Do nhân gì, do duyên gì, Những Tỳ-kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ,
tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời,
đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn
và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’
‘Thưa
Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng
Giác nói: “Hãy đến này các Tỳ-kheo, với người nữ nào là mẹ, hãy nghĩ về họ chỉ
như một người mẹ, người nữ nào là người chị, hãy nghĩ về họ chỉ như một người
chị, và người nữ nào là con gái, hãy nghĩ về họ chỉ như người con gái.” Đó là
lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn
của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc,
có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời
của họ?’
‘Nhưng này Bhāradvaja, tâm thường hay thay đổi.
Đôi khi những ý nghĩ tham dục có thể khởi lên đối với những người họ nghĩ chỉ
là mẹ, chỉ là chị, chỉ là con gái. Có nhân nào khác, có lý do nào khác nhờ đó
những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ,
đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực
hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ
không?’
‘Thưa
Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng
Giác nói: “Hãy đến, này các Tỳ-kheo, hãy quán thân này từ lòng bàn chân đổ lên,
từ đỉnh đầu đổ xuống, bao bọc bởi da, chứa đầy những vật bất tịnh. Trong thân
này có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, hoành
cách mô (màng treo), lá lách, phổi, ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ
hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ, nước miếng, nước hoạt dịch, nước tiểu”. Thưa Đại
Vương đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với
vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng
những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến
cuối cuộc đời của họ?’
‘Vâng,
thưa Bhāradvaja, đối với những Tỳ-kheo nào có tu tập về thân, tu tập về về giới,
tu tập về tâm và tuệ, thì điều đó dễ rồi,
nhưng đối với những người không tu tập, thời lại là chuyện khó. Đôi khi, có người
nghĩ, “ta sẽ xem điều này là bất tịnh”, nhưng họ lại đi đến chỗ nghĩ về nó như là hấp dẫn (tịnh). Có nhân nào
khác, có lý do nào khác, nhờ đó những vị Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen
nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã
không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và
hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ không?’
‘Thưa
Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng
Giác nói: “Hãy đến, này các Tỳ-kheo, hãy phòng hộ các căn của các ông, khi mắt
thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng (chi tiết) của
nó. Bởi vì những ai sống không kiểm soát nhãn căn, tham, ưu và những ác bất thiện
pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ. Do đó để kiểm soát nó hãy thực hành phòng hộ nhãn căn, luôn luôn phòng hộ nhãn
căn.
Khi
nghe một âm thanh…ngửi một mùi…nếm một vị…cảm giác một sự xúc chạm…nhận thức một
pháp trần, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Bởi vì những
ai sống với nhĩ căn…tỷ căn…thiệt căn…thân căn…ý căn không kiểm soát, tham, ưu
và những ác bất thiện pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ. Do đó để kiểm soát
nó hãy thực hành phòng hộ nhĩ căn…ý căn,
luôn luôn phòng hộ nhĩ căn…ý căn.” Đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này còn
non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của
cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách
trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’
Đây
là cách phòng hộ các căn đã được Đức Phật dạy trong rất nhiều bài Kinh. Các vị
Tỳ-kheo phải phòng hộ các căn của mình theo cách này, và các nữ nhân tất nhiên
cũng phải phòng hộ các căn của mình theo cách như vậy.
Để
chỉ thêm cho quý vị thấy tầm quan trọng của việc phòng hộ các căn, tôi sẽ trích
dẫn ra đây bài kinh thứ nhất của bộ Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), trong
kinh Đức Phật nói như sau:
‘Này
các Tỳ-kheo, ta không biết một sắc nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến
thành nô lệ như sắc của người đàn bà như thế. Này các Tỳ-kheo, sắc của người
đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông không ngừng. Này các Tỳ-kheo, Ta không biết
một tiếng nào khác biến tâm của người đàn ông thành nô lệ như tiếng nói của người
đàn bà như thế. Này các Tỳ-kheo, tiếng nói của người đàn bà ám ảnh tâm của người
đàn ông không ngừng.
Này
các Tỳ-kheo, Ta không biết một mùi nào khác…một vị nào khác…một sự xúc chạm nào
khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như mùi, vị, sự xúc chạm
của người đàn bà như thế.
Này
các Tỳ-kheo, Ta không biết một sắc nào khác…một tiếng nào khác…một mùi nào
khác…một vị nào khác…một sự xúc chạm nào khác qua đó tâm của người đàn bà bị biến
thành nô lệ như sắc, tiếng nói, mùi, vị, sự xúc chạm của người đàn ông như thế.
Này các Tỳ-kheo, tâm của người đàn bà bị ám ảnh bởi những thứ ấy không ngừng.
Như
vậy quý vị phải phòng hộ các căn của mình với chánh niệm lớn. Nếu quý vị có thể
chánh niệm về đề mục thiền của mình trong mọi lúc thì thật là tốt, vì như thế
các căn của quý vị cũng sẽ được khéo phòng hộ. Nếu quý vị đang thực hành 32 thể
trược quý vị phải làm sao không để bị nhàm chán với 32 thể trược, vì nó cũng giống
như người bạn tốt giúp quý vị loại trừ phiền não vậy. Do đó quý vị phải tác ý đến
32 thể trược với sự kính trọng. Nếu quý vị làm được như thế là quý vị đã kính
trọng Pháp (Dhamma), và như vậy quý vị là những đệ tử có lòng tin của Đức Phật.