Wednesday, November 4, 2015

Bát Thánh Đạo của Thiền Vipassanā

Bây giờ, ta hãy nói về Bát Thánh Đạo thiền Vipassanā khởi lên trong tâm của hành giả khi thực hành thiền Vipassanā.
Trong một bài thuyết giảng nổi tiếng là kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta), Đức Phật đã xếp nhóm Chánh Kiến vào Tứ Thánh Đế như sau:

1.               Chánh Kiến - sự thấu hiểu đúng đắn về Khổ đế (Dukkha Sacca) (Thánh đế về Khổ).

2.               Chánh Kiến - sự thấu hiểu đúng đắn về Tập Đế (Samudaya Sacca) (Thánh đế về nguyên nhân của Khổ).

3.               Chánh Kiến - sự thấu hiểu đúng đắn về Diệt Đế (Nirodha Sacca) (Thánh đế về Diệt Khổ).

4.               Chánh Kiến - sự thấu hiểu đúng đắn về Đạo Đế (Magga Sacca) (Thánh đế về con đường dẫn tới diệt Khổ).

Vì vậy có bốn loại Chánh Kiến, một cho mỗi thánh Đế. Theo chú giải của kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta), Đạo Đế (Bát Chánh Đạo) được mô tả trong kinh Đại Niệm Xứ là Đạo Hiệp thế, còn gọi là Pubbabāga Satipaṭṭhāna Magga – Thánh Đạo dẫn nhập của thiền Niệm xứ bởi nó phải được viên mãn trước khi chứng đắc các Thánh Đạo Ariya Magga (các đạo Siêu thế) ở đây tôi sẽ giải thích tóm tắt về Tứ Thánh Đế.

KHỔ ĐẾ (Dukkha Sacca)

Trong nhiều bài pháp gồm có Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta), Đức Phật đã tóm tắt Thánh Đế về Khổ chính là ngũ thủ uẩn (Upādānakkhanda) hình thành là do duyên ái và thủ. Chúng là Sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandha), Thọ thủ uẩn(Vedanupādānakkhandha), Tưởng thủ uẩn (Saññupādānakkhandha), Hành thủ uẩn(Saṅkhārupādānakkhandha), Thức thủ uẩn (Viññānupādānakkhandha) nơi mà tham ái, chấp thủ chính là nguồn gốc của Khổ, Đức Phật đã giải thích rõ ràng như vậy.

Sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandha) được hình thành bởi tham ái và ngã chấp, nó có mười một yếu tố như quá khứ, tương lai, hiện tại, trong hoặc ngoài, thô hoặc tế, xấu hoặc đẹp, xa hoặc gần.

Bất cứ sắc nào chứa đựng bất kỳ khía cạnh nào trong mười một yếu tố nói trên đều được gọi là Sắc thủ uẩn (Rūpupādānakkhandhā) theo Uẩn Kinh (Tương Ưng Kinh, bộ 2, tr 39). Tương tự như vậy đối với bốn uẩn còn lại. Do đó, Ngũ thủ uẩn với mười một phẩm chất gọi là Khổ Thánh đế (Dukkha Sacca).

Ghi chú: từ “Dukkha” của tiếng Pāli được dịch là Khổ đau chưa chuyển tải hết ý nghĩa muốn nói đến. Vì thế tốt nhất chúng ta hãy sử dụng từ gốc Pāli “Dukkha” trong khi thuyết giảng.

TẬP ĐẾ (Samudaya Sacca)

Đức Phật đã giải thích Tập đế (nguyên nhân của Khổ (Dukkha)) theo năm cách của Bộ Phân tích về Đế (Sacca Vibhaṅga Text) (Abhidhamma Pitaka - Tạng Vi diệu pháp, q.2, tr 112-115) như sau:

1.               Tham được gọi là Tập đế (Samudaya Sacca) (Tạng Vi diệu pháp q2, tr112).

2.               Tham cùng với các tâm ô nhiễm cũng được gọi là Tập đế (Samudaya Sacca).

3.               Tham, tất cả tâm ô nhiễm cùng các tâm sở bất thiện cũng được gọi là Tập đế (Samudaya Sacca).

4.               Tham, tất cả tâm ô nhiễm, tâm sở bất thiện cùng với ba nhân thiện là vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha) hay minh mà là các đối tượng của lậu hoặc (Āsava) cũng được gọi là Tập đế (Samudaya Sacca). (Tạng Vi diệu pháp, II, tr114)

5.               Ba nhân thiện như vô tham (Alobha), vô sân (Adosa), vô si hay minh hoặc trí tuệ (Amoha) và các tâm sở thiện (kusala) mà là đối tượng của lậu hoặc (Āsava) bao gồm tham ái và các tâm ô nhiễm khác cũng được gọi là Tập đế (Samudaya Sacca) (Tạng Vi diệu pháp, II, tr 114).

Liên hệ với phần giải thích mở rộng, chú giải có khái quát tóm tắt các Nghiệp thiện hiệp thế và Nghiệp bất thiện cũng được bao gồm trong Tập đế (Samudaya Sacca).
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, bài thuyết giảng tựa đề Nguồn gốc của Tà kiến (Titthāyatana Sutta). Đức Phật đã mô tả tất cả các hành (tâm hành) (saṅkhāra) dù thiện hay bất thiện cũng được xếp vào Tập đế.

Theo quan điểm xếp loại mở rộng của Tập đế, tất cả Nghiệp thiện và Nghiệp bất thiện được thực hiện trên nền tảng vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), thủ (upādāna) (chấp thủ) được gọi là Tập Đế. Trí Tuệ và sự thấu hiểu về Tập đế được gọi là Chánh kiến.

Ghi chú: ngay cả các nhân thiện, tâm sở thiện, và nghiệp thiện (Kammas) đều được xếp vào loại Tập đế, bởi vì chúng cũng có thể dẫn tới ngũ uẩn mới trong vô số các kiếp sống tương lai qua đó tạo thành các vòng khổ đau (Dukkha) triền miên.

DIỆT ĐẾ (Nirodha Sacca)

Về Diệt đế (Nirodha Sacca), tôi sẽ giảng giải về đối tượng của Tuệ Vipassanā (Vipassanā ñāṇa). Trong bài kinh Nguồn gốc của Tà kiến (Titthāyatana Sutta) đã đề cập ở trên, Đức Phật đã nói “avijjāya tweva asesavirāganirodha saṅkhāranirodho” nghĩa là “Do vô minh (avijjā) diệt, hành diệt”(Tăng Chi Kinh, I, tr 178)
Vì vậy một hành giả phải cố gắng phát triển Tuệ Minh Sát để có thể hiểu rõ các pháp hữu vi (danh - sắc) diệt như thế nào.

Sự Diệt Tận Hoàn Toàn (Sự Vô Sanh) (Anuppāda Nirodha)

Liên quan tới tiến trình này, chú giải Thanh Tịnh Đạo giải thích như sau:
Paccayato vayadassanena Nirodhasaccaṃ pākaṭaṃ hoti, paccayanuppadena paccayavataṃ anuppādavabhodhato 
(Chú giải Thanh Tịnh Đạo, q 2, tr 267)

Lời dịch: Một khi hành giả đã thực hành thiền Vipassanā đến giai đoạn Tuệ Sanh Diệt (Udayavaya ñāṇa) sẽ thấy rõ ràng sự sanh diệt của danh sắc. Vào lúc này, Diệt đế (Sự thật của sự diệt) trở nên rõ ràng đối với vị ấy. Tại sao?
Bởi vì, khi các nhân như Vô minh (avijjā), Tham ái (taṇhā), Chấp thủ (upādāna), Hành (Saṅkhāra), Nghiệp (kamma) diệt khiến cho ngũ uẩn, là quả của các nhân này, cũng bị diệt. Khi tới giai đoạn này hành giả sẽ thấy rõ tiến trình diệt như vậy.

Khi nào thì các nhân như vô minh (avijjā)… bị diệt tận hoàn toàn? Phụ chú giải của Bộ Thanh tịnh đạo đã nói như sau:
Một khi hành giả chứng đắc Tuệ Đạo A-la-hán (Tuệ Đạo của giai đoạn giác ngộ thứ tư), tất cả các nhân phiền não của Khổ đều bị diệt tận bởi trạng thái tịch tịnh tối thượng, là trạng thái vô vi Niết-bàn. Do vậy, các nhân của Khổ sẽ bị tận diệt hoàn toàn, không bao giờ trở lại trong tâm của một vị chứng đắc giai đoạn giác ngộ thứ tư, giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ. Sự diệt tận này gọi là Sự diệt tận hoàn toàn (sự vô sanh) (Anuppāda Nirodha).

Ở đây, thực vậy, Thánh Đạo A-la-hán, giai đoạn giác ngộ thứ tư và là giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ trực tiếp tận diệt hoàn toàn ba nhân Vô minh (Avijjā), Tham ái (Taṇhā) và Chấp thủ (Upādāna).

Còn lại hai nhân là Hành (Saṅkhāra) và Nghiệp (Kamma), chỉ khi nào có ba nhân trên hỗ trợ thì mới có khả năng đưa đến tái sanh, tạo ra ngũ uẩn cho đời sống mới là Khổ Thánh đế.
Nếu không có ba nhân Vô minh (Avijjā), Tham ái (Taṇhā) và Chấp thủ (Upādāna) thì sẽ không có cơ hội để sanh ra Khổ đế (tức sanh ra ngũ thủ uẩn của đời sống mới). Vì vậy, A-la-hán Thánh Đạo (Arahatta Magga), giai đoạn giác ngộ thứ tư và là giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ không những diệt tận hoàn toàn ba nhân chính kia mà còn diệt tận hoàn toàn ngũ uẩn cho đời sống kế tiếp ngay sau Tử tâm Vô dư Niết-bàn (Parinibbāna Cuti), thời khắc tử tâm của một bậc thánh giác ngộ hoàn toàn. Sau thời khắc tử tâm này, không còn sự tái sanh nữa, nên cũng không còn ngũ uẩn nữa. Đó chính là tiến trình Anuppāda Nirodha, sự diệt tận hoàn toàn (sự vô sanh) được thấy biết rõ bằng Tuệ minh sát Vipassanā.


Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw
Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Mawlamyine.
Phật lịch 2547
Myanmar, Năm 1365, Rằm Tháng Taw-da-lin
Ngày 10/9/2003