Nuôi dưỡng Chánh Niệm
1/ Lập một
thời khóa tọa thiền mỗi ngày:
Ðây là một
phương cách để trưởng dưỡng công phu thiền định thường nhật, đồng thời cũng
giúp ta kiểm tra những chu trình của nó một cách dễ dàng. Hãy thử bỏ ra một hoặc
hai tháng với một cuốn sổ tay để bên cạnh chỗ mình tọa thiền rồi viết vào đó, một
cách trung thực, thời gian tọa thiền cùng tất cả những gì xảy ra trong tâm
mình. Chẳng hạn: Ngày X tháng Y, ngồi được một giờ đồng hồ, phóng tán hướng ngoại
hoặc trong sáng định tĩnh, có hoặc không những chấn động cảm xúc...
Cuối thời
gian đã định, hành giả đọc lại tất cả để đánh giá chính xác được từng bước công
phu của mình rồi tự đưa ra những hướng đi thích ứng. Chánh niệm sẽ qua con đường
này mà được nuôi lớn.
2/ Tìm một ấn
tượng để tập trung tinh thần (tạo thói quen tỉnh thức để tỉnh thức trở thành
thói quen):
Hãy chú ý
vào một hoạt động thường nhật nào đó mà ta thường thực hiện trong sự vô tâm rồi
đưa hết chánh niệm vào đấy. Ta có thể lấy việc uống trà, tắm rửa, hoặc lái xe để
làm bài thực tập bằng cách dành ra đôi ba phút trước khi bắt đầu làm việc đó.
Công việc sẽ được thực hiện trong sự nhẹ nhàng, cẩn trọng và trở thành một công
án thiền định tuyệt vời về thực tại, những gì đang xảy ra. Làm thế có nghĩa là
hành giả đã mở ra tất cả cánh cửa lòng mình với vạn vật, với mọi sự. Ta có thể
nuôi cái cảm giác rằng chính Ðức Phật đang từng bước có mặt bên cạnh cuộc tu của
mình như một sự gia trì thiêng liêng.
Ở đây, ta thử
sống trầm lặng và tỉnh thức như một người Nhật Bản uống trà đúng theo nghi thức
Trà Ðạo, nhưng không dừng lại ở riêng một hoạt động nào mà là mọi hoạt động,
luôn khi và mọi nơi. Công phu thực tập có thể kéo dài trong một tuần hay một
tháng. Vấn đề thời gian không quan trọng, miễn sao chánh niệm của ta ngày một lớn
mạnh thì thôi.
3/ Thực hiện
một kiểu sống giản dị tự nguyện:
Cố gắng bỏ
ra đôi ba ngày thử nghiệm một nếp sống không bị chi phối bởi một sinh quan văn
minh hay tiện nghi nào để hòa mình với thiên nhiên. Trước hết hành giả ngồi lại
trong im lặng rồi cố nhớ lại tất cả những gì là mật thiết trong đời sống bản
thân bằng cách đưa vào tư tưởng mọi thứ mình đã sống qua: công việc, quan hệ xã
hội, gia đình, nhà cửa, các hoạt động nổi bật, các thứ mình sở hữu được, những
mục tiêu để vươn tới trong nay mai hoặc đời sống tinh thần hằng ngày...
Cứ mỗi một
hình ảnh đi qua trong tư tưởng, hành giả hãy tự đặt cho mình một câu hỏi: Có phải
nó chỉ khiến cho ta thêm rắc rối cuộc đời hay không?
Hành giả lại
tự trả lời, vẫn trong thinh lặng và một cách trung thực sau khi tự phản tỉnh,
soi rọi. Sau đó, nên có thêm một câu tự vấn khác: Nếu mọi sự được giàn xếp đơn
giản hơn thế thì có phải là ta sẽ được hạnh phúc hơn không?
Mục tiêu của
đời sống tinh thần phải là giây phút khám phá ra sự tự do, là sự hài hòa tích cực
với cuộc đời chung quanh và nhận ra được bản chất thật sự trong sự hiện hữu của
chính mình. Nếu cái cần thiết cho đời sống của chúng ta là việc giản dị hóa mọi
sự và ta cũng đã tìm thấy được con đường để thực hiện nó thì hãy biết giữ nó lại
cho mình như một hành trang để bước vào hành trình chuyển hóa, thăng hoa tâm
linh.
[Hết]