Monday, November 16, 2015

Nghiệp Là Thừa Kế Của Ta

 Bây giờ, chúng ta tiếp tục thực hiện điều quán tưởng thứ bảy.
Đức Phật nói: "Kammassakomhi kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammapaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmī"ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ."

Lời dịch: Bậc xuất gia phải luôn quán tưởng điều này: Ta có Nghiệp (Kamma) là tài sản của chính ta, ta thừa kế Nghiệp (Kamma) của ta, Nghiệp (Kamma) là hậu duệ của ta, Nghiệp (Kamma) là quyến thuộc của ta, Nghiệp (Kamma) là nơi nương tựa của ta. Bất kể ta làm việc tốt hay xấu, ta sẽ thừa kế các quả của hành động đó.

Những lời của Đức Phật vô cùng mạnh mẽ không chỉ cho các vị Tỷ-khưu mà còn đối với tất cả mọi người. Mọi người phải nhận thức rằng Nghiệp (Kamma) là tài sản của ta. Ta phải thừa kế Nghiệp của ta. Hậu duệ thực sự của ta là Nghiệp (Kamma) của ta. Người bạn đường thủy chung nhất là Nghiệp sẽ luôn theo sát bất kỳ nơi nào ta tái sanh. Bất kể hành động và nhân của Nghiệp (Kamma) ta đã gieo trồng là tốt hay xấu, ta sẽ phải gặt hái quả của hành động đó. Đó là điều mà Đức Thế Tôn muốn nhắn nhủ chúng ta.

Lợi ích của sự quán tưởng

Khi ta quán tưởng điều này sẽ có lợi lạc gì?
Evaṃ kammasakataṃ pana paccavekkhato pakaranaṃ nāma na hoti.

Lời dịch: Quán tưởng Nghiệp (Kamma) là tài sản thực sự của chính mình, sẽ không ai còn gây ra những hành động bất thiện.
Ta sẽ gặt hái quả lành nếu ta gieo nhân thiện, cũng vậy, ta sẽ gặt quả xấu nếu ta gieo nhân ác”, quán tưởng như thế sẽ giúp ta khởi sanh ý thức ghê sợ tội lỗi và trách nhiệm đạo đức trong ta. Thái độ này sẽ là cơ hội làm giảm những cơ hội gây ra nghiệp bất thiện. Ta sẽ không còn muốn hoặc thậm chí không có cả một ý tưởng dù chỉ là bất chợt đối với hành vi tạo ra Nghiệp xấu.

Đây là một tình huống đặc biệt như là một kịch bản, nó có thể xảy đến cho một người có khả năng quán sát sâu sắc về các khía cạnh của Lý Duyên Khởi (Paṭiccasamuppāda) như đã dẫn giải bởi Đức Phật. Khi mà vị này thực hành quán chiếu tiến trình Lý Duyên Khởi, vị ấy có thể nhìn thấy được từng giai đoạn của các kiếp quá khứ của mình trong thời thiền. Mọi thứ ở kiếp quá khứ tái hiện sâu sắc trong tâm thức của vị ấy. Vị ấy có thể nhìn thấy rõ ràng tất cả nghiệp tốt hay xấu của mình.


Trong những điều vị ấy có thể hồi tưởng được, vị ấy lưu tâm thấy nghiệp bất thiện đã làm trong một đời quá khứ và các quả xấu mà vị ấy đã gặt hái. Một khi vị ấy đã thấy được rõ ràng luật Nhân Quả và bản chất của Nghiệp trong mỗi đời quá khứ, vị ấy sẽ không có dù chỉ là ước muốn nhỏ nhất tạo ra nghiệp bất thiện. Điều này mang một ý nghĩa rất lớn trên con đường phát triển tâm linh. 

Cho dù vị đó chưa đạt được sự chứng ngộ thâm sâu, vị đó sẽ có thể đứng vững trước mọi thăng trầm của cuộc đời một cách an nhiên, tự tại và vững vàng. Do đó, một người phải luôn quán tưởng về bản chất của Nghiệp và Quả trong đời sống.