Monday, November 30, 2015

Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen-chê.

 Ta phải lắng nghe lời khen hay tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi. Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen đó nhằm vào mục đích gì.

Có một Phật tử nhân ngày đầu năm đến Thiền Viện thăm Thiền sư và sau đó yêu cầu Thiền sư chúc phúc. Thiền sư liền chúc như sau: “Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết, và chít chết.” Vị Phật tử nghe xong quá kinh hoàng, hoảng sợ nói: “Kính bạch thầy, hôm nay là ngày đầu năm sao thầy chúc con toàn sự chết chóc, thật là xui xẻo và bất hạnh cho gia đình chúng con.

Con muốn gia đình, người thân được sống an vui, hạnh phúc lâu dài chớ con đâu muốn gia đình con chết chóc, đau thương như thế. Kiểu chết hàng loạt như vậy thật khủng khiếp, hãi hùng.” Thiền sư từ tốn trả lời: “Ta chúc phúc như vậy là mong cho gia đình anh được đại phước đức. Vì sao? Vì gia đình nào mà được chết theo thứ tự từ lớn đến nhỏ quả là có phước báo to lớn.
Nếu trong một gia đình ông bà còn sống mà con cháu cứ chết dần, chết mòn thì thử hỏi gia đình đó có hạnh phúc được không? Hay là cành già không đổ mà lại đổ cành non. Có ai muốn như vậy không?” 

Thế gian này thật hạnh phúc là nhờ chết có trật tự, tức là ông già rồi thì ông chết, cha già rồi thì cha chết, con già rồi thì con chết, rồi đến cháu-chắt-chít đều theo thứ tự mà ra đi có trật tự. Chết có logic thì được gọi là hạnh phúc trọn vẹn, gia đình nào khi ông bà cha mẹ còn sống sờ sờ mà con cháu, chắt chít đều chết trước quả là một bất hạnh lớn lao. Như vậy, chúng ta thấy theo cách nhìn của thế gian khi được thì vui, khi mất thì buồn; “được” cho là an vui, hạnh phúc; “mất” cho là bất hạnh, khổ đau.

Với cái nhìn của các vị Thiền sư thì được hay mất là lẽ đương nhiên của cuộc đời, do đó không có gì để ta đáng phải bận tâm buồn phiền, lo lắng. Cho nên, “Sanh như đắp chăn Đông, Tử như cởi áo Hạ”. Sinh ra hay mất đi là việc bình thường của thế gian, ai rồi cũng phải đến lúc như thế. Cũng như hoàn cảnh ta đang nghèo khó mà bỗng dưng trúng số 10 tờ độc đắc, đêm đó ta có chắc mình ngủ được hay phải thức trọn cả đêm?Vì từ xưa nay mình chưa bao giờ được như thế, nay khi được lại quá sức tưởng tượng nên không tài nào chợp mắt.Và cũng như thế khi có việc mất mát, đau thương, mọi thứ vất vả gầy dựng đều đội nón ra đi, ta bị sốc, bị buồn rầu, đau khổ mà tiếc nuối mãi. 

Trong cuộc đời này có những việc thuận buồm xuôi gió nên ta được may mắn, tốt đẹp, hay còn gọi là “hên”. Ngược lại, những chuyện không may, xui rủi cứ đến với ta liên tục hết chuyện này đến chuyện khác. Chính vì những cái được-mất này mà làm ta dễ bị hụt hẫng, chới với, chơi vơi giữa dòng đời vô tận.

Ta cảm thấy đau lòng vì sự sống này luôn tràn ngập khổ đau, để rồi chịu chết trong si cuồng, khờ dại khi không đủ năng lực làm chủ bản thân, do đó trên oán trời, dưới trách đất, đổ thừa cho xã hội sao quá bất công. Người Phật tử chân chính khi đã tin sâu nhân quả rồi thì không còn phải bận bịu, lo toan những cái được hay mất mà chỉ biết làm sao trong hiện tại điều phục được từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động luôn hướng về đạo đức mà làm các việc thiện lành, tốt đẹp.

Top of Form
NGƯỜI ĐỜI ĐƯỢC THÌ VUI MẤT LẠI BUỒN

Có một người họ Tái nên người ta thường gọi là Tái ông.Một hôm, con ngựa yêu quý và tốt nhất trong nhà đi đâu mất biệt không thấy trở về. Nghe tin hàng xóm mới đến chia buồn và nói lời an ủi: “Tội nghiệp cho cụ quá, cụ là người nhân từ, phúc hậu từ xưa nay, vậy mà có con ngựa quý lại bị mất.”

Lúc đó, Tái ông mỉm cười nói: “Cũng chưa chắc như thế đâu, nhiều khi trong cái rủi lại có cái may.” Vài ngày sau con ngựa đi mất trở về và còn dắt theo con ngựa khác đẹp đẽ hơn, khi đó hàng xóm mới đến chia mừng cùng ông: “Ðúng thật cụ là người có phước, tưởng đâu mất con ngựa quý, không ngờ lại còn được thêm một con ngựa đẹp khác nữa.”
Lúc này, Tái ông cũng cười và nói: “Cũng chưa hẳn như vậy, biết đâu trong cái may lại có cái rủi thì sao.” Và đúng là rủi thiệt, con trai duy nhất của ông từ ngày có con ngựa mới đến nhà nó vui vẻ, thích thú quá nên cưỡi ngựa suốt ngày, do đó bị té gẫy chân phải bó bột.
Thấy vậy, hàng xóm mới đến chia buồn: “Tội nghiệp cho cụ, cụ chỉ có đứa con trai duy nhất mà bây giờ lại bị gẫy chân, chịu tàn tật suốt đời. Như vậy là trong cái may mắn lại có cái xui xẻo phải không thưa ông cụ?”

Tái ông không vì thế mà buồn phiền, ông nói: “Cũng chưa chắc đâu, biết đâu trong cái rủi lại có cái may thì sao.” Chừng vài tháng sau vì có giặc giã khắp nơi nên nhà vua bắt thanh niên đi lính thú, cậu con trai đó nhờ bị gẫy chân nên được ở nhà sống với cha già trọn vẹn. 
Chuyện được mất là lẽ đương nhiên trong cuộc đời, ai có đầy đủ phước duyên lắm nên mới ít gặp chuyện rủi ro, xui xẻo.Người đời khi được thì sinh vui mừng, khi mất thì sinh phiền muộn, khổ đau. Chúng ta thử làm một bài toán nhân quả xem sao, nếu kiếp trước ta tạo ít phước báo mà gây nhiều nghiệp ác thì cuộc sống hiện tại ta gặp nhiều gian nan, trắc trở, chẳng được gì. 

Ta muốn cuộc sống được nhiều hơn mất thì ngay bây giờ phải biết gầy dựng từ lòng tin sâu nhân quả, phải tích cực tu tâm dưỡng tánh, làm nhiều việc phước thiện. Chúng ta sống bằng tất cả tấm lòng phát xuất từ ý nghĩ cho đến lời nói mà thể hiện ra hành động chân chính để cùng mọi người sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. 

Ai đã từng có mặt trong cuộc đời mà không một lần gặp hoạn nạn hay vấp ngã, làm việc gì cũng thành công dễ dàng thì thường sinh tâm cống cao ngã mạn, khinh khi mọi người, làm cho thế nhân chán ghét, muốn lánh xa. Khi gặp hoạn nạn, mất mát, đau thương ta mới biết cảm thông cho hai đấng sinh thành đã vì ta mà chịu khổ nhọc trăm bề. 
Tái ông khi lần đầu tiên mất ngựa ai cũng nghĩ ông sẽ đau khổ, buồn rầu nên đến để an ủi và chia buồn cùng ông. Vậy mà ông vẫn bình thản, an nhiên, chẳng tỏ ra thái độ gì có vẻ buồn phiền nên mới nói “biết đâu trong cái rủi lại có cái may”.

Ông sống lạc quan, yêu đời như thế nên không bị hai ngọn gió được-mất làm lay động tinh thần, do đó luôn sống vui vẻ, thoải mái. Tương tự như thế, khi có thêm con ngựa đẹp do con ngựa mất dắt về ông cũng không vì thế mà hân hoan, vui mừng.

Chúng ta khi được thì vui, khi mất thì buồn nên niềm vui, nỗi buồn lúc nào cũng xâm chiếm tâm hồn.Có khi chúng làm cho ta thất điên bát đảo, có khi làm ta cảm thấy vui mừng, thích thú.Cứ như thế ta luôn bị hai ngọn gió được-mất này làm cho vui buồn lẫn lộn. Trong cuộc sống ai cũng thích được đầy đủ tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều nên khi được thì mọi người thích thú, vui vẻ, phấn khởi, hả hê, cho đó là niềm an vui, hạnh phúc. Chính vì vậy mà ai cũng mong kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ lạc thú dù chúng ngắn ngủi, qua mau.

Khi gặp cảnh làm ăn thua lỗ, mất mát, suy sụp thì phiền não, khổ đau cứ thế chất chồng theo ngày tháng. Có những trường hợp thua lỗ mà tán gia bại sản, tan nhà nát cửa, thân bại danh liệt, sự nghiệp chẳng còn, bao nhiêu công lao gầy dựng gần cả đời người, nhất là những nhà triệu phú thường hay tự tử vì không đủ sức chấp nhận, chịu đựng.

PHẬT AN NHIÊN TỰ TẠI TRƯỚC MỌI KHEN CHÊ

Nói đến khen chê ta hãy xem đức Phật khi bị như vậy Ngài xử trí thế nào? Một hôm, đức Phật đi trước và một nhóm sa môn ngoại đạo theo sau. Các vị sa môn trẻ hết lời khen ngợi đức Phật là vị tu hành chân chính, có trí tuệ và khả năng biện tài vô ngại, dám bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để đi tu và là vị thầy dẫn đường xứng đáng nhất thời đó.

Khi nghe như vậy các vị tỳ kheo cùng đi với Phật rất hân hoan, khoái chí vì thầy của mình được mọi người khen tặng nên bản thân cũng được thơm lây. Đi được một đỗi lại gặp đám đông khác nói: “Ông sa môn Cồ Đàm là kẻ phá hoại sự sống của nhiều người. Ai cũng thích tiền tài, sắc đẹp, danh vọng và ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều.Vậy mà ông ta lại khuyên không nên chạy theo và dính mắc vào chúng mà làm tổn hại thân tâm. Ông ấy đi đến đâu là người ta đổ xô theo đến đó để tu tập khiến chồng bỏ vợ, cha bỏ con để sống đời xuất gia”.

Như chúng ta đã biết, người trẻ tuổi thì khen Phật quá hay, kẻ lớn tuổi thì chê Phật phá hoại hạnh phúc gia cang của nhiều người. Vì Phật nói chuyện nhân quả hay quá nên nhiều người phát tâm tu theo. Khi nghe chỉ trích Phật vẫn an nhiên, bình tĩnh. Trong khi đó các vị tỳ kheo cảm thấy rất khó chịu, bực bội.
Đến chỗ có bóng cây che mát Phật mới bảo các đệ tử ngồi xuống rồi từ tốn nói bài pháp như sau: “Này các đệ tử, khi nghe lời khen ta chớ vội mừng vì mừng quá sẽ mất bình tĩnh, hễ mất bình tĩnh thì tâm bị dao động, khi tâm bị dao động thì làm sao ta biết rõ người ta khen đúng hay sai.

Khi nghe ai đó chê bai hay chỉ trích thì ta chớ có vội buồn, vì khi buồn ta sẽ mất bình tĩnh, lúc mất bình tĩnh thì ta không biết lời chê đúng hay sai. Khen chê là chuyện thường tình của thế gian, có nhiều người khen để lấy lòng thiên hạ, có nhiều người chê vì ganh tị tật đố. Cho nên, chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh trước những lời khen chê đó”.

Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen-chê. Ta phải lắng nghe lời khen hay tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi. Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen đó nhằm vào mục đích gì.

Khi bị chê ta phải biết lắng nghe lời chê để biết được họ nhằm mục đích gì, họ chê để hạ nhục uy tín của ta hay chê để ta biết mình sai mà cố gắng sửa sai sao cho tốt đẹp hơn.
Theo tâm lý học Phật giáo, tất cả chúng sinh khi nghe ai khen đều rất phấn khởi, vui mừng; khi bị chê thì rất bực tức, khó chịu, buồn phiền.Nhiều khi ta chịu không nỗi nên tức quá cãi lại thành ra hai bên đấu khẩu nhau, cuối cùng “chó le lưỡi, nai giạt móng”.Lời khen tiếng chê tuy không thật nhưng nếu ta chấp vào đó thì thành ra mình bị nó sai sử, khi thì vui mừng quá mức, lúc lại buồn rầu, khổ đau.

Thích Đạt Ma Phổ Giác Bottom of Form


Sunday, November 29, 2015

Đạo Phật khuyên chúng ta không nên dính mắc, đắm say quá đáng vào thấy nghe, hay biết, để được bình yên, hạnh phúc.

 Trong thực tế, bản chất của sáu trần vốn không có lỗi. Cái lỗi lớn nhất là do tâm phân biệt, thương ghét, vọng tưởng điên đảo của con người. Con người vì đắm nhiễm, dính mắc sáu trần mà gây ra nỗi khổ, niềm đau, nên mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử.

Tục ngữ Việt Nam có câu: Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Câu nói này dân gian cho rằng tu tập tại gia là việc dễ nhất, bởi vì các thành viên trong gia đình đều là những người thân yêu, nên mọi việc đều có thể cảm thông và tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái, như cha mẹ thương con, vợ chồng thương yêu, anh chị em vui vẻ thuận thảo với nhau.

Kế đến, khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ, nếu không khéo một chút thì mất mối! Vô chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa, khắc khe nghiêm ngặt, thường được sự giám sát của các bậc đạo cao đức trọng, sống muốn ít biết đủ, ăn chay và đi ngược lại sự ham muốn của người đời.

Nhưng thực chất tu ở chùa là dễ dàng nhất, bởi vì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn đồng tu. Còn tu tập tại gia là việc khó khăn nhất, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên dễ lờn mặt, khó tu khó sửa, tình cảm luyến ái nặng nề, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, do đó mà bụt nhà không linh, không thiêng là vậy đó.

Hơn nữa cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ, và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, vã lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được?

Tu chợ so với tu nhà thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ chừng một tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ năm ba ngày, tu ngoài chợ chỉ cần nhỏ nhẹ, tế nhị, bán đúng giá thuận mua vừa bán, thường thì người mua dễ bị lầm hơn.

Vậy theo quan niệm nào mới thật sự là đúng? Thật ra mỗi chỗ mỗi nơi đều có cái khó riêng của nó, ai có duyên tu trong điều kiện nào thì chỗ đó là số một.Tu chợ, tu tại gia rất cần thiết cho đại đa số quần chúng bởi vì nó là nhân tố nền tảng đối với gia đình và xã hội. Nói tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng tu vì đó là quyền lợi của bản thân, mình không biết tu thì sẽ gánh chịu hậu quả khổ đau, tu được thì mình sẽ an lạc, hạnh phúc!

Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ.Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu học hỏi, mong sao để được hết khổ.Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân.

Cuộc sống thế gian có quá nhiều đau khổ nay mình biết chùa muốn tu, muốn dứt bỏ gia đình người thân, nhưng không ai cho phép? Nhiều người muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng gia đình không cho phép.

Ở đây chúng đang thấy một sự thật, vì mỗi khi trong gia đình có sự bất hòa thì phần lỗi ít nhiều gì đó đều do hai bên, không biết thông cảm cho nhau, không thực sự thương yêu nhau.

Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà trước đây mình không hề hay biết.Ai cũng muốn thương và được thương yêu một cách bình đẳng.Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị.

Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm dành cho nhau vẫn còn ướt át?Và chúng ta nên nhớ tu không phải là dứt hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong tình yêu.Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy vô tình ta ví mình như gỗ đá chăng?
Tu là sửa, là chuyển, là thay đổi. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương yêu kẻ khác thì đó chưa phải là người tu chân thật.Phật là người đại từ, đại bi thương tất cả chúng sinh một cách bình đẳng mà không phân biệt thân hay sơ.
Cuộc sống của chúng ta khi có mặt trên cõi đời này là phải ăn với uống để bảo tồn mạng sống, lớn lên rồi lấy vợ, lấy chồng để phát triển giống nòi nhân loại. Từ đó sinh chấp ngã và muốn chiếm hữu để bảo vệ gia đình mình, đất nước mình, người có quyền cao chức trọng nếu không tin sâu nhân quả sẽ tham nhũng làm lãng phí, gây thiệt hại trầm trọng tài sản của chung.

HẠNH PHÚC HAY KHỔ ĐAU ĐỀU DO MÌNH TẠO LẤY

Khi buồn khổ hay bất an một điều gì, chúng ta hay đổ thừa vì hoa hồng có gai, nhưng khi vui vẻ hay hạnh phúc chúng ta lại thấy hoan hỉ vì trên cành gai kia xuất hiện một đóa hoa hồng.Thế gian này khổ hay vui tùy thuộc rất nhiều từ sự nhận thức của mọi người.
Chúng ta muốn thưởng thức những đóa hồng đẹp thì phải chấp nhận thân gai góc của nó. Hoa hồng mềm mại, thơm tho và đẹp đẽ nên ai cũng thích ngắm nhìn, thưởng thức hương vị ngọt ngào của nó nhưng trên thân hoa lại có nhiều gai góc. Nếu muốn thưởng thức sự tinh khiết của hoa thì ta phải chấp nhận thân gai góc. Cũng vậy, thân ta vô thường bại hoại nên mới bị sự chi phối của già-bệnh-chết, nhưng ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, thấy tức biết; nương nơi tai thì nghe thấu mọi âm thanh sai biệt của muôn loài vật nên nghe chỉ là nghe; mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.

Người lạc quan luôn nhìn đời với các vì sao lấp lánh nằm trên bầu trời quang đãng, sáng trong. Chính vì vậy họ thấy thế giới luôn tươi vui, xinh đẹp như những đóa hoa hồng.Người bi quan thì thấy thế giới là cả một bầu trời đen tối chỉ toàn khổ đau nên thấy rất nhiều hầm hố, chông gai.Với người biết sống một cách thực tế thì thấu rõ chân lý của cuộc đời nên thấy thế giới không hoàn toàn tươi vui, xinh đẹp như hoa hồng mà cũng chẳng hoàn toàn nhiều gai góc.

Trong cuộc sống những ai có hiểu biết chân chính và nhận thức sáng suốt thì không đam mê, say đắm bởi cái đẹp của hoa hồng. Họ nhìn thấy hoa hồng chỉ là hoa hồng và vẫn biết rõ trong hoa hồng phải có chất liệu của gai nên luôn cẩn thận để khỏi bị gai làm đau nhức.
Hoa hồng tượng trưng cho bốn hoàn cảnh thuận lợi trong cuộc sống như được lợi lộc, được khen ngợi, được tán thán và được vui vẻ hạnh phúc.Gai góc thì được ví như bốn sự không hài lòng, vừa ý trong cuộc sống như bị mất mát, bị chê bai, bị hủy nhục và bị khổ đau. Đã làm người trong cuộc sống tất cả chúng ta đều phải trực diện với các hoàn cảnh ấy dù ít hay nhiều trong dòng đời nghiệt ngã này. Ai có đủ khả năng, ý chí, nghị lực, trí tuệ và sự sáng suốt thì sẽ vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng cách tin sâu nhân quả, siêng làm các việc thiện, không làm việc xấu ác.

HIỂU BIẾT CHÂN CHÍNH SẼ GIÚP TA SỐNG HẠNH PHÚC HƠN

Cuộc sống của chúng ta khi có mặt trên cõi đời này là phải ăn với uống để bảo tồn mạng sống, lớn lên rồi lấy vợ, lấy chồng để phát triển giống nòi nhân loại. Từ đó sinh chấp ngã và muốn chiếm hữu để bảo vệ gia đình mình, đất nước mình, người có quyền cao chức trọng nếu không tin sâu nhân quả sẽ tham nhũng làm lãng phí, gây thiệt hại trầm trọng tài sản của chung.

Có khi nào trong cuộc sống với bộn bề công việc, ta biết dừng lại để tự hỏi chính mình sinh ra đời để làm gì?Chắc chắn ai cũng nói rằng để lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường?Ðể gầy dựng sự nghiệp tương lai cho bản thân và gia đình? Từ quan niệm đó chúng ta chạy theo tiền tài, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, và ăn sung mặc sướng!
Thật chất ta lớn lên lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá khoảng trống cô đơn, mà là để học sự thương yêu trong hiểu biết và biết cách hòa hợp của hai trái tim, khi sống chung với nhau trong một mái ấm gia đình.

Tất cả mọi người trên thế gian này ai cũng phải điều biết "tu tâm", nghĩa là chúng ta chừa bỏ những tâm niệm xấu ác có tính cách làm tổn hại cho người và vật.Nhờ vậy, chúng ta ngày càng mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn, để san sẻ nỗi khổ niềm đau, làm vơi bớt sự bất hạnh và sống tốt hơn, bằng tình người trong cuộc sống.

Con người có tu mới sống được an vui hạnh phúc và khi gặp cảnh mất mát khổ đau của bản thân và gia đình, cũng không làm cho ta phải thất chí nản lòng vì ta đã có niềm tin nhân quả, niềm tin chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là do mình tạo lấy. Chúng ta đã gieo nhân trước kia thì giờ đây gặt quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, kết quả tốt hay xấu khi hội đủ nhân duyên quả báo liền đến.

Chúng ta tu để làm gì? Và tu như thế nào để cho được an vui, hạnh phúc? Người đời làm việc xấu ác, vì không tin tâm mình là Phật. Con cái không hiếu thảo cha mẹ, vì không tin sâu nhân quả.Trẻ em không chịu vâng lời thầy cô giáo chỉ dạy, không siêng năng chăm chỉ học hành, vì chẳng biết tu tâm.Gia đình sống không vui vẻ thuận thảo, không biết kính trên nhường dưới, vì chẳng biết tu tâm. Xã hội hay nói nặng, mắng chửi kiện cáo nhau vì chẳng biết tu tâm. Thế giới đấu tranh tham lam giành giựt giết hại lẫn nhau, vì chẳng biết tu tâm.

Phật tử tu hành hay bị thối chuyển, bởi vì hay cầu khẩn van xin không tin tưởng chính mình ỷ lại vào bên ngoài. Mọi người ai cũng có khả năng nhận diện tâm qua sự xúc chạm thấy nghe hay biết, mới có thể trở nên hiền từ, sống chân thật, đạo đức và biết giúp đỡ, sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống.

Gia đình người thân biết tu tâm, thì mới được bình yên, an vui, hạnh phúc. Xã hội có tu tâm, thì đất nước mới an cư lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết.

Thế giới ai cũng biết tu tâm, thì mọi người sống trong hòa bình.Phật tử biết tu tâm, mới mau vượt qua biển khổ sông mê. Và Phật dạy không thấy ai là kẻ thù chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi, cho nên chúng ta phải bình đẳng thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, bằng trái tim hiểu biết.

Một người biết làm lành, tránh xa những điều xấu ác thì người ấy trở nên hiền từ và đức độ.Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì mọi người đều được bình yên, hạnh phúc.Cả nước đều tránh giữ làm lành thì tất cả mọi người đều sống trong an lạc thái bình.Hết thảy mọi người đều tránh dữ làm lành, thì chúng ta sẽ sống trong thế giới đại đồng, hưởng trọn vẹn niềm vui cực lạc.

Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng mong cầu hạnh phúc nên suốt đời cứ mãi tìm kiếm để vượt qua hai điều thiếu thốn: Thứ nhất là thiếu thốn về vật chất và thứ hai là thiếu thốn về tinh thần. Người thiếu thốn về vật chất thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có khi không nhà cửa hoặc có thì với túp lều lụp sụp, thân phải khổ sở nhọc nhằn làm thuê làm mướn, đầu tắt mặt tối mà nợ nần vẫn chồng chất.

Người thiếu thốn về tinh thần thì tham lam, ích kỷ, gian xảo, dối trá, ganh ghét tật đố, lường gạt, đầu trộm đuôi cướp gây ra nhiều tội lỗi làm tổn hại đến gia đình người thân và xã hội. Thế gian con người chi lo thiếu thốn về vật chất, mà ít ai nghĩ ngợi và lo lắng đến tinh thần!

LÀM CHỦ BẢN THÂN ĐỂ VƯỢT QUA SỐNG CHẾT

Trong kinh A Di Đà, Phật nói rõ ràng, ai tu nhất tâm bất loạn từ một ngày cho đến bảy ngày, thì Phật sẽ rước. Đạo Phật là đạo của nhân quả trên nền tảng tương xứng, bình đẳng, chúng ta không thể lấy một chút phước nhỏ mà đòi quả lớn thì e rằng không được.
Phật dạy người có nhiều đức tính tốt thường xuyên làm lợi ích cho nhân loại đó là bậc thầy ta, ta hãy nên bắt chước học và làm theo những cái hay của họ. Người khác có cái dở hơn ta cũng là bậc thầy của ta, cho nên ta cũng phải học để không mắc phải sai lầm. Thầy hay, chúng ta bắt chước học và làm theo, thầy dở, chúng ta học để tránh không gây ra những lỗi lầm đáng tiếc.

Cũng vậy, khi phát tâm tu hành, người trợ giúp phương tiện để ta tiến tu là bậc thiện hữu tri thức, còn người làm chướng ngại gây phiền hà cho ta cũng chỉ để thử thách coi mình tu có tiến hay không mà thôi. Người giúp phương tiện chỉ dạy là sách tấn mình tu từ từ, người làm trở ngại để thử thách sẽ giúp mình thăng tiến nhanh hơn, cả hai đều là Bồ Tát thuận hạnh và nghịch hạnh để giúp mình tiến tu, nên trong hai người ta đều phải mang ơn hết.

Chỉ có người hèn yếu, không dám can đảm nhìn rõ mọi vấn đề cho tường tận, tu gặp nghịch cảnh, chướng duyên, lẽ ra phải tìm cách thắng nó cho bằng được, thì lại không hài lòng, vừa ý. Mình tu là phải quyết tâm mạnh mẽ để không cho sân-si nổi lên mới thực là tu.

Hiểu như vậy, ta mới thấy mình tu có tiến được hay không là do cách nhìn của mình có thực đúng như lời Phật dạy, nếu nhìn không đúng thì việc tu hành cũng bị lệch lạc theo thời gian. Người phát tâm tu ai cũng muốn chuyển hóa tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ từ bi. Vậy mà đa số người tu khi gặp chướng duyên cứ trách móc thiên hạ, đổ thừa hoàn cảnh, “tôi muốn tu mà ma quỷ cứ phá tôi hoài”, chứ không biết chính mình không thật tu, hoặc tu còn quá yếu, nên phiền não, tham- sân-si còn hoài. Nếu nói theo đạo lý chân thật thì thế gian này không ai có thể phá mình cả, chỉ có ta tự làm cho ta lui sụt mà thôi.

Trong cuộc đời này không có cái gì ở bên ngoài hại ta cả, chỉ có mình không làm chủ được bản thân. Nếu biết rõ ràng mọi thứ tai họa từ tham-sân-si nơi mình chứ không phải do ai khác, thì ta sẽ biết cách chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc. 

Khi Phật còn tại thế, một ngoại đạo đã chứng được ngũ thông, giảng pháp rất hay, đến nỗi trời Đế Thích phải xuống nghe. Pháp thoại vừa xong, trời đế Thích mới khóc, vị ngoại đạo ấy hỏi nguyên do. Đế Thích nói, “thầy đã sắp hết tuổi thọ, nên tôi rất lấy làm tiếc nuối mà khóc thương cho thầy thôi”.Vị đó nghe vậy mới hỏi tiếp, “có ai ở trần gian này có thể giúp tôi thoát ly sinh tử không?”Đế Thích nói, “thầy hãy đến tịnh xá Kỳ Viên gặp Phật Đà, Người sẽ làm được điều đó”.Mừng quá, ông cám ơn trời Đế Thích, rồi vận thần thông bay đi. Trên đường gần tới tịnh xá, ông thấy hai cây hoa đẹp quá, liền nhổ chúng đến cúng dường Phật. Khi thấy ông đến, hai tay cầm bó hoa, Phật liền bảo, “buông!”. Ông ta buông tay trái, bó hoa rớt xuống đất. Phật lại bảo, “buông!”. Ông ta buông tay phải, bó hoa kia cũng rớt xuống đất. Phật lại bảo buông tiếp. Ông ta ngơ ngác đứng nhìn và thưa rằng, “bạch Thế Tôn, con đã buông cả hai tay rồi, còn gì nữa đâu mà buông?”

Nhân khi đó, Phật dạy, “Như Lai bảo ông buông lần thứ nhất là dạy ông buông bỏ sáu căn, lần thứ hai Như Lai dạy ông buông bỏ sáu trần, lần thứ ba Như Lai dạy ông buông bỏ sáu thức”. Ngay câu nói đó, vị ngoại đạo liền được thoát ly sinh tử, không còn sống chết nữa.

Chỉ đơn giản vậy thôi, Phật chỉ bảo ba lần buông làm cho ông ngơ ngác, vì trên tay chỉ có hai bó hoa. Ông đang thao thức tìm cách giải thoát sống chết, nên bao nhiêu tâm trí đều dồn vào đó, Phật chỉ khơi nhẹ làm ông tỉnh thức, buông xả ý thức chấp ngã mà thành tựu Niết Bàn.
Ngoại đạo đó đã tu chứng ngũ thông, tức gần kề bên bờ giải thoát, nhưng do còn ý thức chấp ngã, thấy mình có tu, có chứng, nên còn dính mắc, không thể thoát khỏi sống chết. Nhờ Phật khai thị, ông ta buông xả kiến chấp, liền thoát ly sống chết.

Người chứng ngũ thông có những diệu dụng như sau:
_ Tha tâm thông: là thấy biết được tâm tư của người khác đang suy nghĩ và mong muốn gì.
_ Thiên nhãn thông: là thấy được tất cả chúng sinh luân hồi sống chết, thăng lên lộn xuống trong ba cõi sáu đường, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, nghiệp quả do chính mình tạo lấy, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước, giáng họa.
_ Túc mạng thông: nghĩa là nhớ lại được vô số kiếp về trước mình đang làm gì, ở đâu?
_ Thần túc thông: là biến hóa khôn lường, có thể chui vào lòng đất, bay lên hư không, mà không bị sự ngăn ngại nào.

_Thiên nhĩ thông: nghe được âm thanh lớn nhỏ, gần xa.
Mắt ta thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt, cái gì thích thì bám víu, chạy theo, cố tâm tìm cách chiếm đoạt, cái gì không ưa thì ghét bỏ. Đối với người Phật tử, mắt cũng cần thấy mọi hình ảnh, sự vật, tai cũng cần nghe mọi âm thanh lớn nhỏ, êm dịu, hoặc hằn học, nặng nề, tuy vẫn thấy nghe, hay biết, nhưng không bị nó làm nhiễm ô, say đắm, mê muội.

Đạo Phật khuyên chúng ta không nên dính mắc, đắm say quá đáng vào thấy nghe, hay biết, để được bình yên, hạnh phúc. Trong thực tế, bản chất của sáu trần vốn không có lỗi. Cái lỗi lớn nhất là do tâm phân biệt, thương ghét, vọng tưởng điên đảo của con người. Con người vì đắm nhiễm, dính mắc sáu trần mà gây ra nỗi khổ, niềm đau, nên mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử.

Mắt vẫn thấy sắc mà thường biết rõ ràng, sự việc như thế nào thì thấy biết như thế ấy; tai vẫn nghe tất cả mọi âm thanh, nhưng không khởi tâm phân biệt, vừa ý hay không vừa ý, mà nghe chỉ là nghe; mũi vẫn ngửi mùi thơm hôi đều không khen chê hay đắm nhiễm; đó là ta biết cách làm chủ bản thân qua sáu giác quan để sống đời bình yên, hạnh phúc.

Kế đến, chúng tôi dẫn kinh Lăng Nghiêm để làm niềm tin cho tất cả quý vị hiểu rõ ràng, thấu đáo, mà áp dụng hành trì, chuyển hoá. Tôn giả A-Nan hỏi Phật, “ bạch Thế Tôn, cái gì là căn bản của luân hồi sanh tử, cái gì là căn bản của Bồ Đề Niết Bàn?”

Khi Ngài hỏi câu này, đức Phật Thích-ca chưa trả lời, thì mười phương chư Phật khác miệng đồng lời nói rằng, “Này A-nan, cội gốc của căn bản phiền não, luân hồi sanh tử chính là sáu căn của ông. Cội gốc của Bồ Đề Niết Bàn cũng chính là sáu căn của ông”. Rõ ràng, không riêng gì đức Phật Thích Ca nói sáu căn là gốc của luân hồi sanh tử, sáu căn là gốc của Bồ Đề Niết Bàn, mà mười phương chư Phật khác đều miệng đồng lời phát ra những lời lẽ chân thật như thế.

Do đó, chúng ta tu phải làm sao để chính mình dứt hết gốc luân hồi sanh tử, mà đạt được tự tại, giải thoát. Muốn vậy, ta phải làm sao? – phải không cho ý nghĩ dong duỗi, chạy Đông, chạy Tây, đó là gốc của sự tu; còn nếu ta vẫn bị phiền não kéo lôi, vẫn đi trong luân hồi sanh tử, thì sự tu đó không có công hiệu. Như vậy là uổng cơm của đàn na thí chủ. Muốn cho có công hiệu, không uổng cơm của đàn na tín thí, thì ta phải biết rõ sáu căn là cội gốc của sanh tử, đừng để cho nó dính, đừng để cho nó nhiễm.

Có thế, chúng ta mới đúng là người tu cầu giải thoát sanh tử.
Sáu căn từ đâu mà ra? - Nó sẵn có nơi chúng ta, mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý ở ngay thân mình chớ có xa đâu, chỉ cần đừng để dính nhiễm là ta đã khéo tu rồi. Nếu chúng ta ăn chay khắc khổ, tụng kinh rất nhiều, mà hễ ai động tới liền nổi sân, thấy cái gì đẹp thì ưa thích, tu như vậy biết chừng nào mới thành tựu đạo pháp.

Mắt thấy sắc đẹp liền mê thích, đắm say; tai nghe tiếng không vừa ý liền sinh bực bội; như vậy là chưa gỡ được các căn dính với các trần, chưa gỡ được thì làm sao chúng ta giải thoát sanh tử; nên trên đường tu, chúng ta phải cố gắng, nỗ lực, phải làm sao gặp cảnh buồn vui, tốt xấu, mình vẫn an nhiên, tự tại. Đó mới là giải thoát thật sự. Nếu chỉ có hình thức, không giữ được sáu căn của mình, thì khó giải thoát. Kính mong rằng, tất cả chúng ta ai cũng ý thức việc tu hành của mình, bằng cách làm chủ bản thân ngay nơi thân-miệng-ý.

THIÊN ĐƯỜNG ĐỊA NGỤC CÓ THẬT KHÔNG?

Nhìn từ góc độ thực tế, chúng ta thấy cũng có địa ngục trần gian, ai phạm tội giết người thì bị xích lại nhốt vào ngục tối, nặng nhất là án tử hình. Tội nhân bị án này sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm cứ phập phồng lo sợ không biết thần chết đến lúc nào để rước mình đi, khi nghe tiếng mở cửa là sợ điếng cả hồn vì ai cũng tham sống, sợ chết.

Một ngày trôi qua là họ mừng một ngày vì vẫn nuôi hy vọng được sống để làm lại cuộc đời. Còn những án khác từ án chung thân đến án khổ sai từ một tháng cho đến hai chục năm và nhẹ nhất là hưởng án treo. Nhìn từ góc độ triết lý học Phật giáo, chúng ta thấy vô vàn, vô số địa ngục khác như các bệnh viện phòng cấp cứu, các nhà bếp của mỗi gia đình, các quán nhậu, các lò sát sanh, các chợ bán thịt cá, heo, bò, gà, vịt, các loài hải sản và cuối cùng là các nhà lưới bẫy đánh bắt.

Mỗi một ngày, vô số các loài bị phanh da xẻ thịt để cung cấp phục vụ cho loài người. Nhìn ở góc độ địa ngục trần gian, chúng ta còn có thể hình dung địa ngục trong tâm thức mỗi người, đó là tâm toan tính hại người, hại vật hoặc bị phiền não chi phối gọi là địa ngục tâm thức. Người tu nếu đạt đến giác ngộ giải thoát thì tâm sẽ an nhiên, tự tại dù thân có bị hành hạ, đau nhức chi phối.

Loài ngạ quỷ là loài quỷ đói thấy thức ăn mà ăn không được bởi nghiệp tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn chiêu cảm. Nhìn từ góc độ cuộc đời, ta thấy ngạ quỷ cũng có trong loài người thiếu ăn, nghèo đói, thèm khát, ham muốn quá đáng mà không được nên khổ đau bức bách.

Quỷ đói không phải có trong người nghèo khổ mà cả người giàu có vì tham vọng quá lớn, không được như ý muốn cũng vẫn phải chịu khổ như thường.

Loài súc sinh của thời kỳ cổ đại được sống tự do, thoải mái trên những núi đồi thiên nhiên bạt ngàn, xanh tươi, màu mỡ, ít bị loài người sát hại. Một số loài súc sinh phải chịu ảnh hưởng phước báu của con người nên con vật nào được người thương thì cuộc sống có phần thoải mái, ngược lại thì bị người giết hại.

Con người thuần hóa các loài vật để phục vụ cho mình như lạc đà, lừa, ngựa, trâu, bò để chuyên chở và cày bừa. Việc săn bắn, đánh bắt, giăng bẫy các loài thú tuy có nhưng không đáng kể và việc nuôi thú để làm thực phẩm cho con người cũng không có nhiều.

Tuy nhiên, thế giới con người ngày nay quá đông nên nhu cầu đánh bắt loài vật không đủ sức cung phụng cho loài người, do đó con người phải tự nuôi thêm các loài gia cầm, súc vật theo công nghệ hiện đại để đủ đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Ngoài ra, các loài vật cũng chịu sự ăn nuốt lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ nên luôn sống trong khổ đau, lầm lạc.

Năm loài cùng nêu trên có hai loài là chư Thiên va thần Atula có phước sung mãn hơn người nhưng lo thụ hưởng nên không có điều kiện tu tập; ba loài dưới người thuộc đẳng cấp thấp hèn nên không có văn hóa, không có tình người; loài người do biết suy nghĩ, cảm nhận được sự khổ đau và hạnh phúc nên có điều kiện tư duy, quán chiếu, soi sáng mọi việc bằng nhận thức sáng suốt, có học hỏi, có tu tập, có văn minh, có hiểu biết, có yêu thương, có cảm thông, có bao dung, có độ lượng, có tha thứ và cùng san sẻ cho nhau nên loài người có đủ khả năng tu hành thành Phật.

Đó là ưu điểm của loài người, năm loài kia không thể thành tựu Phật đạo, chính vì vậy đức Phật mới giáng sinh nơi loài người. Theo lời Phật dạy, thế gian này có năm loài cùng chung ở, hay gọi là sáu đường sống chết-luân hồi, có hai loài chúng ta thấy biết dễ dàng nhất là thế giới của loài người và súc sinh, bốn loài còn lại chúng ta có thể nhìn bằng trực giác hay tuệ giác của Phật mới biết rõ sự hiện hữu ngay nơi cuộc sống của mình.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Friday, November 27, 2015

Tứ niệm xứ - Thiền nội quán Vipassana - Taungpula Kaba-Aye Sayadaw Phaya

Hỡi các hành giả cao thượng! Tại sao các hành (Sankhara) của chúng sanh sinh khởi? Đức Phật dạy rằng các hành của chúng sanh sinh khởi  nguyên nhân là do vô minh và tham ái (avijja và tanha)
"Yaya ca bhikkhave, avijjaya nivutassa Balassa

Yaya ca tanhaya samyuttassa ayam kayo samudagato "
Câu này có nghĩa là này cácTỷ-kheo, bị che lấp bởi vô minh (avijja) kết hợp với tham ái  nên tấm thân của kẻ xuẩn ngốc này hình thành.

Tấm thân này hình thành là do vô minh và tham ái. Vì vậy, quan trọng nhất là chúng ta không được để cho vô minh sinh khởi. Tham ái sẽ không có cơ hội để sinh khởi khi vô minh không sinh khởi. Tại sao? Tham ái không thể sinh khởi vì không có vô minh  để làm chỗ dựa cho tham ái. Khi tham ái có chỗ dựa là vô minh,  sắc uẩn sẽ sinh.

Nếu vô minh sinh khởi, sắc uẩn sẽ sinh.  Vì vậy các bạn nên hành thiền để vô minh không có điều  kiện để sinh khởi.  Các bạn có làm được điều đó không?

Sampajana Pabba 


Đức Phật dạy rằng: Này các Tỳ kheo, qua đôi mắt thịt cũng như tuệ nhãn của Ta, Ta không thấy bất kỳ điều gì khác ngoại trừ điều duy nhất là trí tuệ tỉnh giác (sampajanna) có thể làm sinh khởi các thiện pháp chưa sinh, và đoạn trừ các bất thiện pháp  đã  sinh. Điều điều duy nhất ấy là gì? Đó chính là sự tỉnh giác.

Theo chú giải của bộ Pháp tụ  (Atthasalini) bạn phải hay biết mọi  hành động một cách rõ ràng.

Khi ăn:  Nếu hành giả hay biết mình đang ăn khi đang ăn, trí tuệ sẽ sinh khởi. Nếu hành giả nhận thức rõ mình đang ăn khi đang ăn, hành giả đang có trí tuệ.  Nhưng nếu hành giả không hay biết rõ mình đang ăn khi đang ăn thì vô minh đang có mặt.  Được gọi là vô minh khi một người đang ăn mà không hay biết mình đang làm gì.

Khi uống:  Bất cứ khi nào đang uống nước hoặc uống trà hay uống thuốc, nếu hành giả biết mình đang uống thì trí tuệ sẽ sinh khởi. Nếu hành giả không hay biết điều này, đó là vô minh.

Nhai:  Bất cứ khi nào đang cắn thức ăn như rễ cây,  củ v.v… hành   giả biết mình đang cắn, khi nhai biết mình đang nhai, khi ăn biết mình đang ăn thì có trí tuệ sinh khởi.  Nếu hành giả không hay biết mình đang cắn, đang nhai, đang ăn thì đó là vô minh.

Liếm: Bất cứ khi nào liếm mật ong, xi-rô v.v…, nếu hành giả biết đang liếm là đang liếm thì trí tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

Đại tiện và tiểu tiện:  Khi đại tiện và tiểu tiện, hành giả biết đang đại tiện và tiểu tiện là đang đại tiện và tiểu tiện thì trí tuệ sinh khởi.  Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.
Đi: Bất cứ khi nào đang đi, nếu hành giả biết đang đi là đang đi thì trí tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

Đứng : Bất cứ khi nào đang đứng, nếu hành giả biết đang đứng là đang đứng thì trí tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

Ngồi : Bất cứ khi nào đang ngồi, nếu hành giả biết đang ngồi là đang ngồi thì trí tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

Ngủ : Bất cứ khi nào đi ngủ, nếu hành giả biết đang đi ngủ là đang đi ngủ thì trí tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

Thức giấc: Bất cứ khi nào thức giấc, nếu hành giả biết đang thức giấc là đang thức giấc thì tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

Nói : Bất cứ khi nào đang nói, nếu hành giả biết đang nói là đang nói thì trí tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

Im lặng : Bất cứ khi nào đang im lặng, nếu hành giả biết đang im lặng là đang im lặng thì trí tuệ sinh khởi. Nếu hành giả không biết như vậy, đó là vô minh.

-    Nếu hành giả biết điều gì đang xảy ra thì  trí tuệ sinh khởi.  Nếu hành giả không biết, thì sao?

-    Thưa thiền sư,  nếu hành giả không biết, thì đó là vô minh.

-    Đúng rồi.  Tại sao? Vì vô minh có nghĩa là không hay biết.  Thật ra, vô minh, si và không hay biết là những từ đồng nghĩa.  Trí tuệ, vô si, và hay biết là những từ đồng nghĩa.

Nếu vô minh có mặt, quy luật tuần hoàn của vòng duyên khởi (paticcasamuppdda) sẽ tiếp tục xoay vần – đó là  hành (sànkhàra), thức (viññāṇa), các hiện tượng danh sắc  (namarupa) v.v…,  và các quãng thời gian tái sinh  sẽ bị kéo dài ra.

Nhưng nếu hành giả có sự hay biết, trí tuệ sẽ sinh khởi.  Nếu trí tuệ sinh khởi, vô minh sẽ tan biến và chấm dứt. Nếu vô minh không còn,  chuỗi tuần hoàn của vòng  duyên khởi – đó là  hành (sànkhàra), thức (viññāṇa), các hiện tượng danh sắc  (namarupa) v.v  sẽ bị phá vỡ, chu kỳ tái sinh sẽ dừng lại và không còn tiếp tục xoay vần.

Hành là kết quả của vô minh.  Vì vậy, Đức Phật dạy, “Các hành lấy vô minh làm nhân .   Nếu có vô minh làm nhân,  các hành sẽ là quả.  Nếu vô minh diệt thì các hành sẽ không còn hiện hữu. Vô minh diệt  thì các hành cũng diệt theo”. 
Nói tóm lại tất cả các hành động được thực hiện bằng thân, khẩu, ý   phải được xem như là các  là đối tượng để quán chiếu. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy:  “ Này các Tỳ khưu, mọi thứ phải được hay biết một cách rạch ròi”. Thực hành theo cách này, hành giả sẽ có trí tuệ. Ngài  dạy rằng  khi bạn đang đi, rất khó  giữ sự hay biết một cách  liên tục rằng đang đi là đang đi. Dầu bạn biết được việc phải thực hành như vậy,  vẫn  khó mà thực tập. Cho dẫu bạn thực tập, cũng rất khó để thực hành cho được trọn vẹn. Tại sao? Bởi vì việc  "Áp dụng chánh niệm" (satipatthana) - đối tượng của các hành giả cao thượng - thực sự là rất khó để thực hành  mặc dù  mới nhìn thì việc này thấy có vẻ dễ dàng, nó cũng thật là sâu sắc mặc dù  trông  nó  có vẻ cạn cợt. Vì vậy Đức Phật dạy: “ Nếu có vô minh làm nhân, thì các hành sẽ là quả. Khi nhân của vô minh diệt, các hành sẽ không còn hiện hữu.”
Rất khó phân biệt giữa nhân và quả.  Để phân biệt được chúng, chúng ta hãy lấy thí dụ cái cây và cái bóng của nó.  Cái cây có trước vì vậy nó là nhân, cái bóng có sau  vì vậy nó là quả.

Vì vậy, cũng giống cái cây là nhân và cái bóng của nó là quả, vô minh (avijja) là nhân  và hành (sankhàra) là quả. Nếu không có vô minh,  sẽ không có các hành. Nếu không có cây, sẽ  không có bóng. Nếu có một cái cây, sẽ có một cái bóng.

Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy:  “ Nếu vô minh có mặt, các hành sẽ sinh khởi.   Nếu vô minh diệt thì các hành cũng diệt. Đừng coi thường  việc các hành diệt. Nó chính là sự chấm dứt sự hiện hữu, sự dập tắt sự hiện hữu, sự tột cùng của kiếp tồn sinh ”.

Tại sao? Vì không còn vô minh (avijjā). Nếu còn vô minh (avijja),  các  hành (sankhàra) sẽ sinh khởi, tức là có sự ra đời của một chúng sinh.  Nếu vô minh được chấp nhận (để cho sinh khởi), tấm thân ngữ uẩn này sẽ hiện hữu.
Do đó để đạt được trí tuệ, bất cứ khi nào bạn nhìn, nghe, ngửi, ăn, xúc chạm, biết, bạn nên quán chiếu chúng. Ngay  khoảnh khắc bạn nhìn thấy một vật gì đó, hãy ghi nhận thấy, thấy. Ngay khoảnh khắc bạn nghe một điều gì đó, hãy ghi nhận nghe, nghe. Ngay khoảnh khắc bạn ngửi một mùi gì đó, hãy ghi nhận ngửi, ngửi. Ngay khoảnh khắc bạn đang ăn một thứ gì đó, hãy ghi nhận ăn, ăn.  Ngay khoảnh bạn xúc chạm một vật nào đó, hãy ghi nhận xúc chạm, xúc chạm. Ngay khoảnh khắc bạn biết một điều gì đó, hãy ghi nhận biết, biết.

Vì vậy, bạn cần phải tu tập Vipassana – Thiền nội quán theo lời dạy của Đức Phật.  Hơn nữa, bạn nên quán chiếu  bất cứ hành động bạn đang làm: Ăn, uống, cắn, liếm, ngủ, thức giấc, nói chuyện, giữ  im lặng, thở vào, thở ra, chuyển động phồng xẹp của bụng, nóng và lạnh, mềm và cứng , thô và tế, các cảm giác dễ chịu và khó chịu,  tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, đố kỵ,  ích kỷ, giận dữ, thù hận, dèm pha, mong muốn được làm mất thể diện một ai đó, mong muốn làm hạ phẩm giá của một ai đó, che giấu lỗi lầm, đạo đức giả, nhẫn tâm, ganh đua, buồn phiền, than khóc,  đau đớn, đau buồn, v.v… Có rất nhiều điều bạn cần phải quán chiếu. Bạn càng quán chiếu nhiều chừng nào, bạn sẽ có trí tuệ nhiều chừng nấy.

Khi  minh (vijjā) sinh khởi , vô minh (avijja) diệt. Khi vô minh diệt, sẽ không còn tái sanh nữa. Tột bậc của sự quán chiếu chính là đây. Đức Phật dạy, “ Trừ phi vô minh diệt,  các hành sẽ không bao giờ chấm dứt vì bất cứ một nguyên nhân nào khác.” Tại sao? Vì Đức Phật dạy, “ Các hành diệt  chỉ khi vô minh diệt. Tất cả các bất thiện pháp đều có vô minh là kẻ làm tiền trạm cho chúng.”

Vì vậy, Đức Phật dạy, “ Này các Tỳ khưu, trong việc phạm vào các ác pháp,  vô minh (avijja) là kẻ dẫn đầu. Nếu vô minh (avijja), căn nguyên  của mọi phiền não được diệt tận, tất cả phiền não sẽ bị nhổ tận gốc. 
Vậy, diệt tận vô minh có nghĩa là sao? Vô minh được diệt tận  bằng chánh niệm. Chánh niệm tự bản thân nó là minh. Nếu minh sinh khởi, vô minh không thể tồn tại.   Do đó, Đức Phật dạy :  " Khi minh (vijjā) sinh khởi, phải hiểu rằng vô minh đã bị xua tan. Nếu vô minh đã bị không còn nữa,  không một phiền não mảy may nào, ở bất kỳ hình thức nào,  có thể  sinh khởi.”

Nếu không có phiền não và nếu các phiền não không phát sinh thì không còn thứ gì có thể tạo điều kiện (duyên) cho sự sinh. Đức Phật dạy: “ Hành động mà không có phiền não thì không thể tạo  điều kiện (duyên) cho sự sinh.”

Cần lưu ý ở đây là, "Hành động không có phiền não" có nghĩa là hành động thiện. Hành động thiện  không tạo ra sự tái sinh, trái lại nó dập tắt sự tồn tại. Nó không có phiền não. Chỉ có hành động bất thiện mới tạo ra sự tái  sinh. Thậm chí khi mọi hành động bất thiện không tạo ra các yếu tố dẫn đến  sự sinh, thì tham ái, mỗi một mình nó,  sẽ  tạo ra sự tái sinh. Do đó, Đức Phật dạy:  “ Bất thiện pháp có nghĩa là 12 loại  tâm sở bất thiện . Trong số đó,  ái  (tanha) đặc biệt là một loại bất thiện pháp mạnh nhất.  Nó thực sự tạo ra một sự sanh mới , và vì vậy nó được gọi ponobhavika (tham ái là nguyên nhân của sự tái sanh."
Chỉ có tham ái  là bất thiện pháp tạo ra một sự sinh mới.  Nói ngắn gọn, trạng thái ham muốn và bị thúc dục được gọi là nghiệp – kamma.
Vì vậy, Đức Phật dạy: “ Để không còn tái sanh trong cõi giới kế tiếp, bất  cứ hành động nào được thực hiện bằng thân, khẩu và ý, nếu ông quán chiếu từng hành động một một cách thận trọng, ông biết rằng một mắc xích của vòng sinh tử luân hồi đã bị cắt đứt.” Từ kamma –nghiệp, hành động mà  không có phiền não  được đề cập trước đây không có nghĩa  hành giả chỉ hành thiền để thanh lọc tâm và  mà còn thực hành bố thí và trì giới.   Không nên hiểu lầm thực hành bố thí và trì giới là tạo nhân cho việc kéo dài vòng sinh tử luân hồi.  Để đưa ra một gợi ý cho thấy thực hành bố thí và trì giới không tạo nhân cho việc kéo dài vòng sinh tử luân hồi,  sư sẽ trích dẫn từ Kinh Pali về ba căn nguyên của bất thiện nghiệp  và ba căn nguyên của thiện nghiệp.  Đức Phật dạy: “ Này các Tỳ khưu, tham, sân và si là ba căn nguyên đưa tới ác nghiệp.  Vô tham, vô sân và vô si là ba căn nguyên đưa đến thiện nghiệp.  Ba căn nguyên bất thiện tạo nghiệp, chúng không làm chấm dứt nghiệp trong khi ba căn nguyên thiện làm chấm dứt nghiệp, chúng không tạo nghiệp (mới).”

Vì vậy, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ khưu, có một số kamma (nghiệp) đưa đến cái vòng lẩn quẩn của khổ, và cái vòng lẩn quẩn này được tạo ra bởi tham, có tham là căn nguyên của nó, có tham là căn nguyên của sự sinh khởi.  Nghiệp dẫn đến cái vòng lẩn quẩn của khổ được gọi là bất thiện nghiệp.  Bất thiện nghiệp  không được tán dương vì nó tạo ra quả xấu.  Bất thiện nghiệp dẫn đến cái vòng lẩn quẩn của khổ đó tạo nhân sinh khởi của nghiệp.  Bất thiện nghiệp đó không làm cho nghiệp ngưng lại.” Tương tự như vậy đối với sân và si.  Lời dạy này của Đức Phật cho thấy bất thiện nghiệp được tạo ra như thế nào và tại sao nó không được coi là thù thắng.

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Khưu, có một số nghiệp đưa đến Níp-bàn, sự chấm dứt khổ, và những nghiệp này được tạo ra bởi vô tham, có vô tham làm căn nguyên của nó, có vô tham là căn nguyên của sự sinh khởi.  Nghiệp đưa đến Níp-bàn, sự chấm dứt khổ được gọi là thiện nghiệp.  Thiện nghiệp đó được tán dương vì nó tạo ra quả tốt.  Thiện nghiệp đó làm cho nghiệp dừng lại. Thiện nghiệp đó không tạo nhân sinh khởi của nghiệp.”
Đức Phật giải thích một cách khác rằng thiện nghiệp không tạo ra nghiệp và chính thiện nghiệp đó đưa đến sự chấm dứt nghiệp.  Đức Phật giải thích như sau: “Bố thí là căn nguyên của vô tham, giới là căn nguyên của vô sân và hành thiền thanh lọc tâm là căn nguyên của vô si.”
Hãy để sư giải thích lẽ thực  rằng ba thiện nghiệp bố thí, trì giới và hành thiền thanh lọc tâm không kéo dài vòng sinh tử luân hồi, thay vào đó chúng chặt đứt các mắt xích của vòng sinh tử luân hồi.

Con đường đạo và quả không thể đạt được mà không dựa vào một cái gì đó.  Chúng phải dựa vào bố thí, trì giới và hành thiền để thanh lọc tâm.  Dựa vào ba thiện nghiệp này, con đường xuất ly và con đường đạo chắc chắn sẽ đạt được.  Tuy nhiên, thiện nghiệp dựa vào bố thí và trì giới quá yếu, vì vậy nó chỉ có thể giúp hành giả đạt được ba tầng đạo quả đầu tiên, không thể đạt được kết quả cao hơn.  Trong khi đó thiện nghiệp có được từ việc hành thiền để thanh lọc tâm hết sức mạnh mẽ, nó giúp hành giả đạt được tầng đạo quả cao nhất.

Vì vậy, Đức Phật dạy: “  Thiện nghiệp từ bố thí và trì giới, do yếu ớt, chỉ có thể đưa đến tầng Thánh Nhập lưu, chúng cũng có thể đưa đến tầng Thánh Nhất lai,  cũng như đưa đến tầng Thánh Bất lai.  Thiện nghiệp từ việc hành thiền thanh lọc tâm, do mạnh mẽ, sẽ đưa hành giả đến tầng Thánh cao nhất: A-la-hán.”
Thực hành quán chiếu về sự sanh diệt của phiền não:
1.    Phiền não sanh khởi ở mắt:

-    Khi tôi nhìn cái mình muốn nhìn, tâm tham đang sinh khởi.
-    Khi tôi nhìn cái mình không muốn nhìn, tâm sân đang sanh khởi.

-    Khi tôi không biết tôi muốn nhìn cái gì, vô minh đang sinh khởi

-     Khi tôi không biết tôi không muốn nhìn cái gì, vô minh đang sinh khởi.

Đoạn trừ phiền não ở mắt:

-    Khi tôi biết tôi muốn nhìn cái gì, minh (vijja)  đang sinh khởi

-     Khi tôi biết tôi không muốn nhìn cái gì,  (vijja) minh đang sinh khởi.

2.    Phiền não sanh khởi ở tai:

-    Khi tôi nghe  cái mình muốn nghe, tâm tham đang sinh khởi.
-    Khi tôi nghe  cái mình không muốn nghe, tâm sân  đang sinh khởi.
-    Khi tôi không biết tôi muốn nghe cái gì, vô minh đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết tôi không muốn nghe cái gì, vô minh đang sinh khởi.

Đoạn trừ phiền não ở tai:

-    Khi tôi biết tôi muốn nghe cái gì, minh (vijja)  đang sinh khởi.

-     Khi tôi biết tôi không muốn nghe cái gì, (vijja) minh đang sinh khởi.

3.    Phiền não sinh khởi ở mũi:

-    Khi tôi ngửi cái gì mình muốn ngửi, tâm tham đang sinh khởi.

-    Khi tôi ngửi  cái mình không muốn ngửi, tâm sân  đang sinh khởi.
-    Khi tôi không biết tôi muốn ngửi cái gì, vô minh đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết tôi không muốn ngửi cái gì, vô minh đang sinh khởi.

Đoạn trừ phiền não ở mũi:

-    Khi tôi biết tôi muốn ngửi  cái gì, minh (vijja)  đang sinh khởi.

-    Khi tôi biết tôi không muốn ngửi cái gì, (vijja) minh đang sinh khởi.

4.    Phiền não sinh khởi ở lưỡi: 

-    Khi tôi ăn cái mình muốn ăn, tâm tham đang sinh khởi.

-    Khi tôi ăn  cái mình không muốn ăn, tâm sân  đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết tôi muốn ăn cái gì, vô minh đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết tôi không muốn ăn  cái gì, vô minh đang sinh khởi.

Đoạn trừ phiền não ở lưỡi:

-    Khi tôi biết tôi muốn ăn cái gì, minh (vijja)  đang sinh khởi.

-    Khi tôi biết tôi không muốn ăn  cái gì, (vijja) minh đang sinh khởi.

5. Phiền não sinh khởi trên thân

-    Khi tôi xúc chạm với cái  mình muốn xúc chạm, tâm tham đang sinh khởi.

-    Khi tôi xúc chạm với cái  mình không muốn xúc chạm, tâm sân  đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết tôi muốn xúc chạm cái gì, vô minh đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết tôi không muốn xúc chạm cái gì, vô minh đang sinh khởi.

Đoạn trừ phiền não trên thân

-    Khi tôi biết tôi muốn xúc chạm cái gì, minh (vijja)  đang sinh khởi.

-    Khi tôi biết tôi không muốn xúc chạm cái gì, minh (vijja)  đang sinh khởi.

5.    Đoạn trừ phiền não trong tâm

-    Khi tôi biết cái tôi muốn biết, tâm tham đang sinh khởi.

-    Khi tôi biết cái tôi không muốn biết, tâm sân đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết cái tôi muốn biết, vô minh đang sinh khởi.

-    Khi tôi không biết cái tôi không muốn biết, vô minh đang sinh khởi.

Đoạn trừ phiền não trong tâm

-    Khi tôi biết cái tôi muốn biết, minh  (vijja) đang sinh khởi.

-    Khi tôi biết cái tôi không muốn biết, minh  (vijja) đang sinh khởi.

Bất cứ hành động nào mà bạn đang làm như đi, đứng, ngồi, nằm v.v…, hãy quán chiếu chúng như  nói trên.

“Hành động” có nghĩa là tất cả những hành động làm bởi thân, khẩu, tất cả những hành động cần thiết phải làm.

Có một câu nói để chúng ta để chúng ta chiêm nghiệm: "Không phóng dật trong khi thực hiện các hành động" . Luôn luôn lúc nào cũng có những hành động, bất cứ điều gì bạn đang làm, tất cả đều là các hành động, nhưng bạn phóng dật, tức là bạn quên không quán chiếu chúng. Nếu bạn có thể quán chiếu chúng nhiều chừng nào,  bạn sẽ có minh  (vijjā) nhiều chừng ấy, minh đó sẽ dẫn đến sự chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Nếu bạn không thể quán chiếu chúng, bạn có vô minh (avijja), vô minh sẽ trói buộc bạn trong vòng sinh tử luân hồi.

Do đó bậc trí nói: "Không biết có nghĩa là vô minh (avijja), biết có nghĩa là minh ( vijjā), hai điều này phải được phân biệt một cách rõ ràng.   Do vô minh mà vòng duyên khởi xoay vần, nhưng do minh mà vòng duyên khởi này bị cắt đứt.”

http://www.thienvienphuocson.net/home/images/stories/abc-4/0thamthien.gifSamatha và Vipassana ( Thiền chỉ và thiền Tứ niệm xứ)

Quán chiếu trên thân được gọi là thiền chỉ (Samatha) và nhận thức rõ ràng được gọi là thiền Tứ niệm xứ (Vipassana) hay thiền nội quán. Nói một cách khác, làm cho  phiền não  lắng dịu được gọi là thiền chỉ. Có nhiểu hình thức quán chiếu khác nhau về bản chất thực sự của tâm và thân được gọi là thiền nội quán (Vipassana).

Sự  thật theo ngôn ngữ chế định (tục đế) và chân nghĩa pháp (chân đế)

1.    Tôi, anh ấy, đàn ông, đàn bà , v. v… là những sự thật theo ngôn ngữ chế định (tục đế ).

2. Nhìn, nghe, ngửi, ăn, xúc chạm, biết v.v… là những sự thật theo chân nghĩa pháp (chân đế).

Có một câu châm ngôn như sau : Hiểu rõ  rằng đây không phải là “tôi”, nhưng chỉ có tâm và thân là sự thật theo chân nghĩa pháp (chân đế)

Hiểu một cách rạch ròi tâm và thân, như thế này là tâm,  như thế này là thân, được gọi là tuệ Phân biệt danh sắc (namarupa pariccheda nana).

Sau đây là câu trích dẫn để các bạn tham khảo: “Netam mama nesohamasami nameso attati, passato cittam suvimuccati anupada asavehi."
Có nghĩa là – Nếu một hành giả quán chiếu và hiểu rõ rằng :” Đây là tâm và thân, không phải là tôi.  Đây là thân và tâm, không phải là linh hồn của tôi, không phải là tự ngã của tôi. Nó chỉ là tâm và thân,”  hành giả sẽ không còn bị trói buộc bởi tham, kiêu mạn và tà kiến, và tâm của hành giả sẽ thoát khỏi sự trói bốn lậu hoặc.”
Mặc dù chỉ là một cư sĩ bình thường, nếu thực sự phân biện được tâm và thân, người ấy có thể sống hạnh phúc như một vì A-la-hán, bậc đã dập tắt bốn lậu hoặc. Nhưng nếu bạn là một hành giả (yogi) bình thường, bạn chỉ có thể dập tắt bốn lậu hoặc trong từng khoảnh khắc một.

Ba loại trí tuệ phân biện thân và tâm (danh và sắc)

Có ba loại trí tuệ phân biện thân và tâm, cụ thể như sau:

1.    Sutamaya nana: Trí tuệ có được qua nghe và học hỏi

2. Cintamaya nana: Trí tuệ có được qua tư duy, suy nghĩ   

3. Bhavanamaya nana: Trí tuệ có được qua hành thiền nội quán để thanh lọc tâm.  
Trong ba loại trí tuệ này, chỉ có hiểu rõ tâm và thân qua việc thực hành thiền nội quán để phát triển trí tuệ minh sát mới được gọi là sự hiểu rõ hoàn hảo.

Làm sao để quán chiếu nhằm phân biện tâm và thân cho được dễ dàng?

Ý muốn bước đi là của  tâm, nhưng chính thân mới bước đi. Chỉ khi tâm muốn đi thì thân mới đi. Nếu tâm không muốn đi, thân sẽ không đi.

Sư xin trích dẫn một đoạn minh họa cho việc này:

1. Ý muốn bước đi là của tâm, nhưng chính thân  lại bước đi.
Cái đang bước đi  đó không phải là một người, một sinh vật, cũng không phải là tôi, không phải đàn ông hay đàn bà, không phải là linh hồn hay tự ngã.

Chỉ có tâm và tâm và thân đi.

2. Ý muốn đứng là của tâm, nhưng chính thân  lại đứng.
Cái đang đứng  đó không phải là một người, một sinh vật, cũng không phải là tôi, không phải đàn ông hay đàn bà, không phải  là linhhồn hay tự ngã.

Chỉ có tâm và tâm và thân đang đứng.

3. Ý muốn ngồi  là của tâm, nhưng chính thân  lại ngồi.
Cái đang ngồi  đó không phải là một người, một sinh vật, cũng không phải là tôi, không phải đàn ông hay đàn bà, không phải là linh hồn hay tự ngã.

Chỉ có tâm và tâm và thân đang ngồi.

4. Ý muốn ngủ  là của tâm, nhưng chính thân  lại ngủ.
Cái đang ngủ  đó không phải là một người, một sinh vật, cũng không phải là tôi, không phải đàn ông hay đàn bà, không phải linh hồn hay tự ngã.

Chỉ có tâm và tâm và thân đang ngủ. 

Lưu ý: Phần  minh họa trên chỉ hướng dẫn cho bốn tư thế, cụ thể là đi, đứng, ngồi và ngủ. Các hoạt động khác cũng phải được quán chiếu tương tự như vậy.
Hãy quán chiếu y như vậy khi bạn đang mua bán, làm đồng, nuôi trồng, tưới cây, làm cỏ, cày ruộng, may, chiết cành, cấy, cắt cỏ, thái cỏ, hái bông, cán bông, làm sạch bông, kéo sợi, xếp sợi, bó sợi, nhuộm, thiết kế hoa văn, mắc sợi vào khung cửi, dệt, nấu ăn, giã gạo, hái rau, thái rau, nhặt củi, gánh nước, và tất cả các hoạt động khác đều cần được thực hiện với chánh niệm và sự thận trọng, quán chiếu với sự cẩn trọng và tinh cần.

Nếu tâm và thân được thực sự hiểu rõ,  bạn sẽ không còn bị sáu mươi hai loại tà kiến làm cho mê muội. "Namarupanam yathava dassanam ditthivisuddhiti veditabbam" có nghĩa là nếu tâm và thân được nhận ra một cách rạch ròi và được hiểu rõ,  hành giả sẽ không còn bám vào quan điểm chấp thủ cá nhân mà từ bỏ nó, và do đó đạt được thanh tịnh kiến (ditthi-visuddhi).

Nếu một hành giả phân biện được tâm và thân, anh ta không còn nhìn thấy một người đàn ông hoặc một người phụ nữ.  Qua việc quán chiếu để phát triển trí tuệ minh sát, hành giả sẽ nhận ra như sau: "giống như một con búp bê bằng gỗ không mất đi hình dáng ban đầu của nó, nó vẫn chỉ là một con búp bê,  thưc sự không phải là một người đàn ông mà cũng chẳng phải là một người đàn bà." Nếu trí tuệ nội quán của hành giả thanh tịnh, mặc dù hành giả chỉ là  một người bình thường, hành giả vẫn được lợi lạc rất nhiều và  tất cả mọi đau khổ của mình sẽ chấm dứt và kết quả  là hành giả sẽ sống hạnh phúc. Chấp thủ cá nhân càng mạnh mẽ thì đau khổ càng nhiều.
Ba loại trí tuệ nội quán, đặc biệt  mang lại nhiều lợi lạc
Có ba loại, cụ thể là:
1. Trí tuệ  về bản chất thực sự của thực tại,  có nghĩa là, về mặt chân nghĩa pháp, trí tuệ nội quán hiểu rõ rằng chỉ có  tâm và thân,  danh và sắc  hay tinh thần và vật chất tồn  tại trong 31 cõi giới của chúng sanh, chẳng có gì khác ngoài  tâm và thân, danh và sắc hay tinh thần và vật chất.

2. Trí tuệ đến từ  chánh kiến. Có nghĩa là hiểu rõ rằng chẳng có “ông ấy”  hay “tôi”, cũng chẳng có “đàn ông” hay “đàn bà” v.v…  là người tạo nghiệp.  Chẳng có “ông ấy”  hay “tôi”, cũng chẳng có “đàn ông” hay “đàn bà” v.v…như là người đang hưởng quả báo của  nghiệp. Trí tuệ này chỉ biết hai thứ là tâm và thân, danh và sắc hay tinh thần và vật chất.

3. Trí tuệ  vượt qua mọi nghi hoặc, hoài nghi. Có nghĩa là khắc phục được mọi nghi hoặc, hoài nghi về chúng sanh hữu tình như  tôi, anh ấy, đàn ông, đàn bà, con người, trời thần, động vật, ma quỷ… Tất cả chẳng  là gì ngoài  tâm và thân, danh và sắc dưới các hình thức và dáng vẻ khác nhau.

Đối với các chúng sanh vô tình , hành giả  cũng không có các mối  nghi hoặc, hoài nghi. Hành giả biết rằng cái nồi, nhà, gỗ, tre, gạch, đá, vàng, bạc, mặt trời, mặt trăng, nước, đất, biển, rừng, núi, v.v… chỉ là vật chất dưới các hình thức và dáng vẻ khác nhau và. Do đó hành giả đoạn trừ  mọi nghi hoặc, hoài nghi.

Ba loại trí tuệ nội quán này thì khác nhau về mặt từ ngữ, nhưng chúng có cùng một ý nghĩa.

Vì vậy người ta nói:

Khi một hành giả thực hành nội quán có được những kiến thức này, vị ấy sẽ có được sự tự tại  cũng như chỗ đứng trong Giáo Pháp của Đức Phật, vị ấy giờ không còn nghi hoặc gì về sự tồn tại có ý nghĩa của mình, vị ấy được gọi là một tiểu Tu- đà- hườn ( Cula-Sotapanna).

Nếu vị ấy thấy rõ được sự sanh diệt của  tâm và thân, mặc dù vị ấy  có thể sống chỉ một ngày, vị ấy còn cao thượng hơn là người sống cả một thế kỷ (mà không thấy rõ sự sanh diệt của tâm và thân).

Nhận thấy rõ sự sanh diệt của tâm và thân hay danh và sắc là không phải là do từ sự suy đoán. Chúng là những đối tượng thực sự của cái kiến thức có được từ sự quan sát  trực tiếp. Cả thân và tâm một mình nó không thể tự sanh diệt. Việc này chỉ có thể xảy ra khi  cả hai, tâm và thân tương tác lẫn nhau.

Sự sanh  và diệt của tâm và thân

Có thể nói rằng nội quán tự thân nó là sanh. Mỗi khi chúng ta quán sát thấy tâm và thân sanh thì chúng diệt ngay sau đó.

Sanh diệt  diễn ra ở đâu?

1. Sanh và diệt xảy ra ở mắt.
2. Sanh và diệt xảy ra ở tai.
3. Sanh và diệt xảy ra ở  mũi.
4.Sanh và diệt xảy ra ở lưỡi.
5. Sanh và diệt cảy ra trong thân
6. Sanh và diệt xảy ra trong tâm.

Nói một cách khác:

(A) Quán chiếu “thấy, thấy” khi nhìn thấy là sanh. Mỗi khi quán chiếu “thấy”, có nghĩa là tâm và thân sanh, diệt do vậy sẽ xảy ra tiếp theo đó.  

(B) Quán chiếu  “nghe, nghe”  khi nghe là sanh. Mỗi khi quán chiếu “nghe”, có nghĩa là tâm và thân sanh, diệt do vậy sẽ xảy ra tiếp theo đó.

(C) Quán  chiếu “mùi, mùi”  khi ngửi là sanh mỗi . Mỗi khi quán chiếu “ngửi”, có nghĩa là tâm và thân sanh, diệt do vậy sẽ xảy ra tiếp theo đó.
(D) Quán chiếu “nhai, nhai” khi ăn là sanh.   Mỗi khi quán chiếu “nhai”, có nghĩa là tâm và thân sanh, diệt do vậy sẽ xảy ra tiếp theo đó

(E) Quán chiếu “đụng, đụng” khi xúc chạm là sanh. Mỗi khi quán chiếu “đụng”, có nghĩa là tâm và thân sanh, diệt do vậy sẽ xảy ra tiếp theo đó.

(F) Quán chiếu “biết, biết” khi biết là sanh. Mỗi khi quán chiếu “biết”, có nghĩa là tâm và thân sanh, diệt do vậy sẽ xảy ra tiếp theo đó.

Do đó Đức Phật day:

Nếu một người không thấy rõ sanh và diệt của tâm và thân, cho dẫu người ấy có thể sống đến 100 năm, vị ấy cũng chẳng đáng sống. Nhưng nếu vị ấy thấy rõ sanh và diệt của tâm và thân, cho dẫu vị ấy chỉ sống một ngày, vị ấy cao thượng hơn rất nhiều so với người sống 100 năm mà không thấy rõ sanh và diệt. 

Nếu thấy rõ sự sanh diệt của của tâm và thân, mặc dù vị ấy  chỉ sống một ngày, vị ấy còn cao thượng hơn nhiều so với một người sống một trăm năm mà không nhận ra chúng.

Này các hành giả, quý vị phải  quán chiếu liên tục tâm và thân mình một cách sâu sắc  để  phát triển kiến thức của qúy vị. Sư chắc chắn rằng  quý vị sẽ được lợi lạc rất nhiều. Nếu quí vị  phát triển trí tuệ của mình mỗi ngày một nhiều hơn, ngay cả khi quý vị chỉ phát triển trí tuệ của mình chỉ trong một khoảnh khắc, quý vị vẫn cao thượng những người sống 100 năm mà không thấy được điều này.
Một khoảnh khắc dài bao lâu? Mười cái búng ngón tay liên tiếp nhau được gọi là một khoảnh khắc.

Một khoảnh khắc tương đương với thời gian của mười cái búng ngón tay liên tiếp nhau. Nếu hành giả quán chiếu trong một phút, vị ấy cao thượng hơn người sống 100 năm mà không hiểu được danh, sắc. 

Một người thực hành giáo pháp một cách dũng mãnh và chỉ sống trong một khoảnh khắc còn cao thượng hơn một người quá chán không muốn thực hành giáo pháp và sống một cách lười nhác trong 100 năm.

Vì vậy  Đức Phật khuyên chúng ta : “Trong khi các ông ngồi,  đừng để tâm của mình đi lang thang,  hãy nhắm mắt lại, tập trung và quán chiếu “ngồi, ngồi”. Nếu các ông quán chiếu ngay chỉ một phút, các ông sẽ cao thượng hơn người sống 1000 năm mà không nhận ra danh và sắc. "

Năm  điều hướng dẫn

Hai thứ cần phải được hiểu rõ một cách rạch ròi:

-    Hai thứ, cụ thể là tâm và thân, danh và sắc hay tinh thần và vật chất cần phải được hiểu rõ một cách rạch ròi.

Hai thứ cần phải từ bỏ:


- Hai thứ, cụ thể vô minh và tham ái phải được từ bỏ.

Hai thứ cần được phát triển:


- Hai thứ, cụ thể là định và niệm, phải được phát triển.

Cái mà chúng ta cần phải đạt được chính là Níp-bàn
Trong hai thứ này, nếu định phát triển, hành giả sẽ hiểu rõ thân hay vật chất, nếu thân hay vật  chất được hiểu rõ, tham ái sẽ được loại trừ. Nếu tham ái được loại trừ, hành giả sẽ chiến thắng được những ham muốn và như vậy sẽ có đủ nội lực để đương đầu với  việc  giải phóng tâm khỏi những phiền não.

Nếu niệm phát triển, hành giả sẽ hiểu rõ tâm mình một cách thấu đáo.  Nếu tâm được hiểu một cách thấu đáo, vô minh sẽ được loại trừ.

Nếu vô minh bị loại trừ, hành giả sẽ chiến thắng những ham muốn và như vậy sẽ đạt được trí tuệ giải phóng tâm khỏi những phiền não.

Thấy rõ rằng chỉ có thân và tâm, hành giả sẽ từ bỏ sự dính mắc vào quan niệm về một cái tôi, ta, tự ngã và quán chiếu  về vô ngã một cách mạnh mẽ. Hành giả sẽ trở nên chán ghét, ghê tởm về những đau khổ (gây  ra do sự chấp thủ vào quan niệm cái tôi, ta, cái ngã ảo tưởng là thật) và sẽ đạt tới sự giải thoát viên mãn, chấm dứt mọi khổ đau.

Hai căn bệnh của chúng sanh

-    Có hai căn bệnh của chúng sanh, cụ thể là vô minh và tham ái.

a)    Phương thuốc để chữa tham ái là tâm định

b)    Phương thuốc để chữa vô minh là thiền nội quán.

Qua sự thực hành bốn nền tảng của chánh niệm (Tứ niệm xứ), hành giả và những người chung quanh sẽ được bảo vệ tốt :

-    Bốn nền tảng của chánh niệm (thân, thọ, tâm, pháp) phải được thực hành để bảo vệ chính mình. Và bốn nền tảng của chánh niệm phải được thực hành để bảo vệ người khác.

a)    Nếu bản thân hành giả được bảo vệ, những người chung quanh cũng sẽ được phòng hộ.

b)    Nếu những người khác được phòng hộ, bản thân hành giả cũng được bảo vệ.  Điều này phải được hiểu rõ như vậy.
Theo: Maha Satipatthana Vipassana Insight Meditation
Blooming in the Desert

Favourite teachings of the Wildflower Monk Taungpula Kaba-Aye Sayadaw Phaya

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Supanna Thiện Trí