Ông Nguyễn Huy Thiệp nói như thánh phán: “Đời cơ bản
là buồn”. Buồn đến độ, nhân vật Tốn trong “Không có Vua” suốt ngày rả rích: “A
ha, không có vua/ Sớm đến chiều say sưa/ Tháng với ngày thoi đưa/ Tớ với mình
dây dưa/ Tính với tình hay chưa”.
Bạn nói như Kinh cầu: “Cuộc sống khó lắm”. Biết là
khó, biết là buồn, nhưng cũng biết là làm sao. Không lẽ tí tuổi đầu, lại bắt
chước Trần Hiền Ân, “Sách vở người xưa từng đã dạy/ Gạo hẩm lưng nồi, nước giếng
trong/ Co tay làm gối bình yên ngủ/ Vẫn có niềm vui thật với lòng/ Cứ thế rồi
ta thành ông lão/ Tóc búi, râu dài cũng bạc phơ…”.
1. Mua một đôi giày mới, mang vào có cảm giác chật
chân. Vài ngày lại quen, hóa ra êm hơn đôi giày cũ. Đã có lúc nghĩ vứt đôi giày
mới đi lại giày cũ cho thoải mái. Cuối cùng, phát hiện ra mọi phiền phức chẳng
qua là do thay đổi thói quen.
Vậy đó, mang giày cũng như yêu đương. Chia tay người
tình đầu tiên, ngay lập tức muốn leo lên cầu cao, đâm đầu xuống sông. Muốn leo
lên sân thượng của tòa cao ốc, nhảy bổ xuống đất.
Chia tay người tình thứ hai, dư vị như người tình cũ.
Chia tay người tình thứ ba, đã có kinh nghiệm của đổ vỡ. Thêm lần nữa, thấy
cũng bình thường. Mỗi người tình là một cảm giác mới.
Đôi lúc, có nuối tiếc. Y như mang giày. Lắm khi muốn
mang lại đôi giày cũ vì nó thân quen.
2. Lâu lâu rảnh, thật tình rất ít khi rảnh. Ngồi cà
phê tán láo với bạn bè. Toàn nghe chuyện này chuyện kia về mình. Tất cả những
câu chuyện về chính mình, mình hoàn toàn không biết.
Điên hết người. Muốn đấm bên trái hai mươi cái, đánh
bên phải bốn mươi tám cái, đấm trực diện một trăm mười một cái. Đấm cho mấy thằng
hay dựng chuyện lộ rõ bản chất của sự giả dối. Mặt đỏ bừng bừng, tâm nóng như
than.
Về nhà, ôm con trai, nghĩ đến cảm xúc ban nãy, phì cười.
Mỗi cá nhân sinh ra trong đời sống luôn có một thị phi.
Chú công nhân có thị phi trong nhà xưởng. Cô bán rau
có thị phi trong khu chợ. Chị nhân viên văn phòng có thị phi trong cơ quan.
Xá gì thị thi, bởi tránh cũng không được, né cũng
không được. Lắm thằng buồn miệng, hay tưởng tượng ra chuyện không thật về người
khác để chứng minh tầm quan trọng.
Có sao đâu, nếu mình là một trò vui, cứ xem đó như là
một lần ban ơn, không mất mát.
Ông cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa ra nguyên tắc: “Tự
mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta”.
Dẫu vậy vẫn nghĩ, thi thoảng là Lỗ Trí Thâm cũng có
cái hay của nó.
3. Đọc bài trên báo, về anh thanh niên hiến gan cứu mẹ,
tự dưng nhớ đến điển tích nhà Phật, Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi ngục A Tỳ.
Trên đời, quan điểm cá nhân, chỉ có cha mẹ và con cái
là thật sự yêu thương ta.
Bằng hữu cũng có thể yêu thương ta. Người tình cũng có
thể yêu thương ta. Người dưng cũng có thể yêu thương ta.
Nhưng duy chỉ có, cha mẹ và con cái ta yêu thương ta
không vụ lợi.
Bằng hữu có thể vì ta làm chuyện này chuyện khác.
Người tình có thể vì ta hy sinh này kia kia nọ.
Người dưng có thể vì ta cho ta thứ này, thứ khác.
Chỉ có cha mẹ và con cái, sẵn sàng cho ta tất cả những
gì quý giá nhất mà họ đang sở hữu.
Anh đồng nghiệp cùng cơ quan, tuổi gần 60. Mẹ ngoài
80, bị lẫn. Suốt ngày ngồi trên cái ghế bố, tự ái với dâu, trách mắng với con.
Anh việc nhiều cỡ nào, cũng tranh thủ về chăm sóc mẹ.
Hôm sau khi họp ban, mắt đỏ hoe nói nới mình: “Tớ nói
thật với cậu. Mẹ mình bị lẫn, nhiều khi mình bực lắm. Nhưng mình nghĩ đến cảnh
một ngày nào đó, mình về nhà mà không thấy mẹ mình ngồi trên cái ghế bố đó nữa,
mình sẽ không biết phải sống ra sao. Không biết giấu nỗi buồn vào đâu”.
Nhớ cố thi sĩ Đồng Đức Bốn: “Trở về với Mẹ ta thôi/ Lỡ
mai chết lại mồ côi dưới mồ”.
4. Quán cà phê cóc ở Thanh Đa. Quán xập xệ, ti vi mở
phim Đài Loan tối ngày, nghe ong hết cả đầu. Thói quen, vẫn ngồi đó mỗi tối.
Chơi với người đàn ông đúng bốn mươi ba tuổi, là người đàn ông nói vậy.
Người đàn ông mất một cái răng cửa, đầu húi cua, chắc
chắn bất bình thường về thần kinh.
Kể vậy:
“Xưa con đó yêu anh lắm. Có khi anh uống cà phê, nó
không lấy tiền mà. Em nghĩ coi, nó phải thương anh thì anh uống cà phê nó mới không
lấy tiền chứ. Ai mà biết được tự nhiên nó lại bỏ đi. Anh nghe nói nó về Hậu
Giang, anh bán xe đạp lấy tiền về Hậu Giang tìm nó. Mà anh có tìm thấy đâu”.
Lại kể:
“Anh ở nhà với ông cậu. Tối ổng cho anh ăn cơm. Ngày
anh đi lượm ve chai, có gì lượm đó. Một tuần bán cũng được 200 ngàn. Trưa anh
ăn cơm, sáng anh nhịn”.
Vẫn kể:
“Cái số anh chán quá. Hồi anh mượn xe Honda của ông cậu,
đi gù gái, gái nó không chịu. Đến khi anh đi xe đạp của anh, gù gái, gái nó
cũng không chịu luôn”.
Kết:
“Lát trả cho anh chai nước ngọt, nha”.
Gật đầu.
5. Thằng bạn thân yêu cô bạn thân gần cả chục năm, chuẩn
bị tính chuyện cưới xin. Nhà cô bạn thân khổ, cô có nhan sắc. Anh Việt kiều nói
dứt khoát: “Lấy anh, anh lo cho em đi Mỹ. Em có cơ hội giúp gia đình”. Cô đồng
ý.
Thằng bạn thân thất tình, bỏ phố về quê trồng cỏ, nuôi
bò. Trước khi về, gọi điện thoại cho cô bạn thân, nói những lời cay nghiệt.
Cô bạn thân gọi mình, khóc như gió như mưa. Mình không
biết khuyên làm sao. Nghĩ, nếu mình là cô, mình cũng không biết làm cách nào.
Thằng bạn thân cưới một cô gái khác. Ba năm hai lần,
cô gái này sinh cho nó hai cậu con trai.
Cuối tuần, vô thăm. Nói, thôi đừng trách nó. Tội nghiệp.
Thằng bạn thân cười, đắng chát.
Người nó thoảng ngai ngái mùi nước tiểu bò. Mọi thứ
khác qua rồi.
6. Viết cái bài Cẩu thả kiểu báo mạng, đang hứng không
kiểm soát được mạch, lôi luôn cả thằng em trong nghề vào… mắng.
Trước khi đi công tác, thằng em gọi, không có ý trách
chỉ muốn nói lại cho rõ. Tự dưng, lòng hối hận không thể tả.
Làm báo cũng khó, xa thì không biết, chứ ở Sài Gòn, mở
mắt toàn anh em, bạn bè. Không có cố ý, nhưng sự vô ý đôi lúc để lại những vết
thương cho bạn ngoài mong muốn.
Mình biết nó từ hồi lóc ca lóc cóc, hiểu luôn cả cái
tính nhiệt tình với bạn bè, am tường cả niềm hưng phấn nhất thời của nó. Vậy
mà, thoáng cái nó buồn mình, ít nhắn tin, ít gọi điện thoại. Gặp nhau trên
Yahoo Messenger, nó cũng không Buzz mình một cái.
Mình mà như nó, mình cũng giận. Có khi điên lên, mình
viết bài tẩn lại. Có gọi điện thoại, bảo: “Anh xin lỗi, anh không cố ý”. Nó trả
lời: “Không có sao đâu anh”.
Không có sao tức là có sao. Thôi thì thêm lần nữa,
mình xin lỗi nó trên mặt báo.
7. Ba lớn tuổi, không làm ra tiền. Con cái cho bao
nhiêu cũng để dành. Cuối năm, gửi về quê góp với mấy cô bác xây mộ.
Năm nào cũng vậy, chia ra. Năm nay xây mộ ông cố, năm
sau xây mộ bà cố. Mộ ông bà nội đã xây đẹp từ rất lâu.
Hôm đang làm việc, ba gọi: “Trưa con về nhà”. Ba rất
ít khi gọi về nhà buổi trưa, sợ hãi có chuyện gì.
Về, ba đang lúi húi soạn mâm, sửa bát để cúng đám giỗ
bà cố. Ba làm đồ chay, mì xào chay, rau xào chay… Ba tự làm hết, má ngồi một chỗ
không phụ được gì. Má nói: “Má chỉ đạo, ba thực hiện”.
Nhiều năm rồi, ba chỉ quẩn quanh ở nhà chăm sóc má. Lịch
làm việc đều đặn, sáng đưa má đi tập vật lý trị liệu. Trưa chiều tối ở cạnh bên
má để coi sóc. Ông ngoại, bà ngoại mình mất trên tay ba. Bà nội mất sớm, bom lửa
chiến tranh, ba và mấy cô chú sống bằng sự cưu mang của bà con. Ông nội cũng mất
trong nghèo khó. Ba đọc nhiều sách, tranh luận khi nào mình cũng thua.
Má hay giật mình nửa đêm, gọi hoài, ba khó ngủ. Má đề
nghị, hay anh lên phòng ngủ đi. Ba gạt, lên phòng ngủ nửa đêm em có sao thì anh
sống làm gì.
Ba má lên Sài Gòn ở với mình, khu phố thấy ba chăm má,
nể ba lắm. Không rủ, tự hàng xóm kéo qua chơi với ba, vô cùng thân thiết.
Mình không nói ra, chứ người đàn ông mình ngưỡng mộ nhất,
chắc chắn là ba mình. Má mình cũng nói vậy, mẹ của con trai mình cũng nói vậy,
láng giềng cũng nói vậy.
Mình đọc nhiều bài báo về nghĩa phu thê, lấy đó so với
cái tình mà ba dành cho má hiểu là mình may mắn khi được sinh trưởng trong gia
đình như vậy. Nếu mình không phải là nhà báo, mình sẽ viết về ba má mình. Nếu
mình không phải là nhà báo, chắc ba mình sẽ đồng ý cho nhiều đồng nghiệp khác
viết về ba má mình.
Nhưng vì mình là nhà báo. Ba dạy, chỉ nên tán tụng cái
hay của thiên hạ.
8. Sài Gòn đêm qua mưa gió cộng với triều cường, nước
ngập lênh láng. Sáng nay, không nắng vương mùi ẩm thấp của hơi nước, lành lạnh.
Sài Gòn mình ở tính đến nay là mười hai năm rồi, mà
sao mình vẫn nhớ quê đến vậy. Không biết giấu bàn tay chai, giấu đôi chân nứt
vào đâu, mà không bao giờ mình muốn giấu.
Anh mình bảo, phải có ký ức thì mới có luyến thương.
Ban đầu, mình không tin. Về sau, mình thấy đó như là một chân lý.
Trở lại chuyện cuộc sống khó lắm.
Mình nghĩ, có khó hay không khó thì mình vẫn phải sống
thôi. Hồi sinh viên, mình cãi nhau trối chết với giảng viên về cái chuyện “Sống
khác tồn tại”. Một thời ám thị vĩ nhân, nghĩ lại còn xấu hổ.
Nếu bạn đọc hết tám ghi chú này, và bạn cảm thấy ghi
chú nào đó thích hợp khiến bạn suy nghĩ, thì có thể, cuộc sống cũng không khó lắm
đâu, phải không?
Để mình tặng bạn một đoạn thơ vẫn của Đồng Đức Bốn:
“…Tôi không thể chết được đâu/ Bởi tôi còn khúc sông sâu nợ đò/ Cánh đồng đang
lúc mưa to/ Tôi còn nợ những cánh cò phiêu du/ Tôi còn nợ cả mùa thu/ Cỏ xanh
như tiếng hát ru ở đời…”
Ngô Kinh Luân