Để bạn biết làm thế nào thực hành bước thứ nhất – Chánh Kiến về Tứ Diệu
Đế- thí dụ, một buổi sáng kia khi ngồi trên gối thiền bạn cảm thấy đau ở chân.
Thay vì chỉ ghi nhận sự phát sinh và hoại diệt của cảm giác đó, thì bạn trong
trường hợp này lại cảm thấy khổ vì cái đau, và sự khó chịu của bạn càng làm nó
đau thêm. Nếu tâm chánh niệm của bạn đã thuần thục, thì vấn đề này đã không xảy
ra, nhưng giờ bạn đã sa lầy. Bạn có thể làm được gì bây giờ?
Bạn có thể chế ngự được sự phiền não do cái đau mang đến bằng cách thực
hành bát chánh đạo của Đức Phật. Đây là cơ hội để quán sát tứ diệu đế trong thực
hành.
Mặc dầu tám bước (Bát Chánh Đạo) đã được mô tả theo một thứ tự đặc biệt,
nhưng chúng ta không cần phải thực hành chúng theo thứ tự đó. Không đơn giản và
rõ ràng như thế. Thí dụ như ta đang nấu ăn trong nhà bếp nơi tất cả các dụng cụ
đều được treo theo kích cỡ và được xếp đặt gọn gàng theo một thứ tự lô gích nào
đó, thì ta cũng không dùng các dụng cụ này theo thứ tự mà chúng đã được xếp đặt.
Thay vào đó ta sẽ lấy bất cứ cái chảo hay cái nồi nào mà ta đang cần lúc đó.
Cũng thế, khi áp dụng Bát Chánh Đạo vào cuộc sống hằng ngày đòi hỏi ta phải chọn
lựa và sử dụng bất cứ bước nào mà ta cần.
Do đó, trước hết ta chánh niệm về cái đau và sự phản kháng của ta đối với
nó. Như thế là ta đã sử dụng chánh niệm, là bước thứ bảy của Bát Chánh Đạo. Với
chánh niệm, ta bắt đầu nhận thức rằng “Đây là khổ." Khi nhìn ra sự thật của
khổ, là ta đã nhận ra diệu đế thứ nhất. Nó trở thành là một thực tại đối với ta
và ta bắt đầu thực hành chánh kiến, là bước đầu tiên của Bát Chánh Đạo.
Với sự chú tâm chánh niệm, ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng càng phản kháng
cái đau, thì ta càng cảm thấy tệ hại hơn. Vì thế ta cố gắng để chế ngự, buông xả
sự phản kháng. Hành động đó liên quan đến chánh tinh tấn, là bước thứ sáu. Ta
buông xả sự phản kháng bằng cách thư giãn và thiết lập một thái độ thân thiện
hơn. Ta có thể, thí dụ, suy luận rằng cái đau trong chân cũng đáng được chấp nhận,
thương yêu như bất cứ những cảm giác nào khác của thân. Bằng cách đó, ta tu tập
một khía cạnh của chánh tư duy, là bước thứ hai.
Sau đó ta có thể quán sát rằng nỗi khổ phát sinh không chỉ vì sự phản
kháng mà còn vì ta mong muốn được cảm thấy dễ chịu hơn. Thí dụ, ta có thể nghĩ,
“Giá mà tôi có thể ngồi một cách yên tĩnh, không bị đau đớn!” Thấy được sự liên
hệ giữa lòng ham muốn và sự khổ đau sẽ đưa chúng ta thẳng đến trí tuệ trong diệu
đế thứ hai, sự thật rằng chính lòng tham ái đem lại khổ. Giờ thì chánh kiến của
ta đã được phát triển sâu xa hơn.
Khi ngồi với ý thức về diệu đế thứ hai, ta trở nên rất rõ ràng về sự
liên hệ giữa lòng tham ái và khổ, do đó chánh niệm cũng được phát triển sâu
hơn. Vì thấy quá rõ lòng tham ái đưa đến khổ đau như thế nào, nên ta phát khởi
quyết tâm phải làm điều gì đó đối với lòng tham ái. Phát khởi quyết tâm, là ta
đã lại thực hành chánh tinh tấn, nhưng lần này, là để buông bỏ tâm tham ái, bám
víu vào những cảm giác dễ chịu. Tư tưởng buông xả, còn được biết đến như là xả
ly, là một khía cạnh khác của chánh tư duy.
Có thể lúc đầu chúng ta đã phản ứng lại cái đau với cảm giác thất vọng,
bực tức. Nếu sự tự trách hay các ác ý khác nhắm đến bản thân đã phát sinh, thì
giờ ta phải thực hành chánh tinh tấn để buông bỏ chúng. Làm được thế, là ta một
lần nữa thực hành chánh tư duy. Hãy nhớ rằng nếu ta cố gắng quá sức, thì ta tạo
ra nhiều đau đớn và căng thẳng hơn. Tuy nhiên, với chánh niệm, ta sẽ nhìn thấy
được vấn đề đó. Rồi chánh tư duy một lần nữa lại trở nên hữu dụng, lần này là để
giải nhiệt cho tâm với tư duy về tình thương yêu dành cho bản thân.
Những sự thành công như thế trong việc vun trồng chánh kiến, chánh tư
duy, chánh tinh tấn, và chánh niệm sẽ giúp tâm lắng đọng. Tâm trở nên định tĩnh
hơn; đây là một biểu hiện của bước thứ tám trên con đường đạo: Chánh Định. Khi
đạt được định sâu lắng, thì sự đau đớn tinh thần cũng như thể xác sẽ qua đi.
Khi sự đau đớn đã tan biến ta sẽ cảm thấy đầy an bình, tĩnh lặng và hạnh phúc.
Các trạng thái này, ngược lại, sẽ đưa ta vào tầng định cao sâu hơn.
Định sâu lắng hơn sẽ giúp tâm chánh niệm được củng cố và ta tiếp tục
quán sát các chứng nghiệm của mình. Ta thấy rằng cái đau biến mất vì ta buông xả
lòng tham muốn đối với dục lạc. Sau đó chánh kiến sẽ tăng trưởng khi ý nghĩa và
hiệu lực của diệu đế thứ ba trở nên rõ ràng: khi
chấm dứt tham ái thì khổ được đoạn diệt.
Có thể nhận thấy rằng trong thí dụ vừa rồi chúng ta đã không nói đến
khía cạnh “đạo đức” của Bát Chánh Đạo: đó là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh
Mạng (bước thứ ba, tư, và năm). Nhưng chúng cũng có mặt, vì chúng đóng vai trò
quan trọng trong một cuộc sống tốt đẹp. Sống thiếu đạo đức sẽ khiến tâm không
an, khiến cho việc hành thiền trở nên khó khăn ngay cả trong những hoàn cảnh
thuận tiện. Ta cần có một nền tảng đạo đức vững chãi trước khi có thể duy trì
được định và giữ được quyết tâm mạnh mẽ khi đối diện với những đau đớn của thân
tâm. Do đó khi đã thực hành không sai lệch các bước trên con đường đạo (Bát
Chánh Đạo) của Đức Phật, ta sẽ tìm thấy trong đó phương cách để buông xả khổ
đau. Khi làm được thế, ta sẽ chánh kiến được diệu đế cuối cùng trong Tứ Diệu Đế,
sự thật rằng phương cách để chấm dứt khổ là đi theo con đường Bát Chánh Đạo. Đến
đây chúng ta đã điểm qua tất cả bốn khía cạnh căn bản của Chánh Kiến.
Khi đã tự mình thấy được Tứ Diệu Đế diễn biến như thế nào trong trường
hợp này, chúng ta cũng đoán được chúng sẽ vận hành ra sao trong cuộc đời nói
chung. Do đó bánh xe trí tuệ sẽ được tiếp tục quay vòng.