Các cặp đối lập này thuộc
cá nhân, mở rộng thêm nữa thì một nhóm người sẽ tranh luận trong chủ trương sau
khi chết là hết hoặc sau khi chết là còn, vượt lên trạng thái tâm lý và chủ
trương đó thì lệ thuộc vào quan niệm vận mệnh hoặc thượng đế tối thượng sáng
tạo ra muôn loài. Hiện tại đứng trên góc độ Phật giáo, chúng ta cùng nhìn nhận
lại vấn đề này.
Nếu chúng ta chỉ dừng lại
ở trong bốn cặp đối lập được mất, hơn thua, vui buồn và yêu ghét thì trong tâm
luôn quay cuồng theo sự thay đổi liên tục của nó. Giả sử hiện tại ta đạt được
một món quà nào đó, thì khi ấy chúng ta rơi vào trạng thái lo lắng làm sao để
giữ mãi mãi và không bao giờ mất đi thứ mà vừa đạt đựơc.
Đồng thời lúc này trong
tâm của chúng ta lại muốn mình hơn người khác và cho họ biết rằng họ đã thua,
sau đó mang cái mình đạt được đi khoe khoang, họ buồn còn mình thì vui. Nếu họ
thích mình thì mình sẽ luôn quan tâm, yêu thương và trân trọng nhưng nếu ngược
lại họ không thích thì lại buồn và oán giận trong lòng. Thế thì mỗi ngày liên
tục trong tâm thức đó, chúng ta cứ rộn ràng xôn xao như một cái chợ vừa nhóm
họp.
Tất cả những âm thanh ồn
ào, náo nhiệt hay các sự vật hiện tuợng đang diễn ra trong cái “xóm chợ” kia,
tất cả cảm nhận từ các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, đều phục vụ
cho bốn cặp đối lập này. Như vậy làm sao ta có thể có được tâm hồn cao thượng
để tâm lo lắng cho những việc lớn hơn, có biết bao nhiêu thứ ngoài kia đang chờ
ta đến để giải quyết, có biết bao nhiêu con người đang đứng chờ ta dang đôi tay
ấm áp để vỗ về an ủi họ trong cõi Ta bà nhiều khổ đau này.
Các hiện tượng tâm lý trên
được hiểu rằng rất bình thường và phổ biến hầu hết trong tất cả chúng sanh,
nhưng nó sẽ tan rã theo khi chúng ta trút hơi thể cuối cùng, thế thì cuộc đời
chúng ta chỉ giới hạn trong các trạng thái đó thôi sao? Để đối trị lại vấn đề
này, Phật giáo dạy chúng ta quán chiếu quan sát sự thay đổi tinh vi của những tâm
lý này, để khỏi bị cuốn trôi vào dòng thác chảy xiết kia, mà phát huy những tâm
hồn cao hơn tốt đẹp hơn.
Thêm bước nữa là khi chúng
ta vượt qua bốn cặp tâm lý này, lại chọn ra hai chủ trương sau khi chết còn tồn
tại (thường kiến) hay sau khi chết thì mất hết (đoạn kiến). Bắt đầu chia ra suy
nghĩ cái nào sẽ quyết định thắng hơn cái nào. Từ đó ta biện luận tranh đoạt,
cuối cùng ta lại quay về với bốn cặp đối lập trước.
Đức Phật chỉ dạy: các
duyên mà thành, nói lên mối quan hệ mật thiết giữa các yếu tố với nhau, chia
tất cả các hiện tượng trên thế giới này thành hai loại như sau: thế giới vật
chất (sắc pháp) và thế giới ý thức (tâm pháp). Nhưng mục đích chủ yếu của việc
chia ra đó là để làm đề mục thiền quán, tìm trong vật chất nhỏ cực vi đó, để
thế giới ý thức nhỏ thay đổi trong thời gian nhỏ nhất đó, không có cái tôi cá
nhân tồn tại và phát hiện được sự ảnh hưởng qua lại của nó mà kết hợp phát
triển điểm tích cực của nó.
Thông thường từ sự thảo
luận chết còn hay mất của kiếp nhân sinh sẽ dẫn đến hai kết quả là quan niệm
cho rằng con người do đấng sáng tạo ra nên một số người hay tin số mệnh. Hai
quan điểm này chiếm số lượng người tin theo rất lớn.
Vì họ chưa thấu hiểu hết
mọi sự vật hiện tượng đang diễn ra xung quanh, không còn cách lựa chọn nào khác
họ đành phải dựa dẫm vào đấng tối thượng nào đó, mang trong tâm trí cảm giác sợ
hãi, lo lắng như một đứa trẻ mới lớn luôn mong muốn đựơc dựa dẫm vào cha mẹ, từ
đó trong hệ ý thức này mà hình thành xây dựng nên một đấng sáng tạo chung, vừa
để phục vụ lòng yếu đuối và vừa là nơi cư trú của tâm hồn họ. Cuối cùng chính
bản thân họ tự nguyện làm kẻ quỵ lụy, trung thành dưới sức mạnh kia như những
thần dân trung thành với quốc vương.
Nếu không tin điều đó thì
có người trong căn bản tâm thức của họ cho là có vận mệnh, cứ tin vào “số phận
tôi phải như vậy!” thì làm sao mà phát huy được chính mình. Phật giáo dạy nhân
duyên, do nhân tạo như vậy, kết hợp với duyên như thế sẽ tạo ra kết quả, đó là
điều hiển nhiên. Nhưng trong quá trình đó có sự thay đổi cải thiện được, chẳng
phải là hoàn toàn thụ động máy móc. Đối với những người sống mà có tư tưởng
buông xuôi, chỉ biết than phân trách phận sao cái vận mệnh mình lại như thế
này, mà không chịu phát huy cái tích cực tiềm ẩn trong mỗi cá nhân.
Hy hữu thay cho nhân loại,
Đức Phật đã nhìn rõ quy luật của cuộc đời, và từ bi chỉ dạy giáo lý duyên khởi,
tất cả đều thay đổi, nếu ai cố chấp không chấp nhận sự thay đổi đó thì bị khổ
đau. Và quán chiếu nó sẽ đạt đến vô ngã niết bàn (trong tâm thức không còn tham
lam sân hận và si mê), sống trong an lạc, từ đó một cách tự nhiên vượt qua các
cặp đối lập, hai loại quan niệm sau khi chết còn hay mất, không còn nô lệ trong
hệ ý thức thần thánh và vận mệnh.
Pháp Bảo