Thursday, August 13, 2015

Thường thì chúng ta ít khi sống thực cho chúng ta



 Chúng ta không sống cho hiện tại và tâm chúng ta cứ dong ruổi đến những vùng quá khứ hoặc chạy theo những ảo tưởng của tương lai.  Quá khứ còn đâu?  Tương lai có đâu?  Mà chúng ta lại phí thì giờ hoài công vô ích?  Hãy để thì giờ đó mà sống cho hiện tại của ta.  Cái mà chúng ta đang có là ngày hôm nay, ta vẫn còn hơi thở, chứ tương lai nào ai biết?  Chúng chỉ là những ảo tưởng, thế nhưng có rất nhiều người trong chúng ta vẫn hằng mơ tưởng đến chúng hết ngày nầy đến ngày khác.  Làm sao ta có thể nhất tâm chánh niệm? 
-
Muốn nhất tâm chánh niệm thì có nhiều cách; chẳng hạn như niệm Phật, hoặc thiền.  Tuy nhiên, trong hạn hẹp bài nầy, chúng ta chỉ nói về thiền.  Thiền sẽ giúp ta chú tâm vào cái gì ta đang làm để từ đó quán chiếu vào đời sống hằng ngày của chúng ta.  Thí dụ như lúc ta đi, ta biết lúc nào ta dở chân lên, bước chân tới và để chân xuống, ấy là ta đang có chánh niệm, ấy là ta đang thiền vậy.  Cái lợi lạc trước nhất là ta biết những gì đang xảy ra, hoặc những chướng ngại vật để tránh, để không bị vấp ngã, do đó mà ta đi được đến nơi đến chốn an lành.  Kế nữa, nếu ta thực hiện được như vậy, tâm ta chỉ chú tâm vào những bước đi, chứ không dong ruổi, không bị những suy nghĩ vẩn vơ vây quấn… Ấy là ta đang có chánh niệm.
-
Tâm ta lúc nào cũng dong ruổi như con vượn chuyền cây, chứ không lúc nào nó chịu ở yên một chỗ.  Chính vì vậy mà ta phiêu lưu từ hết suy nghĩ vẩn vơ nầy đến suy nghĩ vẩn vơ khác.  Hôm nay ngồi đây mà tâm cứ nhớ đến thời quá khứ vàng son, hoặc mơ tưởng đến tương lai xa mờ.  Làm sao để ta trút bỏ những suy nghĩ vẩn vơ hầu thật sự sống với chính ta?  Muốn được như vậy chỉ còn cách là ta hãy tu tỉnh lại; hoặc ở chùa, hoặc ở nhà, hoặc ở bất cứ đâu.  Đừng hẹn, đừng đợi cho tội ác chồng chất lên, hoặc đến già, hoặc đến hưu trí rồi mới tu.  Nên nhớ rằng: “Mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh.”  Ta phải tự tạo cho ta cái duyên để gần gũi Phật pháp và phải tu ở bất cứ đâu. 
-
Chẳng hạn như khi lái xe ta biết ta đang lái xe và như vậy, chẳng những ta an toàn, mà người cũng an toàn; được như vậy, chẳng những ta không sợ hãi, mà người cũng được yên tâm.  Hãy xem cái xe như vị Bồ Tát đã giúp đưa ta an toàn từ chỗ nầy đến chỗ khác; từ đó tay chân ta sẽ dịu dàng và cẩn thận hơn trong mọi động tác.  Nếu trên xe có người, xin hãy vì họ, lái làm sao cho họ cảm thấy thoải mái sung sướng, chứ đừng để họ phải hoảng sợ mà luôn miệng niệm Phật.  Hãy tập thiền ngay cả trong lúc lái xe để thấy cái vi diệu của nó.  Xin đừng lầm tưởng thiền là mơ mơ màng màng, lái xe mà mơ mơ màng màng là chết sớm.  Thiền ở đây là tâm thanh tịnh, tỉnh thức, biết rõ ràng ta đang làm gì.  Thiền là để chánh niệm chế ngự suy nghĩ vẩn vơ.  Thiền trong khi lái xe có nghĩa là ta biết ta đang lái xe, chứ không để chen vào bất cứ suy nghĩ vẩn vơ nào.  Lắm tai nạn đã xảy ra chỉ vì trong lúc lái xe mà tâm ta dong ruổi.
-
Tóm lại, chánh niệm chẳng những giúp ta tu giải thoát, mà còn tạo cho ta một đời sống tỉnh thức nữa.  Muốn có chánh niệm, hãy vào thiền vì thiền tập là một trong những phương thức hữu hiệu nhất. Thiền tập không có nghĩa là ngồi yên lặng để suy tư về một vấn đề gì, dù đó là một công án; mà thiền tập là để thực sự thấy rõ mặt mũi của chính mình cũng như của sự vật.  Ngoài ra, thiền tập còn giúp ta loại trừ những mê muội và loạn tưởng; từ đó, tâm ý ta sẽ dừng lại, chứ không phải là nhốt tâm.  Thiền tập còn khiến những kẻ ồn ào vọng động trở về ngay với họ mà từ tốn êm dịu hẳn lại.  Thiền tập còn giúp những kẻ hay ganh tị và bươi móc dừng hẳn lại để không tạo ra bất cứ một cuộc tranh luận nào.  Thiền tập sẽ giúp mọi người cùng biết lắng tai nghe nhau và sống an vui với nhau trong tình thương yêu của từ, bi, hỉ, xả.