Giờ đây tới phương pháp Bát nhã, để làm giảm cường độ của Hỉ (Pìti), để xoá bỏ ảnh hưởng của Hỉ, hoặc của Lạc, nếu muốn. Ta xử dụng Bát nhã (Panna) nhận thức được bản thể chơn thật (đặc điểm, tánh chất, điều kiện) của mọi sự vật do đấy mà Hỉ khởi lên và nguyên nhân nào làm cho nó biến diệt. Hỉ bộc phát lên, khi có điều kiện thoả ý được thực hiện đúng đắn. Nó sẽ biến diệt đi, do sự khiếm khuyết điều kiện đó, do vì nhận thức được nó chỉ là ảo giác, chớ chẳng phải là chơn thật. Một khi ta thấy được rõ như thế, cảm giác bị Hỉ khuấy động, và sẽ từ từ mất dần.
Một phương pháp khác của Bát nhã là sự phân biệt rõ ràng giữa vị ngọt (assàda) và nguy hiểm (àdìnava) của Hỉ. Vị ngọt (Assàda) tức là tánh chất hấp dẫn của một sự vật, vẻ duyên dáng ngon ngọt cám dỗ của nó. Hỉ có hương vị kỳ diệu đó. Nguy hiểm (Àdìnava) là khía cạnh tác hại trừng phạt của sự vật. Nguy hiểm của Hỉ là việc nó kích thích và khuấy rối, lại đẩy lùi sự yên tịnh ra xa, đấy là điều đã làm cho nó trở nên kẻ thù của sự quán tưởng (vipassanà). Một khi ta đã nhận biết rõ như thế, thì Hỉ tan rả. Nếu ta thấy rõ được sự khởi sanh, sự biến diệt, sự duyên dáng (vị ngọt), và sự tác hại (nguy hiểm) của Hỉ, thì nó tan rả và biến mất đi. Đây là xua đuổi Hỉ với kỹ thuật của phương pháp Bát nhã.
Mỗi người trong chúng ta cần nên hiểu rõ ý nghĩa của hai danh từ Assàda và Àđìnava. Nếu bạn nhớ được tiếng Pali, thì có lẽ tốt hơn là lời dịch. Assàda là khía cạnh hấp dẫn, thoả thích, đáng yêu, làm say đắm, hay quyến rũ của một sự vật nào. Àdìnava là khía cạnh thấp hèn hay tác hại của một sự vật. Chẳng thể vịn vào cớ nào để cho hai điều đó tới để phỉnh gạt ta. Một khi đã thấy rõ hai điều đó rồi, thì ta biết rằng, thích thú một vật, hoặc say đắm yêu mê nó, là một sự điên rồ tích cực. Còn đi oán ghét một sự vật lại là một sự điên rồ tiêu cực. Nếu đã hiểu biết rõ ràng cả hai rằng chúng luôn luôn phỉnh gạt ta và dụ dỗ ta hoặc phải yêu mê hoặc phải thù hận, thì bài học rút ra ở chúng, là ta chớ có dễ dãi trong hai việc thương và ghét, và nhờ đó mà ta được giải thoát khỏi ma lực của mọi sự vật. Thí dụ như tiền bạc có cả hai:vị ngọt và nguy hiểm (Assàda và Àdìnava) thì ta chớ nên để nó lung lạc mà đi lầm đường, hay là điên cuồng theo đuổi nó mải miết.
Thông hiểu cho thật đầy đủ về cặp Assadà với Àdìnava, tức là cặp vị ngọt và nguy hiểm, là điều tạo nên sự an toàn nhứt mà ta có thể biết được. Thấy biết vị ngọt và nguy hiểm của Hỉ, bạn sẽ mệt chán với Hỉ. Rồi nó tự bay đi mất. Đấy là cách dùng Trí huệ Bát nhã để đuổi Hỉ đi xa. Ngay cả với Lạc (Sukha), cũng chớ nên dễ dãi. Mặc dầu ta còn cần giữ lại đôi chút Lạc vì mục đích hữu ích của nó, nhưng ta cũng chớ nên để bị mất hướng vì nó. Xin bạn hãy nhớ kỹ hai danh từ Assàda và Àdìnava nầy trong suốt khoảng đời còn lại của bạn. Chúng sẽ trở thành một thứ linh phù để thật sự bảo vệ bạn, chớ chẳng hề làm hại bạn.
Đến điểm nầy, tâm trí có thể điều chỉnh các cảm thọ. Tâm trí đã phát triển được khả năng làm chủ và tự kiểm khiến cho các cảm thọ hết mong lôi kéo ta theo đường nầy lối nọ. Cảm thọ Lạc, lạc thọ (sukha vedanà), tức là cái cảm giác thích thú mà chúng ta đang bàn luận đây, thường thu hút tâm trí theo một hướng khả ái một cách tích cực. Còn có một loạt các cảm thọ khác trì níu ta vào đường tiêu cực, theo một hướng chẳng đáng cho ta mong muốn hay vừa ý.
Chúng ta đã bàn luận đến nhóm các lạc thọ, và ta cũng nên biết rõ thêm về các cảm thọ đau khổ, tức là nhóm các khổ thọ (dukkha vedanà) nữa. Ta phải biết cách làm sao ngăn chặn các cảm giác bất như ý và sầu muộn đừng đẩy ta vào một tình trạng khổ sở (dukkha). Các khổ thọ có thể bị ta đánh bại theo phương pháp giống như ta đã làm với Hỉ (Pìti). Cho dầu là lạc thọ, hay khổ thọ, ta cũng có thể kiểm soát chúng được cả. Ta chế ngự được chúng cả, chẳng trừ loại nào. Ta thực tập bằng cách đưa bất cứ cảm thọ nào vào tâm và thể nghiệm nó cho trọn vẹn. Rồi với trí huệ Bát nhã ta soi chiếu nó để đuổi nó đi xa. Bạn hãy thể nghiệm cái khả năng vứt bỏ được bất cứ cảm thọ nào. Rồi ý thức rằng các cảm thọ chẳng còn điều kiện hoá được tâm nữa. Hãy diễn đi diễn lại kỹ thuật nầy với mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra, cho đến khi nào bạn trở nên thuần thục thành một chuyên viên về vấn đề nầy. Thế là, bạn đã thành công trong việc thực tập bước thứ tám.
Giác niệm về hơi thở
(Mindfulness with Breathing)
Bhikkhu Buddhadàsa
(Tỳ kheo Phật Lệ)
Thiện Nhựt phỏng dịch
Đọc trọn vẹn nguyên bài