Sunday, November 8, 2015

Bát Chánh Đạo Trong Thực Hành Vipassanā

Bây giờ tôi sẽ nói về thế nào là Bát Chánh Đạo, đặt trong ngữ cảnh Tứ Thánh Đế, khởi sanh trong suốt tiến trình thực hành Vipassanā.

1.               Thấy được sự phơi bày về bản chất của Tứ Thánh Đế trong tiến trình thể nhập Tuệ quán chính là Chánh kiến (Sammā diṭṭhi)
2.               Hướng tâm vững chắc vào đối tượng danh sắc của Tứ Thánh Đế trong từng sát-na sanh được gọi là Chánh Tư Duy (Sammā Saṅkappa)
3.               Mỗi sự nỗ lực của thân và tâm đặt vào sự thực hành Vipassanā được gọi là Chánh Tinh Tấn (Sammā Vāyāma)
4.               Luôn an trú trên bản chất của Tứ Thánh Đế gọi là Chánh Niệm (Sammā Sati)
5.               An tịnh và hoàn toàn định tâm trên đề mục thiền Tứ Thánh Đế được gọi là Chánh Định (Sammā Samādhi).

Tất cả năm thánh đạo này cùng với ba đạo của Giới chi đạo (Sīla Maggaṅga) được thiết lập từ trước, thành tám chi Đạo trong mỗi thời khắc thực hành Vipassanā. Đây còn gọi là Pubbabaga Satipathanamagga, nghĩa là Thánh Đạo dẫn nhập của thiền Niệm xứ xảy ra đồng thời và được thực hành trước khi chứng đắc Thánh Đạo (Ariya Magga) (bốn giai đoạn giác ngộ) (Chú giải Trung Bộ kinh, q1, tr 235).
Khi thực hành qua các giai đoạn khác nhau của minh sát trí, các Thánh Đạo dẫn nhập sẽ phát triển cho đến khi chín mùi. Sau đó, Thánh Đạo (Ariya Magga) và Thánh Quả(Ariya Phala) (các Tuệ Đạo và Tuệ Quả trong bốn giai đoạn giác ngộ) cuối cùng sẽ sinh khởi bằng cách tập trung trên tính an lạc, an tịnh vô vi của Niết-bàn (được gọi làMahā Asankhata Dhātu). Sự an lạc, tĩnh lặng này chính là Siêu thế Diệt đế (Nirodha Sacca). Tại thời điểm này, tất cả Bát Thánh Đạo Siêu thế được viên mãn

Bát Thánh Đạo Siêu Thế

Ở đây phải lưu ý rằng vào lúc chứng đắc Thánh Đạo (Ariya Magga), thì Bát Thánh Đạo cũng được viên mãn ngay trước thời điểm chứng ngộ Thánh Quả (Ariya Phala). Và bây giờ, tôi sẽ giải thích Bát Thánh Đạo khởi sanh như thế nào tại thời điểm một người chứng đắc Thánh Đạo (Ariya Magga). Thánh Đạo Tuệ (Ariya Magga Ñāna) thấu suốt an tịnh vô vi Niết-bàn gọi là Chánh Kiến Đạo (Magga Sammā Diṭṭhi). Tập trung chú ý trên đối tượng an tịnh vô vi gọi là Chánh Tư Duy (Sammā Saṅkappa).

 Tất cả những phiền não mà được ngăn chặn không cho sanh khởi nhờ ba Thánh Đạo Giới (Sīla Magga) là Chánh Ngữ (Sammā Vāca), Chánh Nghiệp (Sammā Kammanta), Chánh Mạng (Sammā Ājīva) đều bị diệt trừ bởi Thánh Đạo Tuệ (Ariya Magga Ñāna) ngay tại thời điểm vị ấy chứng đắc Thánh Đạo (Ariya Magga). Do đó, ta nên lưu ý rằng cả ba Thánh Đạo Giới (Sīla Magga) được viên mãn cùng lúc. Mọi sự tinh tấn nỗ lực của thân và tâm đang thực hành để tiến tới an tịnh vô vi Niết-bàn thì gọi là Chánh Tinh Tấn (Sammā Vāyāma). An trú trên đối tượng vô vi Niết-bàn gọi là Chánh Niệm(Sammā Sati). Định tâm trên vô vi Niết-bàn gọi là Chánh Định (Sammā Samādhi). Đến đây Bát Thánh Đạo siêu thế đã hoàn toàn viên mãn.

Tuệ Phản Khán (Paccavekkhaṇa Nāna) và Chánh Giải thoát (Sammā Vimutti), ví dụ Thánh Quả (Ariya Phala) (Tuệ Quả) cũng sẽ tự động khởi sanh nơi hành giả đã hoàn mãn Thánh Đạo siêu thế (Lokuttarā Magga). 

Mô Tả Tóm Tắt Cách Hành Thiền


Ở đây, để có thể chứng đắc Bát Thánh Đạo Siêu thế hành giả cần phải hoàn thành Bát Chánh Đạo Hiệp thế mà được gọi là Thánh Đạo dẫn nhập của Niệm Xứ (Pubba-bhāga Satipaṭṭhāna Magga). Trong các Thánh Đạo hiệp thế này, hành giả phải bắt đầu thực hành ba Thánh Đạo thuộc về Giới trước bằng cách giữ gìn Giới thật trong sạch. Ghi chú: có nghĩa là hành giả phải giữ cho thân, khẩu và sự nuôi mạng luôn luôn được trong sạch theo đúng Giới luật bằng cách ngăn ngừa tà ngữ, tà hành và tà mạng.

Sau khi giữ các Thánh đạo về Giới trong sạch, vị ấy phải hoàn thành ba Thánh Đạo về Định (tiến trình phát triển định tâm), ví dụ Chánh Tinh tấn (Sammā Vāyāma), Chánh niệm (Sammā Sati) và Chánh Định (Sammā Samādhi). Tại sao vậy? Bởi vì đây là những yêu cầu phải được hoàn thành nếu vị đó muốn chứng đắc Tuệ Minh Sát Hiệp thế và Tứ Thánh Đế. Đức Phật nói rằng:
"Samādhiṃ bhikkhave bhāvetha, Samāhito bhikkhave bhikkhu yathābhutan pajānāti"

Lời dịch: Đức Phật giảng: “Này chư Tỷ-khưu, hãy phát triển định. Chỉ khi có định, Tỷ-kheo như thị giác tri các Pháp”. Một người với đầy đủ định tâm có thể thấu hiểu được điều gì? Đó là Tứ Thánh Đế.