Monday, November 9, 2015

Để hướng dẫn phát triển định tâm

  Đức Phật dạy bốn mươi đề mục thiền. Định tâm (Samādhi) có thể được phát triển bằng cách chọn bất kỳ đề mục nào:

Phát Triển Định Bằng Thiền Tứ Đại (Dhātu Kammaṭṭhāna)
Ở đây, tôi sẽ tóm tắt phương pháp phát triển định tâm (Samādhi) bằng đề mục thiền Tứ Đại (Dhātu Kammaṭṭhāna). Đây cũng là một trong bốn mươi đề mục thiền Định. Nó có thể giúp cho hành giả dễ dàng đạt được cận định (Upacāra Samādhi). Nếu hành giả muốn phân biệt sắc tứ đại trong thiền Vipassanā, vị ấy phải chọn đề mục Tứ đại.

Tattha Bhagavā Rūpakammaṭṭhānan kathento saṅkhepamanasikāravasena vā, vitthāramanasikāravasena vā, catudhātuvavatthānaṃ kathesi 
(Chú giải Trường bộ Kinh, II, tr 314) (xem thêm Chú giải Trung Bộ Kinh, I, tr 280 và Chú giải Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), qII, tr252)
Đoạn văn trên có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là khi Đức Phật dạy phân biệt sắc, Ngài thường dạy đề mục thiền Tứ đại (Dhātukammaṭṭhāna) theo hai cách bằng phương pháp tóm tắt hoặc bằng phương pháp chi tiết.

Một hành giả, khi tiến hành thiền Vipassanā sẽ phải bắt đầu phân biệt tất cả danh và sắc bằng tuệ minh sát của mình. Giai đoạn này được gọi là Kiến Thanh Tịnh (Diṭṭhi Visuddhi) liên quan đến tiến trình phân biệt danh sắc bằng Tuệ Minh Sát. Như vậy, trong giai đoạn này có hai cách quán xét:

1.               Quán phân biệt Sắc (Rūpa pariggaha)
2.               Quán phân biệt Danh (Arūpa pariggaha)
Với cách đầu tiên trong hai cách quán phân biệt, Đức Phật dạy phân biệt sắc tứ đại theo hai phương pháp
1.               Phương pháp tổng quát, nghĩa là quán toàn bộ liên quan Tứ đại, quán toàn bộ các đặc tính.
2.               Phương pháp chi tiết, đi sâu vào từng chi tiết chia chẻ nhỏ hơn của mỗi yếu tố đại. Đây là quá trình được Đức Phật mô tả liên quan đến thực hành thiền Tứ đại gọi là Catu Dhātu vavatthāna (Thiền Phân Tích Tứ Đại)

Giữa những nguồn khác nhau trong Kinh điển liên quan đến thực hành Tứ đại, Phương pháp tóm tắt được Đức Phật mô tả trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta). Phương pháp chi tiết được Đức Phật mô tả trong kinh Mahā Rahulovāda (Trung Bộ kinh, q2, tr 84-86), Kinh Giới Phân biệt (Dhātu Vibhaṅga Sutta) (Trung Bộ kinh, Q. III, tr 283-285) và Bộ Giới Phân tích (Dhātu Vibhaṅga) (Tạng Vi diệu pháp, q II, tr 84-86). Tôn giả Xá-lợi-phất, đại đệ tử của Đức Phật cũng dạy phương pháp chi tiết trong Đại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Mahā Hatthipadopama Sutta) (Trung Bộ kinh, q 1, tr 242-247).

Ở đây, phụ chú giải của Bộ Thanh Tịnh Đạo Đại Sớ Giải đề cập rằng: như là một quy trình chung, hành giả nào phân biệt Sắc ở giai đoạn đầu tiên của thiền Vipassanā sẽ được gọi là Suddha-Vipassanāyanika (hành giả theo cỗ xe thuần quán). Tương tự vậy, hành giả nào phân biệt Danh ở giai đoạn đầu tiên của thiền Vipassanā sẽ được gọi làSuddha-Samathayanika (hành giả theo cỗ xe tịnh chỉ). Ở đây, việc phân biệt danh sắc ban đầu cần thiết của thiền Vipassanā (Vipassanabhinivesa) bằng tuệ minh sát có tên là Tuệ Phân định Danh Sắc (Nāmarūpa Pariccheda Ñāna).

Quan sát tiến trình này, khi tiến hành giai đoạn Kiến Thanh Tịnh, hành giả có năng lực Thiền Định (Samathayānika) hay hành giả thuần quán (Vipassanāyānika) muốn bắt đầu phân biệt sắc (rūpa kammaṭṭhāna), thì cả hai đều phải bước vào thực hành Thiền Tứ đại.

Mười Hai Đặc Tính Của Tứ Đại

Trong bốn đại, mỗi đại có các đặc tính riêng:
1.               Địa đại (pathavī-dhātu) có sáu đặc tính: cứng, nhám, nặng, mềm, láng, nhẹ.
2.               Thủy đại (āpo-dhātu) có hai đặc tính: chảy và dính.
3.               Hỏa đại (tejo-dhātu) có hai đặc tính: lạnh và nóng.
4.               Phong đại (vāyo-dhātu) có hai đặc tính hỗ trợ và đẩy.

Hành giả phải quán chiếu mười hai đặc tính trên toàn thân từ đầu đến chân từng cái một. Ví dụ, nếu vị ấy thực hành tính nhám thì phải bắt đầu chú ý trên một điểm nơi tính nhám thể hiện rõ ràng rồi chuyển đến toàn bộ trong thân. Hành giả phải thực hành tương tự như vậy đối với mười một đặc tính còn lại. Hành giả cần cố gắng để thấy tất cả mười hai đặc tính của tứ đại trên toàn thân, từ đầu đến chân. Tốt hơn là hành giả có thể thấy đồng thời hai hoặc ba đại mặc dù hành giả chỉ chú ý trên một đại. Khi hành giả có thể chú tâm thực hành một cách hiệu quả điều này thì hành giả đó sẽ chắc chắn thấy được cả mười hai đặc tính của tứ đại. Khi thực hành trên toàn thân, không đơn thuần là chú ý tới hình dáng của thân mà thay vào đó là tập trung chú ý đến đặc tính của tứ đại. Không nên thường xuyên di chuyển sự chú ý từ chỗ này qua chỗ kia. Giữ sự tập trung trên tứ đại và cố gắng thấy từng đặc tính riêng của tứ đại. Sau đó, tất cả tứ đại sẽ hiển hiện rõ ràng nếu hành giả tiếp tục thực hành theo cách này.

Bây giờ, hãy quán theo bốn cách như sau;
1.               tập trung trên toàn bộ địa đại (pathavī-dhātu) bằng cách chú ý tất cả tính cứng, nhám, nặng, mềm, láng, và nhẹ cùng với nhau,
2.               tập trung trên toàn bộ thủy đại (āpo-dhātu) bằng cách chú ý tính chảy và dính,
3.               tập trung trên toàn bộ hỏa đại (tejo-dhātu) bằng cách chú ý tính lạnh và nóng,
4.               tập trung trên toàn bộ phong đại (vāyo-dhātu) bằng cách chú ý tính hỗ trợ và đẩy với nhau.

Hành giả phát triển định tâm bằng cách thực hành bốn phần về thiền Tứ Đại trên toàn thân như thế. Tiếp tục định tâm theo cách này trong vài ngày và vài giờ cho mỗi thời ngồi thiền, hành giả sẽ bắt đầu chỉ thấy một khối khí trắng, và không phải hình dáng của thân nữa. Tiếp tục phân biệt tứ đại trong khối trắng đó, định tâm của hành giả sẽ càng trở nên mạnh hơn và sâu hơn. Kết quả là, khối trắng đó sẽ xuất hiện trong tâm hành giả ở dạng một khối tinh thể trong suốt như khối nước đá hay thủy tinh. Hành giả tiếp tục phát triển định tâm bằng cách phân biệt các yếu tố tứ đại chứa trong khối thủy tinh trong suốt đó.

Khối Thủy Tinh Trong Suốt

Ở đây, cái giống như khối thủy tinh trong suốt xuất hiện trong tâm hành giả là gì? Một hành giả có thể hỏi.
Trả lời: Đó là năm loại tịnh sắc (Pasāda Rūpa) của thân thật tinh khiết và phản chiếu ánh sáng chói chang như chiếc gương khởi lên khi hành giả đạt đến mức định tâm sâu. (Thanh Tịnh Đạo, q 2, tr 81).

Đó là điều tự nhiên của hành giả, trước khi có thể phân biệt và chia chẻ nhỏ về sau, là thấy được năm loại tịnh sắc dưới dạng khối (Ghana) giống như vậy. Một trong năm loại tịnh sắc này là thân tịnh sắc (kāya pasāda) có mặt khắp cơ thể nơi mà cảm giác xúc chạm được cảm nhận ngoại trừ một vài phần trong thân chẳng hạn như móng tay. Tuy nhiên, hành giả cần phải cố gắng phá vỡ ý niệm về khối đặc (ghana) bằng cách tập trung định tâm vào khoảng hư không chứa trong các tịnh sắc này. Điều này đã được Đức Phật dạy trong kinh Mahā Rahulovāda.

Bởi Đức Phật muốn hành giả quán chiếu 24 Sắc y đại sinh (upādārūpa) bằng cách căn cứ vào hư không, Ngài dạy tập trung chú ý vào khoảng hư không của năm tịnh sắc, mà nó được giải thích trong chú giải (chú giải Kinh Trung bộ, III, tr 97). Khi hành giả thấy được hư không trên bề mặt của khối thủy tinh, hành giả sẽ bắt đầu thấy đơn vị nhỏ nhất của sắc vật chất (kalāpas) một cách rõ ràng. Hành giả sẽ quán xét tất cả các yếu tố sắc đi cùng như là:

1.               địa đại (Pathavī dhātu), đặc tính của đất cứng, nhám 
2.               thủy đại (Āpo dhātu), đặc tính của nước: dính, chảy 
3.               hỏa đại (Tejo dhātu), bản chất của lửa: nóng và lạnh 
4.               phong đại (Vāyo dhātu), đặc tính của gió: nâng và hỗ trợ 
5.               màu
6.               mùi
7.               vị
8.               dưỡng chất 
chứa trong mỗi phần tử nhỏ của kalapa.
Hành giả phải quán xét tất cả kalapa trong sáu căn và 42 khía cạnh của thân tứ đại. Ở đây hành giả nên đến gặp một vị thầy để được hướng dẫn cụ thể.


Một hành giả sau khi quán sát tất cả các Sắc, phải tiến hành quán các Danh sanh khởi nương nhờ ở sắc căn. Khi thực hiện phần này, hành giả phải hoặc bắt đầu từ Xúc (Phassa) hoặc Thọ (Vedanā) hoặc Thức (Viññāna), bao gồm tất cả các tâm sở dẫn đầu bởi tâm sở Xúc khởi sinh ở năm căn là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân tương ứng (chú giải Kinh Trung bộ, I, tr 280 - 281)


Sau khi phân biệt thành công theo cách này, hành giả tiếp tục phân biệt các nhân nào sanh ra Danh Sắc chẳng hạn như vô minh (Avijjā), tham ái (Taṇhā), chấp thủ (Upādāna), Nghiệp (Kamma) và các hành (Saṅkhāra). Cố gắng thấy bằng Tuệ minh sát để biết rằng ngũ thủ uẩn sanh khởi trong đời này chính là do các nhân như vô minh (Avijjā) … ở đời quá khứ. Cố gắng để thấy rõ bằng cách này đối với phần còn lại của danh sắc quá khứ và tương lai.