Monday, September 28, 2015

Thế nào là sự kham nhẫn, thế nào là sự chịu đựng?




(Câu hỏi được hỏi trong rơom Giảng Đường Diệu Pháp, ngày 20 tháng 01 năm 2008) 

ĐĐ Phạm Trí: Sự kham nhẫn và sự chịu đựng khác nhau hoàn toàn. Bậc trí các Ngài luôn luôn tán thán sự kham nhẫn và không bao giờ tán thán sự chịu đựng. Sự chịu đựng là khi qúi vị bị một người nào đó có thế lực có sức mạnh hơn qúi vị, họ đánh, chửi và hành hạ qúi vị, hoặc trong những trường hợp khác nữa. Thì lúc bấy giờ do sự không có sức lực, qúi vị không dám khán cự lại mà ngồi đó chịu đựng, dù ai chửi cũng ngồi đó chịu đựng hứng chịu những lời mắng chửi của người khác, dù người ta đánh mình cũng đứng đó để cho người ta đánh v.v... như vậy lúc bấy giờ thân hứng chịu nhưng tâm qúi vị khởi nên niềm sân hận - điều quan trọng là ở chỗ này - là lúc bấy giờ tâm qúi vị rất sân rất giận, qúi vị ước gì có sức mạnh, ước gì đồng bạn đến, ước gì có tiền bạc mướn xã hội đen v.v... để đánh đập hành hạ người này thì trạng thái này gọi chịu đựng. 

Chúng ta không đủ sức chống lại chứ không phải vì chúng ta có trí tuệ tu tập mà chúng ta chiụ được, do đó chúng ta đành cắn răng chịu đựng nhưng trong thâm tâm nổi sân rất ghê gớm, chờ một ngày nào đó để tìm cách trả thù hoặc bấy giờ chúng ta ủ ấp một câu là "Quân tử trả thù mười năm chưa muộn, bây giờ ta còn thế cô sức yếu như thế này, ăn hiếp ta đi, mai mốt ta lớn lên có sức lực, có tiền, có quyền thế, lúc bấy giờ ta trả thù chưa muộn." Thì trạng thái này chúng ta gọi là chịu đựng. Chịu đựng tức là chúng ta hứng chịu cái gì đó, hứng chịu nghịch cảnh, nhưng tâm chúng ta lúc bấy giờ không phải là tâm thiện mà là tâm bất thiện, tâm sân của chúng ta đã ngấm ngầm chất chứa trong tận xương tủy, trong tâm của chúng ta. 

Thì ở đây xin nhắc lại chữ kham nhẫn (khanti) tức là kham nhẫn chịu đựng trước những nghịch cảnh, nhưng với tâm thiện, kham nhẫn là tâm thiện là một chi pháp rất rộng, nó không nằm trong một cái tâm nào cả, nó cũng không phải trong một sở hữu nào cả, mà là chi pháp khanti tức là kham nhẫn. Thí dụ khi qúi vị bị người nhỏ hơn mình hoặc những thuộc hạ của mình dùng lời mắng chửi đánh đập chúng ta, nhưng lúc bấy giờ chúng ta do có học giáo lý do có suy tư về Phật pháp, chúng ta biết nếu chúng ta cãi lại hoặc đánh đập lại người ta thì đó là trạng thái của tâm sân, mà tâm sân lúc bấy giờ là tâm bất thiện và bất thiện thì cho quả xấu, do chúng ta suy nghĩ như vậy nên chúng ta có sự kham nhẫn, và tâm của chúng ta lúc bấy giờ là khanti - kham nhẫn, là không có tâm sân ở trong. 

Chữ kham nhẫn - khanti này đối trị lại với chữ dosa tức là sân hận hoặc là patigha là hiềm hận. Khanti là sự kham nhẫn cũng là một ngọn lửa nhưng nó thiêu đốt sự sân hận, thiêu đốt những ác bất thiện pháp, thì như vậy chúng ta thấy kham nhẫn này thuộc về thiện pháp và là chi pháp rất rộng nó luôn luôn có mặt trong những tâm thiện v.v... và những tâm sở hữu cùng hợp với nó.

Ở đây xin kể một câu chuyện về tiền thân của Đức Bồ Tát, lúc bấy giờ Ngài đang tu về hạnh kham nhẫn. Một hôm Đức Vua và những cung nữ của mình cùng đám tùy tùng vào khu rừng để săn bắn vui đùa tắm suối. Nhà vua sau khi uống rượu say nằm ngủ bên một gốc cây, đám tỳ nữ thấy nhà vua ngủ mới đi tham quan ngắm cảnh thì gặp một vị đạo sĩ đang ngồi hành đạo tức là tiền thân Đức Phật, Ngài là bồ tát đang tu về hạnh kham nhẫn, các cô nhìn thấy một người với lục căn thanh tịnh với uy nghi siêu phàm và đang ngồi dưới một gốc cây để toạ thiền, nên phát tâm hoan hỉ và qùi xuống đảnh lễ, sau khi các cô đảnh lễ xong Đức Bồ Tát thuyết pháp cho mấy cô nghe. 

Khi nhà vua tỉnh dạy không thấy mấy cô tỳ nữ đâu cả, bấy giờ nhà vua đi kiếm và đi đến nơi thấy mấy cô tỳ nữ đang qùi chung quanh vị đạo sĩ và nghe vị đạo sĩ này thuyết pháp, thế là tâm sân của nhà vua nổi lên cuồng cuộn như thác lũ đổ, và nhà vua đi đến hỏi vị đạo sĩ này đang giảng gì và đang tu tập gì. Vị đạo sĩ nói là đang tu tập về kham nhẫn. Nhà vua nói kham nhẫn ở đâu, rồi nhà vua rút kiếm chặt tay, chặt chân. Khi mà chặt tay Ngài thì Ngài nói kham nhẫn không phải ở chỗ đó, mà ở trong tâm. Khi chặt chân Ngài, Ngài nói kham nhẫn không phải ở chỗ đó, mà ở trong tâm. Cuối cùng nhà vua tức giận quá giết luôn Bồ Tát.

Thì lúc bấy giờ kính thưa qúi vị, đó là trạng thái của Đức Bồ Tát là bậc trí tuệ đang tu hạnh kham nhẫn pháp ba la mật tạm thời gần đủ thôi, lúc có được trí tuệ như vậy. Còn chúng ta khi chỉ nghe người ta chửi hay nói xấu, hay đánh đập chúng ta thì tâm sân khởi lên, rồi bởi họ mạnh, họ đông, mình đâu dám lại kiếm chuyện với họ, mà để tâm kiếm cơ hội trả đũa lại, thì đó là trạng thái đang chịu đựng chứ không phải là kham nhẫn. Chịu đựng là một ác bất thiện pháp, kham nhẫn là một chi pháp rất rộng và luôn luôn có mặt trong những tâm thiện. 

Sự kham nhẫn và sự chịu đựng khác nhau hoàn toàn, một là thiện và một là bất thiện. Trong kinh Đức Phật Ngài dạy rằng: "Này các tỳ kheo, có hai pháp rất xa, thế nào là hai pháp rất xa: Giữa mặt trời lặn và mặt trời mọc thì rất là xa. Giữa mặt trăng và mặt trời thì rất là xa. Giữa bờ biển bên này và bờ biển bên kia rất là xa. Giữa thiện và bất thiện nó rất là xa." Thì chúng ta thấy là có hai pháp này rất là xa: kham nhẫn thuộc về thiện và sự chịu đựng thuộc về bất thiện, thì nó rất là xa, nó không giống nhau, nó khác nhau hoàn toàn bởi vậy có thiện thì không có bất thiện và có bất thiện thì sẽ không có thiện. Xin thưa với đại chúng như vậy, tạm thời trích dẫn ở trong Tăng Chi Bộ kinh để chứng minh cho qúi vị hai pháp này khác xa như vậy.

Minh Hạnh chuyển biên