Wednesday, September 16, 2015

Nếu có trường hợp một người bạn hoặc người chồng hoặc người con có những lời làm cho mình buồn rồi nếu mình trả lời lại tức là mình sân



Hồi xưa trong trường thiền nơi bần đạo ở, có một bà tín nữ người Thái, bà ghen ghê lắm, bà cứ nghĩ chồng mình luôn luôn là đi ra ngoài kiếm chuyện này chuyện nọ để làm khổ bà, lần nào ông xuống xe là bà từ trong nhà trên tay bà có cái gì là bà liệng vô mình ông cái đó, nhưng ông chồng thì hiền cứ nhịn hoài. Một ngày nọ không biết bà nghĩ sao bà tới tìm ông Cả, ông Cả là vị Thiền Sư của Sư và kể về chuyện của bà. 

Thì ông Thiền Sư mới nói:
"Thôi được rồi, để ta làm nước phép cho đem về."
Ông lấy cái chai múc đầy nước vào chai, rồi ông lấy tay vẽ vẽ ,còn miệng thì niệm niệm gì đó không biết. Rồi ông nói:
"Về nhà, mỗi lần ông về tới nhà mà bà nghe tiếng xe thì hớp một hớp nước này gậm trong miệng, nhưng cấm nhổ ra và cấm nuốt, gậm chừng 15 tới 20 phút rồi mới được đi nhổ."
Bà được chai nước phép bà thích quá xách về. Bà vừa nghe tiếng xe ông chồng thắng cái kẹt, bà chạy vô lấy chai nước gậm một hớp. Thường thường ông chồng biết tánh bà rồi, vì ông ở với bà lâu, ông tới ông quẹo qua quẹo lại lén lén nhìn, sao hôm nay thấy nhà êm re không biết chuyện gì xảy ra, ông lén mở cửa nhè nhẹ ló đầu vào nhìn, mỗi lần thường thường ló đầu vào có gì còn né kịp, nhưng khi ló đầu vào cũng không thấy gì hết, mà thấy bà ngồi đó. 

Ông liền hỏi: "Bộ bữa nay không khoẻ sao vậy?"
Bà không trả lời, bởi vì nước thánh trong miệng trả lời là tiêu luôn nên không trả lời, nuốt không được và nhả ra cũng không được.
Ông hỏi: "Ủa sao vậy, hôm nay tịnh khẩu hay sao vậy?"
Bà cũng nhất định không trả lời, bởi vì nếu mà nói nước phép nó chảy ra thì uổng, nước này của ông Cả ông cho, không được lãng phí, bà ngồi bà gậm, cái miệng bà cứ trạo qua trạo lại muốn nói cũng không được, muốn cười cũng không được, làm gì cũng không được, ông chồng thấy vậy rón rén đi vô ngẫm nghĩ không biết hôm nay chuyện gì xảy ra.
Ông nói: "Chắc bữa nay sắp có hoà bình tới nơi sao mà tự nhiên bà không có la hét gì mà ngồi im lìm giống như là tiên nữ trên trời mới xuống."

Ông đi vô tới chừng đúng 15 phút thì bà phun nước ra, thì lúc đó bà hết giận rồi và cũng hết nghĩ ông chồng này nọ, thế là hết giận rồi, xong một ngày khỏe, một ngày hoà bình.
Ngày hôm sau cũng vậy mỗi ngày mà nghe tiếng xe bà làm nữa, bà làm riết chai nước hết nước thế là bà quên luôn cái chuyện nghĩ ông chồng này kia, ông chồng thấy bà sao kỳ vậy nên ông ráng đi về đúng giờ như bình thường.

Thành ra đó là yếu tố tâm lý cho mình thấy rằng khi nào mình nhịn được thì nên nhịn, bởi vì mình nhịn mình đừng có nghĩ rằng họ khinh thường mình hay người đó mình không nói ra thì họ nói mình ngu. Thật sự họ nói mình ngu, mình cứ nghĩ mình ngu thì khỏe. Họ chửi mình là con heo con gà thì mình cứ nghĩ mình là con heo con gà thì cho nó khỏe. Lý do tại mình cứ chấp mình là người cao thượng, mình chấp mình là người con rồng cháu tiên. Họ chửi mình đồ con rồng cháu tiên mình không giận. Nhưng đi qua các xứ Nam Phi mấy nước thờ chó, mình chửi họ đồ con chó, họ không giận, mà mình chửi con rồng cháu tiên thì họ giận. Thì những cái đó là những cái chế định, và khi chấp vô thì mình cho mình là như vậy.
Thành ra khi nào mình nghĩ, khi nào tâm mình là thiện pháp, nếu mình không nói mà tâm mình lúc đó là tâm thiện, lúc đó tâm là tâm từ, lúc đó tâm mình là tâm bi, thì hành động bao giờ cũng tốt. Dầu rằng ai nói gì đi nữa thì hành động cũng là hành động tốt. Còn bây giờ mình không nói mà tâm mình hầm hầm, mình làm như mình là người có pháp nhẫn cao thượng, ai nói gì cũng kệ, nhưng trong bụng thì mình ghìm lời nói của người ta từng câu, ghìm với sự sân hận như vậy thì cũng không lợi ích gì. Thành ra đó là trong đời mình phải để ý mình nhường một chút, nếu mình làm hành động gì để người ở xung quanh mình cũng biết điều mà nhường một chút thì tự nhiên mình đi vào con đường trung đạo của giáo pháp. Không có chuyện gì để mình phải chấp hết. 

Giống như vị hồi nãy hỏi về con cũng vậy, thật sự thì mấy Sư ở đây không có con thì không biết thế nào, nhưng nếu nó nhỏ quá thì mình không dạy được nó, nhưng nếu nó lớn bắt đầu biết rồi thì mình phải nói cho nó hiểu thế nào là sự học có lợi ích. Đôi khi mình phải có những giải thưởng cho nó nữa. Mình nói về lợi ích của sự siêng năng như thế nào, sự lười biếng xấu như thế nào. Khi mình dạy mà nó nhận thức được thì có thay đổi.
Thứ hai với hành động đưa vào các trung tâm giữ trẻ là cái chuyện cuối cùng. 

Trước hết mình hãy tìm cho nó những đứa bạn nào mà nó thích, bởi vì chúng ta có những oan trái, những cộng nghiệp với nhau trong kiếp trước, mình nói nó không nghe, nhưng có thể người nào đó ở xung quanh mình như ông ngoại bà ngoại hay đứa bạn hàng xóm nói nó sẽ nghe, thì mình dùng cách là "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng" nó gần những đứa bạn tốt thì tâm tánh nó thay đổi, bên cạnh đó mình dạy cho nó biết nhân quả cái nào xâú không nên làm cái nào tốt thì nên làm, mình không nên rày nó bởi vì đôi khi mình rày nó càng cứng đầu thêm. Bản chất con người có khuynh hướng chống lại những gì đang xảy tới cho mình, thành ra khi mình càng la thì nó càng cứng đầu, mình càng đánh thì nó càng hung dữ. Không nên, bởi vì tâm mình khi đánh nó với tâm sân, thì bắt buột là nó nhận phần xấu từ tâm sân của mình, nó phải sân trở lại, chớ không thể nào nói cái tâm ấy con nít nó không biết mình nghĩ gì. 

Quí vị nên nhớ con người ta có những cách nhận thức với nhau, thí dụ như bây giờ qúi vị kêu con chó lại mà sau lưng qúi vị dấu cái cây nó cũng không dám lại, nó nghe tiếng mình kêu, nó nhìn con mắt mình là nó biết lại là bị đòn nên nó không lại, thì con nít cũng vậy, mình dùng tâm sân với nó thì nó cũng phản ứng bằng cách nhận lại tâm sân như vậy, thì mỗi ngày nó nhận một chút thì cái tâm nó sẽ lần lần bị nhuộm tật xấu đó, thành ra lớn lên nó mới cứng đầu, lớn lên nó mới hư hỏng, chứ nếu mình dạy nó rất đàng hoàng, mình dạy nó bằng tâm từ, nói cho nó nghe sự lợi ích như thế nào, sự xấu xa nó xấu như thế nào, từ nó nghe những lời hay lẽ đẹp thì con người nó mới trở lên có lời hay lẽ đẹp mà thôi. Namo Buddhaya ./.

Minh Hạnh chuyển biên