Sunday, April 7, 2013

Không có công thức cho hạnh phúc


"Hạnh phúc" - hai tiếng thiêng liêng mà ai cũng ít nhất một lần nhắc về nó. Nhưng định nghĩa "hạnh phúc" thế nào, công thức nào để có "hạnh phúc" thì tôi tin rằng, chưa ai đưa ra được định nghĩa, công thức một cách thỏa đáng.

Đứng trên góc độ cá nhân, nhìn nhận trong bối cảnh gia đình, xã hội sẽ đưa đến những đáp án khác nhau. "Hạnh phúc" của người này đôi khi lại là đau khổ của người khác. Tôi chỉ đưa ra một ví dụ: Trong trận chung kết giữa hai đội bóng, kết quả là chức vô địch giành cho đội chiến thắng, điều này là hạnh phúc và là kỷ niệm nhớ mãi đối với những thành viên cũng như cổ động viên và những ai quan tâm đến đội vô địch. Nhưng nó sẽ là "bi thảm, thất bại" với những người ở bên kia trận đấu.

Trong tình yêu, khi chúng ta có được những gì chúng ta muốn là "hạnh phúc". Nhưng khi nhìn sang những đôi tình nhân khác chúng ta thấy mình thiếu một điều gì đó, có thể là đôi phút giận hờn, ghen tuông... để cho tình yêu thêm vị, thế là chúng ta lại cố tình tạo điều đó. Sẽ không có vấn đề gì nếu chúng ta kiểm soát hành động của bản thân. Nhưng khi sự việc không theo những gì ta tưởng và trượt dài trên vết loang lổ đó thì kết quả đem lại là bất hạnh.

Nhận thức được về bạn bè, gia đình, xã hội và thế giới xung quanh để quý trọng, gìn giữ, chăm sóc những gì mà chúng ta đang cần và có; biết phấn đấu đạt được điều chúng ta mong ước thì đó sẽ là hạnh phúc - hạnh phúc không của riêng ta.

+ Điều tôi gọi là hạnh phúc thay đổi trong nhận thức của tôi qua từng giai đoạn. Lúc bé, hạnh phúc là nhận được một bộ quần áo mới, được điểm tốt, được khen thưởng. Khi lớn hơn, tôi nhận thấy rằng hạnh phúc là yêu, được yêu và được ở bên người tôi yêu. Hạnh phúc là khi ta có nhiều tiền, là hồi phục sau cơn bệnh.

Lúc lớn hơn nữa tôi nhận thấy rằng tôi thường bị nhẫm lẫn giữa hạnh phúc với niềm sung sướng mà những cơ may mang lại. Và rồi tôi cảm thấy những gì tôi nghĩ là “hạnh phúc” vẫn chưa phải là hạnh phúc đích thực, vì niềm vui sướng sẽ có cả sướng tích cực và tiêu cực. Nếu chúng ta không phân biệt rõ ràng thì làm sao chúng ta có thể tìm thấy được hạnh phúc.

Tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang và bỏ thời gian tìm kiếm cái gọi là “hạnh phúc tuyệt đối”, nhưng tôi vẫn không tìm thấy. Và tôi đã nghĩ rằng hạnh phúc chỉ là danh gọi ảo tưởng mà con người phát minh ra để diễn tả những cảm giác chẳng thể nào quy chụp được. Cứ thế tôi đã sống trong sự lãng quên cuộc sống hiện tại để truy tìm hạnh phúc ở một nơi, một khoảng vô định nào đó. Tôi đã cô lập mình với thế giới bên ngoài trong thời gian khá dài.

Một lần, tôi vô tình được tham dự buổi biểu diễn ca nhạc của một nhóm bạn sinh viên. Các bạn biểu diễn và cổ vũ đầy năng nổ, cởi mở và nhiệt huyết và đã tiếp lửa cho tôi. Tôi bỗng nhận thấy rằng tôi muốn được hòa nhập và được đón nhận. Kể từ lúc đó tôi thấy hạnh phúc trong những điều tôi làm và tôi nhận thấy: Ăn cơm là hạnh phúc; làm việc là hạnh phúc; hy sinh là hạnh phúc; phục vụ là hạnh phúc; chia sẻ là hạn phúc; khoan dung là hạnh phúc...

Tôi nhận ra hạnh phúc không ở đâu xa vời mà ở trong ta. Hạnh phúc là được sống và được lựa chọn một thái độ để sống. Hạnh phúc không gắn liền với những giá trị vật chất mà gắn liền với một thái độ tích cực.

Vì thế với câu hỏi đời sống với tốc độ công nghiệp có phải đang làm người ta kém hạnh phúc hơn, thì câu trả lời là ngoại cảnh không phải là nhân tố quyết định mà chính ta là người quyết định. Hạnh phúc là bằng lòng với những gì ta có. Hạnh phúc chính là yêu lấy cuộc sống của chính mình. Hạnh phúc không phải chỉ là những cảm giác ngắn ngủi mà chúng ta thường nói. Hạnh phúc chính là một sự liên tục, một thái độ lạc quan, sự hy vọng và là niềm tin yêu vào cuộc sống.