Cũng như các giá trị khác của đời sống, hạnh phúc cũng có những
điều kiện của nó. Điều kiện của hạnh phúc là các yếu tố làm nên chính nó.
Hầu như ai cũng cho rằng tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, địa
vị xã hội… là những yếu tố mang lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, qua tìm
hiểu và phân tích, người ta thấy rằng hạnh phúc còn tùy thuộc rất nhiều vào
quan niệm, nhận thức, sự cảm nhận của mỗi người. Điều kiện hạnh phúc của người
đàn ông cũng không giống điều kiện hạnh phúc của người phụ nữ. Đa phần nam giới
nhận thấy yếu tố mang lại hạnh phúc cho họ là quyền lực, địa vị và tiền bạc,
trong khi đó yếu tố mang lại hạnh phúc cho phụ nữ là tình yêu, mái ấm gia đình,
con cái, sự thành công trong các mối quan hệ, còn tiền bạc và sự nghiệp chỉ là
thứ yếu. Vậy thì điều kiện của hạnh phúc là gì? Những nhân tố nào làm nên hạnh
phúc? Tiền bạc, danh vọng, địa vị… chỉ là một trong những nhân tố góp phần làm
nên hạnh phúc, chúng không phải là nhân tố duy nhất quyết định.
Có thể hiểu hạnh
phúc là trạng thái thoải mái, dễ chịu, cảm thấy thỏa mãn, hài lòng, sung sướng,
vì thế nếu cơ thể không khỏe mạnh, gia đình không đầm ấm, các mối quan hệ không
tốt đẹp, công việc gặp rắc rối, phải chịu nhiều áp lực căng thẳng trong cuộc sống
thì liệu tiền bạc, danh vọng, địa vị có mang lại hạnh phúc cho chúng ta không?
Chỉ khi cuộc sống có sự cân bằng hài hòa, hoặc chỉ khi chúng ta làm chủ được những
tham muốn trong lòng, tìm thấy được niềm vui nội tại thì chúng ta mới có được hạnh
phúc. Phải chăng đây mới chính là điều kiện của hạnh phúc.
Người ta thử tìm hiểu xem những người phụ nữ thành đạt có hạnh
phúc không, thì thấy rằng thành đạt không phải là nhân tố quyết định mang lại hạnh
phúc. Có rất nhiều phụ nữ thành công trong sự nghiệp, có nhiều tiền, có danh tiếng,
có địa vị trong xã hội nhưng họ không hạnh phúc. Còn người đàn ông thành đạt có
hạnh phúc không? Theo cuộc thăm dò vào tháng 4 năm 2008 của Nielsen – công ty
hàng đầu thế giới về cung cấp thông tin và tiếp thị, với sự tham gia của gần
30.000 người trên 51 quốc gia, thì chính những yếu tố quyền lực, địa vị và tiền
bạc đã làm cho người đàn ông không hạnh phúc bằng phụ nữ.
Nghiên cứu này cũng
cho biết hạnh phúc không phụ thuộc vào các yếu tố quyền lực, địa vị và tiền
tài. Cũng chính vì thế, một điều khiến cho người ta khó có thể tin là người
nghèo thường cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn người giàu (Theo kết quả thăm dò của
Nielsen về sự cảm nhận hạnh phúc ở những nhóm khác nhau: đàn ông và phụ nữ, người
giàu và người nghèo). Xem ra từ bấy lâu người ta đã đánh giá sai lầm những giá
trị sống. Cho rằng tiền bạc trong đời sống, nhất là đối với xã hội tiêu thụ thực
dụng hiện nay, là điều kiện tất yếu mang lại hạnh phúc, dường như đó là nhận thức
mang tính “thực tế” nhưng hóa ra lại sai lầm.
Tuy nhiên, thật không dễ có được sự cân bằng hài hòa trong
cuộc sống, chỉ còn cách làm chủ những tham muốn của mình, sống với niềm vui bên
trong tâm hồn để có hạnh phúc. Nếu làm được điều này thì dù ở trong hoàn cảnh
nào chúng ta cũng có được niềm vui và hạnh phúc. Chẳng hạn như có những người
tuy nghèo, họ thiếu thốn về vật chất nhưng họ vẫn có hạnh phúc nhờ biết tự mãn
nguyện, biết vui với những gì mình đang có, không đòi hỏi, không mong cầu nhiều.
Những bậc vĩ nhân của nhân loại sống không vì danh vọng, bạc tiền như mọi người
trên thế gian mà họ vẫn thấy an vui, lạc quan và hạnh phúc. Các bậc tu hành
cũng vậy, đời sống không có các thú vui hưởng thụ, thế mà họ vẫn bình thản an
nhiên, không ưu phiền, không phàn nàn than thở.
Hạnh phúc có được từ sự làm chủ những tham muốn là thứ hạnh
phúc không điều kiện. Ví dụ như khi giúp đỡ được nhiều người mà không mong cầu
tri ân báo đáp, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn khi mong cầu việc
làm đó mang lại danh tiếng và lợi ích cho mình. Chính nhận định sai lầm và những
tham muốn, khát vọng về tiền tài, danh vọng, địa vị đã khiến cho người ta quên
đi những giá trị sống khác như tình bạn, tình yêu, sự an lạc của gia đình, niềm
vui và sự thỏa mãn với những gì đang có, lòng vị tha, bác ái, sự bình an và
thanh thản của tâm hồn v.v. Những giá trị sống này mang lại hạnh phúc rất nhiều
cho chúng ta, chúng luôn tồn tại trong chúng ta và xung quanh chúng ta nhưng vô
tình chúng ta quên bỏ.
Trong thời gian khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu vừa
qua, ở Estonia người ta thực hiện ý tưởng thành lập một ngân hàng gọi là “Ngân
hàng hạnh phúc” (Happy bank). Khác với ngân hàng bình thường, Ngân hàng hạnh
phúc “huy động vốn” và “cho vay”những ý tưởng, sáng kiến mang đến niềm vui, niềm
hạnh phúc cho mọi người để vượt qua những khó khăn thử thách trong thời kỳ kinh
tế suy thoái. Người sử dụng dịch vụ Ngân hàng hạnh phúc mở tài khoản và làm
giàu tài khoản của mình bằng cách cống hiến ý tưởng và làm nhiều điều tốt có ích
cho cộng đồng xã hội, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Tài khoản càng lớn khi
có nhiều ý tưởng, sáng kiến đóng góp và làm nhiều điều tốt. Ở đây người giàu có
không phải là người có nhiều tiền mà là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng,
xã hội.
Lãi suất của ngân hàng chính là niềm vui và hạnh phúc mà mình có được
khi làm điều tốt. Những người tham gia đầu tư vào Ngân hàng hạnh phúc ý thức được
rằng giá trị hạnh phúc không lệ thuộc vào giá trị tiền bạc, nhờ đó họ không bị
suy sụp, khủng hoảng tâm lý trước tình trạng biến động của nền kinh tế, họ thấy
rằng dù nghèo khó về tiền bạc nhưng giàu có về tâm hồn vẫn tạo cho cuộc sống
nhiều niềm vui và hạnh phúc. Qua hoạt động của Ngân hàng hạnh phúc người ta biết
thông cảm và thương yêu nhau hơn, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau, cùng chung tay cải
thiện cuộc sống. Hàng trăm diễn đàn cộng đồng do Ngân hàng hạnh phúc tổ chức tạo
điều kiện cho mọi người trao đổi, sẻ chia những kinh nghiệm sống, những ý tưởng
thiết thực hữu ích mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.
Hạnh phúc luôn là mục tiêu con người hướng đến. Ai cũng biết,
sống thì cần nơi ăn chốn ở, cần ăn uống ngủ nghỉ, rèn luyện, làm việc để cơ thể
vật lý tồn tại, cần sinh hoạt, thưởng thức văn hóa tinh thần để nuôi dưỡng tình
cảm, tâm lý. Tuy nhiên sống làm sao, sống như thế nào để có hạnh phúc là điều
vô cùng quan trọng, đó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều ở kỹ năng nhận thức,
tư duy và hành động trong quá trình xây dựng cuộc sống.
Sự nhận thức sai lầm về các giá trị sống là nguyên nhân lớn
dẫn đến đời sống không hạnh phúc. Nguyên nhân này chịu tác động rất nhiều từ
nghiệp riêng của mỗi con người (biệt nghiệp), môi trường sống, gia đình và hoàn
cảnh xã hội. Ví dụ như trong đời sống hiện đại, vì đánh giá sai về giá trị của
tiền bạc mà người ta đánh mất hạnh phúc gia đình, đánh mất bản thân, xã hội xảy
ra nhiều tệ nạn. Tiền bạc có thể làm chất xúc tác để tạo ra hạnh phúc nhưng tiền
bạc không thể đánh đổi hạnh phúc, tiền bạc không mua được hạnh phúc.
Có nhiều
giá trị hạnh phúc mà tiền bạc không mua được, đó là sinh mạng, sức khỏe, tình
yêu, niềm vui trong công việc, trong cuộc sống, lòng tin yêu, sự êm ấm trong
gia đình, niềm vui trong mối quan hệ với người thân và bè bạn… Khi nhận thức lệch
lạc sẽ dẫn đến những suy nghĩ và hành động sai lầm, tiêu cực, chẳng hạn như
chúi mũi vào việc kiếm tiền mà quên đi hạnh phúc gia đình, quên cả bản thân (bỏ
qua những niềm vui trong cuộc sống cá nhân, cuộc sống gia đình, xã hội, quên việc
quan tâm sức khỏe, việc ngăn ngừa, điều trị bệnh tật, bất chấp tuổi tác v.v.).
Có người vì mục tiêu kiếm cho thật nhiều tiền mà không ngại dùng những âm mưu
thủ đoạn xấu xa đen tối, gây tạo tội ác, vi phạm pháp luật, trái với đạo đức,
chẳng hạn như tham nhũng, tham ô, lừa đảo chiếm đoạt, trộm cướp, cờ bạc, bán sắc
buôn hương…
Hiện nay báo chí rầm rộ phê phán tình trạng các ca sĩ, diễn
viên đang tạo tên tuổi, sự thu hút bằng cách “khoe hàng”, ăn mặc hở hang phô
bày hình thể. Nguyên nhân của hiện tượng này cũng là sự nhận thức sai lầm, lệch
lạc về cái đẹp, về giá trị con người, giá trị nghệ thuật. Một ca sĩ, diễn viên
đẹp trong mắt người hâm mộ là một người không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài (nhan sắc,
hình thể) mà còn ở chỗ trình độ nghệ thuật, phong cách biểu diễn, tinh thần phục
vụ, đạo đức nghề nghiệp…
Có tinh tế, có biết cảm nhận niềm hạnh phúc trong cuộc sống
hay không cũng là nguyên nhân khiến cho người ta có hay không có hạnh phúc. Việc
có được một đời sống cân đối, hài hòa giữa vật chất và tinh thần, giữa cá nhân,
gia đình và xã hội là điều không phải dễ. Có người thành công ngoài xã hội nhưng
thất bại trong gia đình, có người thì ngược lại, thành công trong gia đình
nhưng không thành công ngoài xã hội. Nếu cứ cho rằng phải đạt được mục tiêu
này, tiêu chí nọ thì mới có niềm vui, mới có hạnh phúc, rồi quên bỏ tất cả những
giá trị sống khác, để cố sức đạt được mục tiêu thì cả một quá trình phấn đấu là
cả một chặng đường nhọc nhằn không hạnh phúc. Nhưng nếu tinh tế hơn, biết cảm
nhận niềm vui, hạnh phúc trong quá trình sống và làm việc, trong quá trình nỗ lực
phấn đấu, ý thức được rằng hạnh phúc luôn có mặt trên mỗi chặng đường ta đi
qua, ta phải biết cảm nhận nó, thì dù chưa đạt được mục tiêu ta vẫn có hạnh
phúc, ta vẫn có niềm vui.
Còn như đợi đạt được mục tiêu rồi ta mới có hạnh phúc
thì biết đâu sau mục tiêu đó còn có các mục tiêu khác được đặt ra, đâu là mục
tiêu cuối cùng; mà như vậy, hạnh phúc có được chỉ là thứ hạnh phúc tạm thời và
ngắn ngủi, biết bao giờ ta mới có được hạnh phúc lâu bền? Hoặc nếu như ta không
đạt được mục tiêu thì sao? Đâu chắc mọi sự nỗ lực đều thành công cả. Ví dụ một
người nuôi con, nếu cứ nghĩ rằng mình chỉ thấy vui, thấy hạnh phúc khi con mình
lớn khôn, ăn học thành tài, thì người đó sẽ không có được hạnh phúc khi con
mình còn bé nhỏ. Trên thực tế người đó có thể rất hạnh phúc khi vui đùa bên
con, khi đưa đón con đến trường, khi ru con ngủ, khi mớm con ăn v.v.; có nghĩa
là người ấy có thể tìm thấy hạnh phúc trong quá trình nuôi con khôn lớn. Bởi thế,
có hạnh phúc hay không có hạnh phúc, có hạnh phúc nhiều hay có hạnh phúc ít còn
tùy thuộc vào việc ta biết cảm nhận hạnh phúc hay không, và cảm nhận ít hay nhiều,
tùy thuộc vào việc ta biết tạo ra hạnh phúc cho chính mình hay không.
Theo: Văn hóa Phật giáo số 138