Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
Con xin đảnh lễ Đức Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Đấng
Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thiền và chánh niệm, tuy hai mà một. Hễ có
chánh niệm là có thiền; còn hễ có thiền, ắt phải có chánh niệm. Thiền là
trở về với thực tại, là sống trong tỉnh thức, là tự thực nghiệm nơi mình để thấy
sự thật nó là. Còn chánh niệm là sự cao quý thứ bảy trong tám sự thật cao
quý mà Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy cho hàng đệ tử. Người chánh niệm trở
nên thanh lành, lướt khỏi và diệt sạch mọi lo âu, phiền não. Người có
chánh niệm sẽ tinh khiết cả thân, thọ cảm, ý và pháp. Người có chánh
niệm, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi đều không thấy có cái “ta” trong đó.
Người có chánh niệm không bao giờ chấp có cái “ta” thọ cảm, mà chỉ có cái thân tâm
nầy thọ cảm, nhờ thế mà thoát được khổ. Người có chánh niệm thì cho rằng
tham, sân, si chỉ là những suy nghĩ mê dại của chúng sanh mà thôi.
Cuối cùng, người có chánh niệm luôn thấy rằng các
pháp sanh diệt vô thường nên không chạy theo; nhờ thế mà cuộc sống trở nên tỉnh
thức hơn, và cũng nhờ thế mà cơ hội tìm lại sự thật tuyệt đối của thân tâm sẽ
dễ dàng hơn những người không có chánh niệm. Như vậy chánh niệm là gì nếu
không có sự trở về với thực tại và sống tỉnh thức để hiểu thân tâm? Chánh
niệm còn giúp ta nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng trong giờ phút hiện
tại. Chánh niệm tạo cho ta sự tỉnh thức tuyệt vời. Chính sự tỉnh
thức nầy giúp ta quan sát và kinh qua những diễn tiến quanh ta mà không đòi hỏi
một phản ứng nào nơi ta. Quan sát và kinh nghiệm để mang lại một sự quân
bình cho chính ta. Thiền và chánh niệm tự hòa nhập với nhau một cách
tuyệt diệu như vậy đó nếu ta chịu lắng nghe và thực hành những lời dạy dỗ của
Đức Từ Phụ.
Theo Đức Phật, muốn giữ cho được chánh niệm là
phải có thiền. Chính vì muốn cho chúng đệ tử thấy mà Ngài đã vẽ lại một
bức tranh thật ngay dưới cội Bồ Đề. Ngài đã ngồi ngay dưới cội Bồ Đề bốn
mươi chín ngày đêm liên tục. Theo Ngài thì thiền chẳng những giúp cho ta
có chánh niệm mà nó còn giúp ta thanh tịnh tam nghiệp nơi thân, nơi khẩu và nơi
ý. Như vậy lúc thiền nếu chưa thấy được thân tâm, thì ít ra cũng là người
đang khám phá một thiên đường của tâm mình. Thiền cũng như chánh niệm cho
phép ta trực tiếp tiếp xúc với ngoại cảnh qua những giác quan của mình; ta có
khả năng nhận thức được tất cả sự việc xảy ra trong hiện tại; ta nhận biết
những kinh nghiệm mà không hề phê phán, không đem lòng ưa thích, cũng như không
ghét bỏ. Như vậy là gì nếu không là tỉnh thức?
Cái phiền phức của chúng ta là lúc nào chúng ta
cũng bị chi phối. Nghe tiếng chó sủa, ta phải thắc mắc coi chó nhà ai
sủa? hoặc tiếng chó sủa làm ta khó chịu… Chánh niệm sẽ làm cho ta dửng
dưng trước tiếng chó sủa và Thiền sẽ làm cho lòng ta lắng đọng. Nhờ chánh
niệm và thiền mà ta sẽ tạm gác qua một bên những dòng suy nghĩ cũng như lý trí
phân biệt để từ đó ta có một cái nhìn mới mẻ về thế giới quanh ta. Chúng ta
sẽ thấy rằng thiền tạo cho chúng ta một thế giới hoàn toàn mới mẻ:
“Mọi vật chỉ hiện hữu tạm thời trong một hình dạng
và màu sắc tạm bợ, không có gì là vĩnh cửu cả. Sự vật nầy biến dạng thành
sự vật kia, ta không thể nào nắm giữ được. Trước khi trời dứt mưa ta đã
nghe tiếng chim hót. Ngay cả khi trời đang đổ cơn bão tuyết, ta vẫn thấy
những hạt non đang nẩy mầm xanh mới.”
Chính thiền đã đưa ta về với thực tại, về với cái
thế giới hoàn toàn mới mẻ, về với chính ta, về sống tỉnh thức và chứng thực
bằng kinh nghiệm nơi chính bản thân mình. Đừng hỏi ai uống trà có ngon
không, mà hãy tự mình nâng tách trà lên, đưa vào miệng mà uống rồi sẽ thấy được
hương vị của trà. Trong thế giới của thiền, ta sẽ không tìm thấy gì cả vì
ta có đi tìm cái gì đâu mà thấy với không? Trong thiền không khổ, không
buồn, mà cũng không vui, không sướng. Thiền không là mây bay gió thoảng,
cũng không là bèo giạt hoa trôi; thiền và chánh niệm là những viên đá được ném
vào lòng đại dương, nó sẽ chìm, chìm mãi, chìm mãi đến tận đáy.
HỒI HƯỚNG
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Do nhờ
oai lực của đức Pháp thí mà con đã tạo đây, xin hồi hướng quả phước lành này
đến những các bậc ân nhân của con, nhất là ông, bà, cha, mẹ cửu quyền thất tổ
nội ngoại hai bên nhiều đời nhiều kiếp và hiện tại này đã quá vãng.
Xin các
vị ấy thọ lãnh quả phước này để được sanh về nơi nhàn cảnh hưởng được sự an vui
và hạnh phúc, nhất là mong cho trở nên người chánh kiến tu hành tinh tấn, làm
lành lánh dữ. Nếu các vị ấy còn hiện tiền, xin cho được hưởng mọi sự an vui và
hạnh phúc, tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ và gặp cả 5 pháp chúc mừng là
Sống lâu, Sắc đẹp, An vui, Sức mạnh và Trí tuệ sáng suốt, cùng 3 cảnh phước báu
là cảnh Người, cảnh Trời, cảnh đại Niết bàn, xin cho được thành tựu như ý.
Nguyện
cho tất cả chúng sanh điều được tiến hóa, an vui như ý nguyện.