Sau buổi chia sẻ những kinh nghiệm trong ngày thiền tập của
hành giả sư hướng dẫn và tóm tắt lại đăng lên cho quý vị chiêm nghiệm.
Để làm chủ cái tâm con khỉ của chúng ta, chỉ cần chú tâm
trọn vẹn vào tâm trong thời điểm hiện tại này.
Bạn có thể làm điều này bất cứ lúc nào, và tâm sẽ trở nên
yên tĩnh không còn vướng mắc. Phải lưu ý đến cái trạng thái của tâm bị mải mê
chìm đắm và dệt ra những dòng tư tưởng kéo dài lê thê. Ngay khi bạn ý thức được,
thì nó sẽ dừng lại. Ngay khi bạn biết rõ, chúng sẽ bị tiêu diệt ngay tại đấy.
Phải tập luyện như thế này cho đến khi bạn đã trở nên thành thạo, và tâm sẽ
không còn dính vào những xao lãng.
Phương thức tự quan sát chính mình, biết mình, rất xứng
đáng biết vì ai cũng có thể áp dụng vào bất cứ lúc nào. Ngay tại đây trong khi
tôi viết ra đây còn quý vị đang đọc và các bạn đang tư duy, chỉ cần hay biết là
tâm đang có Chánh Niệm là đang sống trong hiện tại.
Ðây là một cách rất hay để biết tâm của bạn.
Trước khi chúng ta hiểu về tất cả những điều này, chúng
ta để tâm chạy theo từng ý nghĩ xảy ra trong tâm, liên tục với một ý nghĩ mới
ngay liền khi ý nghĩ cũ vừa chấm dứt, nó làm cho tâm chúng ta mệt mỏi và rối loạn.
Dầu chúng ta thử bất cứ phương pháp thiền nào đi nữa vẫn
không thể thật sự dừng sự xao lãng. Cho nên chỉ cần nhận biết đối tượng và hiểu
vấn đề thì không có vấn đề, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ thôi.
Chỉ có người chết thì tâm không còn hoạt động mà thôi.
Vì vậy đừng xem thường phương pháp hay biết đối tượng này
càng tập luyện nó càng trở nên lý thú trong cuộc sống của chúng ta.
Hãy tập luyện để giữ được sự hiểu với bất cứ đối tượng tiếp
xúc hay bất cứ ý kiến nào khởi lên vào tỉnh thức của bạn.
Hãy ngồi xuống và quan sát những cảm giác trong tâm để
xem tâm tập trung như thế nào. Ðừng bận tâm đến bất cứ khao khát hay cảm tình
nào trổi dậy. Dầu cho đau nhức xảy ra, bất cứ cách nào, đừng để ý đến. Tiếp tục
luôn luôn lưu ý đến tình trạng an định bình thường của tâm. Tâm sẽ không đi lạc
chạy theo khoái lạc hay đau đớn, nhưng sẽ buông bỏ hết, xem đau đớn như là một
cơ hội để học hỏi rồi cơn đau sẽ qua, và ta sẽ quen dần cảm giác khó chịu ấy.
Thọ là vô thường. Thân là vô thường. Chúng là như vậy.
Khi một thọ lạc nổi lên, tham dục ham muốn khoái lạc lấy
làm thỏa mãn và muốn duy trì mãi cái khoái lạc đó càng lâu càng tốt. Nhưng khi
có đau xảy ra, nó phản ứng một cách hoàn toàn trái ngược hẳn, vì đau làm tổn
thương. Khi đau xảy ra vì chúng ta ngồi một thời gian dài, tâm bị kích động vì
tham dục thúc đẩy đòi thay đổi. Nó muốn chúng ta điều chỉnh lại sự vật cách này
hay cách kia. Trái lại, chúng ta phải luyện tập để tiêu diệt tham dục đó. Nếu
đau trở nên dữ dội trong cơ thể, chúng ta phải tập luyện để giữ bình thản, phải
ý thức rằng đây là những đau đớn của cơ thể - và không phải là đau của chúng ta
- cho đến khi tâm không còn khích động nữa và có thể trở lại trạng thái bình thản
bình thường.
Phương pháp quan sát tâm hết sức hữu ích, nhưng chúng ta
rất hiếm khi quan tâm suy gẫm đến mức trở nên thành thạo và biết xoay xở để
tiêu diệt đau khổ của chúng ta. Chúng ta tập luyện một cách an nhàn hững hờ, và
không biết nên sửa đổi điểm nào, nên tiêu diệt sự vật ở đâu, phải nên buông xả
cái gì. Và vì thế chúng ta cứ tiếp tục đi quanh quẩn trong đau khổ và luân hồi.