Nói tới tâm là nói tới cái gì vô
cùng trừu tượng; tâm không hình, không dáng, không lớn, không nhỏ. Tâm ở trong ta hay ở ngoài ta, chỉ có Phật mới
hiểu nổi. Tuy nhiên có một điều, hễ nghe
nói tới tâm thì ai trong chúng ta cũng đều nghĩ ngay tới sự tạo tác của
nó. Tâm có thể đưa ta đến Cực Lạc, thì
chính tâm cũng có thể tạo đau khổ và phiền não cho ta. Tại sao lại như vậy? Tại sao tâm từ cũng là ta, mà tâm tà cũng là
ta? Trong chúng ta ai cũng phải thừa nhận
rằng đã rất nhiều lần, chính mình đã không làm chủ lấy thân mình; đã rất nhiều
lần ta giao trứng cho ác vì ta chấp rằng cái tâm ấy chính là ta; hoặc giả ta
quá tự tin nơi con người không thật của ta…
-
Trong thiền, không có cái gì thật, chỉ là mượn tạm, khi
qua được bờ liền bỏ. Thiền là trở về với
chân tâm để nhận rõ ràng mặt mũi thật của ta từ vô thủy. Thiền là dù biết rằng thân nầy, tâm nầy không phải là của ta, ta vẫn phải mượn nó mà
tu. Một khi đã gọi là mượn rồi thì người
tu thiền cũng quyết giữ cho đàng hoàng, chứ không hành hạ mà cũng không chìu
chuộng nó một cách quá đáng. Nếu ta biết
dùng những của tạm bợ nầy mà tu thì chuyện được rốt ráo hẳn ắt là có thôi. Hãy nhìn Đức Từ Phụ đấy thì rõ. Ngài đã biết dùng cái thân tứ đại nầy mà hành
trình về cõi vô sanh và Ngài đã giải thoát.
-
Như vậy nhiệm vụ chính của thiền là coi chừng, là canh
giữ những món đồ mượn, coi chừng và canh giữ sao cho những món đồ nầy chỉ có lợi
cho ta, chứ không đem lại bất cứ một sự di hại nào, dù nhỏ. Ấy là sự canh giữ rốt ráo. Nhiệm vụ chính của thiền là giữ cho tâm ta
lúc nào cũng có chánh niệm, cũng tỉnh thức, và cũng trụ ngay trong cái hiện tại
nầy. Nếu thiền mà đạt được như vậy thì
ta còn muốn gì hơn nữa? Nếu thiền mà
thanh lọc tâm được như vậy thì lúc đó ta sẽ đi con đường mà ta muốn đi.
-
Nói cách khác, ta có được cái trí tuệ thật sự. Tất cả những gì mà ta có được trên cõi đời nầy
đều là tạm bợ, chúng đến rồi đi, đi rồi đến.
Chúng chưa bao giờ tạo ra chân hạnh phúc cho ta. Chỉ có trí tuệ chân thật mới tồn tại mà
thôi. Chính cái trí tuệ nầy nó đã mở cái
thấy sự thật của nó là để cho ta thấy tất cả những hiện tượng là vô thường,
không có gì tồn tại. Một đời sống con
người rất ngắn ngủi so với đời sống của một hành tinh; và tương tự, đời sống của
một hành tinh rất là ngắn ngủi so với đời sống của một vì sao, hoặc của một dãy
ngân hà… Thấy rõ được như vậy để tự mình chọn lấy lối đi cho mình. Thiên đàng, địa ngục, Niết Bàn, giải thoát…
-
Thật tình mà nói, ngay cả những thứ vừa nói trên cũng là
không thật, không phải là cứu cánh của người tu thiền. Người tu thiền chân chánh là người biết sống
cho mình và cho người. Muốn sống được
cho mình và cho người không phải là chuyện dễ.
Ngoài chuyện tinh tấn hành thiền, người tu thiền còn phải giữ giới, ít
nhất là phải trì cho được ngũ giới.
Chính đức Phật đã dạy rằng khi không có Ngài tồn tại thì chúng sanh đời
sau nầy phải lấy giới luật làm thầy. Như
vậy đủ cho ta thấy giới luật nó quan trọng đến bực nào. Giới còn là phương tiện giúp cho ta có đủ sức
mạnh để tập trung vào thiền định.
-
Chúng ta làm sao chế ngự được tham, sân, si, dâm dục,
ngã mạn, cống cao… nếu chúng ta không giữ giới?
Một thí dụ rõ nét là nếu chúng ta nói không sát sanh thì phải giữ cho
đúng từ đầu đến chân là không sát sanh.
Đành rằng khó, nhưng có người làm được, mình làm được. Đừng đổ thừa tại tôi thiếu căn nên không ăn
chay được. Không có căn cơ chi cả, chỉ tự
ta mà thôi. Hoặc giả vì nghèo mà phải
sanh tâm trộm cắp. Trên đời nầy không
thiếu chi người nghèo mà thanh bần lạc đạo.
Như vậy không có tại với bị chi cả.
Tất cả đều do cái tâm nầy mà ra; tâm từ thì về cõi trời, mà tâm tà thì
đi về địa ngục, thế thôi.
-
Người tu thiền nên nhớ rằng tất cả những gì ta đang có,
đang thấy, đang nghe, đang chạm, đang mơ tưởng… chỉ là của mượn. Chính vì vậy mà ta không bận bịu, bám víu vào
những của mượn ấy, mà chỉ nhờ chúng để qua bờ.
Qua bờ xong là một niệm cũng không còn.