4. Hỷ Lạc Qua Kiến Tánh
Niềm hạnh phúc thứ tư, ở cấp bậc cao nhất, là niềm vui của
nội tâm hay là cái thấy, còn gọi là kiến tánh. Kiến tánh, trong ngôn từ Phật học,
được dùng khi nói đến sự hiểu biết về vô thường, phiền não và vô ngã. Nếu ta có
thể thấy rõ được bản tánh của một trong ba đặc tính nầy, thì ta biết tất cả, vì
chúng liên hệ nhau.
Niềm hạnh phúc tuyệt vời của kiến tánh có nghĩa là ta đã
dẹp bỏ được chấp ngã. Khi ta có thể buông bỏ cái tôi, thì ta sẽ nhẹ nhàng, giải
thoát xiết bao.
Ramana Maharshi, một hiền triết ở miền Nam Ấn Độ, so sánh những vọng tưởng về Ngã chấp giống
như một người hành khách trên tàu hỏa. Đã bước vào toa rồi, người ấy cứ đứng ôm
chặt các hàng lý trong tay, thay vì bỏ các hành lý vào chỗ để hành lý. Cũng thế,
dầu không cần thiết, ta luôn mang mớ hành lý nặng nề của ngã chấp theo bên
mình. Những vọng tưỡng về ngã chấp làm ta thấy mọi việc đều có vẻ đe dọa, tấn
công ta, họa hoằng lắm thì bảo vệ ta, nhưng khó đối trị, như ngọn núi ta phải
vượt qua. Nó làm cho cuộc đời thêm khó khăn.
Các món phiền não, ô trược là lòng ham muốn, sân hận, yếu
đuối, lo âu, càn bướng, bám víu vào quan điểm riêng của mình. ‘Khi ta hoàn toàn
buông bỏ các quan điểm, ý kiến của mình, ta có thể nhìn thấy bản thể của mọi vật
rõ ràng hơn’, đó là đức tính của bậc A-la-hán. Với chúng ta, các quan điểm, ý
kiến chính là sự thất bại của ta. Khi ta bắt đầu ‘bảo vệ’ quan điểm, ý kiến của
mình, thì thực ra ta đang bảo vệ cho cái tôi của mình. Sự tranh cãi về một quan
điểm cho ta thấy rằng quan điểm đó không được thiết lập dựa trên kinh nghiệm.
Vì người ta không cần bào chữa cho kinh nghiệm. Giáo lý của Đức Phật dựa trên
kinh nghiệm mà có. Trong khi quan điểm dựa vào Ngã chấp. Cả hai (quan điểm và
Ngã) đều không phải là sự thật tuyệt đối.
Nhìn thấy rõ ràng tất cả những thăng trầm, biến đổi của
vạn vật, trong đó có bản thân chúng ta, giúp ta thấy rằng không có gì trong cõi
đời nầy đáng gìn giữ, bám víu. Nhờ có kiến tánh, ta không chống báng quan điểm
của người khác, tránh nẩy sinh ra bao nhiêu phiền phức trong cuộc đời. Mỗi người
có quan điểm riêng của mình. Không có gì tốt hơn là chúc phúc cho họ thay vì
tranh cãi. Sự bám víu vào quan điểm của mình cho thấy là ta vẫn chưa hiểu rõ
tính cách vô thường của sự vật. Nếu hiểu rõ được sự vô thường, ta sẽ không nói
“Tôi thế nầy, tôi thế nọ”, để có thể xem xét sự việc cẩn trọng hơn. Tôi là ai?
Tôi có phải là người sáng hôm qua được thiền định? Hay là người sáng nay toạ
thiền mà cứ lo ra? Là kẻ có tâm nghi hoặc hay người hết lòng tin tưởng vào Phật
Pháp? Ngưòi nào là tôi? Hay tôi là tất cả những người ấy? Nếu thế, tôi thật là hỗn tạp. Tôi phải là thiên hạ,
chứ không phải một người. Vậy thì ta phải chọn lựa: Tôi là tất cả hay là không.
Nếu không nhận là không, thì phải là tất cả. Thử tưởng tượng cả trăm ngàn con
người khác nhau trong một con người. Nói thế không phải là khuếch đại đâu,
trong suốt cuộc đời ta đã có hằng triệu tư tưởng, ý nghĩ, cảm giác, quan điểm,
phản ứng khác nhau, đó là chỉ một cuộc đời. Nếu ta chọn làm tất cả thì cuộc đời
ta sẽ phức tạp, đau khổ hơn nếu ta không là ai trong họ cả. Vậy thì tại sao
không chọn cái không?
Kiến tánh không dung chứa Ngã chấp. Tại sao? Vì ‘cái
Tôi’ muốn hiện hữu. Muốn được là gì đó. Là gì? Là ai? Ở đâu? Để làm gì? Tất cả
chỉ là các quan điểm, được điều kiện hóa qua quá trình tư duy của ta. Khi ta
không chấp vào bất cứ điều gì, an lạc sẽ đến với ta. Ta hạnh phúc trong sự biết
chấp nhận. Không có gì cần được hòan thành, tạo tác hay thay đổi. Tất cả đều
như tự thể của chúng.
Bốn mức độ của niềm vui khởi đi từ ngũ dục đến kiến tánh
là một quá trình thanh tịnh hóa liên tục. Tất cả chỉ có thể chứng nghiệm bằng
kinh nghiệm của bản thân. Vì lẻ đó sự tu tập cho đời sống nội tâm phải được ưu
tiên. Ta không thể lơ là, chểnh mãng dù đang ở đâu, làm gì: ở bãi biển, trong
thiền viện, đang lái xe, hay ở trên máy bay. Không được ngơi nghỉ. Để thoát ra
khỏi ngũ dục, ta cần tập nghĩ đến việc phục vụ cho người khác trước tiên. Nghĩa
là tu tập từ bi. Phúc vụ cho người khác nghĩa là tập quên mình. Phục vụ người
khác có thể bằng nhiều hình thức. Giúp người rửa tay chân hay giúp người tu thiền,
cũng là phục vụ, không có gì khác nhau. Phục vụ là lòng từ. Từ tâm là phục vụ.
Tâm định có được là nhờ lòng từ. Một trong mười một điều lợi ích khi có từ tâm
là tâm ta sẽ vào định dễ dàng.
Không nên coi định như là một mục đích, cứu cánh của ta.
Đó chỉ là phương tiện. Phương tiện nuôi dưỡng tâm để quán sát thực tại. Có hai
loại thực tại: tương đối và tuyệt đối. Ai cũng biết thực tại tương đối. Trong
đó có đàn ông, đàn bà, trẻ, già, giàu, nghèo, ngu, khôn. Có thú vật, cây cỏ,
bông hoa, trăng sao, thiên đàng và tất cả những thứ mà ta nghĩ sẽ mang lại cho
ta hạnh phúc. Trong thực tại tuyệt đối, không có gì giống như thế. Chỉ có các bản
thể vật chất của những thứ tạo ra bởi tâm. Tất cả chỉ có thế. Không có cái gọi
là ‘tôi’, là ‘anh’. Không có gì -chỉ có bản thể sự vật luôn biến đổi. Ngay đến
vũ trụ quanh ta cũng thay
đổi. Và chúng ta cũng thế.
Tâm định, an lạc, hạnh phúc là tâm có thể chấp nhận được
thế giới luôn biến đổi nầy và xử đụng nó như thế nào để có ích. Tâm không ổn định
sẽ không thể chấp nhận những việc bất như ý, họ nói: “Nhưng tôi muốn được hạnh
phúc, sung sướng”. Đó là tâm của đa số chúng sanh. Tâm luôn an lạc không phụ
thuộc vào ngoại giới, là tâm có thể nói: "Đây là sự giải thoát ra khỏi những
khổ đau. Đây là hạnh phúc thực sự". Tâm đó sẽ nhìn rõ được thực tại tuyệt
đối của tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, không phải bám víu, nương tựa
vào bất cứ điều gì, không phải trở thành gì, hay là gì đó trong đời. Tâm chỉ
làm những gì cần thiết phải làm ở một thời điểm nào đó, rồi buông xả.
Niềm vui kiến tánh không phải là sự tưng bừng, oà vỡ. Đó
là thứ hạnh phúc chứa đựng sự bình an, không phải có được do tham cầu, mong ước.
Khi không còn vọng tưởng, tâm chân thật sẽ nhận biết được điều đó.
-ooOoo-
Nghe Âm Thanh
BỐN HỈ LẠC
https://archive.org/details/3.-hy-la-c-qua-nhie-p-ta-m
Vô ngã, Vô ưu
Thiền quán về Phật Đạo
Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere
Meditations On The Buddhist Path",
Wisdom Publications, 1987