Tuesday, September 8, 2015

Nếu nói rằng làm thiện không sanh cõi thiên, làm ác không sanh địa ngục, mà sanh địa ngục hay cõi thiên là do giờ phút cận tử.



 Con xin có câu hỏi là nếu có người nghĩ như vậy nên không làm thiện mà đợi đến giờ phút cận tử ráng nghĩ cảnh giới lành để được sanh về cõi lành được không?

(Câu hỏi được hỏi trong rơom Giảng Đường Diệu Pháp, ngày 02 tháng 01 năm 2008) 

TT Chí Tâm: Với câu hỏi này thì quí vị thử liên hệ đến cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta còn nhỏ thì sự hiểu biết của chúng ta còn kém, đến khi chúng ta có sự trưởng thành rồi thì lúc đó sức khỏe chúng ta có và trí tuệ của chúng ta cũng phát triển theo, đến khi già thì mắt tai mũi lưỡi thân và ý, những thứ này chúng ta sẽ thấy rằng mắt chúng ta mờ, tai chúng ta điếc, lưỡi chúng ta nếm vị không ngon, thân của chúng ta lại bịnh hoạn nhức mỏi, và thậm chí đến ý của chúng ta không còn nhạy bén nữa. Thì ở đây pháp số đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập đến là làm như thế nào chúng ta phải cố gắng huân tập thường xuyên. Giống như chúng tôi đã trình bày danh từ "Thường cận y duyên" tức là thường xuyên, thì chính cái thường xuyên này giờ phút lâm chung tâm của chúng ta mới mạnh mẽ, chứ nếu chúng ta không thường xuyên hằng ngày cuộc sống bình nhựt ta lo làm những bất thiện pháp thì chắc chắn trong giờ phút lâm chung tâm của chúng ta rất yếu, chắc chắn sẽ bị đoạ xứ. 

Bởi vậy câu chuyện này Đức Thế Tôn dư biết rằng ông Bàlamôn đề cập đến và hỏi khẳng định rằng nếu người làm phước sau khi chết sanh lên thiên giới, và nếu Đức Thế Tôn khẳng định thì ông Bàlamôn sẽ đưa ra vấn đề là tại sao người làm phước vẫn sanh xuống địa ngục như đức vua A Dục. Đó là một vấn đề để cho chúng ta thấy. Nhưng Đức Thế Tôn cũng vẫn đề cập đến vấn đề người làm phước sau khi thân hoại mệnh chung sanh lên thiên giới, cũng như Sư đã trình bày câu chuyện ông Dhammikha là thậm chí đến giờ phút chưa hấp hối tức là chưa chết vẫn có sáu vị trời ở sáu từng trời đem xe đến rước ông và mong cầu ông tái sanh lên cõi của mình. Đó là điều rõ ràng, và khẳng định rằng chúng ta làm như thế nào cố gắng duy trì thường xuyên trong thiện pháp, thường xuyên trong chánh niệm thì giờ phút lâm chung chắc chắn tâm của chúng ta mạnh mẽ hơn và sáng suốt hơn, nhiều khi nhãn nhĩ tỷ thiệt thân chúng ta bị tê liệt, nhãn chúng ta không thấy, lưỡi chúng ta không được nếm vị ngon, và thân chúng ta v.v... không cảm giác được, nhưng tâm của chúng ta vẫn sáng suốt, chúng ta nằm đó chúng ta vẫn nắm bắt được sự tu tập. Đó là cái điều mà Sư giải đáp hơi ngắn gọn.

TT Thích Hoàng Pháp: Qua sự giải thích của TT Chí Tâm thì cũng ý nghĩa như vậy. Chúng ta đừng nghĩ rằng: "Thôi bây giờ mình làm những việc gì mình muốn làm miễn đến giờ phút lâm chung mình hướng tâm về Tam Bảo thì mình cũng được sanh về thiên giới." Chớ có nghĩ như vậy, vì nghiệp ác mà trổ quả vào giờ phút lâm chung với hình thức nào đó rất là khổ sở khó mà quay được. May mắn chuyển bại thành thắng được một vài trường hợp cũng là hy hữu. Như câu chuyện tôi thường nhắc trong những ngày lễ dâng y là có một bà lão ăn mày xin bà được một xấp vải, bà phát tâm dâng cúng đến Chư Tăng chỉ một lần như vậy thôi, còn những việc khác thì bà không có cơ hội để làm. Đến lúc bà sắp lâm chung những ác nghiệp khác của qúa khứ hiện lên, như thấy lửa địa ngục hiện lên bởi các nghiệp ác khác thành tụ gọi là thú tướng (nimittā) là những cảnh sắp tái sanh hiện ra. Thì bà thấy lửa địa ngục màu đỏ khiến bà nhớ tới màu lá y bà đã dâng lên Chư Tăng. 

Vì bà làm chỉ có một lần thôi, mỗi lần bà nhớ thì bà hoan hỷ với phước báu bà đã làm. Nên trong khi thấy như vậy bà chực nhớ đến lần bà dâng y đến Chư Tăng bà hoan hỷ rồi từ đó phát sanh thiện tâm, bao nhiêu lộ trình tâm nối tiếp theo cho tới khi lộ cận tử rồi bà tử, thì như là chuyển bại thành thắng với tâm hân hoan thì lửa địa ngục biến thành hào quang thiên cung, và bà từ trần sanh lên cõi trời. 

Thì đây là những trường hợp hy hữu, chúng ta chớ có nghĩ rằng đợi tới chừng đó. Mà dù có làm được chăng nữa thì nếu chưa chứng quả Tu Đà Hườn thì có sanh lên cõi trời hưởng phước báu một thời gian cho hết tuổi thọ hay cho hết nghiệp, thì khi sanh trở lại làm người vẫn hưởng quả là hậu báo nghiệp là cái quả báu mà những nghiệp ác đã làm từ sát na thứ hai cho đến sát na thứ sáu cavana hay là động tâm. Chỉ có được hướng tâm như vậy thì hưởng được sát na thứ bảy là sanh báo nghiệp mà thôi, vậy thì rồi cũng phải khổ. Cho nên chúng ta đừng ỷ lại vấn đề đến giờ phút lâm chung rồi mới lo tu, không nên. Đó là chúng tôi góp ý thêm về câu hỏi này.

Minh Hanh chuyen bien