Saturday, May 30, 2020

Thể nghiệm Tâm hành.

Giờ đây, ta đến bước thứ bảy: "thể nghiệm tâm hành (cittasankhàra patisamvedi)". Nếu ta đã thực tập thành công cả sáu bước, thì nay ta đã biết rõ tất cả về các cảm thọ Hỉ  Lạc (pìti  sukha). Khi Hỉ khởi lên, nó gây ảnh hưởng nào đến Tâm (citta)? Còn Lạc khởi lên, gây ảnh hưởng nào đến Tâm? Loại ý tưởng nào được Hỉ điều kiện hoá? Loại ý tưởng nào chịu ảnh hưởng của Lạc? Ta đã ghi nhận và chiếu rọi thật kỹ lưỡng vào các tác dụng đó kể từ bước thứ năm  bước thứ sáu. Một khi đến bước thứ bảy nầy, cũng dễ cho ta nhận thức ra rằng: "Ồ! Hỉ  Lạc cũng đều là các tâm hành." Các cảm thọ nầy (vedanà) đều là các tâm hành, cũng giống như cách mà các hơi thở đều là các thân hành vậy. Phương pháp quan sát và nghiên cứu ở đây cũng chẳng khác với phương pháp ở bước thứ ba.

Ta đã quan sát thấy Hỉ thì thô phù và bị kích thích, còn Lạc thì tế nhị và an hoà. Như thế, khi Hỉ điều kiện hoá hoặc nhen nhúm lên một ý tưởng, thì ý tưởng ấy sẽ trở nên thô thiển. Mặt khác, khi Lạc nhen nhúm một ý tưởng nào, thì ý tưởng đó lại êm dịu và yên ổn. Đây là cách mà ta nhận thức ra các cảm thọ (vedanà) đã điều kiện hoá, đã gây ảnh hưởng đến, các tư tưởng. Và ta cũng nhận định được rằng, cảm thọ điều kiện hoá cả hai loại tư tưởng thô và tế. Ta gọi tác động đó là sự "diều kiện hoá tâm trí".

Khi nỗi mừng, Hỉ, (Pìti) mạnh mẽ thì nó tạo nên sự rung động trong thân thể. Và khi nó trở nên thật mãnh liệt thì toàn thân có thể nhảy nhót lên mừng rơn. Cảm thọ nầy thô phù và mạnh bạo. Mặt khác, Lạc, niềm vui (Sukha) làm cho êm dịu, xoa nhẹ, và thư giãn. Ta học được các đặc tánh của chúng rất khác biệt nhau. Khi Hỉ ngự trị trong tâm thì chẳng thể nào nghĩ đến các tư tưởng tế nhị được. Ta cảm thấy ngứa ngáy, lâm râm khắp châu thân, khiến cho tóc lông phải dựng lên. Vì thế, ta cần phải có đủ khả năng để kiểm soát Hỉ (Pìti). Đối lại, Lạc (Sukha) lại có nhiều ưu điểm. Nó đưa tới các tâm trạng tĩnh lặng. Nó thúc đẩy các tư tưởng tế nhị, sâu xa và thanh tịnh. Hai cảm thọ: nỗi mừng (Pìti, Hỉ) và niềm vui (Sukha, Lạc) dường như thể là kẻ thù của nhau, chống đối nhau. Nhưng điều nầy chẳng quan trọng cho lắm, vì ta đã biết cách điều chỉnh chúng được rồi. Ta đủ khả năng để kiểm soát chúng bằng cách luyện tập theo phương pháp mà ta đang thực tập đây. Đây chỉ để thêm một chút hiểu biết rành rẽ, vừa đủ về các tâm hành (citta sankhàra) mà thôi.

Giác niệm về hơi thở
(Mindfulness with Breathing)

Bhikkhu Buddhadàsa
(Tỳ kheo Phật Lệ)

Thiện Nhựt phỏng dịch

Đọc trọn vẹn nguyên bài

https://www.budsas.org/uni/u-gnht/gn04.htm