BỐN HỈ LẠC
Tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc, nhưng rất ít người
bắt được. Hai điều trong Tứ diệu đế của Đức Phật đã nói rằng hạnh phúc thế gian
là ảo tưởng, vậy mà ta chẳng bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy nó. Tuy nhiên điều
đó cũng không hoàn toàn xấu, vì nếu không có lòng mưu cầu hạnh phúc, ta sẽ trở
nên thối chí, nản lòng khi không thể tìm được hạnh phúc hoàn toàn.
Hỷ Lạc Do Các Cảm Thọ Mang Đến
Đức Phật nói về bốn loại, bốn cấp bực của hạnh phúc. Thứ
nhất là dục giới, hỉ lạc do sự cảm thọ của các giác quan mang đến. Đức Phật ví
đó giống như một con bò chỉ có da, trong khi bọn ruồi đậu thì cố tìm thịt sống,
nên luôn tạo ra sự đau khổ. Đó là một cái nhìn sâu sắc về ngũ dục. Đức Phật
cũng nói về ngũ dục là phương tiện đầu tiên đem lại cho ta hạnh phúc. Và phần
đông chúng sanh trụ ở cấp bực nầy. Nhưng không phải lúc nào ta cũng nắm bắt được
dục lạc ta tìm kiếm, ngay như ta có tìm được, thì nó cũng đến rồi đi, do đó
không thể có hạnh phúc trường cửu qua sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần. Khi
sự xúc chạm đem lại cảm giác dễ chịu ta thấy hạnh phúc. Nhưng cũng có những sự
xúc chạm, đem lại khó chịu, khi cơ thể ta không được thoải mái hay khi ta không
được nghe những lời mát lòng mà ta muốn được nghe, không được nếm những mùi vị
ta ưa thích, hay ngửi phải mùi hôi thối, hay nhìn thấy những cảnh ta không
thích. Không ai thoát khỏi những cảnh nầy. Không ai có thể sống mà không kinh
qua những xúc chạm gây khó chịu.
Nhưng cũng không có ai đi qua cuộc đời mà không kinh qua
những cảm xúc dễ chịu. Nếu có nghiệp thiện, ta có 50-50 cơ hội. Phân nửa thời
gian ta được những xúc chạm dễ chịu, phân nửa không. Phần đông chúng ta tìm
cách để tăng thời gian của xúc chạm dễ chịu lên, và muốn chúng xảy ra 100 phần
trăm lần, là điều không thể có. Không thể nào có chuyện đó, nhưng người ta vẫn
theo đuổi chúng. Và lại trách cho hoàn cảnh bên ngoài khi cảm xúc khó chịu hay
cảm giác đau đớn dấy khởi làm cho ta đau khổ. Lý do thật sự, dĩ nhiên, nằm bên
trong chúng ta, vì chúng ta phản ứng lại với các cảm xúc.
Người càng trong sạch, càng có nhiều lạc thọ. Một tâm hồn
trong sáng sẽ tìm thấy niềm vui ở những điều nhỏ nhặt nhất. Một ngày đẹp trời,
thảm cỏ xanh, một cuộc đàm thoại thú vị.
Người không trong sạch có lẻ chẳng để ý đến những thứ nầy.
Có thể họ chẳng bao giờ biết ngắm bầu trời đẹp hay một thảm cỏ xanh. Có lẻ họ
đi tìm cảm xúc ở những thứ tầm thường hơn. Rượu, thuốc phiện, đồ ăn ngon, gái đẹp,
có lẻ là những thứ mang đến cho họ lạc thú hơn.
Nếu các cảm xúc thanh tao, vô hại thì đâu có gì là xấu.
Tuy nhiên Đức Phật cho rằng chúng nguy hiểm vì ta dễ biến chúng thành mục đích
của đời sống, con đường ta phải đeo đuổi, ta cố gắng tìm thêm, tìm thêm và giữ
chúng lại bên ta mãi mãi. Đó chính là sai lầm của ta, vì điều đó không thể thực
hiện được. Không có cảm thọ nào vĩnh viễn cả. Thật ra nếu chúng vĩnh viễn thì
chưa chắc chúng còn cho ta những cảm giác thích thú. Hơn nửa cũng không thể chắc
là ta có thể tìm được các khoái cảm. Việc tìm kiếm làm chúng ta mất thì giờ, sức
lực, ta sẽ không còn thì giờ để làm những việc có ý nghĩa hơn.
Thân có các giác quan. Điều đó hiển nhiên. Tuy nhiên nếu
chánh niệm, ta có thể thấy rằng các cảm giác dễ chịu do sáu căn mang lại đều là
của báu của người ngu. Chúng lấp lánh, nhưng chẳng có giá. Ta có thể nhìn ngắm
vẻ hào nhoáng đó, nhưng chớ bám víu vào chúng. Vậy mà chúng sinh vẫn cứ luôn
đau khổ vì không thể có được những gì do sáu căn đem lại.
-ooOoo-
Nghe Âm Thanh
BỐN HỈ LẠC
https://archive.org/details/3.-hy-la-c-qua-nhie-p-ta-m
Vô ngã, Vô ưu
Thiền quán về Phật Đạo
Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere
Meditations On The Buddhist Path",
Wisdom Publications, 1987