Đàm là kẻ phá hoại sự sống của nhiều người. Ai cũng thích tiền
tài, sắc đẹp, danh vọng và ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều.Vậy mà ông ta lại khuyên
không nên chạy theo và dính mắc vào chúng mà làm tổn hại thân tâm. Ông ấy đi
đến đâu là người ta đổ xô theo đến đó để tu tập khiến chồng bỏ vợ, cha bỏ con
để sống đời xuất gia”.
Như chúng ta đã biết, người trẻ tuổi
thì khen Phật quá hay, kẻ lớn tuổi thì chê Phật phá hoại hạnh phúc gia cang của
nhiều người. Vì Phật nói chuyện nhân quả hay quá nên nhiều người phát tâm tu
theo. Khi nghe chỉ trích Phật vẫn an nhiên, bình tĩnh. Trong khi đó các vị tỳ
kheo cảm thấy rất khó chịu, bực bội.
Đến chỗ có bóng cây che mát Phật mới
bảo các đệ tử ngồi xuống rồi từ tốn nói bài pháp như sau: “Này các đệ tử, khi
nghe lời khen ta chớ vội mừng vì mừng quá sẽ mất bình tĩnh, hễ mất bình tĩnh
thì tâm bị dao động, khi tâm bị dao động thì làm sao ta biết rõ người ta khen
đúng hay sai.
Khi nghe ai đó chê bai hay chỉ trích
thì ta chớ có vội buồn, vì khi buồn ta sẽ mất bình tĩnh, lúc mất bình tĩnh thì
ta không biết lời chê đúng hay sai. Khen chê là chuyện thường tình của thế
gian, có nhiều người khen để lấy lòng thiên hạ, có nhiều người chê vì ganh tị
tật đố. Cho nên, chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh trước những lời khen chê
đó”.
Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc
nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen-chê. Ta phải lắng nghe lời khen hay
tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi.
Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan buồn,
khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen
đó nhằm vào mục đích gì.
Khi bị chê ta phải biết lắng nghe
lời chê để biết được họ nhằm mục đích gì, họ chê để hạ nhục uy tín của ta hay
chê để ta biết mình sai mà cố gắng sửa sai sao cho tốt đẹp hơn.
Theo tâm lý học Phật giáo, tất cả
chúng sinh khi nghe ai khen đều rất phấn khởi, vui mừng; khi bị chê thì rất bực
tức, khó chịu, buồn phiền.Nhiều khi ta chịu không nỗi nên tức quá cãi lại thành
ra hai bên đấu khẩu nhau, cuối cùng “chó le lưỡi, nai giạt móng”.Lời khen tiếng
chê tuy không thật nhưng nếu ta chấp vào đó thì thành ra mình bị nó sai sử, khi
thì vui mừng quá mức, lúc lại buồn rầu, khổ đau.
Thích
Đạt Ma Phổ Giác