Wednesday, May 20, 2020

3. Hỷ Lạc Qua Nhiếp Tâm


3. Hỷ Lạc Qua Nhiếp Tâm

 

Niềm vui thứ ba đến từ sự nhiếp tâm trong thiền định. Niềm vui nầy cũng chỉ có được khi ta đã thanh tịnh hóa hành động của mình, đã có được sự độ lượng, lòng từ ái trong tâm hồn. Nó cũng không đòi hỏi ta phải là người hòan toàn, vì chỉ có bậc A la hán mới được như thế. Nó chỉ đòi hỏi chút khoáng đạt trong tâm.

 

Người tu thiền thường tìm được niềm vui như thế. Nhưng ta cần phải huân tập sự chú tâm, thường xuyên thực hành tọa thiền để đạt được sự lắng sâu trong thiền định. Có rất nhiều mức độ của niềm vui, thanh thoát, dễ chịu khi thiền định. Chúng giúp cho tâm được an lạc ngay cả sau khi đã xả thiền.

 

Người mà có thể lắng tâm trong thiền định và tìm được hỉ lạc trong đó là người có thể tìm thấy niềm vui ngay cả trong những hòan cảnh bất như ý. Người đó biết rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể được sự an lạc của trong thiền định. Biết được như thế, tạo cho họ cảm giác dễ chịu trong tâm vì không có gì còn là quan trọng với họ nữa. Khi một người có thể nhập định lúc nào họ muốn, trong bao lâu tùy họ, thì đó là thực tại của họ, không phải những tranh giành, cãi cọ, chiến tranh, tương lai, quá khứ làm họ bận tâm như bao nhiêu người khác. Những thứ đó không còn quan trọng đối với họ. Thực tại trụ ở trong niềm vui của thiền định.

 

Nhiếp tâm hay chánh niệm cũng sửa soạn cho tâm. Nó mang đến cho tâm không những chỉ khả năng hạnh phúc, mà cả khả năng duy trì niềm vui đó. Tâm có thể ổn định theo ý mình, là tâm kiên cố. Tâm chúng sinh khó ổn định. Nó luôn dao động mà không cần một động lực nào tác khởi, vì đó là bản thể của nó. Nó không đủ sức mạnh để xuyên qua bức tường ảo tưởng. Trước bất cứ trở ngại nhỏ bé, hoặc một lời chê bai nhẹ nhàng, hay hơi khó chịu của cơ thể, tâm yếu đuối như bún lập tức tan thành mảnh vụn. Nó còn làm được gì khác hơn chứ?

 

Tâm kiên cố cứng như đá tảng, không thể lay chuyển. Một tảng đá kiên cố chắc chắn là một dụng cụ tốt hơn cọng bún để đập bể bức tường. Tâm kiên cố sẽ không lay chuyển trước những khó khăn nào. Nó có đủ sức mạnh để xuyên qua thực tại của cuộc sống, tiến đến một thực tại tuyệt đối hơn.

 

Có tám mức độ của sự nhiếp tâm trong thiền định, giống như tám căn phòng trong một ngôi nhà. Nếu cuối cùng ta đã có thể tìm được đúng chiếc chìa khóa để mở căn phòng thứ nhất ở cửa ngoài, thì không có lý do gì ta không thể đi vào những căn phòng khác. Không có gì khó để tìm ra chìa khóa vào căn phòng đầu tiên. Chìa khóa là sự chủ tâm vào hơi thở, và cánh cửa phòng ngoài được mở khi ta tiếp tục hành thiền với lòng kiên trì và quyết tâm. Ta sẽ không bỏ nửa chừng ‘À, đủ rồi, chân ta đã đau rồi’, hay ‘Có ích gì?’ hay ‘Cho kiếp sau à?’ hay ‘Khó quá cho tôi’, hay bất cứ lý do nào khác.

 

Đức Phật dạy "Kẻ ngu nói: ‘Sớm quá. Trể quá. Nóng quá. Lạnh quá. No quá. Đói quá’". Cánh cửa đằng trước mặt chỉ chờ ta mở ra. Ta lại có chìa khóa. Và ta chỉ cần tra chìa khóa vào ổ khóa. Khi cửa mở, ta sẽ thấy các phòng đều hoành tráng. Sự hoành tráng ở ngay trong tâm trí ta nhưng hiện giờ nó còn bị khóa. Ta sẽ không thể mở khoá nếu như ta không biết tu thiền. Nhiều người không bao giờ có thể mở được khóa vì họ không biết chìa khóa là gì hoặc không biết có một cửa vào như thế. Chúng ta rất may mắn được biết lối vào, và có thể cửa đã hé mở cho ánh sáng tràn vào.

 

Khi sự nhiếp tâm đã được kiên định một thời gian, tâm sẽ trở nên trong sáng, và thân thanh tịnh. Mỗi giây phút nhiếp tâm là mỗi giây phút thanh tịnh. Những ô trược mà ta thường đắm chìm, mang lại cho ta bao đau khổ, phiền não được gạt sang một bên trong thiền định. Càng có cơ hội để gạt chúng sang một bên, chúng càng khó thể trở thành thói quen của ta. Ta càng thường có thể nhiếp tâm, ta càng dễ lãng quên chúng. Lúc đó việc đạt được một tâm trong sạch, sáng lạng chỉ là việc dễ dàng thôi.

 

Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng những cảm giác dễ chịu. Những cảm giác nầy dấy khởi vì tâm ở trong trạng thái đó không bị quấy nhiễu. Điều nầy chứng tỏ cho chúng ta thấy là nếu ta không phiền não, và giữ được tâm luôn trong sáng, thanh tịnh thì ta luôn có những cảm giác thoải mái, dễ chịu.

 

Ở đây ta đã biết về những thành quả ta có thể đạt được, điều đó làm ta muốn được ở trong trạng thái đó lâu dài. Niềm mong ước lành mạnh, lợi ích dần dần đưa ta đến trạng thái không còn mong cầu, do đó không còn đau khổ, thất vọng.

 

Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng cảm giác dễ chịu, rồi dần dần đưa ta đến trạng thái an lạc, hạnh phúc. Điều nầy chứng tỏ một lần nữa là tâm thanh tịnh chỉ biết có an lạc. Khi có phiền não, thì có ô trược. Hai thứ nầy đi với nhau như hình với bóng. Người an lạc không mong đạt được hạnh phúc qua các căn trần vì họ biết chúng rất ngắn ngủi. Người hạnh phúc thật sự là người luôn an lạc mà không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Người như thế sẽ dễ dàng nhiếp tâm thiền định, để tìm cho tâm mình một chỗ an trú thanh tịnh, không còn phiền não dấy khởi. Còn phiền não là do tâm ta còn chưa thanh tịnh. Khi có phiền não dấy khởi, nếu ta nghiệm xét sẽ thấy rằng do có sự ô trược ngầm ẩn chứa trong tâm. Nếu không tìm ra được điều đó, thì do ta chưa thật sự soi xét lại mình.

 

Khi ở trong thiền định, tâm không còn bị năm chướng ngại quấy nhiễu. Khi các cảm giác dễ chịu, an lạc dấy khởi thì tâm hỉ, xả cũng theo sau. Xả bỏ đưa đến cảm giác không còn ham muốn điều gì. Có người còn có cảm giác mình hoàn toàn không còn tham ái dục nữa nhưng đó chỉ là ảo giác. Dầu gì, ít ra trong những giây phút đó, lòng ham muốn cũng bị hoại diệt.

 

Đó là một kinh nghiệm quí báu khi đạt đến trạng thái không còn tham dục. Đó là một niềm hạnh phúc tuyệt đối. Một hạnh phúc đáng kiếm tìm. Khi đã kinh qua kinh nghiệm đó, ta sẽ biết được mình phải theo đuổi điều gì. Không phải là theo đuổi để được việc gì. Mà theo đuổi để cởi bỏ hết mọi thứ. Đây là điều nhiều người đã lầm tưởng một cách khá buồn cười. Khi mới bắt đầu tọa thiền, ta mong tìm được an bình, vui vẻ, hạnh phúc tuyệt vời, là những điều ta chỉ có thể có được khi ta đã buông bỏ những thứ khác. Như chấp ngã và tham dục.

 

Khi ta đã được nếm -dầu chỉ trong giây phút- niềm hạnh phúc tuyệt vời của lòng không tham dục, ta biết mình phải làm gì. Không phải để đuổi theo sự hỉ lạc, mà cái ta cần ươm trồng chính là sự cởi bỏ, buông xả. Không có sự buông xả, đời sống là một chuổi dài của ham muốn. Sự buông xả là câu trả lời cho mọi chứng bịnh đạt thành tích, dầu trong thế gian hay trong đời sống tu hành. Cố gắng để đạt được cái gì đó trong đời sống tu hành thì cũng mê muội như cố gắng đạt được điều gì trong đời sống thế gian. Không có gì cần đạt được. Chỉ cần tập buông xả. Càng cởi bỏ nhiều ràng buộc với chấp ngã, lòng ham muốn và những thứ tương tự, thì hạnh phúc tuyệt vời càng dễ đến hơn.

 

Niềm an lạc do thiền định mang đến dựa vào sự thanh tịnh. Cũng vậy, trong đời thường, nếu ta biết gieo trồng thanh tịnh, thì ta cũng sẽ được an vui. Tuy các cảm giác dễ chịu, an lạc, xả bỏ trong thiền định thâm sâu hơn các lạc thọ thế gian, nhưng trước hết ta phải thanh tịnh trong đời thường, rồi ta mới có thể tìm được sự thanh tịnh trong thiền định. Chúng đi đôi với nhau. Ta càng khó tìm được các cảm giác dễ chịu khi tham thiền, thì ta càng phải nổ lực thực tập thanh tịnh hoá thân tâm hơn.

 

Niềm vui trong thiền định được coi là thành quả tối ưu mà ta có thể đạt được. Đó là một sai lầm, vì niềm vui đó cũng chỉ tạm thời, và không hòan toàn độc lập, hay vô điều kiện. Có nhiều điều kiện kèm theo như là: phải có nơi yên tịnh, thân thể phải khỏe mạnh để có thể ngồi yên, và có khả năng nhiếp tâm. Dầu niềm vui nầy không phụ thuộc vào căn trần bên ngoài, nó vẫn còn phải tùy thuộc vào các điều kiện của thân, tâm. Niềm vui đó chưa phải là tuyệt đối.

 

-ooOoo-

Nghe Âm Thanh

BỐN HỈ LẠC

https://archive.org/details/3.-hy-la-c-qua-nhie-p-ta-m

Vô ngã, Vô ưu

Thiền quán về Phật Đạo

Ni sư Ayya Khema

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

Nguyên tác: "Being Nobody, Going Nowhere

Meditations On The Buddhist Path",

Wisdom Publications, 1987