Tuesday, November 17, 2015

Ta Đã Sử Dụng Thời Gian Ngày Và Đêm

Như Thế Nào?

Bây giờ, đây là điều quan trọng thứ tám phải thường xuyên quán tưởng:
Kathaṃ bhūtassa me rattindivā vītivattantī"ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ

Lời dịch: Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ta sử dụng ngày và đêm như thế nào?”.
Bằng những lời dạy này, Đức Thế Tôn ngụ ý rằng mọi người cần phải suy xét việc sử dụng thời gian ngày và đêm quý báu của mình như thế nào. Nói cách khác, vị Tỷ-khưu phải biết thời gian trôi qua nhanh như thế nào hoặc vị đó biết rằng mình đã để thời gian ngày và đêm trôi qua như thế nào. Đơn giản hơn, vị Tỷ-khưu phải luôn suy xét mình đã sử dụng thời gian ngày và đêm được lợi ích tốt nhất hay chưa.

Đầu tiên, vị ấy phải suy xét việc thực hành Phạm Hạnh dù lớn hay nhỏ của đời sống xuất gia trong ngày và đêm như thế nào theo lời giáo huấn của Đức Phật. Vị ấy phải chắc chắn rằng mình không lãng phí một giây phút nào để thực hành Phạm Hạnh.
Thứ hai, vị ấy sẽ sử dụng tốt nhất mọi khoảng thời gian để học tập hoặc tụng Kinh và, không bao giờ lãng phí thời gian làm chuyện vô ích.

Thứ ba, vị ấy sẽ sử dụng thời gian để thực hành Như Lý Tác Ý (Yoniso Manasikāra), nghĩa là luôn giữ cho tâm suy tư đúng đắn. Ở đây, việc tập trung vào bất kỳ sự thực hành thiền nào cũng được gọi là Yoniso Manasikāra (Như Lý Tác Ý) theo tiếng Pāli. Do đó vị Tỷ-khưu phải luôn đảm bảo việc hành thiền của mình trong ngày và đêm. Vị ấy còn phải đảm bảo không bỏ phí một chút thời gian nào quên lãng việc hành thiền.

Lợi ích của sự quán tưởng

Quán tưởng điều này sẽ mang lại lợi ích gì?

Evaṃ paccavekkhato hi appamādo paripūrati.”
(Chú giải Tăng Chi Kinh, III, tr314)

Lời dịch: bằng sự quán tưởng này, một ý thức sâu xa về tính cấp bách tạo Nghiệp Thiện và những việc hữu ích như là Bố thí (Dāna), Trì giới (Sīla), Tham thiền (Bhāvanā) và phát triển mười thiện nghiệp (puñña-kiriya-vatthus). 

Nếu một người quán tưởng thường xuyên điều này, một thái độ Chánh niệm (Appamāda) mạnh mẽ đối với việc thực hành Giới (Sīla), Định (Samādhi), Tuệ (Paññā) trong đời sống hàng ngày sẽ được trưởng dưỡng. Nó cũng có thể góp phần đặc biệt cho sự phát triển chánh niệm tỉnh giác về tam tướng là Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha), Vô ngã (Anattā). Do đó, bất cứ người nào bước vào đời sống xuất gia phải thường xuyên quán xét thời gian quý báu ngày và đêm của mình trôi qua như thế nào.