Saturday, April 13, 2013

Tư duy sáng tạo?



Lời dẫn
Tâm lý học hiện đại đã kết luận: “ Con người có tiềm năng sáng tạo to lớn và vô tận”. Cũng theo bộ lao động Mỹ, người lao động thế kỷ 21 cần có 13 kỹ năng mà theo họ, kỹ năng tư duy sáng tạo là quan trọng nhất. Vậy sáng tạo và tư duy sáng tạo đang được hiểu như thế nào? Cơ sở của hoạt động sáng tạo là gì? Tiềm năng sáng tạo ở đâu? Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng sáng tạo? Hãy đi tìm câu trả lời cho chính mình!

Có một chuyện vui thế này:
Trong một chuyến đi dự hội nghị tin học, 3 kỹ sư của hãng Apple và 3 kỹ sư của hãng Microsoft gặp nhau tại ga tàu. Các kỹ sư của Microsoft rất ngạc nhiên khi các kỹ sư của Apple chỉ mua 1 vé duy nhất, làm sao họ có thể qua mắt được đội kiểm soát vé gắt gao của tàu?
Khi người soát vé bước vào toa tàu, ba kỹ sư của Apple đồng loạt đứng lên đi vào toalet. Hành động của họ không thoát khỏi 3 cặp mắt tò mò của các kỹ sư Microsoft. Sau khi kiểm tra xong trong toa, người soát vé tiến về phía toalét và gõ cửa: “Cho kiểm tra vé!”. Một giọng nói ở trong vọng ra: “Thưa đây!” Và một chiếc vé được luồn qua khe cửa. Người soát vé kiểm tra xong và bỏ đi. Các kỹ sư Microsoft ồ lên ngạc nhiên trước “công nghệ” của Apple.
Và khi hội nghị kết thúc, 6 kỹ sư lại gặp nhau ở nhà ga. Như lần trước, các kỹ sư Apple chỉ mua 1 vé, trong khi các kỹ sư Microsoft lại chẳng mua vé nào. Đến lượt các kỹ sư Apple ngạc nhiên không hiểu làm sao ba người kia có thể thoát được. Tương tự, 3 kỹ sư Apple lại chui vào toalét đóng cửa lại. Ngay lập tức, 1 trong 3 kỹ sư Microsoft bước theo và giả giọng người soát vé, rút luôn chiếc vé vừa thò qua khe cửa và cả 3 bọn họ chui tọt vào toalét bên cạnh. Thật tuyệt vời vì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người thành công luôn là người biết tiếp thu những ý tưởng của người khác và áp dụng một cách thật sáng tạo.
 
Vậy sáng tạo là gì?
Thực chất thì sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần mới về chất. Nói cho dễ hiểu thì sáng tạo là hoạt động của con người tạo ra sản phẩm và sản phẩm này phải đáp ứng được hai yêu cầu sau:
  •   Có tính mới (mới về chất)
  •   Có giá trị so với sản phẩm cũ (có lợi hơn, tiến bộ hơn)

Ngoài ra có thể hiểu, sáng tạo là một tiến trình phát kiến ra các ý tưởng và quan niệm mới, hay một kết hợp mới giữa các ý tưởng và quan niệm đã có. Hay đơn giản hơn, sáng tạo là một hành động làm nên những cái mới. Với cách hiểu đó thì cái quan trọng nhất đối với sáng tạo là phải có các ý tưởng, như lời của nhà toán học vĩ đại Poincaré: “Trong sáng tạo khoa học, ý tưởng chỉ là những ánh chớp, nhưng ánh chớp đó là tất cả”. Hay lời của một nhà khoa học vĩ đại khác, Linus Pauling, khi trả lời câu hỏi làm thế nào người ta sáng tạo ra được các lý thuyết khoa học: “Người ta phải cố nắm bắt được nhiều ý tưởng và con đường để có được một ý tưởng tốt là có thật nhiều ý tưởng”.
Trong câu chuyện vui về 6 chàng kỹ sư trên, chúng ta đều nhận ra rằng các kỹ sư Apple đã có một giải pháp sáng tạo để trốn vé tàu, trong khi các kỹ sư Microsoft lại có môt giải pháp sáng tạo nữ trên nền giải pháp cũ của Apple. Sáng tạo vì thế cứ nối sáng tạo như một cuộc đua tiếp sức để đời sống loài người ngày một văn minh, tiện lợi hơn.
 
Tầm quan trọng của sáng tạo?
Khi đã hiểu sáng tạo là gì và sáng tạo có tầm ảnh hưởng như thế nào thì rõ rằng, tư duy sáng tạo luôn là phẩm chất số 1 của người lao động trong bất cứ xã hội nào.
Bài học về sự phát triển kinh tế thế giới ghi lại 4 cách dẫn đến thành công: Cách thứ nhất, có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Cách thứ hai, có vốn sắn, tiềm lực dồi dào. Cách thứ ba có nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến. Cách thứ tư có năng lực hoạt động sáng tạo. Nếu hội tụ đủ bốn yếu tố thì sẽ đạt được thành công. Nhưng cách thứ tư đóng vai trò quyết định. Lao động sáng tạo làm cho các tài nguyên khác hoạt động có hiệu quả hơn.
Đối với gia đình, bài học trên vẫn còn giá trị. Một người con thừa kế tài sản của cha mẹ để lại. Nếu anh ta tiêu xài phung phí, không suy nghĩ sáng tạo để sử dụng tài sản ấy có hiệu quả thì dù tài sản có nhiều đến đâu, sớm muộn gì cũng không còn nữa. Chính vì vậy mới có câu: “ Của đầy kho không biết lo cũng hết”.
Sáng tạo đem đến cho mỗi người cũng như cộng đồng lợi ích rõ rệt, to lớn. Những sáng kiến cải tiến, những sáng tạo có giá trị được trả thù lao xứng đáng. Trong lao động trực tiếp hoặc gián tiếp, lợi nhuận sẽ được mang về khi bạn công hiến những đóng góp sáng tạo. Một nhà điều hành của một trong những hãng kỹ nghệ lớn nhất thế giới đã nói: “ Không một công ty nào có thể tồn tại và tiến bộ nếu không được liên tục cung cấp những suy nghĩ và những ý tưởng mới mẻ”.
Tài liệu khoa học quốc tế cho biết: “ Tương lai của cả thế giới phần lớn tùy thuộc vào chất lượng của tư tưởng và cả ý tưởng sáng tạo do nhân loài khám phá trong tất cả lĩnh vực của cuộc sống”.
Nhiều nhà bác học lớn đã phát minh ra những định luật, định lý, học thuyết.v.v. Tên tuổi của họ gắn liền với sáng tạo trở nên bất diệt, như định luật Niuton, học thuyết Dacuyn, Kinh Phật, Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.v.v.
Có người thắc mắc: “ Họ là những thiên tài trời phú, còn tôi là người bình thường làm gì có sáng tạo và cần gì đến sáng tạo?”. Ý nghĩ đó hoàn toàn không đúng. Tâm lý học đã nghiên cứu và đi đến kết luận: Tất cả mọi người đều có khả năng sáng tạo dù nhỏ hay lớn. Nếu được rèn luyện thì sáng tạo sẽ phát triển không ngừng, nếu không thì sáng tạo sẽ ngày càng mai một. Sáng tạo lớn có ý nghĩa vĩ đại, nhưng nếu không có những sáng tạo nhỏ thì sáng tạo lớn cũng không thể hình thành.
Nhà triết học Phát Paxcan ( 1623 – 1662 ) đã nói: “ Con người là một cây sậy rất yếu trong tự nhiên nhưng là cây sậy biết suy nghĩ”. Xét về mặt nào đó, con người yếu đuối hơn so với nhiều loài động vật. Nhưng điều kỳ diệu là con người là động vật duy nhất trên hành tinh này có khả năng tư duy sáng tạo, đã sáng chế ra nhiều công cụ, máy móc có khả năng cải tạo xã hội và thiên nhiên… Tư duy sáng tạo ở đây thực sự cần cho mọi người và là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá và đào tạo người lao động.
Tư duy sáng tạo là gì?
Trong xã hội hiện đại, mỗi ngày lại có rất nhiều sản phẩm mới ra đời. Người phát minh ra những sản phẩm ấy nhất định phải có tư duy sáng tạo rất cao. Vậy tư duy sáng tạo là gì?
Những hoạt động tư duy có sáng kiến gọi là tư duy sáng tạo. Đặc điểm lớn nhất của tư duy sáng tạo là tính đổi mới, tức là tính khác lạ, mới mẻ. Chẳng hạn, trước đây người ta cho rằng Mặt Trời quay xung quanh Trái Đất. Thế nhưng căn cứ vào thực nghiệm và kết quả quan sát thiên văn, Copernic đã dũng cảm đề xuất “ Thuyết Nhật Tâm”. Cho rằng, mặt trời là trung tâm của Thái Dương hệ. Trái Đất cũng như các hành tinh khác đều quay xung quanh mặt trời. Độc lập suy nghĩ, dám tìm cái mới, đó là những nhân tố quan trọng không thể thiếu trong hoạt động tư duy sáng tạo.
Một đặc điểm quan trọng khác của tư duy sáng tạo là tính khuếch tán. Chẳng hạn, hãy kể ra những vật hình tròn. Nói chung khi kể, người bình thường giới hạn ở những vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày như bát đĩa, cốc chén…những người tư duy sáng tạo không những kể các vật hình tròn, hình cầu, mà còn kể cả bánh ô tô, các khí quản cơ thể người, trứng động vật, lớn thì mặt trời, trái đất, mặt trăng, nhỏ thì các tế bào, nguyên tử…Các bạn thấy đấy, tư duy của họ có thể khuếch tán rộng tới mức nào. Mức độ khuếch tán của tư duy có thể xem là một trong những tiêu chuẩn đánh giá trình độ tư duy sáng tạo cao hay thấp. Chính vì vậy có người gọi tư duy sáng tạo là tư duy khuếch tán.
Tư duy sáng tạo còn có một đặc tính nữa là tính độc đáo, tức là khi suy nghĩ vấn đề thường không dập khuôn theo những quy tắc hoặc tri thức thông thường, biết giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, ứng biến. Chẳng hạn có một người đi mua trứng, nhưng lại quên không mang theo túi xách, trong tay chỉ có một chiếc ô. Nếu người đó có tư duy độc đáo, biết mở ô và lật ngược ô, như thế đã trở thành cái giỏ xách độc đáo đó sao? Bấy giờ vấn đề đựng trứng mang về chẳng phải băn khoăn suy nghĩ…Tính độc đáo của tư duy đòi hỏi chúng ta khi suy nghĩ phải cố hết sức thoát khỏi những khuôn sáo suy nghĩ cũ kỹ, biết xem xét vấn đề từ cách nhìn mới mẻ.
Ngoài những điểm trình bày trên, muốn cho tư duy của mình mang tính sáng tạo, còn cần phải có tinh thần nhẫn nại, cần cù, xả thân vì công việc. Mặc dù tính sáng tạo của tư duy được xây dựng trên mặt bằng trí lực tương đối cao, nhưng không phải tất cả những người có trình độ trí lực cao đều có tính sáng tạo. Bởi vì tính sáng tạo còn gắn chặt với những phẩm chất nhân cách của mỗi người. Những người có tính sáng tạo đều có tấm lòng nhân ái, có quyết tâm cao, tinh thần bất khuất, không sợ thất bại, có óc quan sát tinh tế, suy nghĩ độc lập, tinh thần quên mình vì lý tưởng!
Động cơ sáng tạo?
Động cơ là xung lực thúc đẩy con người hành động để thỏa mãn nhu cầu về cá nhân hay về xã hội. Nhu cầu của con người có nhiều, nên động cơ để thỏa mãn các nhu cầu đó cũng rất phong phú. Sáng tạo của con người có thể xuất phát từ động cơ hiếu thắng, có khi là từ lòng ham hiểu biết, có khi muốn hơn người, cũng có khi vì danh dự, tiền tài, địa vị hay vì lý tưởng của con người đối với dân tộc, đất nước hay nhân loài.
Ý nghĩa xã hội của động cơ càng sâu sắc thì sức mạnh của động cơ càng lớn, tính kiên trì hăng say lao động sáng tạo càng mạnh, bền vững. Một số gương lao động sáng tạo với động cơ, mục đích rõ ràng trong sáng:
Nhà khoa học sáng tạo Albert Einstein được thế giới bầu là nhà khoa học số 1 của thế kỷ 20, với tinh thần làm việc quên mình, động cơ vì hòa bình và sự tiến bộ của loài người.
Con đường cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc với nhiều sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ động cơ, mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Thomas Edison là nhà phát minh sáng tạo lớn nhất của thế giới với hơn 2500 bằng sáng chế. Ông tâm niệm về cuộc đời mình: “ Triết học cuộc đời tôi là làm việc. Tôi muốn khám phá bí mật của thế giới tự nhiên, để từ đó mưu cầu hạnh phúc cho loài người”.
Sinh ra và lớn lên tại Ấn Đô, đất nước rộng lớn nhưng nghèo đói và thiếu lương thực triền miên. Chàng thanh niên Monkonbu Swaminathan quyết tâm học vào nghành nông nghiệp. Năm 1962, anh đậu tiến sỹ đại học Cambridge, được trường đại học Visconsin mời ở lại làm việc, phong chức giáo sư, hứa trả lương cao. Nhưng anh quyết tâm trở về tổ quốc, góp phần đưa đất nước thoát khỏi thiếu thốn lương thực. Anh sáng tạo ra nhiều giống lúa năng suất cao, giúp cho đất nước anh không những đủ ăn mà còn là nước xuất khẩu nhiều gạo trên thế giới. Anh là cha đẻ cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất và được bình trọng là 1 trong 100 nhân vật tiêu biểu nhất thế kỷ 20 ở châu Á.
Nhà nữ doanh nhân Vũ Thị Lan với hai bàn tay trắng đã làm nên cơ nghiệp lớn, nhiều người cũng phải mơ ước. Hiện nay, chị là chủ tịch hội đồng quản trị của một loạt công ty lớn từ HCM tới Hà Nội với hơn 1600 công nhân. Trong quá trình làm giàu, người phụ nữ gốc Hải Dương ấy đã gặp muôn vàn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Động cơ nào đã giúp chị sống và lao động sáng tạo để làm giàu? Chị nói: “ Nhiều lúc tôi chán nản, chỉ muốn xuống tóc vào chùa nương nhờ cửa Phật, để mong thoát thân, buông bỏ tất cả, cũng có lúc tôi muốn thoát khỏi cuộc sống cho dảnh dang thân xác. Nhưng rồi lòng thương con, một đàn con dại, thương mẹ già, người mẹ dứt ruột đẻ ra và trông ngóng mình suốt 20 năm qua. Chẳng lẽ tôi lại bắt những người thân yêu phải chứng kiến những điều đó của tôi hay sao? Tôi luôn nung nấu ý chí làm giàu, phải kinh doanh giỏi để giàu có, con tôi không phải sống nghèo khổ, túng thiếu và để cho xã hội biết phái đẹp chẳng kém đấng mày râu”. Động cơ thương con, thương mẹ sâu sắc và khát vọng làm giàu đã giúp chị vượt qua tất cả.
Đặc điểm của người sáng tạo?
1. Lao động chuyên cần.
Sáng tạo không phải là một trò chơi tự do của tưởng tượng, mà không đỏi hỏi một sự lao động căng thẳng nào. Sáng tạo không phải là kết quả của cảm hứng. Phát minh không phải là nhờ dịp may. Rêpin nói: “ Cảm hứng là phần thưởng cho lao động gian khổ”. Còn Pasteur thì viết: “ Dịp may chỉ mách bảo cho một trí tuệ chuyên cần”.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Páp lốp đã đề nghị viết trong phòng thí nghiệm của mình dòng chữ: “ Quan sát, quan sát, quan sát mãi”.Danh họa thế giới Leonado Vinxi khuyên: “ Hãy kiếm tìm tài liệu sáng tạo của mình ở khắp nơi xung quanh, hãy quan sát hình thù quái đản của những đám mây, hãy quan sát những đám rêu trên tường?”.
Tri thức tích lũy càng rộng bao nhiêu, kinh nghiệm gom góp càng phong phú bao nhiêu, thì khả năng sáng tạo mới phù hợp với yêu cầu của hiện thực và ứng dụng của cái mới vào thực tiễn sẽ càng lớn bấy nhiêu.
Trí tưởng tượng sáng tạo chân chính bao giờ cũng có căn cứ khoa học vững chắc, có tiền đề vật chất hiện thực. Lòng kiên trì, miệt mài lao động cùng nghị lực vượt khó là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành những con người sáng tạo kiệt xuất. Bậc thiên tài lỗi lạc của nhân loài Newton khi trả lời câu hỏi, nhờ đâu ông đi tới được định luật “ Vạn vật hấp dẫn”? Ông nói: “ Đó là do tôi thường xuyên chăm chú theo dõi đối tượng nghiên cứu của mình và kiên tâm chờ đợi, từ khi sự việc bắt đầu cho đến khi sự việc được sáng tỏ dần dần và trở thành hoàn toàn rõ ràng”.
Có người nghĩ rằng: Các nhà bác học thông minh lỗi lạc với việc phát minh sáng tạo đối với họ là những công việc nhẹ nhàng? Điều đó thật sự không đúng! Tài năng chẳng qua là kết quả của nhiệt tình và lao động. Ngay những người được gọi là thiên tài cũng không vượt ra ngoài quy luật ấy.
Nhà phát minh T. Edison thưở thiếu niên còn là một cậu bé bán báo trên xe lửa, đã bắt tay xây dựng sự nghiệp nghiên cứu với hai bàn tay trắng. Thế nhưng nhờ nghị lực tự học phi thường và tinh thần làm việc không mệt mỏi, ông đã đạt được những thành tựu sâu sắc. Trong suốt cuộc đời, Edison đã có 2500 phát minh, sáng chế lớn nhỏ. Edison đã từng nói: “ Thiên tài và óc sáng tạo chỉ chiếm 1%, còn 99% là lao động không ngừng”.
Và C. Mac từng nói: “ Trong khoa học không có con đường nào rộng rãi, thênh thang, bằng phẳng cả, mà chỉ có những ai chịu khó trèo từng mỏm đá trên những nẻo đường gai góc, gập gềnh mới có hi vọng đạt tới những đỉnh cao sáng lạn của khoa học mà thôi”.
2. Nhiệt tình, say mê thúc đẩy sáng tạo.
Sự say mê là một dạng cảm xúc có cường độ cao, được thể hiện dưới hình thức những sự rung động trước những sự vật và hiện tượng có liên quan đến nhu cầu của mình. Nhờ sự say mê, con người có thể tập trung tư tưởng cao độ vào công việc chính, ít quan tâm học không chú ý đến công việc khác, hoàn thành công việc của mình một cách tốt đẹp.
Không ít nhà sáng tạo, thiên tài bị người đời coi là người khùng điên, không bình thường. Vì sao vậy? Bởi họ say mê, bị lôi cuốn vào công việc, quên ăn quên uống, thậm chí quên cả tình ái của riêng mình.
Nhà khoa học Pri khốt cô viết: “ Công tác nghiên cứu khoa học là một sáng tạo rất công phu và phức tạp, đỏi hỏi thường xuyên phải có lòng hăng say cao độ, có nhiệt tình công tác”. Nếu công tác nghiên cứu ta làm với tinh thần thờ ơ, lãnh đạm thì nó sẽ trở thành công việc rất thủ công và không bao giờ đưa lại một cái gì thực chất cả. Không phải ngẫu nhiên mà người ta so sánh sự sáng tạo trong khoa học với những chiến công. Cũng như chiến công, nó đỏi hỏi toàn bộ năng lực sáng tạo của con người phải hoạt động căng thẳng tới mức tối đa.
Lênin đã nhấn mạnh rằng: “ Nếu thiếu đi sự say mê sáng tạo thì con người không thể và không bao giờ tìm thấy chân lý”.
3. Dám nghĩ dám làm, chịu đựng gian khổ. Thất bại không nản. Dũng cảm phấn đấu bền bỉ đến thắng lợi cuối cùng.
Tạo ra cái mới là quá trình đấu tranh gian khổ, đấu tranh với những trở lực của xã hội, của tự nhiên và tư duy con người.
Người sáng tạo biết rằng, tạo ra cái mới là gian khổ, nhưng họ dám xông vào, biết là có thể thất bại nhưng họ không nản vì: “ Thất bại là mẹ thành công”. Họ kiên trì làm việc cho đến ngày thành công với niềm tin: “ Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “ Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.
4. Lòng tin và sáng tạo.
Lòng tin kích thích nội lực của con người, giúp khắc phục nhiều khó khăn để tự đến đích sáng tạo. Lòng tin có thể bắt nguồn từ sức mạnh vật chất hay sức mạnh tinh thần của một người, một tập thể. Cùng với tinh thần kiên trì, sự say mê…lòng tin mới trở thành hiện thực.
Năm 1911, anh Ba ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Người bạn thân không có lòng tin đã rút lui. Còn anh Ba luôn vựng tin vào bàn tay và khối óc của mình, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Và nguyên nhân chính của sự thành công to lớn ở bác Hồ là lòng tin tưởng vững chắc vào bản thân, nhân dân và chủ nghĩa Mac – Lênin, vào giai cấp công nhân, chính nghĩa và lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Anbe Anhxtanh nhời vững tin vào sức mạnh của tư duy, đã phát hiện ra học thuyết tương đối tổng quát từ tư duy thuần túy trừu tượng và niềm tin sắt đá vào tính đơn giản, hài hòa của thế giới tự nhiên.
5. Luôn đổi mới, không chịu lạc hậu.
Bản chất lao động của con người là sáng tạo, đổi mới. Quy luật đổi mới luôn tồn tại trong thiên nhiên, trong xã hội và cả trong tư duy.
Lao động sáng tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần ngày càng tốt và nhiều, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng phong phú của con người, cũng đồng thời đem lại lợi ích cho chính mình.
Căn cứ vào đâu để đánh giá sự đổi mới? Sản phẩm đổi mới phải đem lại sự tiến bộ xã hội, hạnh phúc cho con người.
6. Tính khiêm tốn và sự sáng tạo.
Đức tính khiêm tốn giúp con người sống thanh thản, trong sáng, lành mạnh và loại bỏ được những dằn vặt, tủn mủn do những thói tham lam, ích kỉ, đố kị, ghen ghét. Nó là động lực giúp con người vươn lên trong học tập, lao động sáng tạo và đời sống.
Người có tính khiêm tốn biết trân trọng những thành tích, ưu điểm của những người xung quanh. Họ có thói quen xem xét những công lao, thành tích, ưu điểm của mình như một bộ phận công lao, thành tích chung.
Càng hiểu biết nhiều thì con người càng thấy mình chưa hiểu biết và càng say mê học hỏi. Nhà triết học cổ Hi Lạp Xôcrat đã nói một câu nổi tiếng: “ Tôi biết rõ ràng, tôi chẳng biết gì hết cả”. Ông khoác chiếc áo ngoài rách nát, chân không mang giầy dép quyết định đi chu du thiên hạ để tìm người có học thức chân chính để học hỏi thêm. Và càng đi, Xôcrat càng khẳng định rằng, mọi sự hiểu biết lớn lao nhất của một người chẳng qua chỉ là một hạt cát trên bãi sa mạc tri thức mênh mông.
Trong thời đại ngày nay, lao động khoa học đã mang tính chất tập thể rõ ràng. Thời kỳ của nhà bác học M.Ampe một mình cặm cụi bên những dụng cụ thô sơ tìm ra các định luật về dòng điện đã qua rồi. Khi có người hỏi về con đường và số phận của sự phát triển khoa học hiện đại, nhà vật lý nổi tiếng F.Boocno’ đã nói: “ Ngày nay những tư tưởng vĩ đại hiếm có, bởi vì phần nhiều các nhà bác học đều làm việc theo nhóm và trong tập thể”.
Newton quy công lao về những phát minh của mình cho các bậc tiền bối vĩ đại: “ Nếu như tôi có thể dõi nhìn xa hơn những người khác thì chỉ là do tôi đứng trên vai những người không lồ”.
7. Những phẩm chất của một người nghĩ sáng tạo?
  • Ðộc lập.
  • Tự tin.
  • Chấp nhận rủi ro.
  • Nhiều năng lượng.
  • Nồng nhiệt.
  • Không gò bó.
  • Thích phiêu lưu.
  • Tò mò, hiếu kỳ.
  • Nhiều sở thích.
  • Hài hước.
  • Trẻ con, hiếu động.
  • Biết nghi ngờ.

Những trở ngại về tâm thức trong tư duy sáng tạo?
1. Định kiến.
Khi càng lớn tuổi thì càng có nhiều định kiến về mọi thứ. Những định kiến này thường làm cho chúng ta không nhìn nhận được thấu đáo những gì mà chúng ta đã biết hay tin tưởng là có thể xảy ra. Chúng ngăn cản sự thay đổi và tiến bộ.
2. Quy định về chức năng.
Đôi khi chúng ta bắt đầu nhìn nhận về đối tượng nào đó chỉ về cái tên của nó hơn là những gì nó có thể thực hiện. Thế nên, chúng ta chỉ coi cái cây lau nhà như là một công cụ để lau sàn mà không nghĩ là nó có thể dùng để quét mạng nhện trên trần nhà, để lau ô tô, để tập aerobic, và để chặn cho cửa mở hay đóng, v.v.
Cũng có quy định chức năng về kinh doanh. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ngành đường sắt tự coi mình chỉ khu biệt trong phạm vi ngành đường sắt mà thôi. Khi ô tô và sau này là máy bay xuất hiện, đường sắt không còn thích nghi nữa. ”Đó không phải là việc của chúng tôi”, họ nói. Nhưng nếu họ tự nhìn nhận bản thân mình là những người làm kinh doanh về lĩnh vực giao thông hơn là làm về ngành đường sắt, họ đã có thể lợi dụng được cơ hội rất lớn.
Tương tự như vậy, khi điện thoại bắt đầu phát triển, một số công ty điện báo nói rằng: ”Đó không phải là công việc của chúng tôi, chúng tôi chỉ là công ty điện báo thôi”. Nhưng nếu họ nói: “Chúng tôi đang kinh doanh về lĩnh vực truyền thông, và đây là cách mới để chúng tôi tiếp cận”, thì họ sẽ lớn mạnh hơn là đã nằm chết bẹp rồi.
Và cũng có quy định chức năng về con người. Hãy suy nghĩ một phút, bạn sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy người cắt cỏ thuê hay người thợ sửa ô tô của mình ở chương trình quảng cáo sách trên truyền hình. Sự rập khuôn thậm chí có thể là một hình thức của quy định chức năng – có bao nhiêu người sẽ cười nhạo một cô gái tóc vàng hoe đang viện dẫn lời của Aristotle?
Thông thường, chúng ta chỉ thừa nhận một phạm vi rất hẹp về thái độ và hành vi của người khác dựa trên khuynh hướng, thành kiến, sự quy kết nóng vội, hay sự trải nghiệm hạn chế trong quá khứ. Hãy nghĩ về những lời phát biểu đại loại như: “Tôi không thể tin được anh ta đã nói như vậy” hay “Cứ thử tưởng tượng việc làm của cô ấy xem” … Nhưng hãy nhớ đến câu tục ngữ “Cuộc đời tôi không thể do anh định đoạt được”.
3. Không có sự giúp đỡ về tri thức.
Đây là cảm giác mà bạn không có công cụ, tri thức, vật chất, khả năng, để làm bất cứ việc gì, vì vậy bạn có thể sẽ không cố gắng. Chúng ta đã quen dựa vào người khác về hầu hết mọi thứ. Chúng ta cho rằng bản thân chúng ta thật nhỏ bé và hạn chế. Nhưng với điều này mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Nếu bạn cần thông tin, thì đã có thư viện, cửa hàng sách, bạn bè, thày giáo, và tất nhiên là Internet.Và còn có địa chỉ, số điện thoại, và trang web của các cơ quan chính phủ cấp thành phố, tỉnh, và Nhà nước. Hiện có hàng ngàn cơ quan chính phủ sẵn sàng tiếp chuyện bạn. Liên lạc với người có trọng trách để yêu cầu được giúp đỡ về dự luật, thông tin và những vấn đề khó khăn. Liên hệ với nhà sản xuất để tìm hiểu thông tin về sản phẩm mà bạn muốn biết.
Nếu kiến thức về kỹ thuật của bạn còn nghèo nàn, bạn có thể học. Học cách nấu nướng, sử dụng công cụ, may quần áo, và sử dụng vi tính. Bạn có thể học cách làm mọi thứ mà bạn muốn. Tất cả những gì bạn cần là động lực thúc đẩy và tính dám làm. Giả dụ như bạn có thể học lái máy bay, lái xe tải, lặn biển hay sửa ô tô.
4. Trở ngại về tâm lý.
Một vài biện pháp không được cân nhắc hay bị từ chối đơn giản bởi vì phản ứng của chúng ta đối với chúng là không tốt. Nhưng chính những biện pháp không gây phản ứng tốt đó có thể lại hữu dụng nếu như chúng giải quyết tốt được vấn đề và cứu được cuộc đời bạn. Ăn thằn lằn và châu chấu nghe có vẻ ghê nhưng lại là một giải pháp tốt giúp bạn có thể sống sót được ở những vùng hoang vu.
Có lẽ quan trọng hơn cả là những gì thoạt đầu tưởng chừng là những ý tưởng không khả quan lại có thể đem lại những giải pháp hiệu quả hơn, nghiã là đã phủ nhận những lời chê bai ban đầu. Khi các bác sỹ nhận thấy một số người thổ dân sử dụng phần đầu của loài kiến khổng lồ để khâu vết thương, họ đã bắt chước kỹ thuật càng cua kẹp này để phát minh ra chiếc kẹp dùng trong phẫu thuật.
Năng lực sáng tạo?
1. Năng lực tư duy.
Trong các năng lực của con người, năng lực tư duy đóng vai trò số một. Bởi vì tư duy tốt ( tư duy có phê phán) hay tư duy không tốt sẽ có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của con người về vật chất và tinh thần, về quan hệ với cộng đồng, đến sự giàu có, hạnh phúc của một gia đình, đến hưng thịnh, hùng cường của một quốc gia.
Năng lực tư duy cũng là tiêu chuẩn để đánh giá người lao động trong thế kỷ của trí tuệ này.
Tư duy có phê phán không những chỉ giúp học tốt ở trường học mà còn giúp trở thành người công dân tốt trong việc ra những quyết định thông minh, có ý thức, suy nghĩ sâu sắc, để tìm ra những giải pháp sáng tạo, thích hợp, tối ưu; trở thành những con người tích cực, tiến bộ, văn minh, tỉnh táo tìm ra được những giải pháp sáng tạo trong đấu tranh, lao động vì sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
Vậy tư duy là gì?
Tư duy là một hiện tượng tâm lý, là hoạt động nhận thức bậc cao ở con người.
Cơ sở sinh lý của tư duy là sự hoạt động của vỏ đại não. Hoạt động tư duy đồng nghĩa với hoạt động trí tuệ.
Mục tiêu của tư duy là tìm ra các triết lý, lý luận, phương pháp luận, phương pháp, giải pháp trong các tình huống hoạt động của con người.
Quy luật hình thành, phát triển của tư duy sáng tạo?
  • Khi hoàn cảnh có vấn đề thì TDST mới phát triển.
  • TDST hình thành và phát triển trên cơ sở thực tiễn, rồi trở lại làm phong phú thực tiễn.
  • TDST phát triển từ tư duy độc lập và tư duy phê phán.
  • Chủ thể của TDST cần được cung cấp đầy đủ tư liệu, đó là tri thức, thông tin, kinh nghiệm và các phương pháp, các sự kiện trong tự nhiên, xã hội.
  • Bộ não cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và được hoạt động trong môi trường thuận lợi.
  • TDST hình thành và phát triển dần dần theo quy luật từ thấp đến nhảy vọt, kiểu mưa lâu thấm dần, hạt cát bé tích tụ lâu ngày thành bãi phù sa to lớn.

Phân loại tư duy?
Phân loại theo tư duy cơ bản, phổ biến. Ta thường gặp chung trong học tập cũng như trong đời sống:

     – Tư duy lôgic hình thức ( gọi tắt là tư duy lôgic ):
Tư duy lôgic dựa trên luật bài trung và tam đoạn luận.

     – Tư duy biện chứng:
 Trong triết học duy vật biện chứng, người ta xem xét từng cặp phạm trù vừa đối lập vừa thống nhất với nhau, vừa đấu tranh chuyển hóa lẫn nhau vừa cùng tồn tại trong một tình huống nào đó. Các cặp phạm trù thường gặp: 1. Nội dung và hình thức; 2. Bản chất và hiện tượng; 3. Vận động và đứng yên; 4. Chủ quan va khách quan; 5. Ngẫu nhiên và tất yếu; 6. Suy diễn và quy nạp; 7. Phân tích và tổng hợp; 8. Cụ thể và trừu tượng; 9. Thuận lợi và khó khăn; 10. Trước mắt và lâu dài; 11. Thời cơ và thách thức…
Dùng tư duy lôgic hình thức để nghiên cứu các đối tượng trong trạng thái yên tĩnh. Dùng tư duy biện chứng để nghiên cứu các đối tượng ở trạng thái vận động. Vận động là thường xuyên, còn yên tĩnh là tạm thời nên tư duy biện chứng đóng vai trò to lớn trong quá trình suy nghĩ của con người.
     – Tư duy hình tượng: Con người trng sự va chạm với thực tiễn còn có một cách để thâm nhập vào thế giới quanh ta và trong ta rồi tác động vào thế giới đó, đó là những sản phẩm sáng tạo ra bằng hư cấu, bằng tưởng tượng theo những quan điểm thẩm mỹ nhất định, giúp người ta hình dung ra được các sự vật, sự kiện với những khả năng vốn có của chúng…
Nếu xét về mức độ độc lập có thể chia tư duy thành bốn bậc: 
  • Tư duy lệ thuộc: để chỉ tư duy của những người suy nghĩ dựa dẫm vào tư duy của người khác, không có chính kiến riêng về một lĩnh vực nào đó.
  • Tư duy độc lập: để chỉ tư duy của những người có chính kiến riêng trong một lĩnh vực nào đó, dù cho chính kiến đó có khác, thậm chí đối lập với chính kiến của những người có quyền lực lớn, uy tín cao.
  • Tư duy phê phán: Người có tư duy độc lập trước một sự việc, quan sát, phân tích, tổng hợp để có phán xét sự việc đó tốt hay xấu, tốt xấu ở chỗ nào. Như vậy, người đó có tư duy phê phán.
  • Tư duy sáng tạo: Sau khi đã phê phán sự việc, người tư duy suy nghĩ tiếp, đề ra những giải pháp mới nhằm khác phục những thiếu sót và phát huy ưu điểm, đó là nội dung của tư duy sáng tạo.

Nếu xét đặc điểm của đối tương để tư duy, người ta có thể chia làm hai loại:
  • Tư duy trừu tượng.
  • Tư duy cụ thể.

2.Năng lực quan sát và sáng tạo.
Thế nào là quan sát?
Quan sát là hình thức phát triển cao độ tri giác có chủ định, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong hoạt động thực tiễn, sáng tạo của loài người.
Nhà bác học Đácuyn đã từng nói: “ Tôi chẳng có khả năng kiệt suất, cũng không có trí tuệ hơn người. Chỉ trong rậm rạp những sự vật, về năng lực quan sát tinh vi của tôi đã vượt lên trên số đông người khác”.
D.Mendeleep nhà bác học người Nga cũng đánh giá rất cao về năng lực quan sát: “ Quan sát và thực nghiệm là cửa ra của khoa học”.
Quan sát chiếm vị trí quan trọng số một trong sáng tạo. Rất nhiều phát minh sáng tạo vĩ đại bắt đầu từ sự quan sát chu đáo. Do đó, năng lực quan sát tinh vi, sắc sảo và có hệ thống vẫn là điều kiện cơ bản của sáng tạo.
Làm thế nào để nâng cao năng lực quan sát?
  • Xác định chính xác mục đích và nhiệm vụ của quan sát.
  • Chuẩn bị tốt tri thức và đối tượng quan sát: dụng cụ, máy móc, thời gian. Lập kế hoạch tỉ mỉ trong quan sát.
  • Khi quan sát, tập trung sự chú ý trong phạm vi đã quy định và đối với từng khâu cần thực hiện quan sát chu đáo, chính xác cần ghi chép tỉ mỉ, cụ thể, chuẩn xác.
  • Tăng cường sử dụng yếu tố tư duy trong quan sát. Nghĩa là tăng cường so sánh, phân tích, tổng hợp, suy xét.v.v..để có kết quả cuối cùng đáp ứng mục đích quan sát đã đề ra.

3. Năng lực tưởng tượng – liên tưởng.
Tưởng tượng và liên tưởng là hai phẩm chất quan trong trong tư duy sáng tạo.
Tưởng tượng là xây dựng trong đầu những hình ảnh mới trên cơ sở các biểu tượng đã có. Biểu tượng là hình ảnh sự vật nảy sinh trên vỏ não khi sự vật không còn trực tiếp tác động vào giác quan chúng ta nữa.
Trong tưởng tượng, những biểu tượng đã có được sắp xếp lại, được kết hợp với nhau theo một phương thức nào đó để tạo ra một biểu tượng mới.
Dù tưởng tượng mang tính viễn tưởng như tưởng tượng ra trời phật, ma quỷ.v.v. thì tưởng tượng đều là sự kết hợp độc đáo của các yếu tố nằm trong các sự vật, hiện tượng có thật. Vì vậy, để có năng lực tưởng tượng phong phú và phát triển hợp lý cần gắn với hoạt động thực tiễn.
Ý nghĩa của tưởng tượng trong đời sống và trong hoạt động sáng tạo của con người?
Tưởng tượng cần thiêt cho hoạt động của con người. Nó giúp ta nhìn thấy trước sản phẩm hoạt động trong nhiều trường hợp, là một hoạt động mang tính sáng tạo. Kiến trúc sư, nhà hội họa, nhà khoa học, nhà thơ văn, nhà soạn nhạc.v.v. nhờ trí tưởng tượng phong phú mà có được những sản phẩm sáng tạo lừng danh.
Trí tưởng tượng có sẵn trong mỗi người. Nó làm cho thế giới tinh thần của con người càng thêm phong phú, đem lại cho con người niềm vui và kiến thức. Trí tưởng tượng giúp con người nhìn thấy những cái tưởng như không nhìn thấy, tiếp cận những thứ tưởng như không thể tiếp cận được, cung cấp cho con người những gì mà thực tại chưa kịp hoặc không thể cho con người.
Cần làm gì để năng lực tưởng tượng phát triển phong phú, đúng hướng?
Làm giàu đầu óc mình bằng những tri thức và kinh nghiệm thực tiễn. Người có tri thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đa dạng thường có những năng lực tưởng tượng mạnh hơn người chỉ biết một mặt của tri thức.
Nỗ lực rèn luyện năng lực liên tưởng của mình, tức là khả năng sử dụng kinh nghiệm để chuyển sang giải quyết vấn đề khác tương tự. Không có năng lực liên tưởng mạnh thì không thể có năng lực tưởng tượng phong phú.
Vận dụng tư duy, can thiệp làm cho tưởng tượng hợp lôgic hơn và hợp với quy luật. Tư duy giúp cho tưởng tượng ném bớt sự bay bổng, viển vông và gắn vào thực tế hơn.
Luôn luôn chịu khó suy nghĩ, tưởng tượng ra cái mới tốt hơn cái cũ là một yêu cầu không thể thiếu được đối với người sáng tạo.
4. Năng lực phát hiện vấn đề.
Năng lực phát hiện vấn đề chính xác để giải quyết đúng theo quy luật khách quan đem lại kết quả cho hoạt động sáng tạo. Quy luật khách quan không dễ tìm ra, đòi hỏi phải quan sát mọi hiện tượng cần thiết, tìm tỏi hiểu biết những sự thật khách quan. Để xác định được quy luật khách quan phải chọn đúng đề tài nghiên cứu. Nhà vật lý học vĩ đại Anhxtanh đã nói: “ Nêu một vấn đề luôn luôn quan trọng hơn so với giải quyết vấn đề”. Bởi vì, giải quyết vấn đề có thể chỉ nhờ khả năng toán học hoặc nhờ thực nghiệm mà đạt được, còn nêu vấn đề phải cần có khả năng tưởng tượng có tính sáng tạo.
Nhiều nhà khoa học, nhà sáng tạo cao nhờ phát hiện vấn đề đúng và quyết tâm giải quyết vấn đề đã đem lại kết quả to lớn.
5. Năng lực đọc.
Đọc không những nhằm thỏa mẵn hứng thú nhận thức, nâng cao trình độ mà còn cập nhật được thông tin, phục vụ cho việc làm của người lao động sáng tạo.
M. Goocki từng nói: “ Sách là một kỳ tích vĩ đại nhất trong số những kỳ tích mà loài người đã sáng tạo ra”. Sách là kho tri thức vô tận mà mỗi người phải biết tận dụng để tích lũy kiến thức cho mình.
Nhà trường và thầy cô giáo chỉ dạy dỗ cho ta một thời gian ngắn ngủi, dù cho ta có qua trường đại học đi nữa. Những sách vẫn là người thầy dạy dỗ ta suột cuộc đời. Chỉ cần chúng ta biết yêu quý và khai thác tốt mà thôi!
Nhưng đọc sách thế nào cho đúng?
C.Mac đã nói: “ Sách là những tên nô lệ của tôi và phục tùng theo ý muốn của tôi?”. Muốn biến sách thành những tên nô lệ của mình thì phải biết đọc sách và điều đó không phải chuyện đơn giản.
Khoa học đã đúc kết, có ba cách đọc sách: Một là đọc và không hiểu; Hai là đọc và chỉ hiểu những điều trong sách nói; Và ba là đọc và còn hiểu những điều sách không viết nữa.
Sách có tầm quan trọng như vậy nhưng hiện nay, nhiều quyển sách không thông tin kịp thời tri thức mới nhất trên thế giới và trong nước phục vụ cho việc học và làm việc. Chính vì vậy, phải nhờ đến internet.
Internet là một thành quả khoa học quý báu nhất hiện nay, đa tính năng, Có thể giúp loài người sống, học tập và làm việc ngày càng tốt hơn. Rồi đây, sản phẩm công nghệ thông tin này sẽ ngày càng được phổ biến sâu rộng đến mỗi người dân lao động trên thế giới.
Do vậy, rèn luyện kỹ năng đọc, lấy thông tin từ internet vô cùng quan trọng đối với sáng tạo và tư duy sáng tạo.
Sức khỏe và sáng tạo?
Sức khỏe rất cần cho sáng tạo. Sáng tạo tốt, trí tuệ thông minh ở trong sức khỏe sáng tạo. Bộ não là cơ sở của trí tuệ, của sáng tạo. Bộ não chỉ nặng 3% cơ thể nhưng lại sử dụng hết 30% năng lượng toàn cơ thể. Sức khỏe dồi dào mới có đủ chất dinh dưỡng, năng lượng cung cấp cho hoạt động của não bộ.
Sức khỏe theo tổ chức y tế thế giới xác đinh bao gồm ba nhân tố: Sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe tâm lý xã hội. Có đủ sức khỏe như thế, con người mới có điều kiện sáng tạo tốt và lâu dài.
Làm thế nào để có sức khỏe tốt?

Tùy theo thể lực, điều kiện sống, nghề nghiệp của mỗi người mà cách rèn luyện sức khỏe và chế độ dinh dượng có khác nhau. Tuy nhiên, có những vấn đề chung cho mọi người về sự hiểu biết khoa học để chọn cách ít tốn kém mà đạt hiệu quả cao, đặc biệt đối với những người lao động trí óc sáng tạo.
1. Ăn uống:
Khẩu phần ăn dành cho người lao động trí óc:
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới não. Vì vậy chúng ta phải ăn uống thế nào để bảo vệ bộ não và duy trì khả năng làm việc cho những người lao động bằng trí óc.
Người lao động trí óc cần chế độ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, tránh dư thừa
Khi não bị yếu có thể được báo động bởi các dấu hiệu thường gặp là suy giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc. Do vậy, người lao động trí óc cần được ăn đủ để bù đắp năng lượng tiêu hao nhưng tránh dư thừa năng lượng vì dễ dẫn đến tích mỡ trong cơ thể và hạn chế chất béo và chất bột đường.
Có ít nhất 6 loại chất dinh dưỡng cần thiết cho não:
– Đường glucose cung cấp năng lượng cho não hoạt động, glucose được cơ thể chuyển từ thức ăn chứa tinh bột và các loại đường khi ăn vào. Có nhiều trong các loại khoai, củ, ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, các loại đậu.
– Các chất béo thiết yếu như omega-3 và omega-6 có trong các loại đậu, vừng…, dầu cải, dầu hướng dương, hải sản.
– Phospholipid làm tăng sự nhạy bén của các hoạt động trí não, ngăn sự suy giảm trí nhớ do tuổi tác có nhiều trong lòng đỏ trứng, trong các phủ tạng động vật… Không nên kiêng mỡ quá mức vì không có lợi cho não.
– Axit amin giúp lưu giữ và tái hiện trí nhớ, giúp thực hiện chức năng tư duy, có trong các loại ngũ cốc, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, gà, trứng, sữa chua, bơ động vật.
– Ăn rau quả tươi quanh năm với lượng 300g/ngày để lấy vitamin và chất khoáng. Nên ăn nhiều loại trái cây có màu cam đỏ.
– Ôxy, chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng không thể thiếu vì nhu cầu ôxy của tế bào não gấp trên 12 lần của cơ thể.
Người lao động trí óc cần chế độ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng tránh dư thừa. Ăn cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho não hoạt động. Nên bỏ hẳn hoặc hạn chế tối đa rượu và thuốc lá. Kết hợp các hoạt động thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe để phát triển cơ bắp nhằm tích trữ năng lượng và duy trì cân nặng nên có.
2. Vận động – Thể thao.
Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng: Thể thao và vận động có ảnh hưởng rất tốt đến hoạt động của tim, các mạch máu, hệ thống hô hấp, thần kinh, sự chuyển hóa quá trình năng lượng sinh học. Đặc biệt, thể dục làm tăng khả năng hoạt động của hệ thần kinh trung ương, làm dịu bớt những rối loạn đã mắc phải.
Vận động, thể dục làm tăng hiệu suất lao động, tăng sức khỏe, tuổi thọ ở người lao động trí óc sáng tạo.
Nhà triết học Giăng RuXo nói: “ Khi đi lại ít nhiều đầu óc tôi tươi mới lại và được thổi một luồng sinh khí. Cứ sống yên tĩnh thì hầu như tôi không thể suy nghĩ được gì. Thân thể tôi có vận động thì trí não tôi mới vận động”.
Vận động, tập thể dục như thế nào tùy thuộc vào sức khỏe, tuổi tác, công việc, cuộc sống của mỗi người. Sách báo khoa học đã giới thiệu nhiều cách rèn luyện sức khỏe. Bạn hãy tìm một phương pháp vận động thể thao phù hợp với mình.
3. Hãy sống lạc quan.
Khoa học đã kết luận: Con người luôn vui vẻ, lạc quan không những ảnh hưởng tốt đến lao động sáng tạo mà còn tăng sức khỏe, tuổi thọ.
Làm thế nào để sống lạc quan?
- Sống có lý tưởng, lao động sáng tạo có động cơ trong sáng vì tập thể, vì cộng đồng, vì xã hội, lợi ích cá nhân hài hòa với tập thể.
– Dùng thái độ lạc quan, tích cực để nhìn xã hội.
– Làm việc với lòng say mê, có ý chí và tình cảm.
– Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào? Hãy nở một nụ cười!
– Nhân từ và trong sạch!
4. Đi bộ.
Đi bộ vừa là một hình thức nghỉ ngơi, vừa là biện pháp rèn luyện sức khỏe có hiệu quả, đặc biệt có ích đối với người sáng tạo. Người đi bộ, đầu óc sảng khoái, trí óc minh mẫn vì quá trình hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh được cân bằng, cơ thể ngăn ngừa được bệnh béo phì, huyết áp cao, xơ vữa động mạch.v.v.
Để có hiệu quả, mỗi ngày nên đi bộ nửa giờ và có phương pháp.
5. Công thức rèn luyện, giữ gìn sức khỏe: SAFESEX

Lời kết


Trong thời đại ngày nay, khi nhận thức của con người đã đạt đến một trình độ cao hơn, thì năng lực tư duy không còn giữ nguyên nghĩa mà đã trở thành năng lực tư duy sáng tạo. Bởi lẽ, người ta không chỉ tư duy để có những khái niệm về thế giới, mà còn sáng tạo nhằm thay đổi thế giới làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Tư duy sáng tạo đã được coi như kim chỉ nam của mọi thành công. Năng lực tư duy sáng tạo đã trở thành một trong những điều kiện cần thiết để đem lại cho ta một công việc hứa hẹn hay xa hơn nữa là một chỗ đứng vững chắc trong xã hội và trên thế giới. Do đó, chúng ta phải tự chuẩn bị và tạo dựng cho mình năng lực tư duy sáng tạo, coi nó như là hành trang để bước vào đời. 
Sưu tầm và tổng hợp: kynangcuocsong