Sunday, August 30, 2015

CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT (THE ONLY WAY)



BỐN NIỆM XỨ
CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT (THE ONLY WAY)
hay CON ĐƯỜNG TRỰC TIẾP (THE DIRECT PATH)

Đây là bài ​​giảng vô cùng  quan trọng của Đức Phật về thiền chánh niệm, với sự quan tâm đặc biệt cho phát triển cái nhìn sâu sắc. Đức Phật bắt đầu bài pháp thoại bằng cách tuyên bố rằng bốn niệm xứ là con đường trực tiếp hay là con đường thẳng tắp dẫn đến việc thực hiện chứng ngộ Niết Bàn. Sau đó Ngài cho chi tiết hướng dẫn trên bốn nền tảng quán: Thân, Thọ, Tâm và Pháp.

Phương pháp Bốn niệm xứ này được Đức Thế Tôn thuyết minh trong bốn điều quán niệm: 1) Quán niệm về thân thể, 2) Quán niệm về cảm thọ, 3) Quán niệm về tâm ý, và 4) Quán niệm về các pháp.

Phương pháp này giúp người tu thiền đạt được trí tuệ, thấy rõ sự thật: 1) Nơi thân là "Bất tịnh", 2) Cảm thọ là "Khổ", 3) Tâm là "Vô thường", và 4) Pháp là "Vô ngã", và do đó giải thoát tự tại đối với cuộc đời.
Đức Thế Tôn xem phương pháp Bốn niệm xứ này như là "con đường duy nhất hay là con đường trực tiếp" khiến các loài hữu tình được thanh tịnh,tỏ ngộ chân lý, chứng đạt Niết bàn.

Chúng tôi giới thiệu 3 bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu, và cũng giới thiệu bản dịch Anh ngữ của Thầy Thanissaro để qúy độc giả tiện bề tham chiếu vì có một số độc giả cho biết bản dịch Anh ngữ dễ hiểu và rõ ràng hơn.

Có một điểm cần để ý là bản dịch của Thầy Minh Châu dịch là (Thiền Bốn Niệm Xứ) “là con đường độc nhất”.

-  Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ.
Còn bản dịch Anh ngữ của Thầy Thanissaro dịch là   “Đây là con đường trực tiếp …”
-  The Blessed One said this: "This is the direct path for the purification of beings, for the overcoming of sorrow and lamentation, for the disappearance of pain and distress, for the attainment of the right method, and for the realization of Unbinding -- in other words, the four frames of reference. 

Chúng ta thử hình dung Niết Bàn là một điểm A trên bản đồ với nhiều đường đi đến: bằng máy bay, tầu thủy, xe auto, xe gắn máy và đi bộ. Đi bằng máy bay cũng có nhiều lộ trình khác nhau và đường bộ cũng có nhiều đường đi khác nhau.Tùy khả năng và nhân duyên của mỗi người mà áp dụng phương tiện thực hành. Con đường  hay phương pháp thanh tịnh tâm cũng thế, có nhiều phương pháp khác nhau.  Trong nhà Phật có tới tám vạn bố nghìn pháp môn tu tập. Có lẽ Thượng Tọa Thanissaro khi chuyển ngữ chắc chắn thấy rõ điều đó nên không sử dụng từ ngữ “Only way”.

Thiền Bốn Niệm Xứ này được Đức Thế Tôn giảng tại hai nơi khác nhau, được ghi lại trong ba bộ kinh:
Trong ba bản kinh, Bản kinh "Bốn Niệm Xứ" trích từ Kinh Tương Ưng Bộ (Samyuttanikaya). So với các kinh cũng nói về Bốn niệm xứ (Trường bộ kinh số 22, Trung bô kinh số 10) thì bản kinh này ngắn và gọn hơn.
Cả ba bản kinh trên đều được lưu trữ tại Thư Viện Hoa Sen. Chúng tôi trích dưới đây để quý độc giả tiện tham khảo:

Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ 
Samyutta Nikàya 
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2537 - 1993
TẬP V - THIÊN ĐẠI PHẨM
[47] Chương III
Tương Ưng Niệm Xứ
I. Phẩm Ambapàli

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại rừng Ambapàli.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3) -- Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm... trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Con đường ấy tức là bốn niệm xứ.

6) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn nói.