Thật vậy, dù đã tu tập và thấm nhuần Đạo pháp từ hàng nghìn
năm thế nhưng các dân tộc Á châu tuyệt nhiên không hề thắc mắc đấy là ton giáo,
triết học, luận lý hay khoa học… Chữ “Phật giáo” (Bouddhisme-Buddhism) là một
thuật ngữ hoàn toàn mới mẻ mang ý nghĩa ngoại lai và vay mươn, do người Tây
phương đặt ra vào khoảng năm 1825, bằng cách ghép thêm chữ isme-ism vào chữ
Bouddha – Buddha tên của Đức Phật để tạo ra từ Bouddh-isme – Buddh-ism khi “Phật
giáo” bắt đầu thâm nhập và bành trướng tại Âu châu. Vì thế, để chỉ giáo lý của
Đức Phật, ở đây xin được dùng chữ Đạo pháp – tiếng Phạn là Dharma – thay vì chữ
“Phật Giáo”. Thật ra chữ Dharma cũng là chữ mà các học giả Tây phương lỗi lạc
nhất về “Phật giáo” sử dụng từ lâu nay để nói về giáo lý của Đức Phật, vì họ đều
ý thức được ý nghĩa hạn hẹp và lệch lạc của chữ “giáo” (isme – ism) vốn có nguồn
gốc văn hóa phương Tây.
Bài viết này sẽ phân tích và tìm hiểu xem Đạo pháp có phải
là một tôn giáo hay không.
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu xem chữ “giáo” hay “tôn
giáo” tức là ”ism” mang ý nghĩa như thế nào. Chữ ism (isme) xuất phát từ chữ
ismo trong cổ ngữ Hy-lạp, và sau đó thì ismo trở thành ismus khi chuyển sang tiếng
La-tinh. Chữ ism (tiếng Anh), chữ isme (tiếng Pháp) được sử dụng trong ba trường
hợp sau:
1- Chỉ định một giáo lý hay chủ nghĩa, một giáo điều hay một
luận thuyết, thí dụ như: communism (chủ nghĩa cộng sản, giáo điều cộng sản),
hedonism (chủ nghĩa hoan lạc), darwinism (luận thuyết darwin)…
2- Chỉ định một phẩm chất hay một thể dạng nào đó, thí dụ
như: anachronism (tình trạng lỗi thời), professionalism (tính cách nhà nghề)…
3- Chỉ một cách cư xử hay một bệnh lý, thí dụ như:
narcissisism (tính cách trau chuốt chính mình), somnambulism (bệnh mộng du hay
miên hành).
Như vậy trên phương diện thuần túy ngữ học thì chữ ism mà
người Tây phương ghép thêm vào tên của Đức Phật có phản ánh được chữ Dharma hay
không? Nếu hiểu chữ ism là một thứ “giáo điều” hay “giáo lý” thì cũng nên xem ý
nghĩa của nó có phù hợp với ý nghĩa của chữ Dharma tức là Đạo pháp hay không?
Chữ “giáo” hay “ism” tương đương và đồng nghĩa với chữ
religio trong tiếng La-tinh. Chữ religio phát sinh vào thời cổ đại (thế kỷ thứ
III-II trước Tây lịch) thuộc nền văn minh La-Mã, thế nhưng ý nghĩa không được
rõ rệt. Bước sang thời hậu cổ đại, một nhà lãnh đạo chính trị và học giả người
La-Mã là Marcus Tullius Cicero (thế kỷ thứ I trước Tây lịch) mới định nghĩa chữ
religio là “hành động hướng vào một cái gì tối thượng mà người ta cho là thiêng
liêng và phải tôn thờ”. Kể từ đó chữ religio chỉ định sự tương quan giữa con
người và Thượng đế. Chữ dîn trong kinh Coran / Koran của hồi giáo mang ý nghĩa
là “những lời chỉ thị” của Trời (Allah), do đó cũng có thể xem như đồng nghĩa với
chữ religio trong tiếng La-tinh.
Nhìn vào các nền văn hóa Á châu người ta không thấy có thuật
ngữ nào tương đương với từ religio. Mãi đến đầu thế kỷ XX, người Trung hoa mới
dùng chữ zōng jiào (宗 教) để dịch chữ religio. Jiào (giáo) có nghĩa là lời giảng
hay lời dạy, zōng (tông) có nghĩa là tông phái hay những gì thuộc về tổ tiên.
Thật ra thì hai chữ zōng jiào đã có từ thế kỷ thứ X dưới dạng ghép chung vào
nhau thành một chữ duy nhất để chỉ giáo huấn của Đức Phật. Tóm lại trong cả hai
trường hợp chữ tôn giáo hay tông giáo (zōng jiào) không tượng trưng cho sự
tương quan giữa con người và Thượng đế đúng với ý nghĩa của chữ religio trong
ngôn ngữ Tây phương.
Chữ tôn giáo (religio) lại mang ẩn ý nói lên lòng tin tưởng vào sự hiện hữu của một vị Trời
(Chúa Trời, Thượng để, Allah…) đã sáng tạo ra thế giới và con người. Do đó thuật
ngữ “tôn giáo” nhất thiết dùng để giải thích “các hiện tượng bên ngoài” mà con
người phải chịu đựng mà nhất là phải ngoan ngoãn “thích ứng” với những hiện tượng
đó. Muốn được “cứu rỗi” phải thực hiện được sự “giao tiếp” với vị Trời của mình
và phải tuân thủ các “giáo điều” bất di bất dịch của vị ấy “đưa ra”.
Trong khi đó Dharma của Đức Phật trước hết nêu lên “cách
nhìn định hướng vào bên trong”của mỗi cá thể con người để tự cải thiện lấy
chính mình, sau đó là “cách nhìn vào thế giới chung quanh” để quán nhận bản thể
đích thực của mọi hiện tượng hầu ý thức bổn phận của chính mình đối với người
khác và môi trường thiên nhiên. Mỗi con người phải gánh chịu hậu quả khổ đau
phát sinh từ những ảo giác do chính mình tạo ra, và chính mỗi con người cũng phải
tự giải thoát cho mình khỏi các ảo giác ấy dựa vào Đạo pháp như một phương tiện.
Vậy Đạo pháp của Đức Phật trước hết là một phương tiện giúp cho con người tự tu
tập loại bỏ mọi ảo giác và theo cách hiểu đó thì Đạo pháp – Dharma – không phải
là một “tôn giáo” theo ý nghĩa của chữ religio trong ngôn ngữ Tây phương. Có lẽ
chúng ta cần phải tìm ra một chữ khác chẳng hạn như chữ tín ngưỡng để “dịch” chữ
religio trong tiếng La-tinh để gọi các tôn giáo “hữu thần”.
Thế nhưng “Phật giáo” dưới một vài khía cạnh nào đó lại rất
giống như một “tôn giáo” vì “Phật giáo” cũng chủ trương sự sùng kính, nghi lễ,
kinh kệ, có chùa chiền, tượng ảnh và “Phật giáo” cũng có “đức tin”…
Trước hết các nghi lễ trong “Phật giáo” tượng trưng cho sự
sùng kính và tưởng nhớ đến Đức Phật như một vị Thầy tối thượng. Các hình thức lễ
lạt như nhang đèn, hương hoa, lễ vật… là phương tiện để thể hiện và cụ thể hóa
lòng yêu thương của người Phật tử đối với vị thầy của mình, không phải là một
hình thức “mua chuộc” ân huệ. Trên một khía cạnh khác, các hình thức lễ lạc
cũng tượng trưng cho những “phương tiện thiện xảo” (tiếng Phạn: upaya) giúp vào
việc tu tập. Thật vậy, lễ lạc, tụng niệm cũng có thể xem như một phương tiện
thiền định. Vai trò của chùa chiền, tượng ảnh… cũng nhầm vào mục đích đó tức
“thay mặt” cho Đạo pháp nhắc nhở và khích lệ chúng ta.
Kế đến thì “đức tin” trong “Phật giáo” không phải là một đức
tin mù quáng bất chấp sự thật mà đúng hơn chỉ là sự tin tưởng vững chắc vào
Dharma tức những lời giáo huấn của Đức Phật. Xin tóm lược một câu phát biểu rất
nổi tiếng của Đức Phật như sau:”Phải nghi ngờ tất cả, không nên tin vào những lời
thuyết giảng của Ta. Hãy xét đoán những lời ấy bằng kinh nghiệm trực tiếp của
mình, cũng như người thợ kim hoàn đem vàng ra để thử bằng cách nung , cắt, và đập…”.
Các lời giảng của Đức Phật đã được các đệ tử của Ngài và các vị đại sư trên
dòng lịch sử phát triển của Đạo pháp mang ra thử nghiệm và chứng thực. Đức Đạt-lai
Lạt-ma chẳng phải là một nhân chứng và một tấm gương cho nhân loại noi theo hay
sao?
Tóm lại, Đức Phật không phải là một nhân vật toàn năng để
chúng ta cầu khẩn mà đúng hơn là một tấm gương cho chúng ta nhìn vào. Tuy Đạo
pháp – Dharma – của Đức Phật mang một sắc thái khá tương tợ với một tôn giáo,
thế nhưng nếu muốn gọi Đạo pháp của Đức Phật là một “tôn giáo” thì chữ này phải
mang ý nghĩa của chữ zōng jiào (宗 教), chứ không phải là một “tôn giáo” theo ý
nghĩa Tây phương của chữ religio. ■
HOANG PHONG